TỰ SỰ CỦA MỘT TIẾN SĨ LUẬT DN SỰ: “LUẬT PHẢI ĐI TỪ CUỘC SỐNG”
Ở Cần Thơ, thỉnh thoảng tôi gặp người đàn ông mang mắt kiếng dày, lông mày đậm, cổ áo sơ-mi luôn cài kín ấy, chở vợ đi chợ Xuân Khánh. Đôi lần tôi muốn... khám phá xem bên trong cái vẻ lạnh lùng nghiêm nghị ấy, anh là ai. Mặc dù tôi vẫn biết, trước 1993 anh là trưởng phòng Công chứng nhà nước tỉnh Cần Thơ, sau đó đi Pháp tu nghiệp nhưng lại trở về với tấm bằng... tiến sĩ luật dân sự, và hiện anh đang là trưởng khoa Luật Đại học Cần Thơ. “Tôi là người sống khép kín”, anh nói vậy nhưng sau khi bị khơi trúng mạch - cái chuyện gút mắc hồi anh đi học tiến sĩ luật ấy - NGUYỄN NGỌC ĐIỆN lại bềnh bồng tự sự...
Tôi được Bộ Tư pháp và UBND tỉnh Cần Thơ cho phép đi Pháp vào cuối năm 1993 theo một chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Pháp nhằm nâng cao năng lực nghiệp vụ của đội ngũ công chứng viên ở Việt Nam. Thoạt tiên, tôi chỉ có một học bổng tập sự nghiệp vụ (bourse de stage professionnel) trong 9 tháng; thế nhưng từ trước khi đi, tôi đã xác định quyết tâm tìm kiếm khả năng đi học để lấy một mảnh bằng gì đó về luật ở Pháp. Ba tháng sau khi đến Pháp, tôi đăng ký được vào trường Đại học Công chứng Paris. Tôi xin ở nhà cho phép kéo dài học bổng để có thể theo học ở đây; được chấp thuận, tôi bỏ luôn việc tập sự nghiệp vụ và chỉ chuyên tâm đi học. Cuối năm học ấy, tôi đỗ với thứ hạng 2/83 sinh viên (trừ tôi, tất cả đều là người Pháp).
Tôi đăng ký học tiếp cao học tại trường Đại học Paris II và được tiếp nhận. Tôi lại viết thư xin quê nhà cho phép gia hạn học bổng để học tiếp và lại được chấp thuận. Trong thời gian học cao học, tôi được các giáo sư khuyến khích lao vào hoạt động nghiên cứu để chuẩn bị làm luận án tiến sĩ. Sau khi đã xác định được đề tài viết luận án, tôi viết thư một lần nữa, xin quê hương cho phép ở lại để học tiến sĩ. Lần này chỉ có UBND tỉnh Cần Thơ lên tiếng chấp thuận; do đó, tôi được phép ở lại, nhưng sau khi kết thúc chương trình cao học (tháng 7 năm 1996), tôi không còn học bổng nữa.
Trong thời gian học tiến sĩ, tôi được giáo sư hướng dẫn cho làm trợ giảng. Với một ít tiền thù lao từ số giờ trợ giảng, tôi chi tiêu một cách dè sẻn cho việc học. Tôi hoàn tất việc viết luận án với 526 trang giấy chỉ trong 7 tháng; hơn 4 tháng sau đó (tháng 9 năm1997), tôi được hội đồng khoa học của trường Đại học Paris II cho phép bảo vệ. Cuối cùng, luận án của tôi được chấm điểm tối ưu kèm theo lời khen của ban giám khảo. Một năm sau, luận án này được trao giải thưởng Claude Thibierge của Hiệp hội Rencontres-Notariat (Pháp).
Luận án của tôi có đề tài “Quyền thừa kế của vợ (chồng) trong luật Việt Nam và luật của Pháp”. Trong quá trình viết luận án, tôi đã dựng lại hệ thống luật cổ và tục lệ Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật gia đình và đã phát hiện những giá trị của đạo đức pháp lý Việt Nam, được gìn giữ và phát triển trong luật cổ và tục lệ. Sau này, khi tham gia vào nhóm nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Dân sự, tôi đã có cơ hội giới thiệu những phát hiện đó và đã đề xuất các giải pháp cho việc tiếp nhận các giá trị cổ xưa trong khung cảnh của luật đương đại. Mặt khác, việc viết lách đã tạo điều kiện cho tôi suy nghĩ, xây dựng và hoàn thiện các phương pháp nghiên cứu và phân tích luật viết của riêng mình. Tôi đã giới thiệu các phương pháp này cả ở Pháp và ở Việt Nam trong quá trình giảng dạy. Các phương pháp này hiện rất được ưa chuộng trong giới luật gia trẻ ở Pháp cũng như trong một bộ phận lớn các sinh viên, học viên luật ở Việt Nam đã theo học với tôi.
Về nhà dạy luật
Tôi về Đại học Cần Thơ tháng 12 năm1998, theo lời mời của PGS.TS. Trần Thượng Tuấn, là Hiệu trưởng thời ấy. Lúc này, trường chưa có khoa Luật mà chỉ có bộ môn Luật. Tôi rất vui, bởi thú thực, sau mấy năm gắn bó với môi trường nghiên cứu khoa học, tôi không còn hào hứng với hoạt động thực hành và chỉ muốn tìm một nơi có điều kiện thuận lợi cho việc viết lách và trao đổi các suy nghĩ khoa học.
Khi tôi mới về, bộ môn Luật chỉ có 12 người, trừ tôi ra, mỗi người chỉ “giắt lưng” mảnh bằng cử nhân luật. Chúng tôi tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 1999 với 300 sinh viên và đã cố gắng vượt qua rất nhiều khó khăn để có thể chăm sóc khóa sinh viên đầu tiên đó, đồng thời phải lo tăng cường đội ngũ giảng viên cả về lượng và chất. Chúng tôi tận dụng các mối quan hệ hợp tác quốc tế để đưa cán bộ của khoa đi học ở các trường đại học nước ngoài như Hà Lan, Pháp, Mỹ… Đến đầu năm 2000, khoa Luật được chính thức thành lập và tuyển sinh liên tục cho đến nay. Hiện khoa có gần 1.000 sinh viên, được dìu dắt bởi một đội ngũ giảng viên gồm 33 người, trong đó có 1 tiến sĩ và 16 thạc sĩ. Tôi dự kiến cuối năm nay sẽ đón về 2 tiến sĩ trong lứa giảng viên đầu tiên được nhận vào bộ môn Luật trước đây và được khoa đưa đi học ở nước ngoài. Đến năm 2010, sẽ có thêm 8 tiến sĩ luật nữa về với Đại học Cần Thơ.
Hai chuyện tâm huyết
Tôi có hai chuyện tâm huyết. Thứ nhất là với việc xây dựng khoa Luật – Đại học Cần Thơ. Tôi đã có mặt ở đây khi khoa Luật mới thành lập và đã cùng với nó nếm trải những khó khăn của thời kỳ đầu. Khoa chỉ mới 5 tuổi, nhưng đã phát triển nhanh. Các anh chị em giảng viên của khoa hầu hết còn rất trẻ (30 tuổi trở xuống), nhưng rất năng động và nhiệt huyết trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hiện chúng tôi đã có giáo trình và sách tham khảo cho các môn chủ lực. Số lượng các bài báo khoa học và sách tham khảo của các giảng viên tăng lên hàng năm. Với đà phát triển này, tin rằng khoa sẽ sớm được thừa nhận là một cơ sở đào tạo và nghiên cứu luật học có uy tín, thậm chí là đại diện cho một trường phái luật học của Việt Nam.
Thứ hai là với việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật dân sự. Năm 2000, tôi tham gia vào nhóm nghiên cứu chung sửa đổi Bộ luật Dân sự theo lời mời của TS. Nguyễn Đình Lộc, lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Trong mấy năm làm việc với nhóm nghiên cứu, tôi đã kịp để lại dấu ấn của mình, dù không được như mong muốn.
Tôi cũng rất tâm huyết đối với việc xây dựng và hoàn thiện học thuyết Việt Nam về luật dân sự. Tôi có một kế hoạch dài hạn để cho ra đời một bộ sách gồm 12 quyển sách về luật dân sự. Hiện tôi đã viết được 6 quyển(*), nghĩa là đã đi được một nửa chặng đường. Bên cạnh đó, tôi đã và sẽ tiếp tục viết các bài báo bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh để giới thiệu luật học Việt Nam cho bè bạn các nước.
Luật phải đi từ cuộc sống
Theo tôi, xã hội Việt Nam mình chưa xây dựng được một hệ thống quan hệ ứng xử mang tính chuẩn mực trong giao tiếp phổ thông. Muốn áp đặt một cách ứng xử nào đó, Nhà nước phải dựa vào luật. Ở các nước tiên tiến, các quyền được thừa nhận cho công dân trong đời sống tư (vie privée) đều là những quyền hình thành như những quan hệ xã hội trước khi được nâng lên thành luật. Có nguồn gốc từ các quan hệ xã hội, quyền của công dân có khả năng tồn tại ngay cả trong trường hợp không được nâng lên thành các quy tắc pháp lý, chừng nào sự tồn tại đó là cần thiết cho việc duy trì trật tự xã hội và bảo đảm sự công bằng. Chẳng hạn, luật pháp thường không quy định rằng nếu cùng một lúc nhiều người có ý định mua bánh mì ở cùng một cửa hàng bán bánh mì, thì người đến trước được quyền mua trước; thế nhưng, một cách tự giác, mọi người đến sau đều tôn trọng quyền của người đến trước và những người đến sau tự động xếp hàng để chờ đến lượt mình.
Ở Việt Nam, người ta có thể dừng lại trước đèn đỏ, bởi pháp luật cấm vượt ngã tư khi đèn đỏ; nhưng trong trường hợp cùng một lúc có nhiều người muốn mua vé xem hát, thì hầu như tất cả mọi người sẽ tìm cách vượt lên để được mua vé trước. Chúng ta chưa hình dung ra rằng các quyền sống được chỉ nhờ ý thức xã hội; đúng hơn, ý thức xã hội chưa đủ mạnh để đặt cơ sở cho việc nuôi dưỡng một quyền chủ thể nào đó ngoài khuôn khổ luật pháp. Bởi vậy, chúng ta hay bàn về việc làm thế nào để “đưa luật vào cuộc sống”, trong khi, theo đúng logic của quan hệ sinh thành tự nhiên, thì phải nói rằng “luật từ cuộc sống đi ra” và ta chỉ bàn về việc đưa luật trở lại với cuộc sống để kiểm nghiệm giá trị.
Mong muốn nhất cho miền Tây
Tôi mong muốn dân trí của vùng đất này phát triển. Hiện nó còn thấp quá, thấp một cách đáng buồn. Tôi sẽ cố gắng góp một phần công sức của mình cho việc nâng cao dân trí đó, ở cương vị của một người làm công tác nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội. Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt vời nếu đến một lúc nào đó, vùng đất này có được một trường luật và khoa học xã hội, giữ vai trò chỗ dựa và động lực cho việc thúc đẩy sự phát triển khoa học xã hội nghiên cứu và khoa học xã hội ứng dụng.
Ở đây, mỗi khi nghe đặt vấn đề phát triển khoa học xã hội, nhiều người cứ bật cười, cho rằng đó là chuyện không thiết thực bằng chuyện đầu tư suy nghĩ về cây lúa, con tôm. Tất nhiên, đầu tư để phát triển cây lúa, con tôm là rất cần thiết. Song, tôi cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu của vùng đất này so với cả nước chính là sự thiếu quan tâm đến việc đầu tư phát triển con người như là một thực thể xã hội. Anh có nhận thấy là đa số người dân ở đây có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ rất kém không? Tôi là dân Cần Thơ chính gốc, và tôi nói điều này khi năm nay tôi đã 46 tuổi. Khả năng giao tiếp kém, khả năng suy lý, tranh luận kém dẫn đến khả năng thương lượng kém. Với khả năng kém cỏi đó, con người chỉ có thể đi làm một thứ kinh tế thô sơ, chứ không thể làm nhà chinh phục trong những lĩnh vực của đời sống xã hội đòi hỏi sự nhận thức tinh tế và có chiều sâu.
Một ngày sống của tôi
Tôi luôn thức dậy vào lúc 5 giờ 30 sáng. Sau khi tập thể dục và chạy bộ khoảng 2 cây số; tôi về nhà tắm rửa và ăn sáng, sau đó cùng với bà xã đi làm (vợ tôi cũng là luật sư, làm việc ở Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ). Công việc đầu tiên của tôi ở công sở là check hộp email của mình xem có thư từ của đối tác hoặc bạn bè; nếu có, thì trả lời ngay. Sau đó, tôi dành khoảng 30 hoặc 45 phút để xử lý thư từ và giải quyết các công việc của khoa. Nếu không có giờ lên lớp, tôi tận dụng thời gian trong ngày để viết lách. Cuối buổi chiều, tôi về nhà, cũng với bà xã. Tôi rất thích được thấy cô con gái út của mình đứng chờ ba mẹ trước cửa, để khoe về việc được điểm 10 hoặc được thầy cô giáo khen thông minh, nhanh nhẹn. Buổi tối đọc sách, viết lách thêm một ít hoặc xem tivi (tôi đặc biệt mê xem bóng đá) và tán gẫu với bà xã, các con hoặc với ba mẹ tôi – chúng tôi có một gia đình ba thế hệ cùng sống dưới một mái nhà.
Tôi say mê công việc nghiên cứu khoa học. Tôi có thể dành cả những ngày cuối tuần cho việc chỉ suy nghĩ về một đề tài nào đó mà mình tâm đắc, thành một bài viết. Tôi ghét nhất sự lười biếng.
Tôi sống lạc quan, kiên định với hoài bão, lý tưởng. Mỗi khi thực hiện một dự tính, tôi luôn đặt mục tiêu cao nhất phải đạt tới, nhưng cũng dự kiến điều tồi tệ nhất mình có thể đón nhận.
***
… Người đàn ông “lạnh lùng” ấy, hồi còn bé mê chơi bóng đá và chơi giỏi vai trung phong. “Tôi mê Johann Cruyff lắm – Nguyễn Ngọc Điện nói tiếp – Thế rồi một hôm, khi thực hiện một cú sút “ngã bàn đèn”, tôi bị té gãy tay, còn bóng thì dội cột dọc… ra ngoài. Tôi thôi chơi bóng đá từ ngày ấy, khi mới 11 tuổi. Tôi nghĩ, nếu không có sự cố đó, tôi sẽ tiếp tục chơi bóng đá và, có khi, cuộc đời của tôi đã khác, tôi sẽ không phải là nhà luật học mà là… gì đó, cũng chẳng biết”.
———
(*) 6 cuốn sách do NXB Trẻ ấn hành (từ 1999-2004) của TS Nguyễn Ngọc Điện là: “Một số suy nghĩ về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong luật dân sự Việt Nam”; “Một số suy nghĩ về thừa kế trong luật dân sư Việt Nam”; “Nghiên cứu về tài sản trong luật dân sự Việt Nam”; “Bình luận khoa học luật hôn nhân và gia đình Việt Nam – tập 1: gia đình”; “Bình luận khoa học luật hôn nhân và gia đình Việt Nam – tập 2: các quan hệ tài sản giữa vợ chồng”; “Bình luận các hợp đồng thông dụng trong Luật Dân sự Việt Nam”.