Tượng đài Việt Nam – Cô đơn và tẻ nhạt

Khái niệm tượng đài trong Việt ngữ Cho đến nay, các nhà lý luận mỹ thuật, các nhà điêu khắc, cả các giáo sư ở trường Đại học Mỹ thuật và nhiều quan chức quản lý Mỹ thuật vẫn chưa ra được một định nghĩa xác đáng: Thế nào là “tượng đài”?

Trước hết nó phải có tượng và đài?
 –      Chỉ có tượng không có đài có được gọi là “tượng đài” hay không? Ví dụ tượng Marx và Engels ở Berlin, K. Marx ngồi trên ghế, F. Engels đứng bên cạnh, có kích thước bằng người thật. Còn tượng nàng trinh nữ bằng đồng ngồi trên một bệ đá, mắt nhìn ra biển khơi, biểu tượng của Kopenhagen (Đan Mạch),… nếu không được gọi là tượng đài thì vì sao?
Tượng đài phải rất to?

–          Có tượng, có đài nhưng to từ mấy mét trở lên mới được gọi là “tượng đài”. Một loạt tượng rất nổi tiếng trên thế giới có kích cỡ người thật có được xếp vào danh mục tượng đài?

–          Có cả tượng, cả đài rất lớn như: Tượng tự do New York (Mỹ) cao tới 101,5m hoặc tượng chúa Jesu ở Rio de Janeros (Braxin) luôn chỉ được gọi là tượng. Vì sao không được gọi là “tượng đài”, hay ta chính trị hóa nghệ thuật? Cái tượng của ta hay trước đây của các nước XHCN thì được gọi là “tượng đài”, còn cái tượng to của Phương Tây thì chỉ là tượng để hạ thấp ý nghĩa?
Từ “tượng đài” trong Việt ngữ có từ bao giờ? Ý nghĩa?
Hiện không ai biết từ “tượng đài” xuất hiện ở VN vào thời gian nào và trong hoàn cảnh nào. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam giải nghĩa: “Tượng đài, công trình nghệ thuật gồm một hay nhiều tượng, phù điêu được xây dựng nơi công cộng ngoài trời để kỷ niệm những sự kiện, nhân vật lịch sử có công lao với đất nước”. Giải nghĩa này chỉ dành riêng cho “tượng đài” Việt Nam hay cho khái niệm “tượng đài” nói chung trên thế giới? Bởi vì nó có rất nhiều sự khác biệt về quan niệm.
Về chữ nghĩa, theo tôi đây là một giải nghĩa quá hẹp, bất ổn. Vài “tượng đài” Thánh Gióng đã có ở Việt Nam liệu còn được gọi là “tượng đài”? Bởi Thánh Gióng là nhân vật truyền thuyết chứ không phải là nhân vật lịch sử. Tương tự, một loạt các tượng Herquyn, Thần Dớt ở nước ngoài cũng sẽ không được công nhận là “tượng đài” đúng hay sai?
Đây là điều bất ổn về học thuật, các nhà chuyên môn cần sớm làm rõ và có định nghĩa xác đáng về khái niệm “ Tượng đài” Việt Nam. Nhà nước không thể đầu tư cả ngàn tỉ đồng, xây dựng hàng trăm cái “tượng đài” mà vẫn không có định nghĩa xác đáng thế nào là “tượng đài”.
Nếu phải chuyển từ “Tượng đài” Việt ngữ sang bất kỳ thứ tiếng quốc tế thông dụng nào thì chắc là phải dùng từ “Monument”. Nhưng Monument như nêu trên lại có nghĩa bao quát, rộng hơn rất nhiều và có lẽ nó được hiểu là: Di tích văn hóa, di tích lịch sử, tượng đài, đài tưởng niệm trong Việt ngữ.

Sự bùng phát đáng ngờ

Thực tế cho thấy văn hóa Việt Nam không có truyền thống “Tượng đài”. Những “tượng đài” đầu tiên ở Việt Nam được ghi nhận là “Chiến thắng Nam Ngạn” ở miền Bắc, tượng Lê Lợi, Phù Đổng Thiên Vương… ở miền Nam được dựng vào những năm 60 của thế kỷ trước. Tượng đài lãnh tụ đầu tiên là tượng Hồ Chủ Tịch ở đảo Cô Tô nhìn ra biển Đông nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam được dựng khi Người còn sống.
Chỉ trong khoảng 15 năm gần đây đã xuất hiện tới hàng trăm tượng đài trên cả nước. Có địa phương còn lên kế hoạch sẽ xây dựng cả trăm tượng đài sắp tới. Sự bùng phát “tượng đài” của Việt Nam hiện nay cho thấy nó đang độc diễn, đang đi trên một con đường cô đơn, chẳng giống ai.
Đây là một hiện tượng rất bất bình thường trong đời sống văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung trong thế giới hội nhập hiện nay. Khó có thể tìm thấy một nước thứ hai trên thế giới có phong trào xây dựng tượng đài ào ạt trong một thời gian ngắn như vậy bằng 100% ngân sách nhà nước như Việt Nam.
Hiện tượng bất bình thường này buộc chúng ta phải đặt câu hỏi:

–          Phải chăng thời gian hội tụ đủ các điều kiện chín muồi để nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Việt Nam chuyển sang một giai đoạn phát triển mới đã đến?

–          Đây là thứ nghệ thuật phục vụ mục đích cộng đồng hay chỉ là một hoạt động chính trị hóa nghệ thuật ở quy mô rất lớn nhằm phục vụ lợi ích cá nhân của một thiểu số người có quyền và trách nhiệm liên quan chi cho văn hóa một cách vô tội vạ bằng tiền của dân?
 
Nghệ thuật hay hoạt động kinh doanh siêu lợi nhuận

Monument là khái niệm tượng đài thông dụng nhất trong ngôn từ quốc tế và lịch sử. Nghĩa rộng: Công trình văn hóa có ý nghĩa đặc biệt về mặt nghệ thuật, lịch sử, khoa học của loài người được xã hội suy tôn và gìn giữ, như thành cổ, cổng chào, lâu đài, nhà thờ, thánh đường, đền, chùa, nhà cao tầng tiêu biểu, các di tích lịch sử liên quan đến các sự kiện hoặc nhân vật lịch sử. Nghĩa hẹp: Là các công trình kiến trúc hoặc tượng được dựng lên để kỷ niệm, tưởng niệm sự kiện hoặc nhân vật tiêu biểu và thường được phân loại thành nhóm gắn liền với một giai đoạn lịch sử nhất định. 

Đô thị Việt Nam vốn yếu kém về quy hoạch, kiến trúc, chắp vá, lộn xộn, tưởng “tượng đài” góp phần cải thiện môi trường văn hoá, môi trường đô thị thì ngược lại những tượng đài xấu và “to vật vã” một cách khó hiểu, càng góp phần làm cho bộ mặt đô thị trở nên tồi tệ hơn và chắc chắn nó để lại lâu dài nhiều hậu quả xấu về thẩm mỹ, xã hội cho con em, thế hệ trẻ. Công chúng đương thời thì bàng quan, thờ ơ với “tượng đài”, thứ mà Nhà nước đang hào phóng ban phát cho họ bằng tiền thuế của họ.
Nguyên nhân là trình độ của những tác giả tượng đài (nhà điêu khắc, kiến trúc sư…) yếu kém về chuyên môn và càng cố làm “tượng đài” to bao nhiêu thì sự yếu kém này càng lộ rõ bấy nhiêu. Theo thông lệ, các “tượng đài” trước khi được dựng phải được duyệt bởi một “Hội đồng nghệ thuật”. Hầu như ở bất kỳ “Hội đồng nghệ thuật” nào người ta cũng dễ dàng nhận ra sự hụt hẫng về tầm văn hóa và các kiến thức nghệ thuật xã hội cơ bản của đa số thành viên trong đó. Cho nên, không ngạc nhiên khi vị thành viên đó tham gia: Cái mũi của nhân vật này hơi tẹt, phải làm cho nó thẳng lên theo kiểu dọc dừa, còn đôi mắt thì nên cho nó long lên tí nữa… Chỉ thiếu tô thêm má hồng cho nhân vật tượng đài! Đó là những “Hội đồng nghệ thuật”  xứng đáng được đưa vào kỷ lục Guiness thế giới.
Nhân danh đầu tư mỹ thuật phục vụ mục tiêu chính trị, các tỉnh, huyện, cơ quan đoàn thể, bộ, ngành thoải mái lấy tiền ngân sách nhà nước để tham gia “phong trào” làm “tượng đài” đang sôi sục khắp cả nước. Có lẽ, “phong trào” tượng đài chỉ lắng xuống khi chủ đầu tư không còn được phép thoải mái sử dụng ngân sách nhà nước, mà họ phải tự bỏ tiền túi hoặc tự quyên góp tiền từ nhân dân để xây dựng tượng đài, như ở nhiều nước khác đang làm hiện nay.
 Sự bùng phát này nằm ở khía cạnh thương mại. Thực tế, chi phí cho người sáng tác, người thực hiện chiếm một phần rất nhỏ so với vốn đầu tư được duyệt. Phần thất thoát lên tới 50% nếu không nói có trường hợp còn cao hơn nữa. Bình quân một tượng đài có suất đầu tư khiêm tốn 5 tỉ đồng thì chỉ với 200 tượng đài trong cả nước, số tiền đầu tư sẽ là 1000 tỉ đồng và số “thất thoát” là 500 tỉ đồng! Một thứ “kinh doanh” siêu lợi nhuận.
Các tác giả, các nhà chuyên môn, các nhà quản lý ở địa phương và trung ương về lý luận, về thực tiễn hiện đã không thể kiểm soát được sản phẩm “tượng đài”, con đẻ không được công chúng đón nhận của một chế độ bao cấp về văn hóa. Chưa nghe một người dân nào kể về ấn tượng của mình về các tượng đài này, nhưng đối với rất nhiều người Việt Nam và người nước ngoài, ấn tượng nhất là “Khải hoàn môn” với bầy ngựa đen gầy, nhỏ trông như lũ cào cào châu chấu nhảy nhót trên cái cổng quá đồ sộ ở khu đô thị Nam Thăng Long mà muốn hay không, buộc họ phải thấy trên đường Nội Bài về Hà Nội – một “tượng đài” tiêu biểu cho cái xấu về văn hóa và nghệ thuật, kiến trúc của nước nhà. Một thứ rác kiến trúc và nghệ thuật được nhập khẩu cho Hà Nội.                                                                                        

Lý Trực Dũng

Tác giả

(Visited 21 times, 1 visits today)