Truyền thuyết về người Quảng

Tính cách của một dân tộc liệu có thay đổi được không, nếu được thì trong bao lâu? Nhưng nếu cần thay đổi, để mưu cầu lợi ích (chắc rồi), liệu sự thay đổi đó có khiến cho dân tộc đó lớn hơn?

Con đường cụ bà Đinh Thị Quyên trở về nhà, vào một buổi chiều Vu Lan lần thứ một trăm lẻ năm trong cuộc đời, vẫn một màu xanh xám bởi những bụi xương rồng, bụi lá sâm và những rặng dương liễu. Hồi nhỏ chỉ mấy sãi chân bà đã ra tới biển, và quay về khi bóng dương liễu mất dạng dưới gốc những đụn cát. Giờ phải dậy thật sớm, vì chỉ ở sát mép biển, được tưới tắm quanh năm bởi muối mặn trùng khơi, những bụi xương rồng bốn cạnh mới có vị ngọt. Trên đường về, cụ bà vài lần dừng lại dùng con dao nhỏ tìm cắt những khúc xương rồng xanh non hiếm hoi.
Xương rồng bốn cạnh, người Thăng Bình (Quảng Nam) gọi là xương rồng khế, nấu với tôm sông Trường Giang thành một món canh không có mùi rõ ràng, và có vị nhẵn như trong nước có kim loại. Không có tôm thì còng biển cũng được, còng biển do bọn trẻ con hùng hục săn đuổi quanh những đụn cát Bình Minh hoang dại. Nhưng nấu với cá vụn là ngon nhất, nước canh tuy đục và dẻo nhưng có mùi thơm của biển khơi mùa lặng. Cá vụn do những ngư dân Bình Minh quanh năm thiếu ăn, thỉnh thoảng nhớ bà đem đến cho.
 Nồi canh xương rồng được nấu vào buổi chiều sửa soạn lễ Vu Lan lần thứ ba mươi hai trong cuộc đời cụ bà, đã có mùi thơm đúng như vậy. Cả nhà, hai vợ chồng với ba đứa con gái, cười ngã nghiêng căn chòi nhỏ trong khi đang uống canh. Con gái út của bà cười to nhất. Buổi sáng theo chị ra chợ Hà Lam , cô út nghe ai đó nói rằng ăn đủ một trăm cái gai xương rồng vùng cát Thăng Bình sẽ sống trăm tuổi. Xương rồng non gai còn mềm, nhưng vẫn là thử thách đối với cả nhà, năm con người chưa bao giờ biết cuộc sống bên kia đồi cát vốn rất tươi đẹp và đầy lạc thú.  

 
Du khách Mỹ làm quen với sông nước Thu Bồn

Mùa Vu Lan này bà Quyên đúng một trăm lẻ bảy tuổi. Nấu xong nồi canh thì vừa tối, bà chia đều trong ba tô lớn, đặt lên đầu một cái tủ nhỏ nơi có ba bát hương trơ trọi, không hình ảnh lẫn bài vị. Cụ bà ngồi chờ trước cửa căn chòi già cỗi, hai bàn tay thô và to một cách kỳ lạ lần mò trong bóng chiều những hạt dương liễu khô nhặt trong ngày. Mỗi hạt khô nhỏ bằng viên bi, màu nâu đỏ xù xì. Hơn một triệu hạt thì đầy cái bao bà mang theo trong lúc đi tìm xương rồng non. Một bao hạt dương liễu bán được một nghìn đồng. Vài ba ngày có người ghé qua túp lều mang đi, và việc đó lặp đi lặp lại giống như những bữa canh xương rồng. Hơn một trăm năm đi nhặt hạt dương liễu bán kiếm sống, cụ bà không thể nhớ nổi đã ăn được bao nhiêu gai xương rồng, chắc phải hơn một trăm thôi. Chồng và hai đứa con gái nhỏ không ăn được nhiều như vậy nên đã lần lượt rời xa bà, trong khói lửa chiến tranh, khi mà nồi canh vào buổi chiều sửa soạn lễ Vu Lan lần thứ năm mươi lăm trong cuộc đời bà còn chưa kịp nấu.
* * *
Trên bãi sông Thu Bồn nơi chảy qua ngôi làng nhỏ mang tên Bình Yên thuộc miền tây huyện Quế Sơn (Quảng Nam), một cái lăng nhỏ được dựng lên thờ phụng vị thủ lĩnh nghĩa quân Cao Cát, vẫn gọi là lăng Ông. Ngôi làng ở xa phía hạ nguồn nơi chôn cất ông, qua bao nhiêu mùa nước lũ, linh vị của ông trôi dạt nhiều lần trước khi đậu lại ở khúc sông trước làng. Người Bình Yên nghèo khổ cho tới tận bây giờ bởi quan san cách trở, đất đai ít ỏi khô cằn, vẫn ráng xây lăng và tôn xưng Cao Cát với danh vị Cao sơn quảng đại chi thần.
Mấy trăm năm đã trôi qua, cái lăng nhỏ nơi heo hút núi rừng chưa bao giờ có được chút yên bình.Chiến tranh, thiên tai huỷ hoại và cả khát vọng muốn ngày càng to đẹp hơn của người bản địa khiến cho lăng phải đập đi xây lại không biết bao nhiêu lần. Được làm mới năm 1996, gần đây người dân bốn xã miền tây Quế Sơn lại tiếp tục mở cuộc vận động quyên góp để nâng cấp lăng Ông một lần nữa. Và để không một kẻ hậu sinh nào không biết hoặc không được phép quên câu chuyện bi hùng về một thủ lĩnh nghĩa quân bất phùng thời, người ta còn muốn tái tạo mô hình chiến thuyền của nghĩa quân Cao Cát trong khuôn viên lăng. Trên mảnh đất nghèo khổ cùng cực này, người già chìm đắm trong mộng mị xưa cũ. Chỉ một đoạn sông Thu Bồn nơi giao nhau với sông Vu Gia, tổng cộng có hai mươi bảy cái lăng Ông. Và như thế vẫn còn ít so với lăng thờ Bà chúa Thu Bồn cũng trên đoạn sông này.
Những người trẻ rời làng từ sớm thì không nghĩ vậy. Hai năm trước theo lời kêu gọi của hội đồng hương và của tộc họ, một doanh nhân người Bình Yên trở về thăm làng đã cho đặt một số ghế đá trước sân lăng Ông. Tám cái ghế đá ở một nơi hoang liêu quanh năm tịnh không bóng người ngoại trừ một ông lão coi lăng tám mươi bảy tuổi, trên lưng ghế khắc tên đơn vị kính tặng là một salon ô tô với đầy đủ địa chỉ và số điện thoại. Có lẽ để đùa vui cùng tuế nguyệt.
* * * 
Là một cựu binh Mỹ ở chiến trường miền Trung Việt Nam trong những năm sáu tám, bảy mươi, nhưng phải hai mươi lăm năm sau Cristopher Dale mới có cơ hội quay lại chốn cũ. Văn phòng chuyên tư vấn thiết kế các tour thám hiễm của Dale, trên con phố nhỏ Via del Cuorvo (California) đang làm ăn phát đạt khi mỗi tuần đều tìm đủ lượng khách cho tour sinh thái Amazon (Braxin). Việc mở thêm các tour mới đã tới lúc và Dale dành hẳn sáu tháng trong ba chuyến đi về Việt Nam để khảo sát một số điểm ở sườn đông Trường Sơn. Vào những năm chín mươi của thế kỷ trước, ý tưởng mở tour tham quan trở lại chiến trường xưa chủ yếu dành cho cựu binh hai nước được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng bởi hy vọng vào những giá trị nhân văn do những chương trình tham quan loại này mang lại. Dale cũng đồng ý và ông, cùng với những cộng sự Việt Nam, đã thực hiện những chuyến ngược sông Thu Bồn. Từ Hội An theo đường sông qua các làng Phong Thử, Thủy La (Điện Bàn) để lên bến Giao Thủy (Duy Xuyên) rồi bến Phú Thuận, Đại Bình, Cà Tang, bến Lở (Quế Sơn)… Toàn những địa danh có thể làm đau nhói những trái tim tưởng đã lành lặn sau hai mươi lăm năm không gặp. Dale cũng vào làng Bình Yên, nơi sau đó ông đã tìm được người đàn bà của mình. Dale đã  gặp cụ bà Quyên ở vùng cát Thăng Bình, một hình ảnh gần như trái ngược hoàn toàn với người mẹ quá cố của ông.
Mười hai năm sau nữa, tháng sáu vừa rồi Dale lại có mặt ở Đà Nẵng, lần này với tư cách thành viên đoàn khảo sát đầu tư của những người thuộc Hiệp hội du lịch quốc tế (PATA) tại miền nam California. Trái ngược với cách nghĩ mười hai năm trước, bây giờ những người Mỹ như Dale chỉ quan tâm đến những khu du lịch năm sao cùng những chặng bay tiếp theo đến Siêm Riệp (Campuchia), Bankok và xa hơn nữa ở vùng biển Anmanda, nơi có những khu du lịch biển xinh đẹp của Sumatra (Thái Lan). Du khách Mỹ sẽ đến miền Trung Việt Nam trên những du thuyền sang trọng, sau đó sử dụng sân bay Đà Nẵng để tiếp tục chuyến đi, Dale gọi đó là những tour sea – air kết nối hiện tại với tương lai. Mười hai năm qua Dale có đưa khách đến miền Trung không? Ít thôi, ông rụt cổ và cười, sau đó thì họ chỉ muốn đến Hạ Long thôi. Rồi Dale giải thích: người Mỹ, kể cả những cựu binh, không có thói quen sống quá nhiều với quá khứ như các bạn. Họ muốn cuộc sống nhẹ nhỏm.
* * *
Người Quảng Nam từ lúc khai thiên lập địa đã không dễ dàng sống nhẹ nhỏm. Gánh nặng từ nỗi lòng những người xa quê theo chúa Nguyễn đi mở cõi. Gánh nặng giữ đất. Gánh nặng đau thương của chiến tranh không dễ cất đi dễ dàng sau vài chục năm. Đó là bản tính cố hữu và có lẽ cũng là điểm yếu nhất khiến người Quảng không thể thích ứng, hoặc thích ứng rất chậm trước những thay đổi. Câu chuyện dưới đây, do ông lão coi sóc lăng Ông ở làng Bình Yên kể lại, không biết có thể dùng để tham khảo thêm không. 
Ngày đen tối nhất trong cuộc đời Cao Cát bắt đầu khi vị thủ lĩnh kháng chiến này dẫn gần hai trăm tàn quân cả nam lẫn nữ ngược sông Thu Bồn tìm nơi ẩn náu sau một trận thua tan tác trước kẻ thù xâm lược. Cuộc đào tẩu qua những rặng núi cao, những khu rừng hoang vu tiếp tục diễn ra cảnh chết chóc do đói khát, bệnh tật và thú dữ, vẫn không khiến Cao Cát nản chí bình sinh. Ông vẫn tin sẽ có một ngày trở về đồng bằng phục hận bằng chính những nghĩa binh đang kiệt quệ, hoảng loạn chạy theo ông vào nơi thâm sơn cùng cốc.
Qua một vài mùa lũ, nước trên thượng nguồn sông Thu Bồn dâng cao, ào ạt đổ về xuôi ầm ầm như sấm dậy khiến Cao Cát ngỡ thời cơ lại đến. Lúc này việc chiêu mộ nghĩa binh, tích thảo lương thực cũng đã được chu tất, ông cho đóng một chiến thuyền thật lớn. Cao Cát tin rằng việc chuyển quân phải được thực hiện bằng đường thuỷ để dưỡng binh lực trước những trận sống mái. Suốt một mùa hè, núi rừng Trung Phước vang động tiếng cưa cây xẻ gỗ. Đến giữa mùa thu năm đó dưới chân Hòn Kẽm – Đá Dừng lừng lững một chiến thuyền khổng lồ màu mật ong rực rỡ trong nắng, với những tay chèo được đẽo gọt công phu từ những súc gỗ chò lớn nhất, neo đậu sẵn sàng trên dòng nước xanh thăm thẳm chờ ngày xuất quân.
Từ ngày chiến thuyền hạ thuỷ, trời cao như trêu ngươi, hạn hán hết năm này sang năm khác khiến những khe suối sâu nhất cũng khô cạn. Sông Thu Bồn không đầy nước thuyền không thể xuất bến vì khu vực trung lưu có những hố đá lớn gấp đôi chiến thuyền, chỉ có thể vượt qua nhờ vào việc nương theo dòng thác mùa lũ. Chờ đợi trong mỏi mòn, uất hận, Cao Cát vẫn không tin thời vận của mình đã hết. Ông cho rằng trời cao muốn thử gan mình.
Một buổi tối đầu xuân trời thanh mây tịnh, Cao Cát một mình chặt đứt neo thuyền thả trôi ra giữa dòng sông. Ông lẳng lặng khoan một lổ dưới đáy thuyền, để cho nước từ từ chảy vào. Với thể xác đã suy kiệt vì bệnh tật và thiếu ăn, người thủ lĩnh nghĩa quân ngồi chờ trên mui thuyền, dưới ánh trăng tháng giêng khô khốc. Cao Cát muốn thử lòng trời. Nếu có một trận lũ xuân, con thuyền ngập nước của ông vẫn đủ sức trôi qua những hố đá lớn nhất. Cao Cát tin rằng lũ sẽ đến, tin rằng nghĩa quân của ông chưa tuyệt đường trở lại đồng bằng, chẳng qua trời cao muốn thấy chí khí của ông.
Mùa trăng sau, nghĩa quân Cao Cát vớt được xác thủ lĩnh của mình giữa một hố đá, cạnh những mảnh thuyền vỡ vụn, gần một ngôi làng hiu quạnh nằm lúp xúp ven sông.

Đỗ Phước Tiến

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)