Trò chuyện trong quán La Catedral

Trò chuyện trong quán La Catedral (Conversación en La Catedral)* là một cuốn tiểu thuyết đặc biệt, chỉ bằng những câu đối thoại, những tình tiết đan xen như phong cảnh qua cửa sổ trên chuyến tàu lao vùn vụt, lịch sử đất nước Peru trong một thời kỳ nhiễu nhương hiện ra với tầm vóc đồ sộ và những chi tiết rung động tâm can.

Santiago Zavalita, con trai của một kỹ nghệ gia giàu sang, đã từ bỏ tất cả cơ hội tiến thân để làm cho một tờ báo nhỏ, sau khi cảm thấy không cuộc sống nào thực sự dành cho mình – một luật sư thành đạt theo mong ước của gia đình, hay một thành viên nhiệt thành của Đảng cộng sản theo những người bạn cùng trường đại học. Một ngày, trong khi đi tìm con chó bị lạc, anh tình cờ gặp lại Ambrosio, người tài xế trung thành đã phục vụ cha của anh trong nhiều năm, giờ tay trắng, sống vất vưởng ở một góc thành phố Lima. Bên những chai bia trong quán rượu La Catedral, họ trôi theo dòng quá khứ của cả hai. Từ cuộc trò chuyện đó, không gian mở rộng cho những giọng nói của người sống và người chết thi nhau kể lại số phận nhỏ nhoi và những nỗi khổ đau ngỡ đã tan biến trong dòng thác lịch sử.

Cuốn tiểu thuyết chứa đựng hàng loạt nhân vật đại diện cho các loại người, các tầng lớp trong xã hội Peru dưới thời tên độc tài Odría. Don Fermín, cha của Santiago, một kỹ nghệ gia có nhiều dính líu mờ ám đến chính quyền; Cayo Bermudez, giám đốc An ninh của chính quyền Odría, một kẻ đê tiện; bọn tay sai của Bermudez phục vụ cho những thủ đoạn chính trị dơ bẩn; Hortensia – người tình của Bermudez, đã bị giết vì nắm được bí mật của Don Fermín; Amalia, hầu gái của gia đình Santiago và sau đó là Hortensia, vợ của Ambrosio; Queta, gái điếm và người tình đồng giới của Hortensia… Mỗi người đều dường như không thể thoát ra khỏi tiến trình tha hóa và sụp đổ, tiêu biểu là Ambrosio, vừa là nạn nhân vừa là tội phạm, xuất thân là kẻ cùng đinh và cuối cùng mất tất cả.

Ngay chính Santiago, một thanh niên thông minh, trong sáng và đầy nhiệt tâm, cuối cùng cũng vỡ mộng, chán nản kéo lê cuộc sống tẻ nhạt của một phóng viên vô danh, “không là luật sư và cũng chẳng là hội viên của Club Nacional, không là kẻ vô sản cũng chẳng là tay tư sản”. Dù không chịu trở về với gia đình để trở thành trưởng giả, anh đã đủ trưởng thành để thôi huyễn tưởng về những thứ đã chi phối cả tuổi trẻ mình: “Còn nếu mày gia nhập hôm ấy thì sao, Zavalita? hắn nghĩ. Phải chăng nhiệt tình tranh đấu sẽ lôi mày theo, càng lúc càng dấn sâu vào hơn, mày có sẽ trở thành một kẻ có niềm tin, một kẻ lạc quan, một kẻ trong trắng khác, bí hiểm và anh hùng?… Thay vì những bài xã luận chống chó dại trên La Crónica, mày sẽ viết cho những trang in nghèo nàn của Unidad… Mày sẽ tệ hại hơn hay cũng thế hay hạnh phúc hơn? Hắn nghĩ: ồ, Zavalita”.

Đào sâu đến tận gốc rễ những mảng hiện thực ngổn ngang nhiều tầng lớp của Peru, Trò chuyện trong quán La Catedral như một cuốn biên niên ký vừa hiện thực vừa mang tính huyền thoại, khiến người đọc kinh ngạc vì sức mạnh và sức cuốn hút của nó. Toàn bộ tiểu thuyết là một dòng thác ngôn ngữ, không có một đoạn nào tách ra khỏi khung cảnh để suy tưởng độc lập. Từng chữ, từng chi tiết đều gắn với tâm trạng cụ thể hoặc mạch đối thoại của nhân vật. Những đoạn đối thoại cách xa về không gian và thời gian, được lồng vào nhau một cách tưởng như ngẫu nhiên, nhưng rất công phu – giống như những gì người ta nghe thấy trong một quán rượu ồn ào, mỗi lúc một câu, nhưng vẫn tìm được sự liên hệ. Ngôi nhân xưng thay đổi từ gián tiếp sang trực tiêp, từ đối thoại sang độc thoại, liên hệ với nhau bằng một logic ngầm xây dựng dựa trên các mối quan hệ, tính cách và hoàn cảnh của nhân vật. Những hình ảnh trái ngược gắn liền nhau một cách nhức nhối: lòng nhân hậu bên cạnh sự giả trá, tâm hồn đa cảm nằm trong sự thô lỗ, lòng vị tha đi đôi với tính ích kỷ…

Ở đó, ranh giới thiện – ác bị xóa nhòa trước sự bất định của số phận, không cá nhân nào có quyền phán xét, không ai có quyền cho rằng mình nắm chân lý. Khổ đau của một xã hội – cũng là khổ đau của nhân loại – ngay cả cuộc đối thoại bất tận giữa nhiều thế hệ cũng không bao giờ đủ để nói hết về những con đường sai lầm mà người ta đã và đang đi…

Mario Vargas Llosa sinh ở tỉnh Arequipa (Peru); bố mẹ chia tay từ khi ông mới một tuổi, sống cùng mẹ và ông bà ngoại ở Cochabamba (Bolivia). Những năm 1945-46, ông sống ở Piura thuộc miền bắc Peru và sau đó là thủ đô Lima. Ông từng theo học tại Học viện Quân sự Leoncio Prado từ năm 1950-1952. Từ năm 1955-1957 ông học ngành văn chương và luật tại Đại học San Marcos, Lima, sau đó tiếp tục học tại Đại học Madrid (Tây Ban Nha) và nhận bằng tiến sĩ năm 1959 tại trường này. Cùng với Julio Cortázar, Carlos Fuentes, and García Márquez, Vargas Llosa là một trong những tác giả nổi tiếng đem lại sức sống cho nền văn chương châu Mỹ La tinh.

Ngay từ khi còn là sinh viên, ông là phóng viên của tờ La Industria, đồng biên tập của tạp chí văn học Cuadernos de ConversaciónLiteratura và là phóng viên của kênh phát thanh PanamericanaLa Crónica. Tập truyện ngắn đầu tiên của ông mang tên LOS JEFES được xuất bản năm 1959. Năm 1962, truyện dài đầu tay của ông mang tựa đề LA CIUDAD Y LOS PERROS (tạm dịch: Thành phố và bầy chó) gây được chú ý bởi cách viết thử nghiệm mới và được trao giải Biblioteca Breve cho tác phẩm mới hay nhất viết bằng tiếng Tây Ban Nha.

Ông có thời gian dài sống ở Paris (Pháp) và kiếm sống bằng công việc của một giáo viên dạy tiếng Tây Ban Nha, phóng viên cho Agence-France-Presse và Đài phát thanh và truyền hình Pháp. Từ cuối những năm 1960, ông là giáo sư thỉnh giảng tại nhiều trường đại học của Mỹ và châu Âu. Năm 1970, ông đến Barcelona (Tây Ban Nha) và chỉ năm năm sau quay trở lại Peru, tạm thời chấm dứt cuộc sống tha hương suốt một thời gian dài.

Năm 1977, ông được bầu là Chủ tịch Hiệp hội PEN quốc tế (Hiệp hội Những người cầm bút quốc tế). Cũng như nhiều nhà văn châu Mỹ La tinh, Vargas Llosa tích cực tham gia các hoạt động chính trị, từng tranh cử Tổng thống Peru.

Các tác phẩm nổi bật của ông bao gồm: LA CIUDAD Y LOS PERROS, CONVERSACI ÓN EN LA CATEDRAL (1969, tựa tiếng Việt: Trò chuyện trong quán La Catedral); LA TÍA JULIA Y EL ESCRIBIDOR (1977, tựa tiếng Việt: Dì Julia và nhà văn quèn); LA GUERRA DEL FIN DEL MUNDO (1981), LA FIESTA DEL CHIVO (2000)…

Tiểu thuyết của ông thường đan chéo các mẩu đối thoại ở những thời điểm hoặc địa điểm khác nhau, tạo ấn tượng hồi tưởng và bôi nhòe các sự kiện, san bằng địa vị xã hội của các nhân vật và làm nổi bật thân phận chung của kiếp người. Thường lấy bối cảnh lịch sử ở Peru nhưng các tác phẩm của Vargas Llosa có tầm ảnh hưởng rộng đối với người đọc trên toàn thế giới. Vargas Llosa được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn chương năm 2010 với những tiểu thuyết “ khắc họa các cơ cấu quyền lực cũng như những hình ảnh sâu sắc về nghị lực, sự nổi loạn và bất lực của con người”.

Ngoài tiểu thuyết, ông còn viết tiểu luận, phê bình; các tác phẩm báo chí của ông xuất hiện trên các tạp chí uy tín như The New York Times, Le Monde, The Times Literary Supplement, El País

“Nếu trong Ulysses, James Joyce tìm cách đưa ra bức tranh chính trị-xã hội của cả nước Ireland trong một ngày độc nhất, thì Vargas Llosa tìm cách xây dựng bức tranh chính trị-xã hội của toàn bộ một châu lục gói gọn trong cuộc trò chuyện trong vòng một buổi chiều. Trong khi kiệt tác của Joyce đầy những thủ thuật hiện đại chủ nghĩa và sự khước từ chủ nghĩa tự nhiên thì kiệt tác của Vargas Llosa ít cầu kỳ hơn, và do đó đậm chất tiểu thuyết hơn. Ông dựng nên cả một đám đông nhân vật vô cùng đa dạng, được Santiago và Ambrosio hồi tưởng lại, trực tiếp hoặc thông qua nhiều cách khác. Kết quả là một cuốn tiểu thuyết thực sự đồ sộ, nguy nga như một giáo đường (Cathedral), đầy ắp tiếng vang và dư âm giọng những người đã chết, những người bị thống khổ tai ương và nay đã bị lãng quên.” – Curledup.com

* Dịch giả: Phạm Văn, NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam ấn hành tháng 2/2011, giá bìa: 125.000 đồng

 

Tác giả

(Visited 41 times, 1 visits today)