Tuyệt tác giao hưởng cuối cùng của “chủ nghĩa cổ điển”
Giao hưởng số 4 giọng Mi thứ của Brahms, một sáng tác với vẻ đẹp thuần khiết, thánh thiện của chủ nghĩa cổ điển. Nó vừa cân đối, vững chãi, hài hòa, thanh thoát và tuyệt mỹ như những kiến trúc được khắc tạc bằng đá hoa cương của thời Hy Lạp cổ đại, vừa mang màu sắc ấm áp như những bức họa tân cổ điển của David, lại vừa tinh xảo, uyển chuyển với những thủ pháp đối âm, phức điệu, ẩn chứa những quy luật đẹp đến kỳ lạ của toán học và sự thông minh về kết cấu trong nghệ thuật trang trí baroque. Song, bên cạnh những đặc trưng kinh điển đó, Brahms còn thấm đẫm trong bản giao hưởng cuối cùng của ông tâm hồn suy tưởng sâu xa về sự phong phú đến vô vàn của cuộc sống con người: sự nồng cháy yêu thương, sự vui nhộn trẻ trung, và cả những biến cố bất thường, những định mệnh nghiệt ngã. Gần hai trăm năm kể từ sau thời Beethoven, hiếm có bản giao hưởng nào lại hoàn hảo đến thế.
Joachim cũng viết cho Brahms: “Tâm hồn tôi đã thực sự chìm trong Giao hưởng Mi thứ của ông. Tác phẩm này mang một đặc trưng hấp dẫn, một chất sáng tạo cô đọng. Các chủ đề đan quyện vào nhau một cách tuyệt vời trong quá trình phát triển…Trong bốn tuyệt tác giao hưởng của ông, tôi thích nhất Giao hưởng Mi thứ.”
Ngoài những đánh giá nhạy cảm đó của hai nghệ sỹ lớn, các nhà âm nhạc học ngày nay còn nhận ra một đặc điểm quan trọng trong việc phát triển những ý niệm chủ đề của bản giao hưởng. Brahms đã thực hiện điều này một cách hoàn hảo đến mức tuyệt đối. Ông cũng đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng những thiên tài đi trước của chủ nghĩa cổ điển để rồi xây dựng trong bản giao hưởng của mình những ý niệm chủ đề có tiềm năng phát triển tự do, với tính năng động sáng tạo gần như vô tận. Giá trị lớn nhất và quan trọng nhất của các tuyệt tác âm nhạc theo chủ nghĩa cổ điển nằm trong toàn bộ quá trình phát triển các chủ đề của tác phẩm. Ở Giao hưởng Mi thứ, Brahms, giống như Beethoven, đã thực hiện những sự biến đổi cực kỳ tỉ mỉ và tinh tế ở tất cả các chi tiết. Nhưng, Brahms cũng lại giống với Mozart và nhiều nhà soạn nhạc vĩ đại khác ở chỗ, ông hoàn thành toàn bộ tác phẩm bằng những ý niệm trong đầu trước khi viết chúng ra giấy.
Chương một của bản giao hưởng được mở đầu vô cùng tinh tế bởi bè violin. Đó là một chủ đề không có nguồn gốc, nó dường như đang kể tiếp một câu truyện truyền thuyết nào đó đã được bắt đầu từ xa xưa. Ở đây, tính chất sử thi thiêng liêng và nghiêm trang được hòa vào trong sắc thái ấm áp, tâm tình của một bài hát bi thương, cảm động. Chương hai là sự hòa trộn đẹp một cách thi vị của những sắc điệu cổ xưa và hiện đại. Chương ba vẽ nên khung cảnh một ngày hội sôi nổi nhộn nhịp trên đường phố.
Chương bốn, nơi cuối cùng mà các bản giao hưởng của Brahms phải đi qua. Điều bất ngờ lớn nhất, đó không phải là một nơi tràn ngập sức sống, sức vươn lên, không phải là một nơi dành cho những niềm hân hoan chiến thắng. Brahms đã không làm theo cách thường lệ, không muốn khép lại câu chuyện huyền thoại giao hưởng của mình bằng một kết thúc có hậu. Các nhà phê bình không khó để nhận ra chương bốn chính là một khúc chaconne (hoặc passacaglia). Cái tên này có thể khiến người ta nhớ ngay đến chương Chaconne nổi tiếng trong bản Partita số 2 giọng Rê thứ cho violin độc tấu của J.S. Bach. Đôi khi người ta có thể cảm nhận ở Chaconne của Bach những nỗi đau đớn nghiệt ngã và dai dẳng mà con người phải chịu đựng và chống chọi. “Đối với tôi, Chaconne của Bach là một tuyệt tác vô cùng kỳ lạ,” Brahms viết. “Tôi tưởng tượng rằng, nếu tôi có khả năng viết nên một tác phẩm như vậy thì chắc chắn tôi sẽ hóa điên vì xúc động. Cho nên tôi sẽ chỉ viết riêng cho mình một khúc nhạc nhỏ hơn và nhẹ nhàng hơn.” “Khúc nhạc nhỏ hơn” đó chính là chương bốn của Giao hưởng Mi thứ. Nó được viết ở giọng Fa thứ với chủ đề 8 ô nhịp – gấp đôi số ô nhịp trong Chaconne của Bach. Chúng ta vẫn thấy ở Brahms những lời nói khiêm nhường, ngay cả khi chương nhạc cuối cùng của ông đã nối tiếp và cụ thể hóa được sự suy tư bí ẩn của Bach về số phận con người. Chương nhạc này bộc lộ nỗi dằn vặt cảm thương của Brahms trước sự vùi dập khắc nghiệt của số phận đã đày đọa con người, đẩy con người xuống vực thẳm. Có lẽ Brahms đã qua chương cuối này tưởng nhớ đến số phận của những thiên tài như Mozart, Beethoven, Schubert…,và đặc biệt là Schumann. Chưa bao giờ người ta thấy trong âm nhạc của Brahms một giai điệu bè dây lại não nùng, thảm thương đến thế. Chưa bao giờ người ta thấy một bài hát cô độc của flute lại yếu đuối, tiều tụy và tuyệt vọng đến thế. Và chưa bao giờ người ta thấy ở đoạn kết một quang cảnh lại đổ nát và hoang tàn đến thế…
Vào đầu năm 1890, Brahms cũng từng có ý định viết tiếp bản giao hưởng thứ năm của mình. Tuy nhiên, ông đã sớm từ bỏ nó. Ngoài việc đưa phần mở đầu vào Ngũ tấu dây op.111, Brahms đã huỷ toàn bộ những dấu vết của bản giao hưởng số 5.
Wilhelm Furtwangler, một trong những nhạc trưởng lớn nhất thế kỷ 20, với bản thu kinh điển Giao hưởng Mi thứ của Brahms |
“Brahms là nhà soạn nhạc vĩ đại đầu tiên có cá tính nghệ thuật không trùng khớp với bối cảnh thời đại. Đó không phải là lỗi của ông, mà đúng hơn, đó là lỗi của thời đại… Không phải vì Brahms không thể gắn bó sâu sắc với thời đại mà là vì những xu hướng âm nhạc trong thời đại ông đã đi theo những hướng khác, chúng không đủ để đáp ứng những khát vọng của ông. Và ông đã trở thành nghệ sỹ đầu tiên vượt qua được những giới hạn lịch sử của âm nhạc.” Wilhelm Furtwangler