Trung Quốc và sự dung hợp trong thế giới

Lịch sử của đất nước Trung Quốc là quá trình mở rộng lãnh thổ, đi liền với những xung đột và giao thoa không ngừng giữa các cộng đồng người, để rồi cuối cùng tích hợp lại thành một cộng đồng chung được gọi là người Trung Quốc. Cộng đồng ấy không chỉ dừng chân ở một chỗ mà lại tiếp tục tỏa đi khắp mọi nơi chốn trên thế giới, và cứ hễ chỗ nào có mặt người Trung Quốc thì họ đều có thể sinh tồn, phát triển mà không hề bị suy thoái hay bị lẫn lộn, hòa tan trong số đông bản địa.

Đạo làm người, theo Khổng Tử, khi nghèo thì lạc quan, khi giàu thì chuộng lễ nghĩa.

Bởi vậy, phải chăng năng lực đặc thù của người Trung Quốc là khả năng dung hợp? Hẳn không phải ngẫu nhiên khi hai nhà tư tưởng lớn nhất của người Hoa đều nhằm vào sự dung hợp. Lão Tử hướng tới sự dung hợp tuyệt đối của con người trong thế giới. Khổng Tử thì thực dụng hơn, hướng tới một sự dung hợp mang tính tương đối, có tính linh hoạt tùy thuộc theo đối tượng và hoàn cảnh. 

Học trò của Khổng Tử là Tử Cống hỏi thầy mình về đạo làm người rằng người nghèo khổ mà không siểm nịnh, giàu có mà không kiêu ngạo, như vậy đã được chưa? Khổng Tử đáp, như vậy được đấy, nhưng không bằng khi nghèo thì lạc quan, khi giàu thì chuộng lễ nghĩa.

Cuộc hỏi đáp của thầy trò Khổng Tử phần nào phản ánh vì sao Nho giáo phát triển mạnh mẽ. Nó định hình một trật tự tinh thần vì sự ổn định của xã hội, tạo ra điểm tựa tinh thần cho tầng lớp dưới, và đồng điệu với bản tính lạc quan, bền bỉ, không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên của người Trung Quốc.

Nhưng theo lẽ thường tình thì thách thức tinh thần lớn nhất của đời người, với cá nhân cũng như với một quốc gia, không đến vào lúc con người còn nghèo túng, mà là làm sao tránh sự tự mãn, mất động lực phấn đấu và suy thoái khi đã thịnh vượng. Đế quốc Trung Hoa trong lịch sử từng đứng trên đỉnh cao so với mặt bằng chung trước khi bế tắc và đi xuống. Không chỉ người Trung Quốc, La Mã và nhiều dân tộc hùng cường trước đây từng sa vào kịch bản tương tự.

Lịch sử của người Trung Quốc nói riêng, số đông nhân loại nói chung đến nay phần lớn cho thấy chưa đạt tới vế thứ hai trong câu trò chuyện của thầy trò Khổng Tử. Người ta thường để cho quyền lực và sự giàu kích thích lòng kiêu ngạo và mất tỉnh táo, không còn tìm thấy chỗ đứng bền vững thực sự của mình.   

Liệu người Trung Quốc hiện đại có tránh được lối mòn cũ? Họ đã thoát khỏi tình thế nghèo khó và những tủi hổ trước đây, giành được một vị thế và tiếng nói có trọng lượng trên thế giới, nhưng liệu họ có thể phát huy năng lực dung hợp kỳ lạ của mình để chung sống với các quốc gia, dân tộc khác trong một bối cảnh chung đầy biến động như hiện nay – một bức tranh chung trong đó không chỉ Trung Quốc, bản thân các nước đã phát triển văn minh cũng bộc lộ rõ xu thế thực dụng trong đường lối phát triển của mình.

Động lực sinh tồn khiến người yếu thế phải tìm mọi cách dung hợp với thế giới và vượt lên nghịch cảnh. Nhưng khi người yếu trở thành kẻ mạnh thì đâu là động lực để dung hợp? Nhân loại đã đi một chặng đường dài vì sự dung hợp của mình trong thế giới, nhưng đó là chặng đường chông gai, không thiếu những mảng tối của sự hoang dã bản năng đến nay vẫn còn bộc lộ hiển nhiên.Người ta cho rằng thế giới cần sự cân bằng quyền lực và hài hòa lợi ích giữa các bên để tạo ra trật tự ổn định, nhưng thực tiễn cho thấy đó luôn chỉ là sự ổn định tạm thời, là điều kiện cần chứ chưa đủ.

Vậy thì khi nào con người nói chung, người Trung Quốc nói riêng có thể dung hợp thực sự – hay khi nào tất cả chúng ta đủ tầm vóc để chung sống một cách hòa thuận lâu bền, với ý thức quý trọng và phát huy những giá trị đa dạng riêng có của nhau?

Câu hỏi ấy đến nay chưa có lời giải đáp. Nhưng nếu sự dung hợp lâu bền là có thật trên thế giới thì phải có thêm một điều kiện quan trọng nữa, đó là sự thấu hiểu, tôn trọng và cảm thông, mà động lực cho điều ấy đến từ lòng yêu chuộng nhân phẩm và cái đẹp. Điều kiện ấy gian nan, khó đáp ứng vô cùng, nhưng chỉ có nó mới tạo ra mục đích đủ ý nghĩa, xứng đáng là con đường cho con người phấn đấu đi mãi, và cũng nhờ đó tránh khỏi sự bế tắc và mục ruỗng mà bao lần lịch sử từng chứng kiến.

Từ câu trả lời của Khổng Tử về người giàu có phải biết chuộng lễ nghĩa, Tử Cống hỏi, phải chăng nói điều ấy cũng giống như trong Kinh Thi viết: như cắt gọt (xương, sừng), như mài giũa (đá ngọc) để tạo ra vật quý.

Khổng Tử nói “Tứ này, ngươi có thể bàn luận Kinh Thi được rồi, bởi vì nói cho ngươi việc quá khứ, ngươi đã hiểu việc tương lai”.

Tác giả

(Visited 79 times, 1 visits today)