Tương lai của di sản văn hóa vật thể trong lòng quy hoạch Hà Nội

Lần đầu tiên Hà Nội có một bản quy hoạch chung với tầm nhìn xa như thế - đến năm 2050, do đó những định hướng lớn về phân khu chức năng, tổ chức không gian, hạ tầng kỹ thuật… sẽ góp phần quyết định số phận, tương lai của hệ thống di sản văn hoá vật thể của Thủ đô vốn đã trải qua biết bao thăng trầm.

Hà Nội lưu giữ trong mình hệ thống di sản văn hóa vật thể đồ sộ cần bảo tồn tại khu vực nội đô – đó là khu thành cổ, khu phố cổ, phố Pháp, làng cổ ven đô, những công trình kiến trúc văn hóa, tín ngưỡng… và cả hệ sinh thái cảnh quan đặc trưng là đô thị với nhiều sông hồ, cây xanh gắn với vùng sinh thái nông nghiệp.

Về quan điểm bảo tồn, bản quy hoạch xác định “tất cả các giải pháp quy hoạch đô thị đều được thiết lập dựa trên tiêu chí bảo tồn”(1) và nhiệm vụ bảo tồn không chỉ khuôn hẹp trong các khu vực, di tích như trước đây, mà mở rộng đến cả môi trường tự nhiên, môi trường văn hoá.

Tuy nhiên, quan điểm bảo tồn mà bản quy hoạch đưa ra vẫn còn mang tính chung chung mà chưa làm rõ mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Nếu ai đó đặt câu hỏi đến năm 2050 di sản văn hoá vật thể của Hà Nội sẽ như thế nào thì qua quy hoạch này, câu trả lời sẽ là cơ bản vẫn như ngày hôm nay.

Để “phát triển và bảo tồn được đặc thù riêng của Hà Nội”, quy hoạch xác định thiết lập trục không gian gồm mặt nước, cây xanh và văn hoá; phấn đấu xây dựng hành lang xanh tương đương gần 70% tổng diện tích đất tự nhiên kết hợp phát triển nông lâm nghiệp theo hướng chất lượng cao và công nghiệp hóa. Chiến lược trên có thể phù hợp về mặt lý thuyết, nhưng trên thực tế rất khó hiện thực hoá bởi lẽ:

– Hơn 5.100 di tích ở Hà Nội chỗ mật tập, nơi phân tán.

– Không gian mặt nước chiếm 8,12% diện tích tự nhiên, với 111 ao hồ trong 10 quận nội thành , được bao bọc bởi các sông Đà, Hồng, Đuống, Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét,… Theo tập quán cư trú lâu đời, hai bên các dòng sông thường là làng mạc, phố thị, nên việc quy hoạch chung thiết lập vành đai xanh hạn chế và ngăn chặn phát triển đô thị lan tỏa, tự phát từ nội đô ra bên ngoài như hiện nay liệu có khả thi.

– Hệ thống cảnh quan cây xanh chủ yếu tập trung ở Ba Vì, Sóc Sơn, Hương Tích, còn phần lớn các di sản mật tập ở khu vực nội đô, nơi chỉ có năm quảng trường văn hoá, vài công viên trong tổng số 60 công viên, vườn hoa lớn nhỏ với tổng diện tích 300 ha. Hệ thống làng truyền thống dày đặc chiếm khoảng 10-15% quỹ đất thuộc “hành lang xanh” là đặc trưng riêng có của Thủ đô đang đứng trước cơn lốc đô thị hoá, mặt khác, đặc tính cư trú mật tập của các làng xóm truyền thống liệu có thích ứng với sự phát triển nội tại và tác động ngoại lai để được đặt trong tên gọi “hành lang xanh”.

Hà Nội không phải là thành phố được xây dựng mới với mô hình lý thuyết 30-70 mà đã tồn tại lâu nay với đặc điểm mặt nước – cây xanh – văn hoá như vậy, liệu chiến lược được đề ra trong quy hoạch chung cho 20 – 40 năm tới có đủ mạnh để sắp đặt lại tạo hoá?

Quy hoạch chung xác định ba vùng đặc trưng văn hoá cần bảo tồn: vùng văn hoá Thăng Long, vùng văn hoá xứ Đoài, vùng văn hoá Hoà Bình; và tám khu vực bảo tồn trọng tâm: trung tâm Chính trị Ba Đình và di tích Hoàng Thành Thăng Long; khu phố cổ; khu phố cũ; di tích ven Hồ Tây; thành Cổ Loa, thành cổ Sơn Tây; các làng và làng nghề truyền thống; các cụm di tích và di tích đơn lẻ; các vùng cảnh quan tự nhiên. Phân vùng, phân khu vừa theo diện, đồng thời đã xác định các cụm, điểm tuy nhiên chưa làm rõ bức tranh tổng thể di sản trong viễn cảnh chung phát triển đô thị 20 đến 40 năm tới, chưa xác lập quan hệ với quy hoạch khảo cổ học đô thị, đặc biệt chưa làm rõ sự đan xen, chồng lấp như là thuộc tính của di sản vật thể của Hà Nội.

Quy hoạch chung cũng đề xuất giải pháp tạo lập cảnh quan kiến trúc gắn với di sản văn hoá trên cơ sở đô thị trung tâm sẽ phát triển và kiểm soát bảo tồn nghiêm ngặt các di sản văn hoá, lịch sử, kiến trúc và các thắng cảnh nổi tiếng; phát triển “Hành lang xanh” xung quanh đô thị trung tâm, bảo vệ những khu vực tự nhiên quan trọng, các vùng đất nông nghiệp năng suất cao và các làng nghề truyền thống, các di tích văn hoá. Tuy nhiên, nhìn chung đồ án đã thể hiện việc dùng các giải pháp của hiện tại để định hướng cho 20-40 năm sau khi quan điểm còn thiếu tính dự báo, tương tác với quy luật phát triển đô thị và bảo tồn di sản.

Là quy hoạch chung không thể đòi hỏi phải có giải pháp cụ thể bảo tồn di sản văn hoá từng khu vực, thể loại, cũng như không thể liệt kê các giải pháp bảo tồn và phát huy hơn 5.100 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng, hàng trăm làng nghề truyền thống, hàng trăm hồ ao cảnh quan gắn với lịch sử văn hoá, càng không thể đòi hỏi cách ứng xử cụ thể về con đường, ngõ phố, mái nhà lô nhô của phố Hà Nội. Tuy nhiên, những cương lĩnh chính, tuyên ngôn về di sản văn hoá của Thủ đô Hà Nội trong tương lai phải được khẳng định, những giải pháp nền tảng phải được xác lập. Nhưng những giải pháp được đề ra trong quy hoạch chung cơ bản đều đã từng được đề xuất, có quy định mà được triển khai không mấy hiệu quả.   

Đối với khu vực nội đô lịch sử, quy hoạch chung nhấn mạnh việc giữ gìn bản sắc văn hóa vùng Thăng Long, kế thừa và tôn vinh các đặc trưng không gian kiến trúc cảnh quan văn hóa, lịch sử, lễ hội…khu phố cổ, khu phố Pháp… Tăng cao chỉ tiêu cây xanh từ 1-2m2/người lên 5-7m2/người; gìn giữ, tôn tạo mặt nước thiên nhiên, khai thác hiệu quả, khoa học; phát triển dân số có kiểm soát; kiểm soát phát triển kiến trúc cảnh quan. Hạn chế xây dựng công trình cao tầng. Tăng cường không gian xanh, mặt nước và hoạt động công cộng. Xác định các vùng tập trung nhiều di sản, di tích, thẳng cảnh nổi tiếng của Hà Nội để khoanh vùng và kiểm soát phát triển.

Những giải pháp này, nói không quá, có thể áp dụng cho tất cả các di sản, di tích lịch sử văn hoá, chưa thể hiện rõ giải pháp chuyên biệt, phù hợp với đặc tính của di sản văn hoá Hà Nội, đặc biệt thiếu sự liên hệ, kết nối giữa giải pháp về bảo tồn và phát triển, tính chủ thể, sự chi phối và mối quan hệ cũ mới, tương phản, vi biến trong kiến trúc cảnh quan tổng thể.

Khu phố cổ Hà Nội, vốn đã nổi tiếng vì sự bàn luận hàng chục năm nay, sẽ như thế nào trong 20 đến 40 năm tới. Quy hoạch chung đề cập “bảo tồn các yếu tố vật chất và tinh thần trong không gian kiến trúc khu phố cổ như một hình ảnh kiến trúc đô thị cổ đặc trưng, cùng hệ thống di tích kiến trúc bao gồm các công trình tôn giáo tín ngưỡng, nhà phố, chợ, nhà thờ, các công trình văn hóa có niên đại từ 1945 trở về trước”. Quan điểm, giải pháp như vậy đặt trong bối cảnh trước năm 1954 còn có thể phù hợp về cảnh quan; còn khó mà phù hợp với quan điểm và quy luật tồn tại, phát triển của di sản đô thị thế kỷ thứ XXI. Di sản đã đóng băng, bảo tàng hoá một khu vực gần 100 ha, một thực thể sống động của Hà Nội là không phù hợp với quan điểm bảo tồn các khu phố lịch sử đang sống chưa kể nó đã rất xa thực tế với phố cổ Hà Nội.

Có nơi di sản văn hoá vật thể được khu biệt, bảo tồn nghiêm ngặt kết hợp với phát triển du lịch (bảo tồn theo diện), trong đó cây xanh, khoảng trống đóng vai trò liên kết hữu cơ giữa các khu cổ, cũ và mới. Có nơi chỉ giữ những điểm di sản văn hoá vật thể quan trọng, còn sẵn sàng thay thế những công trình ít giá trị, chấp nhận cũ và mới đan xen (bảo tồn theo điểm). Lại có nơi bảo tồn thiếu tính cách (bảo tồn tự nhiên) – trùng tu, tôn tạo các di sản văn hoá có giá trị cao; cải tạo, xây dựng mới các công trình, không gian khác có thể phỏng theo hình thức cũ, cũng có thể tương phản với hình thức cũ, tính cách khu vực thiếu được coi trọng. Hà Nội là điển hình của dạng bảo tồn tự nhiên.


(1)  Nguồn: Thuyết minh tóm tắt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)