Tuổi của đô thị
Cũng như con người, đô thị thường sực nhớ đến tuổi tác của mình khi xuân đến, lúc chẵn năm, ngoài việc phô ra bên ngoài cái hình thể, diện mạo của mình thì từng góc phố, từng ngôi nhà, đến cả các chi tiết kiến trúc đều ẩn chứa trong đó một số phận. Và chính những cảnh đời đó đan xen, chồng chất để hun đúc lên tuổi của đô thị.
Tuy nhiên, trên thực tế có lúc, có nơi tuổi của đô thị không tỷ lệ thuận với chiều dày tầng văn hóa kiến trúc đô thị, nó phụ thuộc nhiều vào nhận thức và cách ứng xử của chúng ta, của các thế hệ. Rất có thể những ngôi nhà ở chúng ta đang xây dựng ngày hôm nay đến lúc nào đó sẽ bị đập bỏ vì hư hỏng, hết niên hạn sử dụng, quá lỗi thời hay được giữ lại như một mẫu hình về sự cư trú ở đô thị. Rất có thể những khu đô thị chúng ta đang tạo dựng ngày hôm nay sẽ bị chối bỏ, san phẳng để xây những khu đô thị tầng bậc hay trở thành di sản đô thị của các đời sau. Rất có thể những đồng ruộng đang bị thôn tính, hồ ao đang bị lấp đi để xây dựng nhà cửa, những dòng sông bị cống hóa ngày hôm nay sẽ được trả lại, kiến tạo thành những công viên, vườn hoa, khơi lại ao hồ, dòng sông cảnh quan… Trong sự phát triển của đô thị tất cả những điều trên đều có thể, nhưng có một thứ mà khi ta đã lấy lên, hoặc xây công trình kiên cố đè lên trên thì sẽ bị mất vĩnh viễn. Đó là các tầng văn hóa khảo cổ học đô thị đang ngủ vùi dưới lòng đất của những thành phố cổ kính như Hà Nội.
Chính sự phát triển nhanh chóng của Thủ đô về bề rộng, chiều cao và cả chiều sâu đang làm xuất lộ, đánh thức những di sản khảo cổ học đô thị và cũng đang dần cấu kết, cứng hoá lòng đất, mạch nguồn của Hà Nội. Nhiều di sản trong số này đang bị bảo tàng hóa, tư liệu hóa… cả vật chất lẫn linh hồn.
Vâng nếu cứ phát triển ồ ạt, đan xen, chồng lấn cả dưới đất lẫn trên không ở mọi ngóc ngách và theo thời gian tuổi tác đô thị vẫn cứ nhiều hơn và dày lên nhưng sẽ xốp, thiếu sự đặc chắc.
Với con người, mỗi khi mùa xuân về không thể tìm thấy gương mặt thanh xuân trên một cơ thể già cỗi, còn đô thị, điều này hoàn toàn làm được. Tại nhiều thành phố trên thế giới như Macao, Barcelona… chính sự tương phản có chủ ý (có lúc đến gay gắt) giữa kiến trúc hiện đại và cổ kính, giữa cái cũ và cái mới làm tôn thêm giá trị của chúng, hay sự giải thoát khỏi những bó buộc, thông lệ, quy tắc, những cái bóng của kiến trúc xung quanh đã làm một số công trình kiến trúc trở thành hình tượng, đại diện của sự phát triển mới trong một thành phố cũ. Tất cả chúng không phải được tạo dựng bởi sự ngẫu nhiên, vô tình mà là sự chiết xuất từ chính văn hóa, kiến trúc, đô thị và nó đã làm dày và đặc chắc hơn tuổi của đô thị.
Tại một số đô thị cũ của Việt Nam, chính sự uyển chuyển hay chuyển hóa mềm mại hình thái không gian đô thị (có lúc, có nơi được coi là đặc trưng, bản sắc) đã làm nhiều công trình quá lệ thuộc vào nhau và bó buộc vào cảnh quan chung để mong tìm thấy sự hài hòa. Mà sự hài hòa đây thường được hiểu là sự tôn trọng nhau, thậm chí giống nhau và ở trong nhau. Tuy nhiên có nhiều công trình không dám thoát ra khỏi hình thức cũ khi xây dựng trong khu vực hay cạnh công trình cũ mong tìm đến sự nhác nhác, na ná, chốn yên thân. Trong diện mạo kiến trúc đô thị, cũng không ít nơi xây dựng các công trình như muốn đối chọi về tầng cao, khối tích, hình thức… cũng tạo được sự tương phản nhưng mang nhiều tính ích kỷ, sự phô diễn. Rất khó tìm thấy sự thân thiện với thiên nhiên, con người ở những công trình đó, càng không tìm thấy tính đại diện hay tính dẫn hướng hoặc dự báo về sự phát triển mới – tương lai của kiến trúc đô thị
Ở một số thành phố trẻ hay những đô thị mới được nâng cấp từ nông thôn thì tuổi tác không đặt thành vấn đề, người người, nhà nhà tập trung xây dựng, kiến thiết sao cho giống đô thị đàn anh, đàn chị mà chưa cần lo làm sao để đô thị cho ra đô thị. Những nền tảng đầu tiên của kiến trúc đô thị được coi là đã sẵn có, bộ khung của đô thị được dựng trên giấy hay là sự gia cố từ nông thôn làm cho chặng đường phía trước của đô thị luôn là sự kiếm tìm và rượt đuổi. Như vậy sau nhiều năm nữa khi kỷ niệm 50, 100, 200… tuổi của mình thì các đô thị đó lấy gì là mốc dấu khắc ghi điểm xuất phát và quá trình hình thành và phát triển của mình, ngoại trừ mốc dấu thời gian đã ghi chép.
Thời gian không chờ một ai, cả với đô thị cũng vậy, tích lũy và ứng xử có trước, sau với kiến trúc đô thị không chỉ làm thành phố đó vạm vỡ, trưởng thành hơn mà nó còn làm đặc chắc hơn tầng văn hóa đô thị, làm dày dặn hơn tuổi của đô thị và mỗi độ xuân về sự hối thúc thường làm cho mỗi đô thị phải tự ngẫm về mình./.