Ứng dụng Phật giáo trong nâng cao sức khỏe tinh thần: Con dao hai lưỡi?
Phật giáo, hành thiền, nghe pháp, tu tập… là những từ khóa đã trở nên quen thuộc khi con người có nhu cầu tìm sự bình yên trong tâm hồn không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Thậm chí gần đây ở Việt Nam ngày càng nở rộ những khóa tu mùa hè dành cho cả trẻ em và thanh thiếu niên. Nhưng liệu sự ứng dụng này có luôn mang đến giá trị tích cực?
Phật giáo luôn giúp ích cho sức khỏe tinh thần?
Hàng loạt các nghiên cứu thực chứng trên thế giới đã xem xét ảnh hưởng của tôn giáo đến sức khỏe tinh thần.
Năm 2009, nhà nghiên cứu, bác sĩ tâm thần Harold Koenig của Đại học Duke, Mỹ đã tổng hợp hơn 100 nghiên cứu thực chứng về thực hành tôn giáo và triệu chứng trầm cảm, 76 nghiên cứu về thực hành tôn giáo và triệu chứng lo âu, 16 nghiên cứu về thực hành tôn giáo và rối loạn loạn thần. Kết quả mang tính phức hợp.
– Hai phần ba số nghiên cứu ủng hộ việc thực hành tôn giáo giúp giảm triệu chứng trầm cảm. Trong một phần ba số nghiên cứu còn lại, thậm chí có bốn kết quả cho thấy càng thực hành tôn giáo, triệu chứng trầm cảm càng tăng.
– Kết quả với triệu chứng lo âu càng khiến chúng ta phân vân, khi chỉ có một nửa số nghiên cứu cho thấy tác dụng của thực hành tôn giáo đối với sức khỏe tinh thần.
– Với vấn đề rối loạn loạn thần, nghĩa là con người mất khả năng nhận thức về thực tế, xuất hiện hoang tưởng, ảo giác, kết quả mang đến sự cẩn trọng để tránh làm tăng rối loạn thông qua thực hành tôn giáo, với đến 25% số bằng chứng cho thấy càng thực hành tôn giáo, triệu chứng loạn thần càng tăng1.
Đến năm 2021, một bản tổng hợp các nghiên cứu cỡ lớn cũng mang đến bức tranh tương tự. Thực hành tôn giáo, tâm linh chính thống có liên quan đến giảm thiểu rất nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần như trầm cảm, nguy cơ tự sát, sử dụng chất kích thích, đồng thời giúp cải thiện tinh thần sau các trải nghiệm sang chấn. Tuy nhiên, không rõ việc thực hành tôn giáo, tâm linh có giúp ích cho chứng lo âu, hành vi ám ảnh và rối loạn ăn uống hay không, vì tồn tại đồng thời các bằng chứng ủng hộ hoặc bác bỏ. Riêng với rối loạn loạn thần, thực hành tôn giáo, tâm linh không được khuyến khích2.
Những kết quả nghiên cứu này gợi ý rằng thực hành tôn giáo, tâm linh có ảnh hưởng đa chiều đến sức khỏe tinh thần, không phải luôn mang đến ảnh hưởng tích cực. Do vậy, ứng dụng tôn giáo trong việc điều trị và hỗ trợ tâm lý cần nhiều sự cẩn trọng. Nhiều người gồng mình trước các nỗi đau về tinh thần và bất lực trong cuộc sống muốn tìm đến tôn giáo để tìm kiếm sự an ủi, niềm hy vọng, ý nghĩa cuộc đời nhưng không phải lúc nào họ cũng tìm được sự thanh thản và bình an. Đối với một số người, thực hành tôn giáo càng khiến các triệu chứng tâm thần trầm trọng hơn, họ càng trở nên sợ hãi, tội lỗi, khổ sở và thậm chí còn dùng tôn giáo như một cái cớ để từ chối và gạt bỏ bất cứ thay đổi khác, dù là tích cực trong đời sống.
Điều này cũng được thể hiện rõ trong nghiên cứu về riêng Phật giáo. Một nghiên cứu định tính cho thấy khách thể tham gia nhìn nhận căng thẳng cuộc sống tương ứng với khái niệm “khổ”, “nghiệp” trong Phật giáo để hợp lý hóa sự kiện gây căng thẳng và bình ổn trạng thái cảm xúc3. Điều này giúp con người nhìn nhận căng thẳng như một thử thách tích cực mang tiềm năng về sự phát triển, trưởng thành cá nhân. Chẳng hạn, người bị bệnh tin rằng bệnh tật là một cơ hội để xả nợ nghiệp và giảm bớt gánh nặng của nghiệp xấu, là một cơ hội cho sự phát triển tinh thần để tăng nghiệp tốt. Niềm tin đó tạo ra nhận thức tích cực và mang tính chức năng, khiến bệnh tật trở nên ít đe dọa hơn. Tuy nhiên, không phải Phật tử nào cũng suy nghĩ tích cực như vậy. Nếu Phật tử không hiểu rõ ý nghĩa của khổ, nghiệp hoặc niềm tin vào khổ không tương ứng với hoàn cảnh, thì không thể xây dựng được mẫu niềm tin thích nghi. Chẳng hạn khi tin rằng bệnh tật là nghiệp báo mình phải trả cho những sinh linh mình từng làm hại, một số Phật tử bị càng cảm thấy căng thẳng và gục ngã. Họ tin rằng cuộc đời mình không còn lối thoát vì những hành động tạo nghiệp trong quá khứ4.
Do đó, không phải giáo lý hay việc tu tập Phật giáo giúp ích cho sức khỏe tinh thần, mà là cách Phật tử hiểu đúng, nội hóa giáo lý thành trí tuệ, niềm tin hướng thiện và cách ứng phó lành mạnh với cuộc sống gồm cả sự chấp nhận lẫn chủ động thay đổi mới giúp ích cho sức khỏe tinh thần của họ.
Cơ chế nội hóa ấy thực ra đã được nhiều nhà nghiên cứu khái quát khi nghiên cứu ảnh hưởng của các tôn giáo khác nhau lên sức khỏe tinh thần, không chỉ giới hạn ở Phật giáo.
Cụ thể, hai nhà tâm lý Gordon Allport và Micheal Ross đã nhận định rằng mỗi cá nhân sẽ hướng về tôn giáo theo động lực riêng bên trong mình. Hai ông gọi khái niệm này là “định hướng tôn giáo” (religious orientation). Trong đó, định hướng tôn giáo bên ngoài được thúc đẩy bởi sự thực dụng ẩn giấu sau hành vi tôn giáo. Người tu tập cam kết và hướng về tôn giáo với mục đích đạt được các mục tiêu trần tục, kể cả “cảm giác được che chở, thịnh vượng, đạt được địa vị xã hội, được công nhận”5. Theo đó, tôn giáo bị đơn giản hóa thành sự thực dụng, dễ dàng trao đổi, thỏa hiệp, thậm chí mua bán. Ngược lại, định hướng tôn giáo bên trong là tinh thần, là chính tôn giáo ấy, khiến những nhu cầu trần tục trở nên ít ý nghĩa hơn. Người tu tập với định hướng tôn giáo bên trong có sự hòa hợp giữa đời và đạo, từng giáo lý và đức tin hiện diện trong mỗi giây phút họ hít thở, suy ngẫm, cảm nghiệm, ứng xử và hòa mình vào cuộc sống. Một cách ngắn gọn, định hướng tôn giáo bên ngoài là sử dụng tôn giáo, không giúp nuôi dưỡng tinh thần, định hướng tôn giáo bên trong là sống trong tôn giáo, giúp con người an lạc từ sâu trong tâm hồn.
Nhà tâm thần học Margreet De Vries-Schot và các cộng sự cũng nhận định rằng thực hành tôn giáo và sự khỏe mạnh tinh thần phải xuất phát từ đức tin tốt lành và sự nhập tâm lành mạnh vào tôn giáo. Theo nhóm nghiên cứu, sự thực hành tôn giáo giúp ích cho sức khỏe tinh thần có ba đặc điểm: (1) Tạo ra cảm nhận tự do bên trong chính cá nhân; (2) Nuôi dưỡng niềm tin rằng Thượng đế (hay Phật tính) hiện diện trong từng khoảnh khắc cuộc sống; (3) Hành động có trách nhiệm đối với con người và tạo hóa6.
Như vậy, cốt lõi của việc thực hành tôn giáo nói chung hay Phật giáo nói riêng là hướng con người đến thói quen quan sát, nhìn nhận mọi điều diễn ra như nó vốn là, từ đó trở nên tự do về tâm trí, hiện diện trong đời sống.
Ngược lại, cách truyền tải, thậm chí lợi dụng tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng để trói buộc con người vào nỗi sợ hãi, tước đi sự tỉnh táo, từ bỏ sự dũng cảm chủ động ứng phó, từ bỏ quyền tự quyết, quyền tự chịu trách nhiệm và mua bán chỗ dựa tâm linh,… đều không phải là đạo và sẽ hủy hoại con người.
Với góc nhìn đa chiều về ảnh hưởng của Phật giáo đến sức khỏe tinh thần và tập trung vào quá trình nội hóa giáo lý thành các tiến trình tâm lý cá nhân như vậy, chúng ta sẽ tiếp tục xem xét các chương trình trên thế giới ứng dụng Phật giáo trong nâng cao sức khỏe tinh thần cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Những bằng chứng thực nghiệm
Việt Nam chưa có một đánh giá cụ thể đối với các chương trình giảng giáo lý và tu tập cho trẻ em, thanh thiếu niên mà vẫn để chúng phát triển tự phát. Ở một số nước có khoa học tâm lý phát triển, các chương trình ứng dụng Phật giáo trên cộng đồng để nâng cao sức khỏe tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên đều phải được triển khai dựa trên bằng chứng và được đánh giá mức độ hiệu quả của chương trình.
Như ta đã biết, không phải nhờ thực hành lễ nghi, mà là cách một người nội hóa giá trị Phật giáo mới tạo ra ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần. Vậy làm cách nào để có thể hướng con người tới cách nội hóa đúng đắn? Các bằng chứng nghiên cứu đã đưa ra hoạt động “chánh niệm” (mindfulness). Chánh niệm, theo nghĩa triển khai trong cách chương trình ứng dụng Phật giáo là (1) một trạng thái tinh thần, và cũng là (2) một kỹ năng có thể được giáo dục, với sự thực hành bền bỉ, có thể trở thành (3) một đặc điểm tinh thần lâu dài7. Chánh niệm là sự quan sát có chủ đích, không phán xét và tập trung vào khoảnh khắc hiện tại. Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Dự phòng Đại học Pennsylvania, Mỹ đã tổng hợp các kết quả nghiên cứu ủng hộ việc thực hành chánh niệm giúp học sinh giảm phản ứng cảm xúc quá tải trước các sự kiện thách thức, nâng cao nhận thức về bản thân, lạc quan hơn, tăng các năng lực xã hội8. Từ nhiều bằng chứng ủng hộ việc thực hành chánh niệm như vậy, đã có nhiều chương trình thực nghiệm dựa trên bằng chứng được triển khai trong môi trường trường học.
Một tổng quan nghiên cứu đã khái quát một số chương trình ứng dụng chánh niệm với trẻ em và thanh thiếu niên9. Cụ thể như sau:
– Napoli và cộng sự (2005) khuyến nghị các kĩ thuật hơi thở chánh niệm; quét cơ thể (body scan) – một kĩ thuật thiền chú tâm vào hoạt động của toàn bộ cơ thể; chuyển động và cảm biến vận động (sensorimotor) giúp tăng khả năng tập trung và chú ý của trẻ em tiểu học.
– Chương trình Thiền trong lòng bàn chân (Meditatio on the Soles of the Feet) của Singh, Wahler, Adkins và Myers (2003) là một biện pháp can thiệp đơn giản dựa trên chánh niệm dành cho trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên mắc chứng rối loạn hành vi và khuyết tật trí tuệ nhẹ. Nguyên lý của hoạt động này là bằng cách tập trung tâm trí vào lòng bàn chân, cá nhân có thể neo tâm trí vào một khoảnh khắc an tĩnh hiện tại, từ đó họ chuyển sự chú ý khỏi tác nhân gây tức giận hoặc lo lắng.
– Chương trình trị liệu Giảm Stress dựa vào Chánh niệm (Mindfuness-based Stress Reduction MBSR) của Kabat-Zinn (2003) được thích ứng dành cho trẻ em và thanh thiếu niên, với các bài tập chánh niệm khi ăn, quét cơ thể, Hatha Yoga, bước đi trong chánh niệm, chánh niệm trong hoạt động hằng ngày. Trẻ em và thanh thiếu niên sau khi thực hành MBSR được cải thiện về khả năng chú ý, tự điều chỉnh bản thân, một số năng lực xã hội và nâng cao cảm nhận hạnh phúc nói chung.
– Chương trình Trị liệu Nhận thúc dựa vào Chánh niệm dành cho trẻ em (Mindfulness-based Cognitive Therapy for Children MBCT-C) trong 12 tuần được thiết kế tương tự MBSR, nhưng tập trung vào việc quản lý sự chú ý, quản lý cảm xúc, tăng cường sự phục hồi cảm xúc – xã hội. Các bài tập thở, tập thiền được rút ngắn lại và tăng cường các bài tập vận động thể chất.
Mặc dù nhiều nghiên cứu ủng hộ một vài khía cạnh tích cực của ứng dụng chánh niệm trong việc nâng cao sức khỏe tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên nhưng điều đó không có nghĩa rằng phương pháp này là “cây đũa thần” có thể dùng để hóa giải cho tất cả các vấn đề về tâm lý của các em.
Một nghiên cứu tổng hợp 54 nghiên cứu chặt chẽ nhất từ năm 2000 đến 2019, trên 36 chương trình ứng dụng chánh niệm tại trường học, với hơn 13.000 học sinh tham gia, từ mẫu giáo đến trung học phổ thông đã cho kết quả phức hợp. Đóng góp lớn nhất của chánh niệm đối với các em, theo tổng hợp này là cải thiện sự tập trung, không phán xét và khả năng tự điều chỉnh. Các bằng chứng cũng rất hứa hẹn về khả năng giảm lo lắng, trầm cảm, hỗ trợ sức khỏe thể chất và giúp trẻ em, thanh thiếu niên tham gia vào các mối quan hệ xã hội một cách lành mạnh. Tuy nhiên, ít bằng chứng nhất quán cho thấy các chương trình này làm giảm sự tức giận, hung hăng ở các em10.
Một nghiên cứu tổng quát khác lại còn đưa ra kết quả có phần trái ngược. Bài báo này truy xuất kết quả từ 77 nghiên cứu trên hơn 12 nghìn học sinh cả năm châu lục. Trong đó, ở các nghiên cứu nhóm chuyên gia đánh giá là có mức độ thiết kế và đo lường nghiêm ngặt nhất, chương trình ứng dụng chánh niệm không có tác dụng đối với các triệu chứng trầm cảm11. Đối với mục tiêu nâng cao cảm nhận hạnh phúc thì các bằng chứng không thống nhất.
Mặc dù chánh niệm đã được triển khai trong thực tế với những tác động tích cực nhất định, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn lưu ý phụ huynh và nhà trường trước lựa chọn này, vì những lý do:
– Thứ nhất, có những chương trình khác cũng được nghiên cứu khoa học ủng hộ và cho hiệu quả được thực nghiệm là tương tự (chẳng hạn Giáo dục Cảm xúc Xã hội SEL – Social Emotional Learning), không phải cứ ứng dụng Phật giáo hay chánh niệm là lựa chọn tối ưu.
– Thứ hai, mọi chương trình đều cần tính đến sự phù hợp, chẳng hạn: sự đồng thuận của phụ huynh, hứng thú của trẻ em và thanh thiếu niên, sự tương đồng về giá trị văn hóa,…
– Thứ ba, mức độ sẵn sàng của những người triển khai. Chương trình có quy trình dù tốt hay có căn cứ khoa học đến mấy, nhưng luôn cần những người triển khai phải là hiện thân của tinh thần trong chương trình ấy. Nếu nhà giáo, người thầy, người điều phối chương trình còn chưa có chánh niệm thì chắc chắn trẻ em và thanh thiếu niên cũng không thể có hình mẫu đúng để học tập.□
——–
Chú thích
1 Koenig, H.G. (2009) Research on religion, spirituality and mental health: a review. Canadian Journal of Psychiatry, 54(5), 283-291. doi: 10.1177/070674370905400502
2 Lucchetti, G., Koenig, H.G., Lucchetti, A.L.G. (2021). Spirituality, religiousness, and mental health: A review of the current scientific evidence. World Journal in Clinical Cases, 9(26), 7620-7631. doi: 10.12998/wjcc.v9.i26.7620
3 Xu J. (2021). The lived experience of Buddhist-oriented religious coping in late life: Buddhism as a cognitive schema. Journal of Health Psychology, 26(10), 1549-1560. doi:10.1177/1359105319882741
4 Yamey, G., & Greenwood, R. (2004). Religious views of the ‘medical’ rehabilitation model: A pilot qualitative study. Disability and Rehabilitation, 26 (8), 455-462.
5 Allport, G. W., & Ross, J. M. (1967). Personal religious orientation and prejudice. Journal of Personality and Social Psychology, 5(4), 432–443.
6 De Vries-Schot, M.R., Pieper, J.Z.T., Van Uden, M.H.F. (2012). Mature Religiosity Scale: Validity of a new questionnaire. European Journal of Mental Health, 7, 57-71. doi: 10.5708/EJMH.7.2012.1.3
7 Roeser, R. W., Galla, B., & Baelen, R. N. (2022, July 27). Mindfulness in Schools: Evidence on the Impacts of School-Based Mindfulness Programs on Student Outcomes in P–12 Educational Settings. https://doi.org/10.31234/osf.io/ascpv
8 Roeser, R. W., Galla, B., & Baelen, R. N. (2022, July 27). Mindfulness in Schools: Evidence on the Impacts of School-Based Mindfulness Programs on Student Outcomes in P–12 Educational Settings. https://doi.org/10.31234/osf.io/ascpv
9 Rempel, K. D. (2012). Mindfulness for children and youth: A review of the literature with an argument for school-based implementation. Canadian Journal of Counselling and Psychotherapy, 46(3), 201–220.
10 Roeser, R. W., Galla, B., & Baelen, R. N. (2022, July 27). Mindfulness in Schools: Evidence on the Impacts of School-Based Mindfulness Programs on Student Outcomes in P–12 Educational Settings. https://doi.org/10.31234/osf.io/ascpv
11 Phan, M. L., Renshaw, T. L., Caramanico, J., Greeson, J. M., MacKenzie, E., Atkinson-Diaz, Z., Doppelt, N., Tai, H., Mandell, D. S., & Nuske, H. J. (2022). Mindfulness-based school interventions: A systematic review of outcome evidence quality by study design. Mindfulness, 13(7), 1591–1613. https://doi.org/10.1007/s12671-022-01885-9
Bài đăng Tia Sáng số 16/2024