Trong một dòng ý thức
Có đôi điều dường như một số người đọc Nguyễn Thúy Hằng thường bỏ qua, là tính chất giản dị thuần khiết của ngôn từ và giọng điệu kể chuyện rõ nét.
Tuy nhiên những diễn giải hay phản đối kiểu đó đều không tính đến chất xúc cảm rất rõ ràng trong từng câu-đoạn thơ hay văn này, cái xúc cảm, theo lẽ thường, người ta nhận ra được bởi việc văn thơ đó kể chuyện hay biểu hiện, mà sự gắn kết của câu chữ, việc tái tạo tính hàm ngụ hay ẩn dụ của từ ngữ dùng đến, đều được tạo nên bằng vào việc biểu đạt chất xúc cảm đó.
Tôi từng có dịp nêu nhận xét, qua tập Bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ, Nguyễn Thúy Hằng là một người kể chuyện bẩm sinh. Và ở tập thơ lần này, Họ – bột hư ảo, có đề từ bằng một trích dẫn J.M.Coetzee: “… là vì buồn phiền, tôi đã biến đời mình thành một câu chuyện hư cấu”. Lời của đề từ biểu thị vừa thành thực vừa như một cách ngôn đặt ngang bằng “đời mình” với “câu chuyện”. Ta sẽ rút gọn cái nền tảng của truyện kể một cách tối thiểu: có điều gì đó đã xảy ra.
Cấu tạo của tập thơ này gợi ý rõ rệt về tính truyện như thế: nó chia làm ba phần, phần thứ nhất có tên “Cello” gồm bảy bài đều có kiểu tên bài là “Trang 96” hay “Trang 90: Họ”, mà ta có thể thấy ngay sự thành tạo dạng ký hiệu trang-xx:-abc; thêm nữa, các số “trang” này xếp thành một chuỗi đếm ngược từ 96 đến 90, một dãy số mà khả năng sát hợp nhất về ý nghĩa có thể đoán định là biểu trưng cho chuỗi đếm ngược xuất phát (chuỗi đếm ngược về điểm zero) hoặc đếm ngược vào phía quá khứ, và cả hai sự đếm như vậy hàm ngụ cùng một điều – có một quá trình đã xong, một kế hoạch đã chuẩn bị, và/hoặc một loạt sự việc đã xảy ra liên can đến hiện tại, mà chuỗi đếm ngược báo hiệu việc kể về những chuyện ấy và/hoặc sự bắt đầu việc kể về chuyện gì đó.
Phần thứ hai của tập thơ này có tên chung là “Xanh Blue Gray No 938”, cái tên mà tính ký hiệu rõ như ban ngày, thì ta sẽ thấy có một chỉ dẫn khó mà hiểu sai ở bài có tên “Màu điên xám xanh”, tr.53-54 phần này, qua một loạt những từ ngữ như “màu bột”, “bề mặt”, “kết cấu”, “dầu thông”, và lời chú cuối bài “- cho thời kỳ blue gray -”, những từ ngữ đủ biểu thị tính tập hợp chuyên biệt để nhận ra một từ vựng hội họa; chưa kể những ghi chú rõ ràng hơn như “cho bức sơn dầu “Buổi chiều thức dậy” – LTQG”, tr.47, hay “Phòng vẽ.Thứ năm.Ngày 25 tháng 3.2010.3am.”, tr.66; tất cả đều là những dấu hiệu biểu thị chỉ dẫn rằng điều xảy ra ở đây liên quan rất nhiều đến hội họa và/hoặc chính là hiện thể khác của một hội họa là chính nó, bên trong nó.
Phần thứ ba của tập thơ mang cái tên của cả tập, Họ – bột hư ảo, tái lập theo cách khác những biểu hiện ký hiệu qua các tên bài như đã làm ở phần thứ nhất: trừ bài đầu tiên của phần này có lời chú đặt trong ngoặc đơn, bảy bài còn lại đều có dạng tên [những từ] – abc, mà các dấu ngoặc đơn và ngoặc vuông rõ ràng biểu trưng cho mối quan hệ tham chiếu-diễn giải giữa các từ ngữ bên trong với bên ngoài các dấu ngoặc; và bởi thực tế mối quan hệ này không hiển minh trong các ngữ đoạn-tên bài thơ này, ta phải hiểu rằng nó – cái quan hệ tham chiếu đó – là quan hệ của toàn bộ bài thơ với những bài thơ khác, lần lượt, và xuyên suốt, cũng như nó hàm ngụ một quan hệ tham chiếu trước hết và căn bản giữa chính những từ ngữ của mỗi bài thơ, chứ không phải trước hết với những đối tượng mà bài thơ đem lại hình thức biểu đạt, nói khác đi, với cái ta xem như là thực tại ngoại hiện (và đây là một đặc trưng cho phong cách của Nguyễn Thúy Hằng, mà tác giả này đã phô diễn rất điển hình trong tập thơ trước).
Suy luận đó đưa đến hai hệ quả: trình thức kể chuyện của tập thơ là điều hợp lý rõ ràng (đặc biệt, từ câu mở đầu của bài mở đầu đến đoạn kết của bài cuối phần thứ nhất, cho thấy cái mô thức truyện kể điển hình: “khi ấy là mùa xuân.”/… “ngồi tại nơi này, trong một buổi chiều mùa đông có nắng ấm áp, tôi đứng giữa những cành cây mà tôi mới vừa trồng trọt, tôi thấy ai đó đã thả xuống một bọc khí màu vàng, đã gieo vào tôi một cuộc đời khác thường, một con mắt khác thường.
nó bắt tôi phải kể lại câu chuyện của Họ.
trong lúc này, để có thể kể ra đầy đủ, bạn hãy chờ tôi một chút.
tôi phải đốt một điếu thuốc. tôi cần phải rít một hơi say sưa. bạn hãy sửa soạn lại tư thế.
bạn sẵn sàng nghe chưa?”)
, và theo đó, câu truyện Họ – bột hư ảo là một chuyện kể về hội họa, chính xác hơn, về một quá trình biểu tượng hóa mà cái hội họa ấy, trong hình thức con người của nó, đã thực hiện việc biểu tượng hóa ấy, và việc biểu tượng hóa đã xảy ra, như thế nào.
Chính cái điều đó sẽ khiến ta thấy vì sao đặc điểm nổi bật hàng đầu ở tập thơ này, rộng ra thì cả ở hai tập trước của Nguyễn Thúy Hằng, ngôn từ trong các bài thơ lại có một vẻ giản dị đến thế về phương diện từ chương: tôi gọi đó là sự giản dị thuần khiết, bởi cái nỗ lực không thể không nhận thấy ở đó khi ngôn từ ấy không ngừng vươn tới cấp độ “essence” hay “original” của sự biểu đạt, một sự tái tạo khẩu ngữ ở mức căn cốt sơ đẳng của khẩu ngữ, cấp độ của lời-thốt-ra, hay lùi sâu hơn nữa về phía ranh giới xuất hiện của lời nói ngay trước khi chúng tha hóa vào quá trình lặp lại ổn cố của các hình thức ngữ pháp và cú pháp.
Sự tham chiếu, hay có lẽ đúng hơn, một cách tự-tham chiếu của ngôn từ-thơ ấy với hội họa trong chính nó, một cách đặc thù của nó, hoàn toàn không phải một quan hệ ngẫu nhiên – tức không phải vì “lý do” về hình thức cô ấy/anh ấy là họa sĩ nên có tham chiếu hội họa ấy.
Truyện kể về hội họa, đặc định và đặc thù, ở thơ Nguyễn Thúy Hằng đem lại sự bổ sung về tính trực tiếp của hành vi ngôn ngữ mà thơ này tái lập, bởi tính biểu hiện-trừu tượng trong hội họa đó mang lại hình ảnh của hành động trực tiếp trong khi vẫn được trừu xuất khỏi những đối tượng và phương tiện trực tiếp – là điều chứa đựng cái ẩn dụ sâu xa về việc thanh tẩy đến cùng cái tính-mục-đích,bị tiêm nhiễm vào hay bị mang khoác lấy, tức bị tha hóa trong hình thức nói ra, của hành vi ngôn ngữ kia.
Mặt khác thì, tính biểu tượng hóa trừu tượng đó – nghe có vẻ nghịch lý, nhưng không – phản ánh trực tiếp một quá trình biểu tượng hóa có tính chất cội rễ, là quá trình thành tạo của những ý nghĩ, những hình ảnh biểu tượng từ trong tâm trí, những thứ là thuộc về phần nhận ra được của nội hàm tâm thần, hay nói một cách quen thuộc hơn: là những gì khi hết sức nỗ lực và may mắn, ta nhận ra từ bên trong trong ta, một dòng miên viễn của ý thức.
Sự giản dị và tính trực tiếp của câu chữ trong thơ Nguyễn Thúy Hằng luôn luôn trên đường đi đến chỗ thuần khiết như vậy, và đó là một trong những lý do những câu-đoạn-bài của thơ ấy thường hiện rõ tình trạng chưa-hoàn-tất, thường có vẻ ám dụ rằng chúng đã bắt đầu ở đâu đó, chúng đang đi qua ở đây, đang hình thành hoặc đang biến đổi, đang đi tới một mục tiêu xác định nhưng không thể thấy rõ từ điểm nhìn này, bởi tính chất nội tâm thuần túy của chúng, và do vậy là bí mật hoàn hảo của chúng, cũng bởi quá khứ xa khuất của chúng, mang tính thời gian một cách bản chất cho nên dường như luôn mất đi vào khoảnh khắc kế tiếp, rơi lại phía tối mà nó đã trồi lên, nhưng cũng đồng thời để lại dấu hiệu và dấu vết, trong những từ đang hình thành, trong chuỗi lời nói đang thoát thai từ ý nghĩ và thành ý nghĩ.
Đấy là phương diện phẩm tính của cái, nếu có thể lạm dụng để gọi, như là “cốt truyện” trong câu chuyện của thơ Nguyễn Thúy Hằng – có cái gì đó xảy ra? Đấy là bên trong một dòng ý thức đang chảy.
—
* NhãNam và NXB Văn học, 12/2012