Trao đổi với Trần Trọng Dương
LTS: Sau khi website Tia Sáng đăng bài viết của TS. Trần Trọng Dương về tác phẩm “Nguồn gốc người Việt - người Mường”, tác giả cuốn sách - nhà nghiên cứu Tạ Đức - đã có bài viết nhằm trao đổi lại với TS. Trần Trọng Dương. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu bài viết đó.
1. Việc dùng tư liệu từ internet
Trong mục “Về thao tác trích dẫn”, Dương viết:
Tác giả đã tham bác một nguồn tư liệu rộng lớn, chủ yếu của các học giả nổi tiếng và có uy tín cả trong lẫn ngoài nước ở các lĩnh vực: sử học, khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học,…Nhưng, điều đáng tiếc, như chính tác giả tự công nhận, là 50% nguồn tư liệu tham khảo, tác giả lại khai thác từ internet…
…Trong một công trình khoa học, việc trích dẫn những nguồn thông tin được lấy từ mạng là nên hạn chế… Bởi lẽ, thông tin trên mạng (như wikipedia) là kiểu thông tin không nguồn gốc, có thể do bất kỳ ai đưa lên mà không phải chịu trách nhiệm khoa học về những thông tin đó…
Quả thực, tôi thấy ngạc nhiên trước các nhận xét trên bởi trong khi thừa nhận nguồn tư liệu của cuốn sách chủ yếu đến từ “các học giả nổi tiếng và uy tín” thì tác giả lại thấy việc 50% nguồn tư liệu đó được lấy từ mạng là “điều đáng tiếc” (?).
Đúng ra, đó phải là điều may mắn bởi thực tế, mạng internet đang ngày càng trở thành một nguồn thông tin quan trọng cho các nhà nghiên cứu.
Trong bài viết “Về vấn đề xử dụng các cơ sở dữ liệu điện tử phục vụ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn” từ mạng (http://nguyenphucanh.net/22), Nguyễn Phúc Anh (được biết là một đồng nghiệp thân thiết của Dương và cũng là một nhà nghiên cứu trẻ giỏi cả tiếng Hán, Anh và công nghệ thông tin) đã nêu hàng chục nguồn cơ sở dữ liệu điện tử (tức có thể lấy từ trên mạng) bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Trong phần kết luận, Nguyễn Phúc Anh viết:
Việc nghiên cứu khoa học cố nhiên có thể không có sự hỗ trợ của những cơ sở dữ liệu điện tử. Nhưng nếu có sự hỗ trợ của những cơ sở dữ liệu này thì quá trình làm việc cũng như độ cực nhọc của những nhà nghiên cứu cũng sẽ giảm dần. Nhà nghiên cứu sẽ ít phải băn khoăn trong tình trạng đói kém về thông tin hơn để dành sức lực và trí lực vào trong những công đoạn khác của nghiên cứu.
Trong lời nói đầu cho cuốn sách của tôi, tôi cũng đã nhấn mạnh: “Tôi cũng không thể viết được cuốn sách này nếu không có sự trợ giúp tuyệt vời của internet”.
Cần thấy rằng, giờ đây, nhiều cuốn sách, bài viết của các học giả hàn lâm, có uy tín bằng cách này cách khác đã được công bố rộng rãi trên mạng. Ngay Dương cũng có một trang mạng riêng (trantrongduong.blogspot.com/) công bố các nghiên cứu của mình. Giả sử tôi lấy tư liệu của Dương từ trang mạng đó, cùng tư liệu từ trang mạng của Nguyễn Phúc Anh v.v. để viết một bài nào đó, liệu Dương có coi đó là “điều đáng tiếc” không?
Ngoài ra, nhiều tạp chí khoa học danh tiếng cũng đã lên mạng. Tôi chỉ đưa ra đây một số tạp chí tiêu biểu nhất:
– BEFEO (www.persee.fr/web/revues/home/prescript/revue/befeo): tạp chí của Trường Viễn Đông Bác Cổ.
– BIPPA (ejournal.anu.edu.au/index.php/bippa/): tạp chí của Hội nghiên cứu Tiền sử Ấn Độ-Thái Bình Dương.
– Mon-Khmer studies (http://www.sealang.net/archives/mks/): tạp chí chuyên về ngôn ngữ Nam Á.
– Asian Perspectives (http://scholarspace.manoa.hawaii.edu), một tạp chí hàng đầu về tiền sử châu Á-Thái Bình Dương.
Chính vì thế, trong phần Sách báo tham khảo cho cuốn sách, tôi lại viết:
Do nhiều tư liệu cho cuốn sách có từ internet, phần thư mục này được biên soạn theo một cách mới, trong đó các tư liệu có từ internet chỉ ghi (tác giả), đầu đề và thêm ký hiệu G (Google). Bạn đọc nào cần tra cứu có thể dùng đầu đề để tìm kiếm chúng dễ dàng trên internet.
Đúng là cách làm thư mục trên không theo lề lối kinh điển và xuất hiện lần đầu tiên trong sách của tôi. Nhưng mời Trần Trọng Dương cứ thử xem, với vài thao tác, chúng ta sẽ có ngay các tư liệu cần thiết, với xuất xứ đầy đủ chi tiết.
Dương cho rằng thông tin từ wikipedia “là kiểu thông tin không nguồn gốc, có thể do bất kỳ ai đưa lên mà không phải chịu trách nhiệm khoa học về những thông tin đó”.
Về hình thức thì đúng là như vậy, nhưng cũng cần thấy nhiều mục wikipedia, đặc biệt bằng tiếng Anh, là những bài viết tổng hợp và phổ biến thông tin nghiêm túc, được trình bày cô đọng và có ghi rõ nguồn gốc tư liệu.
Tôi xin mời Dương đọc hai tư liệu Wikipedia mà tôi đã dùng cho cuốn sách, mục về Quì long (http://en.wikipedia.org/wiki/Kui_(Chinese_mythology) và mục về người Đản (http://en.wikipedia.org/wiki/Tanka_people) để thấy chúng được viết công phu thế nào.
Đương nhiên, khi dùng Wikipedia, tôi phải chọn lọc những thông tin đáng tin cậy, có gốc gác đàng hoàng. Riêng tôi, tôi thấy thực sự cảm phục, biết ơn công lao của những tác giả vô danh vì muốn truyền bá tri thức cho người khác đã bỏ bao công sức soạn ra các mục mình hiểu biết. Tôi cũng tin khi làm điều đó một cách vô tư (có được hưởng danh lợi nào đâu), các tác giả (cũng phải là các học giả) đã có một tinh thần trách nhiệm khoa học nhất định. Chất lượng các mục khác nhau và có thể sai lầm này khác y như các sách báo khoa học khác.
Dương lại cho rằng việc tôi dùng một thông tin từ một trang mạng du lịch “sẽ làm phương hại đến hệ thống luận cứ và lập luận của tác giả”.
Một trang mạng du lịch địa phương khi đưa thông tin về các di sản cũng thường dựa vào các nghiên cứu khoa học nào đó (hãy xem các trang mạng du lịch Việt Nam). Ở trường hợp cụ thể nêu trong bài, đó chỉ là một thông tin phụ trợ cho nhiều thông tin cơ bản từ các nguồn tư liệu khác về nước Xích Quỉ (tên gọi Phương của Bàn Long Thành). Quả thực, tôi thấy nhận xét trên của “Ông đồ Dương” là quá nặng nề và hơi kinh viện.
2. Truyền thuyết về Đinh Bộ Lĩnh
Dưới đề mục Tư liệu khảo cổ-sử liệu-ý kiến học thuật và cách trích dẫn, Dương đã có một số câu và nhận xét rất đáng bàn luận.
Câu 1: Để đi đến kết luận rằng người Việt có nguồn gốc từ người Đản (Quảng Đông), tác giả đã…
Trong cuốn sách của tôi, không hề có một kết luận nào như vậy. Dựa vào phần sau, tôi đoán, Dương đã nhầm với kết luận: Đinh Bộ Lĩnh có nguồn gốc từ người Đản Quảng Đông(tr 522). Mong rằng, nếu có phản biện sách tôi nữa, xin Dương đừng viết nhầm như thế để những người chưa đọc sách tôi, chỉ đọc bài của Dương sẽ hiểu nhầm học thuật của tôi, hại và khổ cho tôi lắm.
Câu 2: Tác giả trích K. Taylor (1983: 291-292): “Là con của Rái cá, Đinh Bộ Lĩnh có sứ mệnh làm vua, điều phù hợp với tín ngưỡng truyền thống của người Việt Nam…” (tr.127)…. Tác giả có thể trích ý kiến của K. Taylor – một học giả lớn và có ảnh hưởng sâu rộng đến giới học giả quốc tế về lịch sử Việt Nam. Nhưng thực tế, nhận định trên của Taylor cũng hầu như không có giá trị học thuật ở lĩnh vực sử học. Với hiểu biết của học sinh cấp một hiện nay, chẳng ai có thể chấp nhận một sự thực rằng: Đinh Bộ Lĩnh lại là con của rái cá, điều hoàn toàn trái với kiến thức về sinh vật học.
Tôi trích nhận xét trên của K. Taylor bởi tôi nhất trí và đánh giá cao giá trị học thuật sâu sắc trong nhận xét đó. Đó chính là mối liên hệ khăng khít giữa truyền thuyết về các vị vua Việt với tín ngưỡng truyền thống của người Việt: thờ vật tổ là thần nước.
Trong truyền thuyết Hồng Bàng, vị vua tổ thứ hai của người Việt là Lạc Long Quân (có thể hiểu là: Vua Rồng của người Lạc Việt) là con của thần Long Nữ hồ Động Đình, tức mang nòi Rồng (mẫu hệ). Trong truyền thuyết Rùa Vàng, An Dương Vương có vật tổ- vị thần bảo hộ là thần Rùa. Trong truyền thuyết về Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Bộ Lĩnh là con của là thần Rái Cá, cũng là vật tổ của người Đản. Trong các truyền thuyết về Lý Công Uẩn, Lý Công Uẩn có vật tổ là thần Chó (trong tâm thức Việt xưa, chó tương ứng với cầy–chồn-rái cá). Việc các ông tổ của nhà Trần mang tên các loài cá và tục xăm mình hình rồng đầu thời Trần cho thấy vua Trần có vật tổ là thần Cá.
Chúng ta biết, rồng là một con vật huyền thoại, biểu tượng của nước, có hiện thân cụ thể tùy lúc tùy nơi là rắn nước/cá sấu/thuồng luồng/ rùa/ rái cá/cá v.v. Từ chỉ rồng có gốc là từ chỉ sông-nước. Do tín ngưỡng truyền thống của người Việt là thờ vật tổ thần nước, trong truyền thuyết dân gian, các vị vua của người Việt phải có dòng dõi thần nước. Nói một cách khác, ai là con của thần nước-Rồng, người đó có sứ mệnh hay thiên mệnh làm vua. Đó là một cách thống nhất vương quyền với thần quyền, một hiện tượng phổ biến xưa nay. Nếu ở phương Bắc, vua được coi là Thiên Tử (Con Trời) thì ở người Bách Việt phương Nam, vua là con Thần Nước. Đó chính là một bản sắc Việt cổ.
Điều hơi lạ ở đây là Dương lại lấy kiến thức sinh vật học của học sinh cấp 1 thời nay để phủ nhận tín ngưỡng vật tổ phổ biến thời xưa. Có nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa nào làm thế không nhỉ?
Câu 3: Tam đoạn luận mà tác giả đưa ra: (1) Đinh Bộ Lĩnh là con của rái cá + (2) người Đản coi rái cá là vật tổ, suy ra (3) Đinh Bộ Lĩnh là người gốc Đản.
Trong sách của tôi, để chứng minh Đinh Bộ Lĩnh là người gốc Đản, tôi đã có hẳn một mục riêng gồm gần ba trang sách (tr 550-522) và đưa ra hơn chục bằng chứng thư tịch, dân tộc học, ngôn ngữ khác nhau. Trời ơi, sao Dương lại tạo ra và gán cho tôi “ tác quyền” của cái “tam đoạn luận” quá đơn giản đó? Liệu đó có phải là một cách đưa “ý kiến học thuật” hơi tùy tiện không?
Câu 4: Vấn đề ở đây là từ nguồn tư liệu nào mà Taylor tin rằng bố của Đinh Bộ Lĩnh là rái cá? Truyền thuyết mà Taylor sử dụng được chép trong sách Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề… biên soạn vào năm 1755… Vậy thì, ai có thể dám chắc đó là huyền thoại của thế kỷ X nhưng đã được bảo lưu nguyên trong dân gian rồi được ghi chép lại vào thế kỷ XVIII? Và càng không thể đoan chắc tô tem rái cá nhà Đinh là bảo lưu từ tô tem rái cá của Đông Sơn, xa hơn là của người Đản! Theo chúng tôi, câu chuyện “nguồn gốc rái cá của Đinh Bộ Lĩnh” chỉ là chuyện sáng tác văn học của người đời sau! Trong bài viết Đinh Bộ Lĩnh: huyền thoại và lịch sử3, dựa trên các sử liệu… chúng tôi đã nhận định: cha của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Công Trứ…
Trần Trọng Dương ơi, Taylor đâu có tin rằng bố của Đinh Bộ Lĩnh là rái cá. Đó là tín ngưỡng dân gian Việt và Taylor chỉ là một người nghiên cứu tín ngưỡng đó như chúng ta vậy.
Nhưng rồi tôi cũng hiểu ra rằng, khi viết ra những câu trên, Dương chỉ có mục đích khẳng định điều mà Dương từng đã chứng minh: huyền thoại về Đinh Bộ Lĩnh chỉ là một sáng tác văn học của đời sau.
Tôi biết, cũng trên tạp chí Tia Sáng, Dương đã từng có bài chứng minh huyền thoại Hồng Bàng cũng chỉ là một sáng tác của Ngô Sĩ Liên vào thế kỷ 15, còn vị thủy tổ Kinh Dương Vương chỉ là một nhân vật vay mượn từ truyện truyền kỳ đời Đường.
Trong sách của tôi, dựa trên một loạt các bằng chứng thư tịch, khảo cổ, ngôn ngữ, dân tộc học, tôi đã chứng minh nước Xích Quỉ là một nước có thực của tổ tiên người Việt ở Nam Dương Tử, Kinh Dương Vương là tên gọi Hán hóa của vị vua đầu tiên của nước Xích Quỉ. Thánh Gióng trong truyền thuyết Việt Nam chính là một hóa thân của Thần Trống Đồng-Thần Chiến tranh – Thần Bảo hộ của nước Xích Quỷ trong cuộc chiến có thực chống giặc Ân-Thương, về bản chất cũng là Thần Rồng-Thần Nước. Một lần nữa, Dương lại dẫn một bài của Nguyễn Thanh Tùng chứng minh Thánh Gióng là một biểu tượng Việt hóa khá muộn (từ thế kỷ XIV-XV về sau) và có gốc là một vị thần chiến tranh của Phật giáo!
Có vẻ, những gì tôi viết đã chưa thuyết phục được Dương. Vì sao vậy?
Tôi đọc Dương khá nhiều. Tôi mừng bởi Dương đúng là một ngôi sao buổi sớm trên bầu trời Hán-Nôm, một ngọn lá xanh mơn mởn giữa mùa thu của ngành khoa học xã hội. Nhưng tôi cũng lo bởi trong một số bài hay một số quan điểm (ví dụ bài về Kinh Dương Vương, quan điểm về Wikipedia) dường như Dương đã chịu ảnh hưởng hơi thụ động từ học giả Mỹ Liam Kelley với tên Việt Lê Minh Khải. Tôi cũng rất quí trọng Liam bởi tình yêu, niềm say mê của Liam dành cho sử học Việt Nam. Nhưng đáng tiếc, vì chỉ dựa chủ yếu trên tài liệu thư tịch Hán-Nôm, một số bài viết của Liam, có lẽ do viết nhanh, đã có những phán xét vội vàng, bộc lộ tầm nhìn hơi hạn hẹp, kiến thức hơi lỗ mỗ về lịch sử và văn hóa Việt, nhất là về tinh thần dân tộc và quốc gia của người Việt. Tôi biết, Liam là người theo trường phái hiện đại (modernism), đối lập với trường phái biểu tượng tộc người (ethnosymbolism) mà tôi ủng hộ.
Dù sao, từ đáy lòng, tôi chân thành cảm ơn Dương đã đọc và phản biện trên tinh thần thực sự khoa học về một số vấn đề trong cuốn sách đang gây tranh cãi của tôi. Tôi mong chúng ta sẽ còn có nhiều dịp trao đổi cùng nhau nữa, trên Tia Sáng hoặc trên những diễn đàn khoa học khác.