Từ chợ đến các tổ hợp kinh tế-tôn giáo

Bán buôn tự nó là công việc thuộc về thế giới của cái phàm. Tuy nhiên, đối với chợ truyền thống, khái niệm cái phàm chỉ có một nghĩa khá tương đối khi thực thể này được khoác lên nhiều hình thức thiêng hóa, từ đó, sẽ dẫn đến con đường liên kết với các không gian thiêng của làng để tạo thành các tổ hợp kinh tế-tôn giáo.

Chợ Huyền Thiên ở Hàng Khoai, Hà Nội. Chợ nằm đối diện chợ Đồng Xuân, khu buôn bán lớn bậc nhất Hà Nội.

Như đã đề cập ở bài viết Ma thuật thương mại ở chợ làng 1, chợ truyền thống là thế giới ngoại biên, của phụ nữ. Cảnh quan của các không gian công khác ở làng (giếng nước, ao làng, đường đi lối lại, cầu, quán, điếm sở…) đa phần đều có sự sạch sẽ, và được giữ cho sạch sẽ, điều qui định thường đi vào hương ước. Đình, chùa thì tuyệt đối phải giữ cho được vẻ trang nghiêm thanh khiết. Vì thế, muốn tham dự vào các không gian ấy, con người phải sạch. Ngày lễ Thánh, lễ Phật những người hữu trách (chủ tế, quan viên, các vãi…) còn phải trai giới. Không gian đình, chùa bao giờ cũng toát lên vẻ thâm nghiêm, thanh sạch của chốn thần, Phật ngự trị với phảng phất hương thơm, thoang thoảng mùi ngâu, vị nhài, điểm tô bông đại, bông lan. Còn chợ có một “hương vị” đặc trưng đến ngạt thở bởi sự hôi hám, bẩn thỉu – nhất là ở những khu giết mổ gia súc, bán thịt – và thói quen tiểu tiện bừa bãi.

Tuy nhiên khái niệm cái phàm ở chợ truyền thống chỉ có một nghĩa khá tương đối. Phụ nữ trong xã hội Việt Nam, thời nào cũng vậy, là nguồn cảm hứng bất tận, nuôi dưỡng và phát sinh của tinh thần tôn giáo. Vì thế, cộng lại nhiều yếu tố, vừa là tâm thức tín ngưỡng bình dân vốn luôn mạnh mẽ ở người dân quê, vừa là sự trương nở tâm thức ấy lên cao ở những cộng đồng phụ nữ, không gian phàm tục của chợ – không gian của những người đàn bà – lập tức được khoác lên nhiều hình thức thiêng hóa, làm thành trường tâm linh chợ khá độc đáo của văn minh Việt Nam. Từ đó, sẽ dẫn đến một con đường nữa, khá thú vị, để chợ xóa bỏ căn cước thế tục bán mua, để bành trướng vào thiêng liêng là liên kết với các không gian thiêng của làng tạo thành các tổ hợp chợ-chùa và chợ-đình, hay chợ-đền. Ngược lại, đình và nhất là chùa, đôi khi lại nhờ chính sự tháp đôi với thực thể chợ để mà có tiềm lực kinh tế hoạt động, tồn tại theo thời gian. 

Như ta biết, sau thế kỷ XIV, đình nổi lên cùng với tầng lớp nho sĩ, đại diện cho sự lựa chọn Hán hóa mạnh mẽ của nhà nước quân chủ. Đình trở thành biểu tượng kiêu hãnh của làng, vì thế, luôn được hội đồng kỳ mục chăm chút. Làng phải luôn có trách nhiệm chi ra một khoản phí tổn không nhỏ để duy trì và nâng cấp đình. Chùa, trái lại, mất địa vị lịch sử và rơi vào tình trạng đìu hiu, nên thuộc về thế giới các bà. Chùa muốn tồn tại phải tìm cách tự chủ được một phần về kinh tế. Trong nhiều cách thức tạo của ở nhà chùa như dựng bia hậu, canh tác ruộng chùa, công đức thập phương… thì quản lý, chi phối và đánh thuế từ chợ cũng là một nguồn lợi quan trọng. Điều đó lý giải cho tổ hợp chợ chùa phát triển hơn chợ đình rất nhiều.

Chợ chùa – tổ hợp kinh tế – tôn giáo ấy ra đời từ nhu cầu ghép đôi lợi ích của làng và của đạo Phật. Tự thân Phật giáo, nhằm duy trì sự tự trị kinh tế đã cải tạo và phát triển chợ trong sự quản lí của chùa. Chợ, trái lại, dựa vào chùa để hoạt động mua bán dễ dàng hơn, tránh sưu thuế và hạn chế quyền lực của những kẻ muốn thâu tóm chợ. Hay khác nữa là những Phật tử quí tộc, hoặc người có thế lực trong chợ đã dâng chợ cho chùa, vừa được phần công đức vừa tiện cho việc bán buôn.

Theo vài khảo cứu, có tới 50 thác bản văn bia về chợ chùa còn lại đến nay, chủ yếu được Trường Viễn Đông Bác cổ sưu tầm trước năm 1954; và trong khoảng 100 thác bản văn bia ghi chép về chợ truyền thống lưu ở kho tư liệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì chủ yếu có hai loại hình chợ chính là: 1/ chợ do chính quyền địa phương quản lý để thu lợi phục vụ địa phương và 2/ chợ do nhà chùa quản lý để thu lợi phục vụ nhà chùa2. Có thể nhận thấy, sự tồn tại của chợ chùa có sự nổi trội đáng kể trong các hình thức chợ truyền thống Việt Nam.

Chợ chùa – chợ Tam Bảo hay Tam Bảo thị là hình thức họp chợ ngay ở khoảng đất thuộc chùa, phổ biến là khoảng đất trống trước cửa Tam Bảo. Ví dụ nho nhỏ cho loại hình phổ biến này, mà ai đã có lần hóa thân thành phượt khách dạo chơi chốn làng mạc, thôn dã, chắc chắn có lần bắt gặp: Chợ Mía (Đường Lâm – Sơn Tây) hóa thân của một chợ Tam Bảo rất xưa, mà theo bài bi ký của chợ khắc vào tháng Ba năm Tân Dậu (1621), chợ họp tháng sáu phiên do chùa (Mía – Sùng Nghiêm) quản lý lấy tiền hương đèn3.

Tổ hợp chợ và chùa kiến tạo thành một thực thể khiến chợ được tôn giáo che chở mà tránh sự nhũng nhiễu của thế tục, còn phần chùa vừa có khoản thu từ đặt chợ trong sân chùa, lại có điều kiện “hoằng pháp” một cách rộng rãi vì luồng người thập phương kéo về chợ, vào chùa, lâu dần mà ngấm vị Phật, bén mùi thiền, gắn bó với cảnh chùa. Chợ và chùa, hai cuộc sống – hai không gian khác biệt, đã gắn bó với nhau trong một thực thể. Cơ chế “cộng sinh” kinh tế – văn hóa – tâm linh ấy là một đặc điểm lớn khi quan sát về chợ quê Việt Nam. Điều này, đến ngày nay vẫn còn tồn tại rất mạnh mẽ. Bất cứ ngôi danh lam cổ tự nào trên khắp nước Việt Nam, chỉ cần thu hút được khách thập phương lập tức có một vài “chợ cóc” thiết lập ngay gần cổng chùa, trước nhất bán đồ hương hoa vàng mã, sau nữa, mở rộng qui mô bán buôn đến cả những thứ “ô uế” khiến cảnh Phật giảm bề siêu thoát với thịt thà lủng lẳng dậy mùi ăn nhậu trần tục! Thế nên, mới có tác giả đã đề cập về tổ hợp chợ-chùa “một bên hướng về hư không thoát tục, một cổ vũ hưởng thụ lạc thú cuộc đời”4.

Chợ đình – tổ hợp chính trị – tôn giáo – kinh tế so với tương quan chợ-chùa thì chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ bé. Đỗ Thị Bích Tuyển khi khảo sát bia chợ (hai tỉnh miền núi là Hòa Bình và Tuyên Quang) đã phát hiện việc ghi nhận mở chợ diễn ra ở chốn sân đình. Cả hai chợ này đều được tổ chức và quản lý một cách chặt chẽ, vì đây vừa là nơi họp chợ, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa, chính trị của làng xã Việt Nam5. Trường hợp khác, ngay mạng lưới chợ ở Phủ Quốc Oai trong quá khứ hay hiện tại như chợ Phú Mỹ, chợ Ngọc Than, chợ Đông Lư, chợ Gô…, cũng đều họp trước đình.

“Tháp đôi” đình và chợ thành một tổ hợp không mang mục đích trọng tâm là kinh tế. Hội đồng kỳ mục muốn đặt đình ở chợ còn để kiểm soát chặt chẽ tình hình trị an ngoài việc thu dụng tiền bạc của chợ. Chợ là nơi xô bồ, lẫn lộn nhiều thành phần, âm mưu, giặc cướp, gián điệp và dư luận có khi gây bất lợi cho làng. Tuy nhiên, vì mục đích kinh tế mà chợ cần được mở và hoạt động. Nhưng để tránh những hệ lụy không có lợi cho làng, đình được thiết lập ngay tại chợ. Thị uy một trung tâm quyền lực ngay tại chợ, “thường trực” tinh thần luật pháp làng mạc, làng hi vọng qua đó kiểm soát tốt hơn trị an ở chợ, điều này còn có nghĩa giúp chợ ổn định để hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng dù sao, với hiểu biết hiện tại, chợ đình vẫn là hiện tượng khá nhỏ lẻ so với hình thức chợ chùa. Nhìn từ góc độ giới, chợ là của đàn bà, chùa cũng là của đàn bà còn đình là của đàn ông; các nguyên tắc nữ dễ kết hợp với nhau hơn nhờ “đồng chất”, chợ chùa do đó là tổ hợp phổ biến hơn hẳn.

Như thế, chúng ta có thể thấy rằng, trong niềm tin tưởng mãnh liệt vào thần quỉ của người Việt Nam như linh mục Cadierre6 từng nhận định, chợ, thật bất ngờ, đã khoác cho mình một tấm áo tôn giáo, tín ngưỡng khá đậm đặc. Nhưng dù sao, tôn giáo tín ngưỡng ở chợ chỉ là một lớp vỏ của hạt nhân ẩn chứa bề sâu vẫn là khao khát tiền của, mục đích thương mại. Tôn giáo, tín ngưỡng được thực hành tại chợ che giấu động cơ “kiến tạo may mắn” thông qua “lấy lòng thần linh” để “hướng lợi” mà thôi. Người nông dân ở chợ kính sợ đủ mọi thế lực thiêng là nhằm để cho buôn may bán đắt. Kinh tế niềm tin là một cơ chế đặc thù trong hành vi thương mại của người dân quê xưa cũng như nay. Hay nói theo lối khá mốt ngày nay, thờ cúng, kiêng cấm và giải vía… ở chợ thuộc hệ thống tri thức bản địa của người dân quê Việt Nam.
————
1 Tia Sáng số 21, ra ngày 5/11/2017.
2 Trịnh Khắc Mạnh chủ biên (2015), Chợ truyền thống Việt Nam qua tư liệu văn bia, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.7.
3 Nguyễn Tùng, Krowolski, Nelly (2002), “Ba chợ làng ở đồng bằng sông Hồng”, trong: Phillipe Papin – Olivier Tessier (Chủ biên) (2002), Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: Vấn đề còn bỏ ngỏ, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Hà Nội, tr.615.
4 Nguyễn Đức Nghinh (1979), “Chợ chùa ở thế kỷ XVII”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4.
5 Đỗ Thị Bích Tuyển (2006), “Văn bia chợ Việt Nam – Giá trị tư liệu khi tìm hiểu các vấn đề sinh hoạt xã hội thời phong kiến”, Tạp chí Hán Nôm, Số 5. Tài liệu chưa cho biết tên chợ.
6 Léopold Michel Cadière (1869-1955) là một linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP), Pháp. Tuy nhiên, ông được biết đến nhiều hơn với tư cách một nhà sử học, ngôn ngữ học, văn hóa học, nhân loại học và dân tộc học.

 

Tác giả

(Visited 17 times, 1 visits today)