“Từ biệt Berlin”: Sự mất mát bị lãng quên

“Tôi vẫn luôn giữ một chiếc rương ở Berlin”, nàng ca sĩ Marlene Dietrich từng viết trong một nhạc khúc nổi tiếng của mình. Sống cùng thời với Dietrich, văn sĩ người Mỹ gốc Anh Christopher Isherwood - người mà Somerset Maugham từng nhận xét với Virginia Woolf rằng: “Chàng trai trẻ này sẽ nắm giữ tương lai của tiểu thuyết tiếng Anh trong tay mình” - chuyển đến Berlin vào thập niên 30 theo tiếng gọi của tự do, và kể từ những áng văn của ông về thành phố, một lớp văn sĩ viết về Berlin ra đời.

Christopher Isherwood. Nguồn: theparisreview.org

Kế hoạch ban đầu của Isherwood là viết một cuốn tiểu thuyết công phu nhiều tập về thủ đô nước Đức. Cuốn tiểu thuyết này thậm chí đã được đặt trước một cái tên: The lost – tạm dịch là Điều đã mất, như ám chỉ một nước Đức đã mất, một nước Đức  bị xa lánh và cô lập bởi phần còn lại của Âu châu đầu thế kỷ 20, thế nhưng như trong cuốn tự truyện về sau này, Isherwood thú nhận rằng “Tôi bí quá. Tôi không thể nào viết xong The lost.” Và cuối cùng, cuốn đại tiểu thuyết ban đầu được thu gọn lại thành những mẩu chuyện rời rạc, bao gồm một cuốn tiểu thuyết nhỏ mang tên Mr Norris changes trains cùng sáu mẩu truyện vừa tập hợp lại thành Goodbye to Berlin (Từ biệt Berlin theo bản dịch tiếng Việt của Duy Đoàn, do Tao Đàn và NXB Hội Nhà Văn phát hành).

Và có đôi khi, những chân dung loang lổ, những hình thù lốm đốm lởn vởn và những chuyện phiếm lan man dang dở lại nói nhiều hơn là cả một toàn tập hay một biên niên sử nào. Bởi chúng không có hoài bão bảo tồn quá khứ, tái hiện lịch sử, cũng không có ý định trở thành một bản điếu văn cho những hào hoa đã thất lạc, chúng chỉ tồn tại để chứng minh rằng, tất cả những điều đó đã từng ở đây, song đã ở lại mãi mãi cùng những năm tháng ấy.

“Tôi là cái máy ảnh với màn trập mở, hết sức thụ động, ghi hình, chứ không suy tư. Ghi hình người đàn ông đang cạo râu ở cửa sổ đối diện và người đàn bà vận kimono đang gội đầu. Một ngày nọ, toàn bộ cảnh này sẽ phải được rửa, được in ra cẩn thận, được treo lên.”, Isherwood viết trong những đoạn mở đầu.

Đọc Từ biệt Berlin quả giống như lật một cuốn album ố vàng mà trong đó mỗi tấm ảnh là một khoảnh khắc đóng băng, lắng cặn và được phong kín bởi thời gian, là chuỗi những lần chớp sáng đứt đoạn và không liền mạch. Sáu câu truyện nối lỏng lẻo với nhau bằng một đường dây kéo dài là giọng kể của nhân vật “tôi” – một chàng trai nuôi mộng trở thành tiểu thuyết gia mang tên Christopher Isherwood – và mỗi câu truyện là một đoản khúc xoay quanh những con người đột nhập vào cuộc sống của anh, hay đúng hơn là anh đã đột nhập vào cuộc sống của họ. Nhưng chớ nhầm! Nhân vật “tôi” dù là Christopher Isherwood đó, nhưng đồng thời cũng lại chẳng phải là tác giả Christopher Isherwood, dù rất dễ dàng để ta chập hai thực thể đó vào làm một.

Hitler không phải kẻ duy nhất đánh cắp mất Berlin và biến Berlin thành một nơi quái gở. Tự thân những con người từng trú chân ở đó, khi họ ra đi, họ cũng đã mang giữ theo mình một phần của Berlin, một phần không bao giờ còn quay trở lại.

“Christopher Isherwood chỉ là một con rối tiện lợi của nghệ sĩ nói tiếng bụng”, tác giả giải thích về cái tên trùng lặp. Và chính ở đây, từ sự nhập nhằng giữa danh tính ngoài đời và danh tính trên trang viết, Isherwood đã làm một cuộc khai sinh ra thứ tiểu thuyết phi hư cấu.

Đa số độc giả văn chương vẫn lấy tiểu thuyết In cold blood (theo bản dịch tiếng Việt là Máu lạnh) của Truman Capote xoay quanh vụ giết người ở vùng nông thôn Kansas làm cột mốc ra đời của faction, dòng văn học phi hư cấu. Thế nhưng, từ trước khi Capote gần ba thập kỷ, Christopher Isherwood đã có những bước đi thử nghiệm thể loại này với Từ biệt Berlin. Capote có được gợi ý từ Isherwood hay không? Thật khó mà nói được. Nhưng hai người đúng là có quen nhau, thậm chí là những người bạn vong niên thân thiết, chơi chung một hội nhóm gồm những văn tài, cùng từng tán tỉnh một chàng điếm, cùng trao đổi qua lại nhiều thư từ, và nàng “Geisha nước Mỹ” Holly Golightly trong tiểu thuyết ngắn Bữa sáng ở Tiffany của Capote, nhân vật đã được bất tử hóa qua sự nhập vai của huyền thoại Audrey Hepburn, được lấy cảm hứng từ nàng diễn viên hạng xoàng phóng túng mà ngây thơ, yêu kiều mà đồng bóng Sally Bowles trong Từ biệt Berlin.

Lách mình qua những ngõ ngách, náu ẩn nơi những quán rượu, những xóm ổ chuột, những nhà trọ và nhà thương khắp Berlin, Christopher Isherwood ký họa lại buổi tà dương của một thời đại trước sự trỗi dậy của Hitler và quân Phát xít mà không đem theo một chút phán xét, chỉ gợn lên những niềm luyến nhớ âm ỉ về những con người và những cuộc ly biệt liên miên.

Không phải lúc nào ta cũng bắt gắp một nước Đức với nỗi buồn – nhưng là nỗi buồn khinh khoái và phớt tỉnh, một nước Đức không cừu hận, không hổ thẹn, không cắn rứt, không tội lỗi hay gồng gánh lương tâm, như ở đây. Hitler khi ấy vẫn chỉ là một ẩn số, và những dự cảm chẳng lành về cơn thủy triều tàn khốc đang dâng lên vẫn còn nằm mấp mé ngoài xa, đang trực sầm sập ập vào nhưng dẫu sao, hẵng còn đủ thời giờ để người ta làm mộ bia cho những con dơi, bầy chim và lũ thỏ, vẫn còn kịp để một người cố gắng cứu vãn mình khỏi niềm cô đơn cố hữu, để một cô diễn viên cho phép mình dây dưa với một tay lừa đảo non choẹt bị tâm thần, để một cậu choai choai đêm đêm đi khiêu vũ và đong đưa kiếm tiền mua áo khoác, để những đám người vầy mình trong những cuộc vui, những cuộc say, những cuộc ghen tuông, những cuộc khẩu chiến vô ý nghĩa.

Lách mình qua những ngõ ngách, náu ẩn nơi những quán rượu, những xóm ổ chuột, những nhà trọ và nhà thương khắp Berlin, Christopher Isherwood ký họa lại buổi tà dương của một thời đại trước sự trỗi dậy của Hitler và quân Phát xít mà không đem theo một chút phán xét, chỉ gợn lên những niềm luyến nhớ âm ỉ về những con người và những cuộc ly biệt liên miên.

Nhân vật Isherwood ôn lại quá khứ không phải trong tư thế một kẻ cuồng tín muốn được mục ruỗng và tan rã cùng quá khứ (kiểu anh chàng biên kịch Gil Pender trong Midnight in Paris). Quá khứ không hẳn là chốn tươi đẹp nhất, vẫn có đó những giây lát mà anh muốn nhoài mình khỏi bối cảnh, những thoáng chốc trong buổi chạng vạng anh cảm thấy như sắp bị vồ lấy bởi những bóng người vô hại nhất, những ứ đọng chật chội khiến anh muốn tháo chạy thật nhanh. Và những con người rẽ ngang qua anh, họ rời Berlin mà không mơ ngày trở lại, họ đánh mất Berlin mà không đoái hoài đến sự mất mát, không vận một chút lực nào để trì níu, hoặc là những gì họ để mất ẩn hình và phi trọng lượng, khiến họ chuội đi vào những hiện tại tiếp nối mà không có lấy một ma sát nào để giữ họ chậm bước ngoái đầu nhìn lại. Berlin, sau rồi, chỉ là một nhà ga trung chuyển nơi mỗi lần gặp gỡ cũng là một lần rũ bỏ.

Ở phần cuối câu chuyện về Sally Bowles, cô diễn viên sau khi đáp xuống Rome đã gửi tấm bưu thiệp và hứa hẹn sẽ viết thư cho Isherwood vào một hay hai ngày nữa. Nhưng ngày đó không bao giờ đến. Không một lá thư nào theo sau, cho đến khi câu chuyện được ghi lại, đã là sáu năm hoàn toàn bặt vô âm tín. Liên lạc là mối nối kém bền chắc nhất trên đời.

Đến lượt mình, Christopher Isherwood cũng nói lời chia biệt Berlin. Thời điểm đó, sĩ khí của quân Quốc xã đã lên cao và dù Mặt trời vẫn rạng rỡ như hôm qua và những thị dân vẫn chờ ở ga Nollendorfplatz như lẽ thường, thành phố đã thuộc về Hitler và không bao giờ còn là nó như đã từng được nữa. Nhưng Hitler không phải kẻ duy nhất đánh cắp mất Berlin và biến Berlin thành một nơi quái gở. Tự thân những con người từng trú chân ở đó, khi họ ra đi, họ cũng đã mang giữ theo mình một phần của Berlin, một phần không bao giờ còn quay trở lại.

Muốn hay không, Berlin thuở đó đã suy tàn. Cuộc hội đã kết thúc. Những ký ức, nếu vẫn cố thủ hay rơi rớt, chỉ còn được đóng gói trong “một chiếc rương” nương náu ở Berlin.

Tác giả

(Visited 19 times, 1 visits today)