Turning Red – Phim hoạt hình hiếm hoi về kinh nguyệt

Cho đến tận bây giờ, kể cả khi có những bước tiến trong việc đề cập đến giới tính trên truyền thông và phim ảnh, kinh nguyệt vẫn luôn là đề tài ít được nhắc đến màn ảnh. Tại sao vấn đề tình dục ngày càng được đề cập thoải mái, táo bạo, nhưng một hiện tượng sinh lý bình thường của người phụ nữ lại bị né tránh?

Mei Mei trong hình hài gấu trúc đỏ và mẹ. Ảnh: Pixar.

Kinh nguyệt và vấn đề kỳ thị xã hội (social stigma)

Năm 1963, tác giả Goffman đã đưa ra định nghĩa về sự kỳ thị (stigma): đó là bất kỳ vết nhơ hay dấu hiệu nào gạt một nhóm người ra khỏi cộng đồng, và truyền tải thông điệp rằng những khiếm khuyết về cơ thể hay tính cách này đã bêu xấu ngoại hình hay danh dự của họ. Theo phân loại của Goffman, có ba loại kỳ thị gồm: “sự ghê tởm với cơ thể”, “khiếm khuyết trong tính cách” và những tên gọi mà xã hội gán cho những nhóm người bị lề hóa. Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, kinh nguyệt gắn với cả ba loại kỳ thị này. Dù sự kì thị kinh nguyệt ngấm ngầm nhưng nó vẫn tồn tại, thông qua quan niệm của nhiều văn hóa cho rằng cơ thể phụ nữ là dơ bẩn trong kỳ kinh nguyệt, không được đến gần nơi thờ tự; thông qua việc phụ nữ phải nỗ lực che giấu việc hành kinh, “đi nhẹ nói khẽ cười duyên”, đảm bảo không bị rò rỉ, lộ những vết máu kinh ra ngoài, như thể nó là vết nhơ trên sự nữ tính của họ.

Lần có kinh đầu tiên của người con gái được coi như một dấu mốc của phụ nữ. Cha mẹ và người thân nhắc nhở họ về tình dục, coi như họ đã thành “người lớn”, giục họ cư xử “ra dáng” theo cách họ không được vô tư, tự do làm những hoạt động mà họ từng tận hưởng trước đây, trong khi nam giới thì không bị giới hạn như vậy. Đặc biệt, không chỉ kỳ thị về mặt cơ thể, kinh nguyệt còn là “cái cớ” để xã hội coi nhẹ năng lực, coi thường tính cách của người phụ nữ. Hội chứng PMS chỉ những thay đổi về thể chất và tâm lý của phụ nữ trước khi đến ngày kinh nguyệt chỉ là điều kiện để nhiều người trong xã hội giữ quan điểm phụ nữ là yếu ớt, khả năng kém, dễ bùng nổ không kiểm soát, ghê gớm, thậm chí là điên rồ.

Có lẽ đó là lý do khiến chủ đề này cho đến hôm nay ít khi được khai thác trên văn hóa đại chúng, hoặc nếu đề cập, thì đó hẳn là báo hiệu một sự kiện gây sốc. Trong khi phần lớn trẻ em gái trải qua kỳ kinh nguyệt đầu tiên của mình một cách nhẹ nhàng và bình lặng, thì hầu hết nhân vật trên phim trải qua điều này một cách kịch tính, đầy hoảng hốt, sợ hãi. Chẳng hạn nhân vật Vada trong bộ phim kinh điển về tuổi mới lớn Mỹ “My Girl” khi lần đầu tiên phát hiện mình có kinh nguyệt đã phải hét lên và tưởng mình bị xuất huyết. Hay nhân vật chính Carrie trong bộ phim cùng tên, một trong những tác phẩm kinh dị xuất sắc nhất mọi thời đại, khi có kinh nguyệt, cô không chỉ thấy ghê sợ mà ngay lập tức có khả năng siêu nhiên. Và trong phim, những nhân vật này sau đó thường ngại không dám nói chuyện và ngại ngùng khi tiếp xúc và nói chuyện với nam giới.

Domee Shi. Ảnh: Los Angeles Times.

Năm 1946, hãng băng vệ sinh Kotex của tập đoàn Kimberly Clark đặt hàng công ty Walt Disney sản xuất phim ngắn hoạt hình “The Story of Menstruation” (Câu chuyện về kinh nguyệt) được chiếu cho khoảng 105 triệu học sinh xem trên khắp đất nước. Đoạn phim cố gắng giữ tính trung lập, chỉ tập trung vào khía cạnh khoa học và vệ sinh thuần túy nhưng nó vẫn thể hiện rõ nét sự kì thị của xã hội về vấn đề kinh nguyệt và dậy thì ở thời điểm đó. Dù lí giải những thay đổi về cơ quan sinh sản của nữ khi dậy thì, nhưng tuyệt nhiên không có sự xuất hiện của hình ảnh giọt máu, kinh nguyệt thay vì màu đỏ, lại được minh họa bằng màu trắng. Dù hướng dẫn chăm sóc cơ thể, nhưng bộ phim không hề chiếu hình ảnh hay nhắc tới băng vệ sinh. Dù nói đến sự thay đổi cảm xúc trẻ em gái khi dậy thì, bộ phim lại khuyên các em nín nhịn: “Đừng có làm quá lên bằng cách tỏ ra quá buồn bã mệt mỏi hay là bị ốm”, “Một số em có cảm giác đau thắt ở vùng bụng dưới, nhưng đừng bận tâm quá. Em có cảm thấy gì đi chăng nữa, em vẫn phải sống với mọi người và cho bản thân mình […] Cứ mỉm cười và đừng tức giận”. Trên một clip của một bác sĩ sản khoa, cô đã thể hiện sự bức xúc khi Disney cùng ekip đã chối bỏ cảm xúc và sự tổn thương của người phụ nữ.

Turning Red đã nói gì về tuổi dậy thì?

“Turning Red – Gấu đỏ biến hình” không chỉ là một tác phẩm điện ảnh ít ỏi đề cập đến vấn đề kinh nguyệt và dậy thì mà còn là một bộ phim hoạt hình hiếm hoi nói về điều đó một cách thẳng thắn, phá vỡ những khuôn sáo và định kiến trước đây, nhưng vẫn đầy duyên dáng, hài hước dễ đồng cảm với tất cả mọi người.

Phim kể về Meilin Lee (tên thân mật là Mei Mei), một cô bé 13 tuổi lớn lên trong gia đình người Hoa tại Canada. Lớn lên trong môi trường truyền thống, Mei Mei đã quen với việc luôn vâng lời bố mẹ và trở thành con ngoan trò giỏi trong mắt dòng họ. Thế rồi một ngày, trong một thời khắc vừa phấn khích vừa xấu hổ vừa tức giận cực độ, cô bé bỗng nhiên biến hình thành gấu trúc đỏ khổng lồ.

Turning Red không sử dụng hình ảnh giọt máu để nói về kinh nguyệt, mà bà sử dụng hình tượng ẩn dụ gợi ý khán giả nghĩ đến điều đó: đó là Mei Mei 13 tuổi, bị biến thành gấu đỏ trong kỳ Trăng Tròn Đỏ đầu tháng. Ở đây, hình tượng mặt trăng trong văn hóa Trung Quốc liên hệ với hiện tượng kinh nguyệt, và để tạo nghi lễ “đuổi trừ con gấu”, họ hàng và gia đình cô bé phải đợi hẳn một tháng để thực hiện điều này – gợi ý cho một chu kỳ kinh nguyệt xảy ra trong 28-30 ngày. Khi con gái bị biến thành gấu đỏ và trốn biến vào nhà vệ sinh, người mẹ – bà Ming đã hỏi chồng mình một cách bóng gió: “Có phải hoa mẫu đơn đỏ đã nở rồi không”?

Tuy vậy, sử dụng hình ảnh ẩn dụ không khiến cho chủ đề này bị kì bí hóa hay kịch tính hóa. Bà Ming đã nhanh chóng trấn an cô bé đây là điều hoàn toàn bình thường. Người mẹ bước vào phòng tắm đưa ra một gói chăm sóc đầy đủ thường thấy cho kỳ kinh nguyệt – túi chườm bụng, băng vệ sinh, thuốc giảm đau. Bà bước vào trong nhà tắm để hỏi con, ngồi yên trước sự bất ổn của cô con gái. Không có sự hào hứng ở đây, cũng không hoảng sợ, mà bộ phim đã phản ánh chân thực về cách xử lý bình thường, và nên có ở bất kỳ người mẹ nào khi con gái bước vào kỳ kinh nguyệt.

Phân cảnh hai đứa trẻ trò chuyện trong Only Yesterday về sự xấu hổ khi hành kinh trong giờ thể dục. Nguồn ảnh: wallpaperaccess.com

Trong các bài phỏng vấn trên báo chí và truyền hình, đạo diễn gốc Hoa đằng sau Turning Red – Domee Shi chia sẻ rằng cảm hứng cho “Turning Red” đến từ hành trình lớn lên ở độ tuổi dậy thì. Ở độ tuổi 34, cô muốn dành tặng tác phẩm này cho đứa trẻ 13 tuổi của mình năm xưa, đã từng bối rối trước sự thay đổi của cơ thể khi không được trò chuyện cùng mẹ về vấn đề giới tính. Gấu đỏ đầy lông lá, “hôi”, xuất hiện khi Mei Mei quá khích cũng như hầu hết các em tuổi dậy thì phải trải qua việc mọc lông, có mùi hơn, nhiệt độ cơ thể tăng cao, và đặc biệt là những cung bậc cảm xúc mà mình chưa bao giờ biết tới trước đây.

Domee Shi từng đảm nhiệm phim ngắn hoạt hình Bao, kể về một người phụ nữ bỗng một ngày thấy chiếc bánh bao mọc ra chân tay và nhận làm con mình, chăm chút chiều chuộng nó hết mực, để rồi khi nó lớn lên, ương ngạnh, dần xa khỏi vòng tay mình, bà quá tiếc nuối mà nuốt luôn đứa con trai bánh bao vào trong bụng. Bao được giải Oscar cho phim hoạt hình ngắn xuất sắc năm 2019, với cái kết sốc như vậy khiến ta không bất ngờ khi nhà làm phim của nó trở lại làm Turning Red với những cách khai thác cảm xúc rất chân thật và mới mẻ, táo bạo về tuổi dậy thì.

Đầu tiên phải kể đến cảm xúc với người khác giới – nguồn cơn khiến Mei Mei biến thành gấu đỏ. Một ngày, Mei Mei dạo chơi sau giờ học cùng nhóm bạn ‘cạ cứng’ để ngắm anh chàng bán hàng ở cửa hàng tiện lợi. Tối hôm đó, cô bé vẽ một chàng trai phong cách manga ở góc vở và lạ thay, càng vẽ thì càng thấy giống anh chàng ở cửa hàng kia. Thế rồi cô bé trốn vào gầm giường, vẽ không ngừng nghỉ về những tưởng tượng gần gũi giữa mình và anh chàng nọ, vừa vẽ, vừa túa mồ hôi, đỏ cả hai má phinh phính như bánh bao, vừa phấn khích tột độ nhưng cũng vừa lo sợ và tội lỗi nếu bị phát hiện. Và…bà Ming mở quyển sổ vẽ của con ra thật, ngay lập tức bà lôi xềnh xệch con ra cửa hàng tiện lợi, mang theo những trang sổ đầy những hình vẽ của con gái, dí vào mặt anh chàng ở cửa hàng và sạc cho cậu ta một trận, trước tiếng cười và chế nhạo của những người xung quanh.

Với Turning Red, Pixar một lần nữa khẳng định mình trong việc khai thác những chủ đề tuy gần gũi nhưng mang lại chiều sâu và giá trị xã hội nhất định.

Khi trở về, cô đã tự mắng mình bằng từ ngữ tệ hại như “bệnh hoạn” (You sicko), sau đó tuyệt vọng và dằn vặt không dứt. Cô bé không kiểm soát được cảm xúc, và điều này được Domee Shi chia sẻ cô làm chi tiết này để nói về “raging hormone beast” – con quái vật hormone cuồng nộ trong lúc lớn lên, mỗi khi đối diện trước mặt mẹ mình.

Kể cả khi sống trong một môi trường có cởi mở như thế nào, thì khoảng cách thế hệ cũng là thứ đẩy đứa trẻ ra khỏi vòng tay cha mẹ. “Turning Red” còn là hành trình đau đớn và dữ dội khi Mei Mei dạy mẹ cô tôn trọng mình – vì quan niệm Nho giáo con cái phải kính trọng cha mẹ đã cắm rễ vào truyền thống gia đình châu Á. Việc biến hình thành gấu trúc đỏ được di truyền, nhưng ý nghĩa của nó không giống nhau qua các thế hệ. Nếu như thời tổ tiên, gấu trúc đỏ là biểu tượng cho sự mạnh mẽ, bảo vệ gia đình khỏi tai ương thì thời của mẹ Mei Mei, đó là dấu hiệu cho sự “không dịu dàng”, “dị biệt” ngoài khuôn khổ cho phép, cần phải “đuổi” khỏi người phụ nữ. Đến lượt Mei Mei, cô bé lại có một quan điểm khác. Cô cảm thấy lời khuyên của mẹ…không còn đúng nữa. Nổi loạn thì sao? Có gì sai khi thần tượng cuồng nhiệt một nhóm nhạc bốn anh chàng dù trong mắt mẹ thật tầm thường và nhố nhăng? Có gì sai khi được là chính mình bên những những cô bạn có lối ăn mặc tomboy, hay hò hét, đi đứng không khép nép dù mẹ thấy là “kỳ quặc” và “không thể chấp nhận được”? Có gì sai khi trở thành gấu đỏ để chụp ảnh với cả trường, để nhảy “hết mình” trong dịp sinh nhật bạn dù mẹ cấm không được biến hình?

Hoạt hình Disney/Pixar đã từng đụng chạm đến cảm xúc phức tạp và tinh tế của tuổi dậy thì qua bộ phim “Inside Out” (ở Việt Nam được phát hành với cái tên “Những mảnh ghép cảm xúc”). Những nhân vật trong bộ phim là các cảm xúc buồn bã, vui vẻ, tức giận, kinh tởm, sợ hãi trong tâm trí của một cô bé mới lớn tên Riley đầy lo lắng khi chuyển nhà đến một nơi mới, bạn mới. Gam màu chủ đạo của Inside Out là màu xanh – màu của nỗi buồn và không gian chuyển sang gam màu đỏ khi dàn điều hòa cảm xúc bị rối loạn. Đến cuối phim, các Cảm Xúc cùng bắt tay trước dàn điều khiển mới mang tên Dậy Thì. Nếu tác phẩm năm 2015 mang thông điệp rằng: hãy trân trọng những nỗi buồn, thì Turning Red của năm 2022 với màu đỏ chủ đạo xuyên suốt phim, gửi gắm đến những bé gái trên con đường trở thành người lớn: rằng việc có những cảm xúc thất thường, sự nổi loạn cũng không có gì sai cả.

So với “Inside Out”, “Turning Red” khai thác góc nhìn này gai góc hơn. Trong phim, màu đỏ mang nhiều tầng ý nghĩa. Đỏ thể hiện sự ngông cuồng và dữ dội, cảm xúc tức giận và phản kháng. Và đỏ cũng thể hiện cho hormone – những yếu tố nội tiết chi phối thay đổi cảm xúc, cũng như dấu hiệu dễ thấy khi bước vào dậy thì – máu đỏ của kỳ kinh nguyệt. Đó là điểm nhấn nổi bật khác khi nói về cảm xúc của Đỏ trong Turning Red. Mei Mei có thể có những cảm giác khó chịu, bốc đồng trong nhiều khung cảnh, thậm chí có lúc xung lên tấn công cậu bạn dám lên giọng với mình. Nhưng đó cũng vẫn có thể là màu sắc của sự bình yên, lãng mạn khi không gian xung quanh Mei Mei ánh lên màu đỏ hồng – khi cô bé tràn ngập niềm tin vào bản thân. Trong bộ phim, việc biến thành gấu đỏ không khiến Mei Mei xấu đi hay bị xa lánh. Các bạn không chỉ chấp nhận mà còn say mê gấu đỏ, thi nhau xếp hàng để được ôm, chụp ảnh và mời dự tiệc cùng vì quá…dễ thương. Nhờ sự yêu thương của những người bạn mà cô bé có thể kiểm soát việc biến hình của mình. Thậm chí, khác với mẹ, Mei Mei tận hưởng việc biến hình của mình, cảm thấy tự do hơn, mạnh mẽ hơn, khoan khoái hơn trong hình hài của gấu trúc đỏ.

Trước “Turning Red”, một trong những bộ phim hoạt hình nổi tiếng hiếm hoi đề cập đến tuổi mới lớn là “Only Yesterday” của Studio Ghibli, Nhật. Chỉ vì đề cập đến kinh nguyệt trong phim mà tác phẩm này phải mất 25 năm kể từ khi ra mắt mới được phát hành dưới phiên bản tiếng Anh không qua kiểm duyệt cắt gọt. Hơn nữa hãng Disney từng có hợp đồng cộng tác với Ghibli suốt 15 năm kể từ bộ phim “Kiki’s Delivery Service”, cũng không “dám” phát hành phim này.

Trong “Only Yesterday”, nhân vật Taeko 27 tuổi mệt mỏi trước lời thúc giục kết hôn của gia đình nên về đồng quê để tìm lại chính mình. Trên hành trình về làm nông dân, cô phát hiện ra phiên bản 10 tuổi đang đi cùng mình trên chuyến tàu.

Nổi bật trong “Only Yesterday” là câu chuyện về việc người phụ nữ đi tìm giá trị thật sự của bản thân. Lớn lên trong môi trường gia đình có phần áp đặt, nhất là người cha gia trưởng, Taeko tuy hồn nhiên nhưng vẫn thường thấy lạc lối. Chỉ đến khi cô nhớ về lớp học kinh nguyệt hồi lớp 5, cô mới dần hiểu ra được những định kiến mà xã hội dành cho những người phụ nữ. Dùng hình ảnh con tằm trắng để nói về sự phát triển của một con người – và rồi Taeko kết nối lại với lớp học về kinh nguyệt, cùng những trò đùa ác ý của bọn con trai về lần “đèn đỏ” của con gái, tạo ra mối liên kết để nói về những ẩn ức trong người phụ nữ – mãi chật vật không thoát khỏi chiếc kén của mình. Khoảnh khắc ấy bắt đầu từ việc những bé gái tiểu học phải giấu giếm về chuyện hành kinh, bị buộc phải bỏ giờ thể dục, và giấu cảm xúc về sự khó chịu trong ngày. Từ “kinh nguyệt” được sử dụng tự nhiên, không dùng bất kỳ từ ngữ ví von nào khác.

Cách mô tả của Ghibli về lớp học kinh nguyệt và trải nghiệm kỳ kinh hết sức bình thường, nhưng đủ ấn tượng khi mô tả những e ngại, cấm đoán mà gia đình và bản thân các bé gái tự đặt ra cho mình. Có lẽ nhà làm phim chọn sự xuất hiện của Taeko bé 10 tuổi gặp Taeko đã trưởng thành là để cô mường tượng lại về khoảnh khắc trước khi trở thành người phụ nữ, để hiểu mình muốn gì.

Nhưng nếu như câu chuyện về kinh nguyệt của Taeko đi kèm với cảm giác tủi thân thì của Mei Mei đi kèm với những cảm giác phấn khích, khao khát tự do. Nếu như Taeko phải mất hơn 30 năm để nhìn lại câu chuyện tuổi thơ để có thể nhận ra mong muốn được làm người phụ nữ “phi truyền thống” thì Mei Mei ngay ở tuổi 13 đã có cơ hội trở thành phiên bản năng động tự chủ hơn. Có thể nói “Only Yesterday” là tiền đề để “Turning Red” sau này thể hiện vấn đề một cách cởi mở và thoải mái hơn.

Hơn nữa, hai bộ phim cũng phản ánh đón nhận của xã hội và của cá nhân với vấn đề kinh nguyệt và dậy thì đã tiến những bước dài như thế nào. Trong khi bố của Taeko hà khắc thì người bố của Mei Mei, dù chỉ xuất hiện trong vài cảnh ngắn ngủi nhưng đầy xúc động khi nói với cô con gái trước nghi lễ “đuổi gấu”, khi cô bé đang lưỡng lự liệu có nên giữ lại con “quái vật” trong bản thân mình không, rằng: “Con từ bỏ nó cũng được nhưng con người này của con khiến bố cười”. Và kể cả khi dậy thì, cô bé Mei Mei vẫn không cần phải từ bỏ hay giấu giếm những hành động “nhố nhăng”, cuồng các thần tượng nam đến phát khóc của con người cô bé trước đây.

Tương lai của Pixar và Disney về đạo diễn nữ làm phim hoạt hình

Trước khi bê bối về quấy rối tình dục của người giám đốc sáng tạo đứng đằng sau những siêu phẩm huyền thoại của Pixar – John Lasseter bị phanh phui, ngành công nghiệp hoạt hình đã trải qua sự thống trị của nam giới trong suốt thời gian dài. Trước khi Domee Shi tạo được tiếng vang với phim ngắn đầu tay Bao, nữ đạo diễn Brenda Chapman  – đạo diễn phim Brave (ở Việt Nam được phát hành chiếu với cái tên Nàng công chúa tóc đỏ) đã chịu sự bất công khi bị sa thải khỏi phân xưởng Pixar. Hàng loạt lên tiếng của các nhân viên nữ đã tạo làn sóng lớn về vấn đề bình đẳng giới trong xưởng phim hoạt hình.

Trước khi là nhân viên chính thức của Pixar, Domee Shi cũng bị từ chối ở hãng phim Paramount Pictures và Dreamworks. Cho đến thời điểm hiện tại, đây có thể là trái ngọt nữ đạo diễn trẻ gặt hái sau một thời gian dài tìm chỗ đứng trong ngành công nghiệp. Bên cạnh việc mang lại sự đa dạng văn hóa trong văn hóa phẩm, cô còn có vai trò lớn trong việc khắc họa những vấn đề ở các gia đình nhập cư gốc Á một cách sâu sắc, cũng như phản ánh về sự áp đặt, “coi con là bé bỏng, trên hết” của các bậc phụ huynh lên con cái.

Với Turning Red, Pixar một lần nữa khẳng định mình trong việc khai thác những chủ đề tuy gần gũi nhưng mang lại chiều sâu và giá trị xã hội nhất định. Đồng thời, cũng là sự mạnh dạn của Disney sau bao nhiêu năm qua khi bắt đầu khai thác về chủ đề từng bị coi là “nhạy cảm, định kiến”. Hy vọng rằng trong tương lai, khán giả sẽ được chứng kiến thêm nhiều bước chuyển mình của hãng phim khi nói về “những điều ngại nói ra” của nữ giới.□

Tài liệu tham khảo:

Định kiến về kinh nguyệt: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK565611/

Phần trả lời phỏng vấn của Domee Shi: https://www.chatelaine.com/living/entertainment/turning-red-domee-shi-interview/

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)