Từ “A Separation” nghĩ về một đặc điểm của giải Oscar gần đây
Mười năm gần đây, ở chừng mực nào đó, hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất đang âm thầm thay đổi ở ngôi vị cao nhất. Tượng vàng đã thôi quẩn quanh vi hành ở các nền điện ảnh lớn mà cởi mở lần đầu ngự nơi “vùng sâu vùng xa” như Đài Loan, Bosnia Herzegovina, Nam Phi, và mới đây nhất là Iran.
Hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tuy phức tạp trong qui định đề cử, lại lép vế so với năm hạng mục lớn ôm chứa năm ước vọng mãnh liệt (Big five: Phim – Đạo diễn – Nam chính – Nữ chính – Kịch bản) của truyền thống Oscar có thiên hướng vinh danh từng cá nhân, và đôi khi dễ dàng bị biến thành món tráng miệng được chăng hay chớ của những khán giả không muốn đọc phụ đề, song luôn xứng đáng gây chú ý, nhất là khía cạnh địa chính trị của chính bộ phim đại diện cho quốc gia đó. Nhiều quốc gia được đề cử năm lần bảy lượt nhưng vinh dự gặt hái chỉ là không hoặc một, khiến họ thấm thía hơn sự khác thường của Oscar, nơi từng tiêu chí xét giải đều sao đi tẩm lại đôi lần. Việt Nam đã có Mùi đu đủ xanh (1993), bộ phim đầu tay của Trần Anh Hùng, tranh tài ở vòng cuối và rồi dẫn đến mơ ước đoạt giải đằng đẵng cho đến tận hôm nay. Tất nhiên ngay cả việc Oscar triệt để thi hành tiêu chí “mỗi nước một phim” như thứ vé mời đặc biệt cho cuộc diễn xướng phi Anh ngữ thì cũng chẳng làm giảm một thực tế rằng chỉ những quốc gia có nền nghệ thuật thứ bảy phát triển, như Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản, mới đang dẫn đầu số lượng phim được giải, bên cạnh những cơ hội ít ỏi thuộc về tiếng nói nhỏ lẻ nếu biết cách độc đáo, đủ sức khẳng định kiểu phong cách tác giả. Bởi vậy, người ta tìm thấy ở hạng mục này nhiều bộ phim trở thành kinh điển với nghĩa là đại diện tiêu biểu cho phong cách đạo diễn và từ đó, tạo ảnh hưởng không nhỏ đến điện ảnh thế giới mà nếu phải kể tên thì những Nights of Cabiria (F.Fellini -Ý,1957), War and Peace (S.Bondarchuk – Liên Xô, 1968), The Discreet Charm of the Bourgeoise (Luis Bunuel – Pháp, 1972), The Tin Drum (Volker Schlondorff – Đức, 1979), Mephisto (István Szabó – Hungary, 1981), Fanny and Alexander (Ingmar Bergman – Thụy Điển, 1983), All about my Mother (Pedro Almodóvar – Tây Ban Nha, 1999), Crouching Tiger Hidden Dragon (Lý An – Đài Loan, 2000)… đều là thứ của ngon thức hiếm vượt khỏi phạm vi một thời. Nhiều đạo diễn từ vị thế “kẻ xa lạ”, chỉ sau một lần xướng danh hay thắng cử, cũng đã được Hollywood mời chào với tương lai hấp dẫn, chứng minh thương hiệu Oscar thật hữu ích vì tiếng và miếng không đâu lại khăng khít đến thế.
Mười năm gần đây, ở chừng mực nào đó, hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất đang âm thầm thay đổi ở ngôi vị cao nhất. Trước hết là việc tượng vàng đã thôi quẩn quanh vi hành ở các nền điện ảnh lớn mà cởi mở lần đầu ngự nơi “vùng sâu vùng xa” như Đài Loan (với Crouching Tiger Hidden Dragon năm 2000), Bosnia Herzegovina (với No man’s land năm 2001), Canada (với The Barbarian Invasions năm 2003), Nam Phi (với Tsotsi năm 2005), Áo (với The Counterfeiters năm 2007), Iran (với A Separation năm 2011). Nét mới mẻ từ xu hướng “đánh bắt xa bờ” ấy, vừa đem lại hứng thú bởi tính đa dạng của thực tế ngoài trời còn có trời, bởi sức vươn lên của những nhà làm phim độc lập hoặc những khu vực điện ảnh không có tài chính hùng hậu, vừa cung cấp các dữ liệu đáng tin cậy hơn trong đáp án rằng nỗ lực sáng tạo nghệ thuật chưa đến hồi cạn kiệt. Hầu như năm gương mặt trên và những gương mặt còn lại (Nowhere In Africa – Đức, 2002; The Sea Inside -Tây Ban Nha, 2004; The Lives of Others – Đức, 2006; Departures – Nhật, 2008; The Secret in Their Eyes – Argentina, 2009; In a Better World – Đan Mạch, 2010) cũng từng kinh qua cuộc kiểm định tại các LHP hàng đầu ở cựu lục địa vốn đầy kiêu hãnh vì nhất mực trái tính trái nết nhau. Rõ ràng ơn mưa móc Oscar sẽ chẳng thấm vào đâu nếu bản thân bộ phim không có chất lượng, giá trị đích thực.
\Mức độ gần gũi cựu lục địa của Oscar trong tình thế phải giữ gìn bản sắc Hollywood cũng cho thấy giải thưởng này đang hướng sự quan tâm đến những vấn đề nhân văn cơ bản trong cuộc hiện tồn của thế giới hôm nay. Ngoại trừ hình ảnh người hùng (trong bất cứ lĩnh vực nào) và một cốt truyện đậm chất giải trí hiểu liền một mạch luôn bất khả thay thế ở hạng mục Phim hay nhất mà những Gladiator (2001), The Departed (2007), No Country for old Men (2008), Slumdog Millionaire (2009), The Hurt Locker (2010), King’s Speech (2011) thật sự đã đáp ứng thì việc No man’s land, The Lives of Others hay In a Better World đi kèm bên cạnh có lẽ là do chủ ý của Oscar muốn đưa ra thông điệp khác. Chẳng hạn, một Oscar không thờ ơ với cuộc nội chiến ở Bosnia, và cũng biết lắng nghe đời sống khác nên đương nhiên nêu cao khát vọng về một thế giới tốt đẹp hơn, như hồi năm ngoái. In a Better World rất xa lạ với rừng siêu nhân từ các hạng mục khác (True Grit, The Social Network, Inception, 127 hours…) để tồn tại như một phát ngôn đầy âu lo về đạo đức, tình trạng sống: liệu mỗi cá nhân lương thiện có thể tự bảo vệ, miễn dịch cho người thân yêu trước tội ác hay không, nếu cộng đồng xung quanh vẫn như đám đông phi luật pháp, ưa bạo lực và thiếu thiện chí giáo dục? Liệu lòng tốt, tinh thần nghĩa hiệp giúp đỡ quốc tế có khiến các đối tượng được hưởng nhận thấy trách nhiệm phải tử tế hơn hay không? Trong đúng năm mà Na Uy, nước láng giềng với In a better World, bị rúng động bởi vụ thảm sát đẫm máu, thì bằng cách tạo ra trạng thái nan giải tri nhận tính nhân, bộ phim đã phác thảo những bất an trong lòng Scandinavia để hình thành một ẩn số khác về thiên đường châu Âu và buộc khán giả phải suy ngẫm tìm cách lí giải.
Trở lại A Separation, tại sao đoạt giải? Phải chăng vì thói quen cà khịa chính trị của Oscar đã đến mức đỉnh điểm, nên mới xếp A Separation và Footnote (của Joseph Cedar – Israel) đứng cùng hạng mục, rồi trao chiến thắng cho Iran, như cách đổ dầu thêm lửa vào thái độ đang sẵn sàng đấu pháo giữa hai quốc gia này? Tạm coi đây là chiêu trò mũi tên trúng hai đích mà Viện hàn lâm được dịp vui vẻ trổ tài thì vẫn phải công nhận A Separation là một tuyệt phẩm, đặc biệt ở năng lực trình diện những phức tạp, mâu thuẫn ngấm ngầm, những đổ vỡ và vết nứt khó lành, không chỉ điển hình cho/trong xã hội Iran đương đại. Cũng không chỉ là li hôn, A Separation còn đề cập đến pháp luật, đạo đức, tín ngưỡng, giáo dục… vốn là những rường cột quan hệ cấu thành bản chất đời sống. Bóng dáng một Iran ích kỉ, ưa bạo lực và dùng nó để đè nén người khác có thể tìm thấy ở đây. Và cũng tìm thấy cả sự sùng tín, những răn dạy đạo đức tôn giáo, thái độ biết xấu hổ, phục thiện. Bộ phim không đưa câu trả lời mà khéo léo đặt câu hỏi về sự đúng – sai, chuẩn mực hay phi chuẩn mực, về sự thật và dối trá, về việc lựa chọn giữa chạy trốn hoàn cảnh hay ở lại để cố gắng kiến tạo xã hội tốt hơn. Tinh thần đặt câu hỏi nghiêm túc như trên chỉ có thể xuất phát từ người nghệ sĩ hiểu sâu sắc dân tộc mình như Asghar Farhadi và với vốn kiến thức dày dặn về văn chương kịch nghệ, anh còn chứng tỏ mình đủ sức tái lập vị trí thường xuyên gây ngạc nhiên của điện ảnh Iran ra sao, và quan trọng hơn, ở sự tiếp nối phong cách tối giản (minimalism) mà những thế hệ đạo diễn lớp trước như Abbas Kiarostami, Majid Majidi, Tahmineh Milani và đặc biệt là Samira Makhmalbaf đã gây dựng và phát triển. Trong phong cách tối giản thì khả năng diễn xuất mộc của diễn viên, mức độ theo sát tình huống của máy quay và không lạm dụng những lần cắt dựng sẽ truyền tải tính hiện thực ở mức tinh khiết nhất. A separation có được điều này theo chiều hướng giảm thiểu ngoại cảnh, tăng cường cặp đôi đối thoại, và nhất là giảm sút sự có mặt của âm nhạc, như muốn dồn đẩy chuỗi cảm thức lí tính ngột ngạt, tránh xu hướng bi quan hóa bi kịch. Nó góp phần ưu thế cho Asghar Farhadi trên hành trình tạo nên kiểu khán giả mới – khán giả nghĩ.
Trong diễn từ, Farhadi nói rằng mình tự hào dành tặng giải thưởng cho đồng bào quê hương, những người biết kính trọng văn hóa văn minh và khinh miệt sự hận thù oán giận. Có lẽ, đó cũng là đích đến của mọi giá trị nghệ thuật chân chính.
Thoạt nhìn Asghar Farhadi trông già hơn độ tuổi 40. Một cách bài bản, Farhadi từng học cử nhân và thạc sĩ về Sân khấu, đạo diễn sân khấu. Đó cũng là quãng thời gian ông tích lũy vốn văn chương kịch nghệ thế giới khi tìm biết sâu về Henrik Ibsen, Anton Chekhov, Samuel Beckett, Edward Albee… Ông đã từng viết luận văn về tác phẩm của Harold Pinter (Nobel văn học 2005). Sau giai đoạn ngắn làm việc cho các chương trình truyền hình, năm 2003 Farhadi chính thức ngồi vào ghế đạo diễn điện ảnh với phim Dancing in the Dust (giải Đạo diễn và Kịch bản xuất sắc nhất tại LHP châu Á-Thái Bình Dương). Tiếp đó lần lượt là các phim The Beautiful City (2004), Fireworks Wednesday (2006), và About Elly (2009) – tác phẩm chính thức đưa tên tuổi của Farhadi lên tầm quốc tế, thu hút sự chú ý của cựu lục địa, khi nó được đánh giá là một kiệt tác và giành giải Gấu bạc (cho Đạo diễn) tại LHP Berlin lần 59.
Trong phim Farhadi, những vấn đề xã hội của Iran đương đại, từ đạo đức, thể chế, luật pháp, giáo dục… luôn tái lặp kèm theo chuỗi cật vấn liên tục và bởi điểm nhìn năng hoạt, đáp án không phải là lời rao giảng, khuyên răn mà thường là câu hỏi gắn vào trí nghĩ khán giả. Tư cách nghệ sĩ dấn thân của Farhadi còn thể hiện ở chỗ ông đã công khai ủng hộ Jafar Panahi (đạo diễn danh tiếng nhất hiện nay của Iran, với các phim giành giải quốc tế như The white ballohhon, The Circle, Offside…, và đang bị chính quyền giam giữ) cũng như các nhà làm phim lưu vong và bị bắt giam khác. Đối diện với bối cảnh chính trị Iran, thay vì chạy trốn để làm phim ở nước ngoài, Farhadi đã nói một cách hình tượng “Nếu con bạn bị sốt cao, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ bỏ mặc nó hay ở lại? Tôi nghĩ rằng tôi vẫn phải ở đây, lâu hơn nữa. Tôi cần làm việc ở đây”. Bởi dân tộc của Farhadi, như lời ông trong diễn từ: “… lúc này nếu nói về chiến tranh, sự hăm dọa và xâm lược thì là cuộc đấu khẩu giữa các nhà chính trị, còn cái tên Iran tổ quốc tôi lại xướng vang ở đây trong văn hóa rực rỡ, một nền văn hóa giàu có và lâu đời đã bị ẩn giấu dưới lớp bụi rác chính trị nặng nề”. Rõ ràng, gắn với dân tộc vì dân tộc, chứ không phải thể chế, mới là thước đo cao nhất và cũng sẽ vĩnh cửu hóa tầm vóc nghệ sĩ của bất kì ai. |