Trông người lại nghĩ…

Đồ thủ công truyền thống như cái khay khảm ốc, đôi câu đối sơn son thếp vàng, thậm chí cái vại muối dưa gốm sành v.v... chứa trong đó là lịch sử, là văn hóa, là truyền thống, là tính nết của người Việt, dân tộc Việt.

Lư hương đời Lê thế kỷ 17.

Đặc điểm địa lý của nước Việt là hẹp bề ngang, phát triển theo chiều dài, “trời cao biển dài”, có cả biển Đông và biển Tây. Có đủ ba địa hình, rừng núi, đồng bằng và biển. Vị trí địa lý của nước Việt cũng rất độc đáo, nằm ở góc mép của lục địa châu Á. Có dòng sông nào mà không chảy theo trục Tây – Đông. Nước Việt với mặt tiền biển Đông còn có thể gọi là đất nước của những cửa sông. “Phúc như Đông Hải”. Vùng văn hóa Việt Nam có nhiều tiểu vùng văn hóa mà mỗi tiểu vùng gắn với một dòng sông trải từ Bắc xuống Nam, sông Hồng, sông Mã, sông Lam, sông Hương, sông Thu Bồn, sông Côn, sông Đồng Nai, sông Cửu Long… Có nền văn minh nào không ở bên sông? Có con sông nào mà không chảy trong lòng nó dòng nước – văn hóa? Có lẽ hiếm có nước nào nhiều làng nghề thủ công truyền thống như Việt Nam. Không những nhiều mà với đặc điểm địa lý như trên thì ngành nghề, làng nghề phong phú đa dạng cũng là đương nhiên. Đúc đồng, chạm bạc, mây tre đan, sơn mài, khảm trai, dệt lụa, mộc, gốm… Nghề nào cũng vài trăm năm tuổi đến hơn ngàn tuổi. Ấy là chưa kể với 65 dân tộc thì cùng nghề nhưng đặc tính mỗi tộc người một khác nên các sản phẩm cũng khác. Chỉ lấy nghề gốm làm ví dụ để chứng minh nhận định này. Trải dài từ Bắc về Nam không biết có bao nhiêu làng gốm. Gốm Đông Triều (Quảng Ninh), gốm của người Thái ở Mai Sơn (Sơn La), gốm Phù Lãng (Bắc Ninh), gốm Thổ Hà (Bắc Giang). Gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc), gốm Bát Tràng, gốm Chu Đậu (Hải Dương), gốm Phước Tích (Huế), gốm Thanh Hà (Hội An), gốm Gò Sành (Bình Định), gốm Chăm (Ninh Thuận), gốm Cây Mai (Sài Gòn), gốm Biên Hòa, gốm Lái Thiêu (Bình Dương). 

Nếu có một bảo tàng tên gọi là Bảo tàng thủ công mỹ nghệ truyền thống thì đó cũng có thể hiểu là bảo tàng thiết kế và mỹ thuật ứng dụng.

Về lịch sử thì gốm Việt cũng đã 4000 năm tuổi với đồ gốm của giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu – Gò Mun và gốm Sa Huỳnh (khoảng 2.500 năm). Và quan trọng là các dòng gốm không hề giống nhau. Gốm sứ Đông Triều, gốm sành có men Phù Lãng, gốm sành không men Hương Canh, gốm đất nung Thổ Hà, gốm men màu nhẹ lửa của Cây Mai, Lái Thiêu…

Đồ thủ công truyền thống như cái khay khảm ốc, đôi câu đối sơn son thếp vàng, thậm chí cái vại muối dưa gốm sành v.v.. không chỉ là bản thân nó mà chứa trong đó là lịch sử, là văn hóa, là truyền thống, là tính nết của người Việt, dân tộc Việt. Các bảo tàng lịch sử, mỹ thuật, dân tộc học đều trưng bày sản phẩm thủ công. Nhưng theo tôi nhất thiết phải có một bảo tàng quốc gia về đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống. 

Vẫn là dẫn chứng về gốm, gốm có “tam tài” đất, nước, lửa nhưng mỗi miền, mỗi vùng, mỗi làng gốm sẽ khác nhau. Người nào gốm ấy. Gốm Chăm, gốm Ninh Thuận là đất pha cát, nung củi, lửa thấp không dùng lò, tạo hình thì không dùng bàn xoay, ắt hẳn không giống gốm Bát Tràng chẳng hạn, là đất chịu được nhiệt cao. Đã là bảo tàng thì đâu chỉ bày sản phẩm mà còn phải bày cả dụng cụ chế tác với gốm là bàn xoay, vong mây, bửng, bao thơi… rồi các loại lò là lò ếch, lò đàn, lò bầu, lò hộp. Với sơn mài là: bay xương, mo sừng, thép tóc, mỏ vày, bạc, vàng, quỳ.  

Câu đối Càn Khôn Tại .

Nếu có một bảo tàng tên gọi là Bảo tàng thủ công mỹ nghệ truyền thống thì đó cũng có thể hiểu là bảo tàng thiết kế và mỹ thuật ứng dụng. Lịch sử thiết kế và mỹ thuật của người Việt, nằm cả ở đó chứ ở đâu? Từ bát hoa sen Lý đến bát chân cao Lê Mạc cho đến bát chiết yêu sau này đều là những tác phẩm thiết kế. Mỹ thuật Việt nằm ở đồ thủ công, nằm ở hoành phi, cửa võng, y môn, ngai thờ, sắc phong, cuốn thư, câu đối…

Bảo tàng hiện đại thì đâu chỉ là đồ vật mà còn là bản ghi âm, ghi hình thực hành nghề của các nghệ nhân. Các nghệ nhân ở các làng nghề thì đều đã cao niên, ký ức nghề, tinh hoa nghề kết tinh trong họ. Thời gian đâu có đợi ai. Nếu chưa làm được bảo tàng thủ công mỹ nghệ truyền thống thì ngay bây giờ đã phải có ý thức, kế hoạch về điều đó, phải lưu giữ trước, mà đâu tốn kém gì? Ví dụ: nghệ nhân Giang Thị Nhạn ở làng gốm Hương Canh đã ngoài 70, nghệ nhận Phạm Ngọc Huy 74 tuổi, nghệ nhân Trần Thị Luận ở làng gốm Phù Lãng đã ngoài 80 tuổi v.v.. Nên làm ngay những bộ phim tài liệu về họ. Không thì hối chả kịp, làng gốm Thổ Hà đã chết, gốm Cây Mai ở Sài Gòn cũng đã bị xóa sổ, cả làng Bát Tràng chỉ còn mỗi một cái lò bầu để khách du lịch tới xem chứ không còn đốt nữa. 

Ghế đoản kỷ.

Thực chất, cái đắt nhất để làm bảo tàng chưa chắc đã là tiền mua đất và xây dựng mà là cơ chế, chính sách để thực hiện trong đó có kế hoạch sưu tầm, xin cho tặng hiện vật, tư liệu. Bảo tàng Hà Nội xây xong hồi 2010 đến nay vẫn không có gì bày là minh chứng, nhãn tiền. Nên chăng xây dựng bảo tàng số trước, đấy cũng là một giải pháp. 

Rất nhiều các bảo tàng lớn trên thế giới trưng bày gốm Việt, Bảo tàng Hoàng gia Anh, Bảo tàng Guimet ở Paris, Bảo tàng Metropolitan ở New York, Bảo tàng Idemitsu ở Tokyo, Bảo tàng Các nền văn minh châu Á ở Singapore… 

Trông người lại ngẫm đến ta.□

—-

Tất cả các hiện vật trong bài thuộc bộ sưu tập của G39.

* Họa sĩ, sáng lập phòng tranh G39. 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)