Triết học đã chết: Phê bình cuốn “Thay đổi chủ đề” của Raymond Geuss

Lịch sử triết học Geuss đưa ra trong cuốn "Thay đổi chủ đề" gắn với 12 nhà tư tưởng là một lịch sử không trọn vẹn, ít nhất là theo cách hiểu thông thường của từ này.


Cuốn sách “Thay đổi chủ đề”

Lời bình của dịch:

Không khó để xếp công trình Thay đổi chủ đề (Changing the Subject) của Raymond Geuss vào thể loại viết triết học có thiên hướng nhắm đến việc đưa lại cho người đọc một hình dung cụ thể về triết học phương Tây, trả lời câu hỏi triết học phương Tây là gì, hay nói đúng hơn, nó đã từng là gì. Phương thức Raymond Geuss sử dụng ở đây không quá mới mẻ khi ông vẫn đặt nền tảng trên việc điểm lại lịch sử triết học từ thời Hi Lạp cổ đại đến thời đương đại, nói chính xác hơn là tới khoảng hai thập niên sau Thế chiến II. Nhưng, dù cách viết không thực sự đột phá, câu chuyện độc đáo mà Raymond Geuss kể lại với chúng ta không hề là một câu chuyện dễ dàng đươc nghe trong các khóa học tại trường đại học hay trong những văn bản chính thống hơn về lịch sử triết học. Sự khác thường trong lịch sử triết học do Geuss khái quát hiển hiện rõ nét ngay trong bảng mục lục: trong số 12 nhà tư tưởng được cuốn sách chú tâm phân tích, có bốn nhân vật thường bị giới triết học Anh-Mĩ coi là những kẻ bên lề – Lucretius, Montaigne, Lukács và Adorno. Trong khi đó, những nhân vật khổng lồ như Aristotle, Descartes và Kant lại biến mất hoàn toàn trong danh sách của Geuss, và có thể nói, họ thậm chí không được nhắc đến dù chỉ một lần khi thảo luận về các triết gia khác. Nói cách khác, lịch sử triết học Geuss đưa ra là một lịch sử không trọn vẹn, ít nhất là theo cách hiểu thông thường của từ này. Các triết gia còn lại được ông điểm mặt là Socrates, Plato, Augustine, Hobbes, Hegel – “người đặt nền móng cho tư tưởng triết học hiện đại”, Nietzsche, Heidegger và Wittgenstein. Marx không được đặt trong danh sách, nhưng tư tưởng của các ông cũng được mô tả khá chi tiết trong chương về Lukács. Nguyên nhân nào có thể lí giải sự lựa chọn khác thường này? Trước tiên, và dễ thấy hơn cả, là sự ưu tiên của Geuss đối với triết học thực hành thay vì triết học lí thuyết: những vấn đề về hành động tốt (the good) cùng các phương diện khác của triết học đạo đức, chính trị, xã hội chiếm vị trí trung tâm. Chính ở đây, Geuss đã hợp thức hóa giá trị thực tiễn của triết học khi mưu cầu những đường hướng chỉ đạo thực hành sống của mỗi cá nhân. Một lí do khác nữa có lẽ là bởi Geuss chỉ chọn viết về các nhà tư tưởng khiến ông thực sự thấy hấp dẫn và chấn động, với những lập thuyết mang tính khai sáng trong quan điểm của ông. Nguyên tắc này khiến việc chọn lựa của Geuss khác thường nhưng không hề tùy tiện. Chính điều này lại giúp Guess tránh việc bị rơi vào sự tầm thường của việc đơn thuần diễn giải lại quá trình lịch sử triết học phương Tây. Ông chú tâm đi vào các giá trị, và đi thẳng vào các vấn đề ông coi là trung tâm của hệ thống tư tưởng, rọi chiếu các triết gia quen thuộc dưới một ánh sáng mới để định vị lại vị thế của họ cùng những bước ngoặt tư tưởng họ mang lại. Chẳng hạn, khi viết về Thành phố của Chúa của Thánh Augustine (354-430 SCN), bằng trí tuệ tuyệt vời, Geuss đã chỉ ra những đặc thù riêng trong tư tưởng của Augustine khiến ông khác biệt hẳn với các triết gia truyền thống: cụ thể, việc ông đặt tình yêu (của Thiên Chúa) lên trên lí trí hay quan điểm của ông về vai trò cấu thành của lịch sử khi nhìn các sự kiện lịch sử như một tác nhân quan trọng định hình nên các vấn đề của đời sống nhân sinh trong ý nghĩa là đối tượng của sự phản ánh triết học. Công trình của Geuss, tóm lại, từ chối ý niệm về sự “tiến bộ” trong diễn trình triết học, khước từ mặc định vốn cho rằng các triết gia sinh ra là để đưa ta ngày một gần hơn với chân lí vĩnh cửu; thay vào đó, đề xuất ý niệm về những “cuộc chơi chất vấn” ngày một tinh vi hơn mà các triết gia dẫn dắt chúng ta vào. Lịch sử triết học, bởi vậy, không là gì khác ngoài quá trình kiếm tìm những cách đặt câu hỏi mới với những vấn đề tưởng chừng muôn thuở. Mỗi nhân vật được ông nhắc đến lại thành công một cách khác nhau trong nỗ lực “thay đổi chủ đề” – một nỗ lực rốt ráo muốn đặt ra những vấn đề khác lạ để đào sâu suy ngẫm, có liên quan nhưng không trùng lặp lại những gì mà người tiền nhiệm của họ đã đặt ra. Với Geuss, triết học “luôn tránh trả lời trực tiếp một câu hỏi duy nhất. Thay vào đó, nó tìm cách thay đổi những câu hỏi”. Và điều quan trọng mà một nhà lịch sử triết học cần làm là chỉ ra được “đâu là những vấn đề mới mà một nhà triết học nêu lên được, và theo cách nào mà chúng được đặt ra”.          

Xin được quay trở về thập niên 70 thế kỉ XX, khi Raymond Geuss còn là một đồng nghiệp trẻ của Richard Rorty ở khoa triết học lừng danh tại Đại học Princeton. Trên nhiều phương diện, hai nhân vật này rất khác nhau: Rorty là dân New York chính hiệu, thuộc tầng lớp trung lưu, nổi tiếng với năng lực đề xuất những khái quát tổng quan táo bạo; còn Geuss lại là một học giả kiêm nhà thơ khắt khe tỉ mỉ, xuất thân từ tầng lớp lao động tại Pennsylvania. Dù vậy, cả hai cùng chia sẻ sự cam kết với quan điểm chính trị cánh tả, và đều bất đồng chính kiến với nhãn quan chính thống coi triết học như một chuyên ngành thống nhất vẫn đang không ngừng tiến từng bước đường bệ hướng tới tri thức tuyệt đối. Suốt một khoảng thời gian, Rorty và Geuss đã liên minh với nhau, tạo thành một nhóm nổi loạn tại Princeton.

Tổ chức triết học cáo buộc những người như Rorty và Geuss là những kẻ theo thuyết tương đối luận chỉ nhăm nhăm muốn phá hủy sự phân định thiêng liêng giữa sự thật và giả trá. Nhưng cả hai đã tự bảo vệ chính mình khi đưa ra lời biện minh rằng, dẫu đúng là có tồn tại một sự thật toàn năng tối hậu đi chăng nữa, sự thật ấy cũng sẽ mang hình hài rất khác nhau từ những điểm nhìn đa dạng khác nhau, và cũng được biểu đạt bằng những ngôn từ rất khác nhau tùy thuộc vào từng thời điểm và nơi chốn khác nhau. Họ tự gọi mình là “những người theo thuyết thị kiến”1 hay “người theo thuyết sử luận” thay vì là tín đồ của thuyết tương đối, và tin tưởng rằng – mượn lại cách nói của Thomas Kuhn – triết học cần phải tìm được cho nó một “vai trò lịch sử”.

Trong bài tụng ca tuyệt vời được cất lên ngay tại tang lễ Rorty năm 2007, Geuss đã gợi nhắc lại một khoảnh khắc bí mật khi người đồng nghiệp tiết lộ với ông một dự án giảng dạy đã được lên kế hoạch dành cho khóa học sau đại học dưới nhan đề “Một lịch sử khác của triết học hiện đại”. Rorty có ý muốn đưa vào bài giảng của ông các triết gia thường bị mặc định là phụ/không quan trọng như Petrus Ramus, Paracelsus và Johann Gottlieb Fichte, đồng thời loại bỏ các nhân vật kinh điển nhạt thếch như Locke, Leibniz, Hume, và cả những kẻ còn trên cả tệ hại như Descartes (nhà tư tưởng mà Rorty thậm ghét) hay Kant (kẻ thù của Geuss). Ý tưởng về “một lịch sử khác” được manh nha nhưng rồi chẳng đi đến đâu. (Theo lời Geuss, sự bất thành này được Rorty đổ lỗi cho “giới cảnh sát tư tưởng” của Princeton, còn được biết tới dưới cái tên “Ủy ban Sư phạm” của trường Đại học). Dẫu sao, cuốn sách mới nhất của Geuss có thể được nhìn như sự hoàn thiện nốt dự án tâm huyết của Rorty cách đây bốn mươi năm.


Theodor Adorno

Changing the Subject là một lịch sử triết học gắn với mười hai nhà tư tưởng. Với cuốn sách, chúng ta được đọc những tiểu luận độc lập sắc bén về Socrates, Plato, Lucretius, Augustine, Montaigne, Hobbes, Hegel, Nietzsche, Lukács, Heidegger, Wittgenstein và Adorno; trong khi đó, Decartes, Locke, Leibniz, Hume, và Kant thậm chí còn không cả được đưa vào thư mục tra cứu. Cả công trình là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính chặt chẽ của triết học đa ngôn ngữ với sự cảm thông mềm mỏng của trí tuệ, và được trình bày – nói như chính Geuss – trong một tinh thần khoái lạc (hilaritatis causa).    

Trong mười hai triết gia ông lựa chọn, Geuss có vẻ có nhiều điểm gần gũi hơn cả với Lucretius, một nhà tư tưởng khinh thị tôn giáo (dù từ regilio vào thời ông sống còn mang nhiều ý nghĩa khác ngoài tôn giáo), không ngừng xác quyết rằng thế giới này chẳng có một mục tiêu đạo đức tối hậu nào để hướng tới, và sự tồn tại của nó hoàn toàn thờ ơ lãnh đạm với sự hiện tồn của chính chúng ta. Hobbes gần như được xếp hạng cao nhất trong đánh giá của Geuss: ông là người đã phát minh ra khái niệm “nhà nước” (the “state”) với ý nghĩa một quỹ tích các thẩm quyền chính trị, nhìn nhận nó chẳng là gì khác ngoài một “kiến dựng nhân tạo” không liên quan gì tới các nguyên lí được định danh bằng những thuật ngữ như “quyền căn bản tự nhiên” hay “lợi ích chung”. Hegel, trong diễn giải của Geuss, là môn đệ xuất sắc của Hobbes bởi triết gia này tránh được việc ra sức “biện luận” về những đường hướng vận hành của thế giới, ông cũng là người khơi mào cho nhiều công kích dữ dội của Nietzsche vào những quan niệm tư lợi trong “hành vi nói lên sự thật”, “sự uyên thâm” và “tính xác thực”. Sau Lucretius, Hobbes, Hegel và Nietzsche, triết học dường như, không thể khác, phải là một cuộc chiến chống lại sự u mê trí tuệ của chính chúng ta bằng tình cảm đạo đức.     

Có hai cách khác nhau để ứng phó với mặc định cố hữu này. Geuss phác thảo một trong hai cách ấy trong chương viết sắc sảo về Theodor Adorno, nhà mĩ học thế kỉ XX, người tìm cách gắn kết triết học Marx cổ điển với nhãn quan khinh thị sự u mê của đám đông quần chúng. Adorno, có thể nói, đã chỉ ra được các dấu hiệu của chứng sợ hãi sự nhơ bẩn về trí tuệ hay nỗi khiếp sợ trong quan điểm triết học Plato đối với sự ô uế (không thuần khiết); và Geuss – người coi Plato như một “tên côn đồ triết học” – không mấy hài lòng với thứ “học thuyết hoài nghi miên viễn” này của Adorno. Ông tìm được một giải pháp thay thế đáng tin cậy hơn nhiều ở Michel de Montaigne, kẻ chẳng bao giờ ôm tham vọng chỉnh đốn những dại dột điên rồ của nhân loại, và cũng vì thế mà “tránh được mọi nguy cơ phát nhiễm bệnh hoạn”.

Geuss tỏ lòng tôn kính Montaigne vì không bao giờ “vung vẩy ngón tay răn dạy”, nhưng dẫu thế nào, rốt cuộc, ông vẫn đứng về phe Adorno. Chính bản thân ông cũng phần nào mắc chứng sợ hãi sự vấy bẩn trí tuệ, và đây có lẽ cũng là nguyên nhân vì sao ông không thể thiết lập nổi một liên minh bền chặt với người đồng chí cũ của mình ở Princeton. Ông từng kể lại dịp được nghe Rorty chia sẻ việc vừa tìm thấy nguồn cảm hứng dồi dào sau khi đọc tác phẩm của Hans-Georg Gadamer, nhà tư tưởng nhìn toàn thể cuộc sinh tồn của nhân loại không khác gì một “cuộc trò chuyện lớn” mà trong khi tham gia vào đó, con người phải tìm cách bao quát không trừ một ai, kể cả những người chúng ta bất đồng quan điểm. Geuss đã cố thuyết phục Rorty rằng Gadamer thật ra chỉ là “một tay phản động ba hoa rỗng tuếch chỉ giỏi gây rối”, nhưng Rorty kiên quyết không thay đổi quan điểm: ông bắt đầu tự gọi mình, nửa đùa nửa thật, là “nhà tư sản theo chủ nghĩa tự do”, và bắt đầu thảo luận các vấn đề chính trị dựa trên những giáo điều muôn thuở như “quyền con người”, “dân chủ”, “đời sống riêng tư”, hay thậm chí “lòng yêu nước”. Không phải vì ông tin rằng những sáo ngữ này có cơ sở lý luận, chỉ có điều, ông thấy chúng thực sự hữu ích trong khả năng mở rộng phạm vi đàm thoại của cuộc trò chuyện nhân sinh. Geuss, ngược lại, phàn nàn chê trách chúng là “những điều phi lí ngớ ngẩn”, “những ảo tưởng vô căn cứ tự thể hiện mình như chân lí không thể bác bỏ”. Ông chẳng lấy gì làm thích thú trước cách bông đùa của Rorty. Ông chỉ thấy sự tầm phào Rorty thể hiện ra là không thể dung thứ nổi.

Geuss kết lại bằng nhận định rằng triết học đã chết: những báo hiệu cho thấy sự băng hà này đã xuất hiện suốt từ bốn mươi năm về trước, ông nói, khi sự phấn khích, sức sáng tạo cùng năng lực phát kiến của quá khứ đã phải từng bước nhường chỗ cho sự sao lục ngoan ngoãn và đòi hỏi ấn định lịch sử. Dù vậy, trong cuốn sách chặt chẽ và dễ tiếp cận này, Geuss đã tự thú nhận sai lầm của chính bản thân, khi xác minh rằng cho đến bây giờ, vẫn còn thấy được một sức sống vĩnh cửu trong lòng triết học.

Thái Hà dịch    
Nguồn:  https://www.the-tls.co.uk/articles/public/changing-subject-raymond-geuss-philosophy/
————-
Chú thích:
1 Perspectivism: luận thuyết cho rằng tri thức về đối tượng nhất thiết là một phần và bị giới hạn bởi điểm nhìn cá nhân quan sát khách thể ấy. 

           

 

Tác giả

(Visited 19 times, 1 visits today)