Triết học không thể tách rời khỏi nhân cách và tâm hồn

Trong Lời tựa rất ngắn viết năm 1847 cho lần xuất bản thứ nhất của cuốn Triết lý Hy Lạp thời bi kịch (La philosophie à l’époque tragique des Grecs), Nietzsche xác định nhiệm vụ của mình trong cuốn sách này là tìm gặp lại những nhân cách vĩ đại của các triết gia Hy Lạp cổ đại, là tìm lại những « âm vang đa diệu của tâm hồn Hy Lạp». Ông nói : «Nhiệm vụ của tôi là đưa ra ánh sáng điều mà chúng ta phải luôn luôn yêu mến và tôn sùng : bậc vĩ nhân » (6)1. Như vậy ở đây triết học được nhìn như là biểu hiện và kết quả của nhân cách và tâm hồn. Triết học không thể tách rời khỏi nhân cách và tâm hồn.

Trong Lời tựa cho lần xuất bản thứ hai, cuối năm 1879, cũng rất ngắn, khoảng độ nửa trang, Nietzche nhấn mạnh lại ý này khi nói rằng, để đảm bảo tính ngắn gọn của cuốn sách, trong số các công trình phong phú của các triết gia Hy Lạp cổ đại ông chỉ có thể chọn ra rất ít học thuyết để phân tích, và đó là « những học thuyết trong đó biểu lộ mạnh mẽ nhân cách của mỗi triết gia » (7)

Để thực hiện nhiệm vụ đó, Nietzsche bắt đầu bằng việc giải thích tại sao dân tộc Hy Lạp thời cổ đại có thể đẻ ra các triết gia vĩ đại, những người đã hình thành toàn bộ cơ sở của nền triết học thế giới. Vì đấy là thời kỳ mà Hy Lạp đạt tới sự « cường kiện và phong phú nhất ». Một dân tộc cường tráng mới có thể đẻ ra những nhân cách lớn, những tư tưởng lớn. Nietzsche, với các nghiên cứu của mình, đi đến kết luận rằng dân tộc lành mạnh cần đến triết học, dân tộc bệnh hoạn [Trần Xuân Kiêm đã chọn từ này để dịch] thấy triết học có hại cho họ. 2 Theo Nietzsche, đối với một dân tộc bệnh hoạn, triết học chỉ khiến cho tình trạng càng trầm trọng thêm mà thôi. Chỉ có một quốc gia cường tráng mạnh khỏe mới có thể đảm bảo cho triết học những quyền lợi thực sự của nó. Triết học sở dĩ phát triển ở Hy Lạp thời cổ đại là vì dân tộc Hy Lạp lúc đó là một dân tộc lành mạnh, « thực sự lành mạnh ». « …Những người Hy Lạp đã biết khởi đầu đúng lúc […] phải khởi đầu trong hạnh phúc, trong sự trưởng thành hùng mạnh hoàn toàn, trong ngọn lửa của sự khoái hoạt nồng cháy, tức sự khoái hoạt của tuổi thanh niên kiêu dũng và chiến thắng » (15) Chính người Hy Lạp đã xác định bản chất và nhiệm vụ của triết học. Nietzsche bác bỏ cái quan niệm cho rằng người Hy Lạp không đẻ ra triết học mà chỉ kế thừa từ các dân tộc khác, rằng người Hy Lạp đã nhập khẩu triết học từ ngoại quốc. Hẳn nhiên, người Hy Lạp đã tiếp thu tinh hoa của các dân tộc Đông phương, của Ai Cập, đã thu nạp các nền văn hóa ấy và Nietzsche đã dùng một hình ảnh giàu tính văn học để ví von về sức mạnh của người Hy Lạp : « nếu dân tộc Hy Lạp đã đi xa được đến như thế, chính là vì họ đã biết nhặt lấy ngọn thương mà vài dân tộc khác đã để nằm yên bất động, để phóng đi xa hơn. » (17) Và chính ở điểm này mà Nietzsche đã phát triển ý tưởng về tầm quan trọng của sự tiếp thu học hỏi và phát triển tri thức mà các dân tộc khác cung cấp. « Dân tộc Hy Lạp thật tuyệt vời trong nghệ thuật học hỏi với kết quả, và cũng như họ, chúng ta sẽ phải học hỏi những dân tộc láng giềng của chúng ta, và đem kiến thức thâu đạt được phụng hiến cho đời sống chứ không phải phục vụ cho tri thức bác học, như một đà nhảy từ đó ta phóng mình nhảy lên cao vời và cao hơn dân tộc láng giềng » (17) Tại sao Nietzsche có thể dám chắc về vị trí không thể phủ nhận của dân tộc Hy Lạp trong lịch sử triết học ? Điều mà người Hy Lạp đã làm, đó là « bổ khuyết, gia tăng, nâng cao và thanh lọc cái tri thức vay mượn của họ », để sáng hóa. Họ đã sáng tạo nên những điều căn bản, gốc gác nhất mà hậu thế chỉ có thể kế thừa phát triển chứ khó có thể thêm thắt những gì mang tính thiết yếu. Nietzsche thấy rằng tất cả các triết gia cổ Hy Lạp đều là những người phụng hiến trọn đời mình cho tri thức. Và dù mỗi người đều là một khối cô đơn thì họ luôn gắn liền nhau trong tư tưởng. Họ là những người tự đặt lên vai mình những trách nhiệm trọng đại đối với tri thức. Là những người khổng lồ, họ hợp thành một « Cộng hòa các Thiên tài », họ tạo thành một thế giới riêng, họ đuổi theo những mối quan tâm riêng và tạo lập một « tương thoại tâm linh ». Nietzsche, lắng nghe cuộc tương thoại cao vời của họ, để từ đó đúc kết lại những điều mà ông cho rằng ông và thời đại ông có thể thấu hiểu được.

Trong lập luận của Nietzsche về mối quan hệ giữa triết học và tình trạng sức khỏe của dân tộc, có một điểm mà ông chưa bàn tới : liệu một dân tộc bệnh hoạn có thể trở thành một dân tộc lành mạnh được không ? Khi một dân tộc ốm yếu bệnh tật bắt đầu quan tâm đến triết học, bắt đầu thấy cần đến triết học (cho dù nó chưa đủ khả năng để làm ra triết học) thì đó có phải là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của nó bắt đầu hồi phục, một dấu hiệu dự báo rằng nó có thể trở thành một dân tộc lành mạnh, cường tráng trong tương lai ?
——————–
1
Các trích dẫn lấy từ cuốn Triết lý Hy Lạp thời bi kịch cổ đại, Trần Xuân Kiêm dịch, NXB Tân An, Sài Gòn, 1975, có số trang để trong ngoặc đơn.

2 
Xem Triết lý Hy Lạp thời cổ đại, tr.13-14

 

Tác giả

(Visited 15 times, 1 visits today)