Trông người… lại ngẫm đến ta
1. Trông người... Tôi xếp hàng trong đoàn người rồng rắn vào Bảo tàng nghệ thuật hiện đại NewYork xem triển lãm của Manet và Velazquez. Hôm sau, hình như lại chính đoàn người đó xếp hàng vào Guggenheim Museum để xem trình diễn của Matthew Barney, một nghệ sỹ Mỹ rất trẻ (sinh năm 1967), rất nổi tiếng. Anh ta cách tân triệt để trong việc xóa hết ranh giới giữa các loại hình nghệ thuật. Từ Manet đến Mathew Barney quãng đường dài một thế kỷ đã được người xem nối lại, nghệ thuật không có cũ và mới. NewYork và đối diện bên kia đại dương là London, Berlin vẫn đang là cái nhiệt kế chính xác nhất về sự phát triển của Hội họa Thế giới.
Khắp nước Mỹ đâu cũng có bảo tàng. Chẳng biết chính phủ có chính sách gì mà người dân lại đóng góp cho bảo tàng hoàn toàn tự nguyện. Tôi tình cờ có mặt tại Sanfrancisco đúng vào dịp khai trương Bảo tàng nghệ thuật Châu Á sau gần hai năm đóng cửa. Bảo tàng này còn được gọi là Trung tâm Nghệ thuật và Văn hóa Á Châu Chong- Moon- Lee, tên của một doanh nhân Mỹ gốc Hàn. Ông này đã tài trợ một khoản tiền rất lớn cho việc xây dựng bảo tàng. Không cứ ở đây, bất kể bảo tàng nào ở Mỹ mà tôi đã ghé thăm thì phần lớn tác phẩm trưng bày đều do các tổ chức, các công ty hoặc cá nhân tặng, tạo thành những bộ sưu tập riêng trong bảo tàng chung. Ví dụ tại Bảo tàng nghệ thuật Seatle, trong chiếc tủ bày đồ gốm Việt Nam có tấm biển ghi rõ: mượn của ông Stevenson, một chuyên gia về gốm Việt. Người có của không phải lo giữ gìn bảo quản, nhà nước không phải bỏ tiền ra mua (mà thực ra thì cũng không thể đủ tiền để mua nhiều đến như thế) và quan trọng hơn hết là tất cả mọi người đều cùng có cơ hội thưởng thức.
2… Lại ngẫm đến ta.
Cách đây chừng hai năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nẩy ra sáng kiến kêu gọi các nghệ sỹ hiến tặng tranh. Có rất nhiều họa sỹ nhiệt tình hưởng ứng. Cũng may mà ý tưởng đó chết yểu chứ không thì Bảo tàng phải bỏ ra một núi tiền chưa chắc đã đủ để mua đất, xây nhà chứa các tác phẩm sưu tập theo kiểu từ thiện như vậy. Ý tưởng ngây thơ đó của Bảo tàng Mỹ thuật không hoàn toàn sai. Một tác phẩm tốt nhất của một tác giả nào đó, tức là nó phải vượt qua quá trình chọn lọc khắt khe của một hội đồng nghệ thuật uy tín. Cho nên lời đề nghị hiến tặng chỉ đưa ra sau khi đã có quyết định của Hội đồng chứ không phải kêu gọi ồ ạt theo kiểu phong trào để lập thành tích về số lượng như đã nêu ở trên.
Tranh Bửu Chỉ |
Hội đồng nghệ thuật tưởng là dễ hóa ra lại rất khó, dù nó chỉ cần 2 tiêu chí: một là thành viên hội đồng phải là những người biết xem tranh, hai là phải công tâm. Các hội đồng nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay đều yếu kém. Các thành viên được điều kiện này thì lại mất điều kiện kia nhưng phần lớn là không có cả 2 điều kiện trên. Cho nên hầu hết tranh tượng mà các bảo tàng, từ trung ương đến địa phương mua trong hơn chục năm vừa qua đều không đạt chất lượng cũng là điều dễ hiểu. Không biết xem tranh nên mua phải tranh xấu là lẽ đương nhiên. Biết xem tranh nhưng tâm địa hẹp hòi nhắm mắt làm ngơ, mua tranh xấu về thì có nhiều nguyên nhân: hoặc do quan hệ, do chia chác bổng lộc, tạo uy tín cá nhân hoặc tranh thủ cơ hội để ban phát ân huệ v.v… Tất nhiên công việc sưu tầm của Bảo tàng Mỹ thuật mấy chục năm qua còn một hạn chế nữa không thuộc yếu tố con người mà do cơ chế. Khi mục đích nghệ thuật không phải là tiêu chí đầu tiên mà lại phải nhường cho các tiêu chí ngoài nghệ thuật như: tác giả tuổi cao, tác giả của các vùng miền, đề tài mũi nhọn v.v…
3. Giải pháp
Vì cơ chế lạc hậu mà Bảo tàng Mỹ thuật đã để mất một cơ hội hy hữu trong lịch sử là từ chối bộ sưu tập của ông Đức Minh.
Vì thiển cận mà Bảo tàng Mỹ thuật đã không lưu giữ được những bức tranh cổ động chính trị thời chiến tranh (bản gốc). Phần lớn những tác phẩm này đã “đi” ra nước ngoài hoặc nằm lẻ tẻ trong các bộ sưu tập cá nhân. Tranh cổ động chính trị là một thể loại điển hình của Mỹ thuật Xã hội chủ nghĩa. Đáng nhẽ thể loại này phải có một bảo tàng riêng mới xứng đáng.
Giai đoạn đổi mới là một thời kỳ lịch sử đặc biệt với việc phát lộ nhiều tên tuổi đến mức tạo thành một khuynh hướng (chữ của Nguyễn Quân) nhưng các bảo tàng Mỹ thuật ở Việt Nam cũng lại quá chậm chân nên hầu hết các tác phẩm tiêu biểu của giai đoạn này cũng đã về tay các tay chơi nước ngoài hết.
Cách tốt nhất để sửa chữa những sai lầm trong quá khứ là hãy dừng lại việc mua tranh, dồn toàn bộ số tiền đó để xây dựng lại cơ chế. Quy định rõ việc mua tranh của Bảo tàng Mỹ thuật là tiêu chí mỹ thuật. Bất kể tuổi tác, vùng miền, đề tài. Còn nếu có ý định tôn vinh các yếu tố trên thì đã có giải thưởng hoặc tranh về nông nghiệp sẽ do Bảo tàng Nông nghiệp mua, tranh của hội người cao tuổi do Bảo tàng Lịch sử mua, tranh tượng về quân sự do Bảo tàng Quân đội mua. Gần đây đã có bọn cướp nhà băng nhưng chưa thấy bọn cướp bảo tàng. Nếu có mà bọn chúng lại lọt vào gian trưng bày tranh của Bảo tàng Quân đội thì chúng sẽ về tay không vì toàn tranh xấu. Tôi thật xót xa cho tiền của và công sức của Bảo tàng Quân đội trong các lần tổ chức triển lãm mỹ thuật gần đây.
Cũng cần phải làm lại quy chế về việc thành lập hội đồng nghệ thuật, các thành viên của hội đồng bắt buộc phải là những họa sỹ tên tuổi, có uy tín nghề nghiệp và uy tín xã hội.
Nếu không cải cách được những vấn đề nêu trên thì Bảo tàng Mỹ thuật sẽ tiếp tục là nơi chứa chấp tranh xấu, lãng phí tiền bạc của nhà nước. Cũng không nên vội vã mở rộng hoặc xây dựng bảo tàng mới vì đó chỉ là phần ngọn. Mua tranh gì, treo tranh gì vào cái bảo tàng mới mới là cái gốc.