Từ Tình

Lòng sang trang thu hồi ký lá vàng

I. Không ai định yêu một người, cũng như một thành phố. Dẫu thành phố đó là Pari.
Tình yêu cũng như định mệnh. Bao giờ cũng bất ngờ.
Cho tới ngày cuối, tôi vẫn chưa có ý định viết Pari.
Tôi vốn không phải một người chữ lãng mạn.
Không hiểu sao khi còn lại một mình bước ra cửa số 2 sân bay Đơ Gôn tôi bất chợt nhớ một nhà thơ bỏ quên có lẽ đến gần nửa thế kỷ. Và mấy câu thơ rất cổ trong bài Tống biệt của ông bỗng thức dậy trong ký ức:
Lá vàng rơi rắc lối Thiên Thai
Câu thơ chẳng có gì đặc biệt.
Và chiếc Bô-inh trần tục cũng như hiện đại kia không hiểu sao lại nhắc tôi đến một hình ảnh mơ mộng khuya khoắt đến thế!
Cái hạc bay lên vút tận trời
Tôi phát giác rằng mình đã yêu.
Thì ra không phải bây giờ tôi mới yêu Pari.
Nỗi bây giờ tượng đá tuổi ngày xưa…

ĐỐI THOẠI
Cổ nhân lạnh, nhu cầu đối thoại hơn sùng bái, một hiện tượng khác của độc thoại.
Trong bài anh hùng ca nổi tiếng Moise, nhân vật huyền thoại lập quốc Israel được cả dân tộc tôn thờ như một á thánh, nhà thơ Vinhi (Alfred de Vigny) đã đặt vào miệng ông lời tâm sự sau đây:
Thượng Đế, Người đã tạo ra tôi quyền uy và cô độc
Hãy cho tôi yên ngủ giấc trần gian.

MIỄN PHÍ
Miến phí nhiều khi chỉ là một chiêu lừa.
Trong cơ chế thị trường mọi thứ đều phải trả tiền,
kể cả đi thang máy bệnh viện.

BẠN TỐT

Suốt ba mươi năm hoạn nạn, Bờ Hồ là người bạn tốt nhất của tôi vì nó biết nghe và không biết nói.

THỨC THỜI
Một nhà thơ thức thời thường cam phận lỗi thời.
Vấn đề là ở phía trước hay phía sau.

THAM QUYỀN

Các vị chức sắc đều tham quyền, trừ quyền rút lui.

SẢN XUẤT
Người đẹp cung cấp phụ bạc để nhà thơ sản xuất chung tình.

GIẢI NOBEL
Năm 1901, khi tìm kiếm một nhà văn xứng đáng khai mạc giải Nobel văn học thế giới, hầu như tất cả Hội đồng đều dễ dàng nhất trí đề cử nhà thơ Pháp lừng lẫy Xuyli Pruyđom (Sully Prydhomme), tác giả những bản trường ca hùng hồn và lôi cuốn vinh danh sự tiến hóa cao cả của nhân loại.
Cả những câu thơ đầy nhiệt huyết cả giải Nobel danh giá đã không cứu nổi nhà thơ khỏi sự lãng quên khốc liệt của thời gian nếu không có bài thơ tình “nhỏ” của ông, bài “Chiếc bình vỡ”:
Bình đã vỡ
Xin ai đừng đụng nữa
Lời thơ hồn nhiên mộc lạc đến vụng dại như tiếng vật nài nghẹn đập một trái tim đêm bị thương đã cứu Pruyđom.
Có nhà phê bình, nguyên giáo sư đại học đã nhận xét tinh tế: vỡ là không chuẩn, bình đã vỡ thì còn cắm hoa sao được nữa, và đề nghị thay bằng tính từ rạn (félé).
Đúng là hợp cách hơn, có điều nó đã giết chết bài thơ. Một bài thơ không phải một bài tập làm văn của học trò. Nhớ một câu thơ nổi tiếng của Aragông: “Tất cả bắt đầu bằng một lỗi Pháp ngữ”.

TRIẾT HỌC VÀ THƠ
Một nhà lý luận viết về triết học và thơ như sau:
Triết học ưu đãi sự sáng sủa. Thơ ngược lại
khuyến khích sự kì bí.
Đối với triết học, ngay cả bóng tối cũng sáng.
Đối với thơ, ngay cả ánh sáng cũng tối.
Đó là hai cực của ngôn ngữ.

LÝ THUYẾT HỖN ĐỘN
Trật tự sinh ra từ hỗn độn. Khái niệm vật lý này có thể được sử dụng như một khái niệm mỹ học 100%.

THẾ NÀO VÀ TẠI SAO
Một trong những nhược điểm của một số triết gia là nặng về câu hỏi thế nào và nhẹ về câu hỏi tại sao.

Có phải người làm thơ đường vọng yêu một tình rất xưa mà các vị lãng mạn cuối mùa quen ám dụ là kiếp trước. Đã có lúc tôi ngờ rằng các nhà thơ tình ít nhiều đều có họ với Từ Thức. Đều đã gặp Thiên Thai ít nhất một lần trong đời và vĩnh biệt nó suốt đời.
Từ tình là những từ thức trong sâu thẳm ta phút giây tống biệt.
Và dấy lên thành thơ.
Đừng nên quên những bài thơ Đường kiệt xuất đa phần đều là những bài thơ ly tình.
Elsa Triolet đã rất tinh tế khi giải thích cái chết của Maia:
Chẳng ai yêu tôi cả. Tôi đi.
Elsa không hiểu rằng đó là một thông lệ- chẳng ai yêu nhà thơ đến điều cả. Trong tình yêu người ta thường tiêu hai thứ tiền. Và nhà thơ bao giờ tim cũng chỉ tệ mạnh. Riêng có từ vốn nặng lòng. Thơ chính là từ tình, cũng có nghĩa tự tình tức là yêu đơn thương, yêu thất tình, yêu bóng.
Đó là nỗi sầu vạn cổ  cũng là thách thức và niềm lạc quan ngoan cố của nhà thơ.

II. Pêtracơ (Pétrarque) không những là một nhà thơ tình kiệt xuất thời Phục Hưng mà còn của mọi thời đại.
Cuộc đời tình của ông cũng bắt đầu như mọi cuộc đời tình khác.
Một hôm nhà thơ người Ý này bất ngờ gặp tại nhà thơ Xanhtơ- Clerơ một thiếu phụ tuyệt sắc tên là Lôrơ. Chàng gần như bị cú sét tình. Nhưng người đẹp dửng dưng.
Với một tình yêu mãnh liệt và một thất tình như vậy, người ta chỉ có hai cách: một là tự sát, hai là làm thơ. Pêtracơ đã chọn cách thứ hai. Và tập sách đồ sộ của ông ra đời, thách thức tình yêu của mọi thời đại.
Trong một cuộc thất tình mẫu mực giữa một giai nhân và một nhà thơ, thiên hạ thường dè bỉu người đẹp là tầm thường, là không có con mắt tình đời.
Một thiếu phụ thông minh và tinh tế quyết không thể thờ ơ một mối tình sâu sắc và sang trọng tương tự.
Nhận xét đổ đồng thế là bất công với đàn bà.
Ai dám quyết đoán rằng Lôrơ dửng dưng với nhà thơ (Tôi vẫn là người ít tin những “hồi ký” của thiên hạ, đặc biệt của các nhà lý luận).
Biết đâu Lôrơ chẳng yêu nhà thơ da diết và sâu sắc nhưng yêu một cách khác.
Nếu Lôrơ đáp ứng tình yêu của Pêtracơ, một cách thông thường, chúng ta chắc sẽ có thêm một cặp tình nhân thông thường như đầy rẫy mọi cặp tình nhân trong những cuộc tình nhân loại nó cũng nhanh chóng tàn lụi như mọi tàn lụi của thời gian- Ai nhớ tên hết những cặp tình nhân trên đời?
Trong một lóe chớp của trực giác phụ nữ biết đâu Lôrơ chẳng đã ngộ được rằng cách yêu tốt nhất với một nhà thơ là khước từ tình yêu cụ thể của người đó.
Và Lôrơ đã trở thành đồng tác giả của tập Canzionere bất hủ kia cùng với Pêtracơ.
Phải siêu và dũng cảm lắm mới dám hy sinh tình yêu nhỡn tiền, nhất thời đổi lấy một từ tình trong cõi ảo.
Nhưng có đúng là ảo không?
Làm sao có thể ảo được đối với một mối tình luôn hiện diện, luôn sống động trong tâm thức như vậy.
Tôi rất tâm đắc câu nói của một nhà thơ già: “mọi tình yêu đều hư ảo chỉ từ tình là hiện thực”.
Nàng Lôrơ trăng một mình
Soi nàng Lôrơ trang nhỏ
Cam phụ nhà thơ. Độ
Thân chữ nhớ câu tình.
Tôi e rằng tình yêu của Lôrơ có thể là một trong những “tâm sự” mãnh liệt và éo le nhất của Tình sử.
Ai cũng biết Gớt (Goethe) là một bộ óc minh mẫn có hạng- Ông từng được mời làm cố vấn cho nhiều ông hoàng bà chúa.
Những năm cuối đời ông già khôn ngoan kia hình như đã “trót” một việc rồ dại.
Vào tuổi ngoài thất thập, ông yêu mê mệt một “chíp” thập thất, tên là Ulriquơ.
Giá yêu vẩn vơ chỉ “thầm mong trộm nhớ” một mình thì cũng chẳng nói làm gì.
Kể cả những ông già vẫn được coi là chung thủy và minh bạch nhất của lịch sử ai bảo đảm trong đầu không khuất tất bóng một vài nữ trẻ ngoài luồng.
Như thế thì đã không phải là Gớt. Không những nhà thơ già mê cô gái như ăn phải bùa mê thuốc lú. Mà còn khăng khăng đòi lấy cô làm vợ.
Giá dưa lê bỗng tăng cao ngất ngưởng trên các sạp của đám văn nghệ sĩ vốn nổi tiếng rỗi hơi và bẻm mép.
Đám “U60” thì ca ngợi sự lực lưỡng của thiên tài sắp sang thế giới bên kia rồi mà tim vẫn cuồng nhiệt vẫn bùng cháy một tình yêu “8X” (?).
Thế hệ @ (?) thì dè bỉu ra mặt. Đúng là già chưa trót đời, một chân đã bước xuống lỗ rồi còn chơi trống bỏi. Không biết dơ!
Có người sính thơ còn làm vè:
Ông Gớt chữ nghĩa bề bề
… (Kiểm duyệt câu thứ hai vì ô nhiễm môi trường).
Nhiều “fan” của Gớt cạn đường lý sự đã phải sử dụng vũ lực để bảo vệ “thần tượng”.
Còn Gớt thì xem khinh tất cả mười lăm phút. Ông vẫn quen bệt lên dư luận.
Nhưng ông tuyệt đối không thể phớt lờ ý kiến của một người: nhí Ulriquơ.
Khi cô gái hỏi nhà thơ lão thành:
– Có phải bác mết cháu không?
– Gớt kiên quyết gật đầu. Thật dễ ợt!
Gớt không biết ràng đó là một câu hỏi hết sức hóc hiểm người hỏi và người trả lời không cùng một cấp độ thời gian.
Nhà thơ đã phạm phải một lầm lẫn to về thể loại.
Gớt tin rằng mối tình của mình là một tình ca cổ điển.
Ulriquơ lại coi nó như một tình ca sắp đặt hậu tân thời.
Và lẽ dĩ nhiên là Gớt bại.
Một người bạc đầu trận mạc chữ như Gớt có thể b ại vì tình nhưng không thể bại về từ.
Trong những ngày tuyệt vọng nhất ấy, Gớt đã viết câu nổi tiếng còn dai dẳng sống qua nhiều thế kỷ:
Mọi lý thuyết đều màu xám riêng cây đời mãi xanh.
Cũng thời gian này Gớt đồng thời hoàn thành tập sách bộ ba “Sự đam mê”.

Đến bây giờ tôi vẫn còn băn khoăn cái gọi là thất tình của Gớt, ông đã được hay mất?
Đó có thể coi là một trường hợp bất khả định (như trong nguyên lý Godel).
Thất tình là một từ hai chiều hiếm hoi còn sót lại trong tự điển đương đại.
Rôngxa (Ronsard) đã biểu diễn lưỡng tính này trong những từ tình tuyệt vời. Bài Tặng Hêlen.
Tôi không dám chuyển ngữ chỉ mạo muội chuyển nghĩa:
Khi em già nến đêm le lói
Bên lửa ngồi gỡ sợi quay tơ
Hát những vần thơ tôi rạng rỡ
Rôngxa ca ngợi mình thuở ấy- mỹ nhân.
Vậy là Rôngxa thua hay được?
Chợt nhớ một danh ngôn ngang như cua của một nhà triết học hiện sinh đa từ và đa tình: “Trong văn học (cũng như trong tình yêu.- LĐ.) ai thua là được”.
Chiều Âu Lâu
           bóng chữ động chân cầu.
                                                       L.Đ

Lê Đạt

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)