Trong hình bóng một đại tự sự*

Cái tên của cuốn trường thiên “Đội gạo lên chùa”1 khiến người ta nghĩ rằng nó hẳn được lấy ra từ câu ca dao quen thuộc “Ba cô đội gạo lên chùa/Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư....”, một câu ca dao tiềm ẩn cái biểu trưng về một hòn đá tảng của văn hóa xứ sở này xoay quanh hạt gạo và để mang cái của ngọc thực quý như sinh mạng ấy dâng cúng cho nguồn an ủi tinh thần sau những cánh cửa chùa.  

Người ta lưu ý đến tính chất an ủi hơn chiều kích giải thoát, chẳng hạn như trong một câu độc thoại nội tâm đầy biểu cảm của nhân vật chính tên An: “Sự cao thượng của đức Phật từ bao đời nay đã thấm đẫm tâm hồn làng quê. Thiếu nó tâm hồn người ta sẽ bị què quặt…”(tr.651); và hơn nữa, như trong câu trả lời của nhân vật sư cụ tên Vô Úy cho An trong tư cách một nhà sư trẻ được gọi nhập ngũ những ngày kháng chiến chống Mỹ: “Con từ chối hay không tùy ở tâm con.Người chân tu không câu nệ chấp trước. Đức Trần Nhân Tông thời xưa, lúc nhỏ đã là một phật tử thuần thành, nhưng người vẫn làm vua, vẫn hai lần đánh thắng quân Nguyên, vẫn có gia đình có con cái. Chỉ khi đánh giặc xong, đất nước đã thanh bình người mới lên núi đi tu.” (tr.650) – ta thấy trong câu dạy dỗ chứa đựng quan điểm cốt lõi của một trong mấy nhân vật rường cột của cuốn trường thiên này, một quan điểm dường như diễn giải ý tưởng gọi là lạc-đạo-tùy-duyên, hàm ý là tinh thần của “Cư trần lạc đạo phú” của Trần Nhân Tông, được trích làm đề từ ở đầu sách, quan điểm mà sự diễn đạt có thể đưa ra một trong những phiên bản khái lược cái diễn ngôn chi phối-kiến tạo toàn bộ câu chuyện được kể ở đây, mà tính chất an ủi hiện rõ ở cái kết trọn vẹn của truyện, và ở đoạn độc thoại nội tâm có tính thâu tóm triết lý truyện của nhân vật An khép lại cuốn sách: “Kiếp người chẳng qua như những con đom đóm. … Nhưng dù sao cũng là ánh sáng.” (tr.866) – liên kết rõ rệt với một câu tương tự ở phần đầu truyện khi nhân vật An là đứa bé chín tuổi theo chị chạy vào “chùa Sọ” lánh nạn, được nhân vật sư Vô Úy cho phép xuống tóc, khiến An nghĩ: “Và chắc sư cụ muốn dùng ánh sáng của đức Phật để cứu vớt tôi, rửa sạch những vết u ám trong tâm hồn tôi chăng?” (tr.27)

Câu trích dẫn trên đây hẳn nhiên có dạng một câu hỏi tu từ; xét về nghĩa cũng như ý nghĩa thì nó thật trọn vẹn, chín chắn, cân xứng với sự biểu đạt ngôn từ thành văn của nó, lại có một giọng điệu hùng biện rõ ràng qua cách trưng từ vựng “ánh sáng của đức Phật”-“cứu vớt”-“rửa sạch”-“những vết u ám trong tâm hồn” – toàn bộ một hệ ý niệm trừu tượng với tính tôn giáo “thuần thành”, một lát cắt điển hình cho kiểu lời giáo huấn với văn phong cao (mà xem ra không khác gì về giọng điệu truyền ngôn so với câu hội thoại của nhân vật sư Vô Úy vừa trích ở trên), một thông báo hàm ngụ sự xác nhận thủ đắc chân lý về mặt kinh nghiệm cá nhân đối với những nội dung của thông báo đó (nhất là dưới dạng một độc thoại nội tâm), chỉ có điều, trong vai trò một chi tiết văn chương, khó có thể xem câu ấy là thích hợp với nguồn phát của nó, được mô tả là một cậu bé thôn quê tự nhận lúc ấy vẫn còn quá non nớt để hiểu những lời lẽ của sư cụ (tr.24-25), trên cái nền chung là phong cách truyện kể hiện thực theo trật tự thời gian; và ngay cả nếu xét lời kể này như được kể từ hồi tưởng, người kể đã sống trải, kể lại việc đã qua, thì một độc thoại nội tâm chín chắn như thế khi nhân vật độc thoại đang còn ở chặng đầu đời mờ mịt của anh ta vẫn là không thích hợp, không đúng, do đó là thừa, khi mà hàng loạt chi tiết xung quanh đã nói đủ về sự kiện cũng như ý nghĩa của sự kiện – một chú bé tị nạn được cho nhập tăng đoàn.

Vậy tại sao một câu như thế lại hiện diện trong trường đoạn truyện như thế, rõ ràng gây ra một độ chênh trong dòng diễn từ của truyện kể này với quy ước lối kể theo thời gian tuyến tính của truyện, độ chênh đồng đại-lịch đại trong một chi tiết mang tính chất tả thực về cái suy nghĩ của một nhân vật khi anh ta còn nhỏ ( nhắc đến hai lần “Đầu óc non nớt của tôi”, “Tôi còn quá non nớt để hiểu…” chỉ trong một trang ngay trước đó, tr.25) nhưng lại nghĩ ngợi rành rẽ như đã già dặn trưởng thành?

Ta hãy xem một thí dụ khác về kiểu hội thoại đặc trưng văn phong tác giả trong cuốn trường thiên này (và rộng ra, trong cả hai tác phẩm trước đó của cùng tác giả.)

Ở các trang từ 861 đến 863 có kể cuộc gặp lại của nhân vật An với nhân vật Đức vốn là một tù binh An được giao dẫn giải và đã để anh ta trốn thoát trong chuỗi sự kiện được thuật riêng hẳn một chương có tên là “Gặp gỡ” – hai người lính hai bên chiến tuyến nhận nhau như đồng môn vì nhân vật Đức kể anh ta trước có người thầy hướng dẫn là một thượng tọa chùa Vĩnh Nghiêm, còn nhân vật An bảo “sư tổ thầy tôi” vốn cũng xuất thân từ chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang… (tr.841)

Giờ đây nhân vật Đức được kể là từ nước Mỹ về thăm Việt Nam cốt tìm gặp người lính đối phương trong chiến cuộc đã để xổng cho mình thoát. Nhân vật Đức bảo vì họ là hai đạo hữu với nhau, “Tôi có lỗi với ông. Tôi đến xin ông một lời tha lỗi.”(tr.862) Và cái lỗi ấy, nhân vật Đức kể, xảy ra trong đêm anh ta đào tẩu khi An đang ngủ; anh ta chợt sa vào một cơn thù hận, rút một thanh củi cháy dở trong đống lửa tính đâm vào mặt nhân vật An và “Chính lúc ấy, tôi nghe thấy một tiếng động đánh xoạt một cái phía sau lưng. Tôi quay phắt đầu lại, nhìn thấy sau bụi rậm có hai con mắt đỏ lừ. Chẳng biết hươu nai hay hổ báo. Chỉ biết rằng hai con mắt đỏ ấy đã làm cho đầu óc tôi bừng tỉnh. Ông vẫn còn ngủ, còn tôi lầm lũi bỏ đi.” (tr.863)

Tôi nhấn mạnh câu cuối trong đoạn hội thoại trên bởi từ láy lầm lũi gây một độ biểu cảm khiến câu này lệch khỏi đoạn trần thuật: nhân vật Đức dẫu mang tâm thế người có lỗi cũng không thể trơn tru hồi cố mà tự mô tả mình rằng còn tôi lầm lũi bỏ đi; những mô tả sử dụng loại biểu cảm này thường có điểm nhìn bên ngoài đối tượng mô tả, và thường là một lối tu từ để nhấn mạnh ấn tượng cảm giác của người quan sát, thuần chữ nghĩa và có xu hướng khoa đại; trong câu trích trên đây nó khiến sự ăn năn của nhân vật này mang một sắc thái hùng biện, và do đó, dạy dỗ.

Phù hợp hơn, câu này từ miệng nhân vật Đức nếu nó được trình hiện như một độc thoại nội tâm; và nếu như vậy, nó sẽ rơi vào tương tự tình thế của câu độc thoại nội tâm đã dẫn ở đoạn trên từ miệng nhân vật An – độ chênh lịch đại trong dòng tự sự bị xóa nhòa, hậu quả là tâm lý nhân vật không có biểu thị vận động nào để ghi dấu sự biến chuyển giữa phút “bừng tỉnh” ngày xưa với cái nhìn hối lỗi bây giờ, một độ lệch theo logic hình thức, ít ra về mặt ngữ dụng trong việc một nhân vật như thế tự nói về mình.

Nhưng câu hỏi như đã đặt ra ở trên: tại sao những câu văn như thế vẫn đứng trong các đoạn hội thoại hay độc thoại như thế của truyện này mà dường như vẫn không gây trở ngại?
Là bởi, trước hết, chúng đã ngay từ trang đầu hòa vào dòng trần thuật của lời kể – cùng một phong cách văn ngôn như nhau ở đây được triển khai chung cho tất cả các trình thuật kể/tả/đối thoại/độc thoại/ hồi cố/dự báo, chung cho tất cả các vai, giống nhau dù ở những đoạn huyền hoặc giai thoại hay những đoạn hiện thực tính đậm; toàn bộ là một lối viết tu từ trau chuốt đúng mực, đôi khi bay bướm, thường hùng hồn, rất thường có xu hướng nhằm gây cảm động; những phẩm chất đó không phải là trung tính, không phải vì nó là văn chương thuần túy v.v.

Lý do tiếp đến, như một hệ quả từ điều trên, nằm ở tính đăng đối hoàn toàn có thể thấy rõ trong mấy thí dụ trích dẫn vừa nêu, đặc biệt trong giọng điệu những câu như thế, một tính đăng đối như là hình bóng và thuộc về truyền thống đăng đối của loại văn “dĩ tải đạo”, tức là một lối viết do diễn ngôn của “đạo” chi phối-kiến tạo.
Yếu tố nhịp nhàng đều đặn toát ra từ tổng thể cũng như từ mỗi tình tiết của văn bản-truyện bởi lối hành văn trau chuốt, và cái tính nhịp điệu đó có cái sức ám thị của hình thức và sự cân đối – bằng vào đó, nó ngấm ngầm mặc định tính chất tiên nghiệm cái diễn ngôn đã kiến tạo lối viết, tính chất tiên nghiệm của “đạo”.

Bởi thế mà các nhân vật luôn nói năng như giảng thuyết và không có giọng điệu cá tính, tức không có cái được gọi như ngôn ngữ nhân vật, thay vào đó chỉ có sự ước lệ của lời kể dưới dạng hội thoại và độc thoại – cái lời kể mang hình bóng của diễn ngôn chi phối, là một phiên bản tái tạo mang tính tâm lý của cái diễn ngôn đó.

Câu chuyện trong sách này chứa đựng một lược đồ thoái biến trước hết biểu thị qua những đường viền đứt nối cái hình bóng mờ tỏ của một Câu-chuyện-lớn vốn đã chi phối thang thời-gian-lịch-sử, tạo thành cả một kỷ nguyên vừa qua: đó có thể là thực tại khách quan, nhưng vấn đề là truyện đã dùng cái thang ấy làm xương sống cho cuộc đời nhân vật chính – xuất hiện như một nạn nhân nhỏ tuổi từ một trận càn quét của quân Pháp, nhân vật An đi qua chứng kiến tham dự và liên đới vào suốt các biến động lớn của lịch sử đã biết cho đến chỗ thành một anh bộ đội phục viên vui sống điền viên làm “kinh tế vườn-đồi”; tuy nhiên, cái đã kiến tạo ý nghĩa cuộc đời cho nhân vật chính này lại từ một thang thời gian khác tính từ một điểm tái cấu trúc là câu chuyện về nhân vật thiền sư Vô Úy (từ tr.240 đến tr.265), trong đó có chuyện về sư tổ trước đó là nhân vật sư Vô Chấp, mà qua một câu của nhân vật sư Vô Úy đã dẫn ở trên, ta thấy cái thang lịch sử này kéo ngược lên đến “đức Trần Nhân Tông” và xa hơn nữa bởi cái “đạo” của ngài; thang lịch sử này chứa đựng thang lịch sử kia, và tính thoái biến biểu thị trên cái thang lớn hơn về thời gian lịch sử khiến ta liên tưởng đến thuyết phân kỳ về “thời Mạt Pháp”: thoái biến được minh họa rõ rệt, bởi nhân vật thiền sư Vô Úy được kể là con trai một nhà khoa bảng, dân Hà Nội, tinh thông cả Hán học và Tây học, đến khi nhập tu thì nhập tâm tinh thông kinh sách hơn người – tức một nhân vật biểu tượng văn hóa xuất chúng của thời đại chứa đựng cả Nho-Pháp-Phật; truyện có vẻ hàm ý nhân vật này như một kiếp đầu thai của một bậc thầy nào đấy; song con đường của tăng thống này đã đứt đoạn ở nhân vật An, vốn được sư Vô Úy nhận cho xuống tóc đi theo vì thấy thằng bé sáng láng đĩnh ngộ, tức có thể đào luyện thành người để truyền y bát; nhưng, như đã kể trong truyện, học trò trước An của sư Vô Úy là Vô Trần đã bị một cô “đội gạo lên chùa” làm cho hoàn tục, sau thành một chính ủy quân đội v.v., còn nhân vật An thì đã không thành một thiền sư họ Vô kế tiếp, chỉ là một cư sĩ về già sau khi nhân vật thiền sư Vô Úy đã mất.

Điều này dường như đã được báo trước trong đoạn kể về nhân vật sư Vô Chấp giảng về luân hồi và nghiệp (tr.253), một đoạn thuyết giảng thấu đáo song toát lên ý vị buồn bã của sự an ủi và chấp nhận, cũng như trong lời ông răn rằng lòng từ bi thực rất mạnh, người ta phải có sự dũng mãnh và kiên quyết mới thực hành được chữ “nhẫn” của Phật gia (tr.256) – xuyên suốt những lời ấy lạ thay ta khó thấy cái kỳ vọng về giác ngộ; và đằng sau niềm an ủi về tính đúng đắn đạo lý đã được bảo chứng truyền đời thì lại chính là những chìm nổi “tùy duyên” của cái được xem như số phận.

Cả một Câu-chuyện-lớn với thang thời gian lịch sử đặc định của nó, cái đã dẫn đưa cuộc đời nhân vật An đến chỗ không thành một họ Vô kế tục, dường như chỉ để minh họa cho khái niệm “tùy duyên” đó.

Có lẽ vì thế mà không thấy được ngôn ngữ nhân vật trong cuốn trường thiên này.
Và cũng như trong những văn bản tôn giáo truyền thống, việc và người trần gian luôn chỉ là những bóng hình, dẫu có sinh động, của một quá khứ xa xăm và của một tương lai còn xa xăm hơn.

Những lời thuyết giảng trực tiếp hay gián tiếp từ miệng các nhân vật trong truyện này tái tạo một phiên bản cái diễn ngôn gốc đã chi phối nó, thành hình nên nó, và, vẫn như xưa nay, tái tạo cũng như/hoặc lặp lại là một phương cách để an ủi, như lời nhân vật An ở cuối sách nói kiếp người như con đom đóm với chút ánh sáng bé nhỏ yếu ớt “Nhưng dù sao cũng là ánh sáng.”

* Tham luận tại tọa đàm Lịch sử và văn hóa qua tự sự nghệ thuật của Nguyễn Xuân Khánh do Viện Văn học tổ chức (Thứ Hai ngày 15/10/2012 tại Viện Văn học, Hà Nội)

1 Nguyễn Xuân Khánh, Nxb Phụ nữ, 2011

 

 

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)