Tương lai của khoa học viễn tưởng

Những tiến bộ khoa học trong những năm gần đây khiến người ta cảm giác những gì trước đây chỉ có trong khoa học viễn tưởng đã ở ngay đây rồi. Dưới đây là chia sẻ với tạp chí Nature của hai nhà văn khoa học viễn tưởng nổi tiếng, Ken Liu và Aliette de Bodard, về tương lai và vai trò của khoa học viễn tưởng khi khoa học công nghệ đang phát triển chóng mặt và thâm nhập vào mọi ngõ ngách đời sống.

Ken Liu: Gìn giữ tính nhân bản trong cơn biến động

Xem Blade Runner 2049, tôi chợt nhận ra rằng cũng giống như tiền thân của nó là Blade Runner lấy bối cảnh năm 2019, tương lai được dự đoán trong cả hai bộ phim đều được thống lĩnh bởi những chiếc xe biết bay. Điều này cho thấy khoa học viễn tưởng, kể cả có sự nhìn nhận về ‘tương lai học’ (futurology) một cách nghiêm túc, thì cũng không giỏi lắm trong việc dự đoán thực tế.

Tôi đã dành một phần đáng kể sự nghiệp của mình như một nhà sử học về công nghệ (chủ yếu vì lợi ích của các đương sự trong các vụ tranh chấp bằng sáng chế và bí mật thương mại). Chẩn đoán của riêng tôi là: những nỗ lực để tưởng tượng ra tương lai của chúng ta bị cản trở bởi một thực tế là sự tiến hoá của công nghệ thường bị chi phối bởi những khởi đầu sai, những gặp gỡ tình cờ và sự phụ thuộc vào lối mòn. Không ai nhìn thấy trang Hyper Text Markup Language đầu tiên của nhà phát minh World Wide Web Tim Berners-Lee lại có thể dự đoán được sự ra đời của Tumblr và Twitter, hay mường tượng được rằng áp dụng kính lọc vào ảnh selfie lại có thể trở thành một ngành kinh doanh trị giá hàng tỉ đô. Những ‘thiên nga đen’ (những sự cố tưởng chừng như không thể xảy ra) làm gián đoạn mọi đường cong ngoại suy.

Vậy mà chúng ta vẫn không thể chấp nhận được việc mình hoàn toàn bất lực trong việc đối diện với thuộc tính bất định của tương lai. Chúng ta vẫn cứ phải dựng lên những lý thuyết chưa thể kiểm chứng và kể những câu chuyện với cấu trúc tinh vi và hợp lý về tương lai dựa trên những manh mối từ quá khứ; điều này khiến con đường mà chúng ta chọn tưởng như đã được định đoạt từ trước.

Loài người chúng ta bị mắc kẹt bởi ‘liên tưởng ngụy biện’ (narrative fallacy). Thế giới vật chất có thể diễn biến theo cách hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng tư duy con người thì lại được phát triển để ấn định mối quan hệ nhân quả cho các tương quan, nhìn ra các mẫu (pattern) trong sự hỗn độn (noise), để diễn dịch lịch sử không phải là tập hợp của các sự kiện riêng lẻ diễn ra nối tiếp nhau mà là sự mở ra của một kế hoạch vĩ đại nào đó – có thể là một tác phẩm của một ai đó, ví dụ như Chúa.

Tốc độ của các phát minh dường như ngày càng tăng, và những công nghệ tiên tiến đã tăng cường sức mạnh của mỗi cá thể trong thế giới phức tạp của chúng ta, dù tốt dù xấu. Ngày nay một cá nhân có thể bắt cả thế giới quỳ gối trước mình chỉ với một mã máy tính tinh vi; và sớm thôi, ai đó có thể sẽ chế tạo ra một con virus sinh học và giết hàng triệu người. Thế giới ngày càng trở nên ngẫu nhiên và bất định.

Khoa học viễn tưởng đã trả lời bằng những tiên đoán ngày càng giàu trí tưởng tượng hơn. Liệu kỹ thuật di truyền có cho phép chúng ta sống tới hàng trăm năm? Liệu chúng ta có thể được tải lên những đám mây để sống như những vị thánh kỹ thuật số? Liệu chúng ta có trở thành nô lệ của một siêu trí tuệ nhân tạo? Hay liệu chúng ta có thể rạo ra một nền kinh tế sáng tạo hậu khan hiếm (post-scarcity creative economy) để rồi người ngoài hành tinh cuối cùng cũng phải xuất hiện và mời chúng ta đến với Cộng hoà Ngân hà?

Khả năng là sẽ chẳng có điều nào ở trên trở thành sự thực trong tương lai. Đó là bởi chúng quá dễ suy đoán từ quĩ đạo phát triển của hiện tại. Mà thực tế thì không đi theo một cốt truyện đã được xây dựng sẵn. Tương lai của chúng ta sẽ còn kỳ lạ hơn và trần tục hơn những tầm nhìn này.

Tuy khoa học viễn tưởng không thực sự có ích cho việc dự đoán tương lai, nó lại không được đánh giá đúng mức như một cách để duy trì tính nhân bản trước những thay đổi không ngừng. Thực tế ngày nay của giám sát đại trà (mass surveillance) và tuyên truyền tập đoàn có thể còn nham hiểm và phức tạp hơn cả những thế giới được tưởng tượng bởi George Orwell trong 1984 hay Aldous Huxley trong Brave New World. Nhưng những anh hùng trong các tác phẩm này đều quay trở lại quá khứ của chúng ta để tìm lại những giá trị nhân văn cốt lõi và lấy đó làm bức tường thành chống chọi lại sự kìm kẹp áp đảo của công nghệ và liều thuốc ru ngủ của sự phân tâm. Những thông điệp này có giá trị mãi mãi. Cyberpunk (một nhánh của khoa học viễn tưởng) có thể đã không dự đoán được mấy về thế giới ngày nay trên những mạng lưới di động liên tục bật kết nối hay ‘tương tác thực tế ảo’ (augmented reality) được hiện thực hoá nhờ điện thoại thông minh thay vì nhờ kính và cấy ghép. Tuy nhiên, nó cũng cho chúng ta một vốn từ vựng để suy ngẫm về sự hiện diện ảo như là một phần tất yếu của những mối quan hệ giữa con người với con người do công nghệ làm trung gian. Thông qua mạng xã hội và những nền tảng trò chuyện phong phú, tôi có thể giữ những mối quan hệ bạn bè có ý nghĩa trong không gian mạng.

Những tác phẩm khoa học viễn tưởng có sức sống dài lâu luôn xây dựng những câu chuyện mang tính nhân bản trước những thay đổi mang tính biến động lớn. Tôi cảm nhận, mặc dù không thể dự đoán, rằng giữ gìn tính nhân bản sẽ là một kỹ năng mà chúng ta ngày càng cần đến trước những điều chưa biết sắp tới.

Aliette de Bodard: Nhu cầu cần có những câu chuyện khoa học của chúng ta

Năm vừa qua tôi đã chứng kiến trật tự thế giới bị đảo lộn. Những biến động chính trị và di cư hàng loạt, các mạng xã hội bị chính trị hoá, ma tuý được chở lậu bởi máy bay không người lái, robot trở thành lực lượng lao động trong các nhà máy. Tuy nhiên, chính một thời kỳ đầy hỗn loạn tương tự đã sản sinh ra khoa học viễn tưởng hiện đại và những thay đổi kinh tế- xã hội lớn, dù tốt hay xấu.

Thế kỷ 19 ở phương Tây đã chứng kiến những biến động liên tiếp, từ những cải thiện lớn về sức khoẻ toàn cầu cho đến công nghiệp hoá. Nhiều tiến bộ khoa học và kỹ thuật đã đạt được nhưng với những cái giá lớn phải trả: qui mô khổng lồ của các cuộc di cư và bất bình đẳng; những người nghèo, người bị áp bức và đô hộ phần lớn không được hưởng lợi gì.

Ngày nay, khoa học thâm nhập khắp nơi, từ những vaccine mới chống lại virus papilloma cho đến chiếc điện thoại thông minh được sử dụng như một trợ lý cá nhân cũng như một thiết bị đọc thẻ thanh toán di động. Và khoa học viễn tưởng, ngày nay cũng như trong quá khứ, được tạo thành bởi những câu chuyện khoa học. Những câu chuyện lại định hình những quy tắc của thực tế: chúng là cơ sở của chúng ta để giải nghĩa và thay đổi thế giới. Bởi vậy, vào thời điểm của những thách thức lớn, những câu chuyện cho chúng ta những chiến lược để đối phó với những thử thách này. Với những người viết tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, những thách thức gây nản chí cũng có thể có tác dụng kích thích- như một lời kêu gọi nhập ngũ trong cả viết văn lẫn đời thực.

Khoa học viễn tưởng có thể cho chúng ta biết những nghiên cứu sẽ dẫn đến đâu. Nó có thể cho chúng ta biết kiểu xã hội, kiểu cuộc sống nào chúng ta đang định hình. Nó có thể cho chúng ta biết về tác dụng của khoa học, về lương tâm và đạo đức và mục đích lớn hơn cũng như tầm nhìn đằng sau những khám phá- chính là những động cơ quan trọng trong việc tạo nên những khám phá đó. Nó còn cho chúng ta thấy sự bất bình đẳng lớn giữa những người được hưởng lợi từ những tiến bộ khoa học và sự giàu có, và những người bị bỏ lại phía sau.

Khoa học viễn tưởng còn có thể kể những câu chuyện mang tính cảnh báo. Infomocracy (2016) của Malka Older mổ xẻ khái niệm nền dân chủ và cho chúng ta những ý tưởng về làm thế nào để khiến nó vững mạnh hơn. Ancillary Justice (2013) của Ann Leckie cho chúng ta thấy những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo và nhận thức cái tôi của một AI như thế nào. Raven’s Stratagem (2017) của Yoon Ha Lee thì kể cho chúng ta về tính dẻo và chủ quan của sự dòng thời gian trong những môi trường khác nhau, thậm chí cách nó có thể trở thành vũ khí trong những cấu hình thời gian nhất định.

Khoa học viễn tưởng đã trở thành một thể loại phổ thông trong văn học và phim ảnh cùng với sự trà trộn của khoa học vào cuộc sống hằng ngày; cũng bởi vậy mà nó có nguy cơ mất đi cái tính kì quái của nó, kể cả khi các thể loại văn học khác có vay mượn những mô-típ của khoa học viễn tưởng. Những bộ phim truyền hình được chuyển thể từ các tác phẩm khoa học viễn tưởng trở nên cực kỳ phổ biến hiện nay đối với cả những khán giả mà thường ít khi đọc thể loại sách này. Tôi cho rằng đó là dấu hiện của sự liên quan ngày càng lớn tới cuộc sống cũng như sức sống mãnh liệt của khoa học viễn tưởng. Khi tốc độ khám phá khoa học tăng nhanh và tác động của nó đến chúng ta ngày càng sâu sắc hơn, tôi nhận thấy khoa học viễn tưởng và các thể loại hư cấu khác trở nên hoà quyện, khó tách biệt hơn khi cả hai cùng mượn những mô-típ, hình ảnh, ý tưởng của nhau. Cho dù những ý tưởng này sẽ tiếp tục phát triển được trong dòng tiểu thuyết văn học, khoa học viễn tưởng hay cả hai thì chúng ta cũng sẽ cần đến những câu chuyện khoa học hơn bao giờ hết.

Đó là bởi, trước đây và bây giờ, khoa học có thể mang lại lợi ích cho xã hội một cách có chọn lọc hoặc bị lạm dụng cũng thường xuyên như được sử dụng cho mục đích tốt. Ví dụ như những con trỏ laze công suất lớn, giá rẻ đã bị sử dụng làm vũ khí để làm mù mắt các phi công. Chúng ta cần nhớ những gì khoa học có thể làm – cả những điều kinh hoàng lẫn kỳ diệu – và thể hiện rõ ràng điều này trong những câu chuyện của chúng ta. Khi tôi nuôi dạy con mình và tưởng tượng về thế giới mà chúng sẽ kế thừa, tôi thường nghĩ về quy mô của sự thay đổi theo thời gian. Tôi chọn coi năm vừa rồi không phải là một biến động rõ ràng, mà như một vòng quay của bánh xe. Và tôi hi vọng rằng tương lai, được định hình bởi những câu chuyện của ngày hôm nay, sẽ mang đến những điều tốt đẹp hơn.

Khánh Minh lược dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-017-08674-8

Tác giả

(Visited 13 times, 1 visits today)