Vài suy nghĩ về điều cấm và kiểm duyệt phim ở Việt Nam

Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi 2020 (LĐASĐ) đang tạo ra chuỗi thảo luận liên tục và khác nhau của không chỉ giới làm phim mà còn của báo chí, công chúng quan tâm đến đời sống điện ảnh Việt Nam. Hầu hết các ý kiến đều tập trung vào nội dung điều luật liên quan nghiêm cấm, thẩm định phim được cho là quá khắt khe, thiếu cụ thể, mơ hồ và có thể gây nên rất nhiều hệ lụy xấu trong thực tiễn. Tuy nhiên, như mọi đối thoại đa chiều, để không bị cực đoan hay thiên lệch, tôi nghĩ rằng mọi cảm xúc đều cần lắng nghe và mỗi hiểu biết cũng cần được tham chiếu một cách tôn trọng.


Các đạo diễn, nhà sản xuất phim thể hiện đồng ý với bản kiến nghị trong tọa đàm “Ai có ý kiến giơ tay lên”. 

Thế lưỡng nan của các điều cấm

 

Điều 10 của Dự thảo LĐASĐ được công bố lần hai (ngày 4/1/2021) ghi rõ “những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh”. Theo nhìn nhận của giới làm phim, những điều cấm này khá mơ hồ, không rõ nội hàm và dễ gây suy diễn chủ quan. Vì thế, họ kiến nghị cần xóa bỏ các điều cấm này, biến thành bộ tiêu chí riêng. Quả thật, trong số 13 điều cấm thì những điều cấm như “xuyên tạc sự thật lịch sử”, “thể hiện chi tiết hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô, trụy lạc, loạn luân” hay “mê tín dị đoan”, “phá hoại truyền thống văn hóa, đạo đức xã hội”,… xuất hiện như qui ước đạo đức làm nghề hơn là một sự cụ thể hóa các phạm vi, ranh giới giữa được làm và không được làm. Rất khó để phân chia rành mạch câu chuyện, cảnh phim ở mức độ nào thì “xuyên tạc” nếu bộ phim đó chỉ mượn lịch sử, chi tiết dã sử để thực hiện ý tưởng sáng tạo của tác giả. Tương tự, nếu phim có những cảnh tình dục hay bạo lực thì triển khai đến ngưỡng nào, diễn thật hay dàn dựng, kĩ xảo hay, để không thành “dâm ô”, kích động bạo lực. Cũng khó quả quyết rằng đời tư cá nhân cần “bí mật” đến bao nhiêu thì đủ và cá nhân nào thì được thêm thắt nếu một ngày đẹp trời, các nhà làm phim Việt muốn học theo dòng phim tiểu sử (biography) Hollywood dựng chuyện cả tổng thống. Cho nên, nhìn tổng quát, các điều cấm, tự nó, đang để ngỏ những khoảng trống cho người diễn giải, thực thi. Nếu nhà làm phim và nhà quản lí có độ vênh lớn trong cách hiểu điều cấm thì tranh cãi, xung đột tất yếu sẽ xảy ra khi nhà quản lí thực hiện quyền kiểm duyệt. Hơn nữa, các nhà làm phim cũng lo ngại tình trạng chụp mũ, qui kết đủ loại “tội danh” mà bộ phim, vốn được họ nhấn mạnh là tác phẩm hư cấu, phải gánh chịu do các nhà quản lí thường qui chiếu nội dung phim vào hiện thực xã hội một cách cứng nhắc, sơ giản.

Tính chất mơ hồ, không cụ thể ở các điều cấm trên, theo tôi, là điều có thể xảy ra trong các luật định liên quan đến sáng tạo nghệ thuật, văn hóa. Không như khoa học tự nhiên, công nghệ chính xác hai năm rõ mười, bản thân hoạt động nghệ thuật và văn hóa luôn hàm ẩn những biến số khó lường, chủ yếu do yếu tố cá tính, phong cách sáng tạo cá nhân. Mặt khác, tùy vào bối cảnh chính trị, xã hội của mỗi thời đoạn mà nội dung, hành vi nào đó của nghệ thuật bị xem xét vi phạm luật cấm hay không, và vi phạm mức độ nào thì xử lí. Điện ảnh cách mạng trước đây, chẳng hạn, trong Mối tình đầu (1976), diễn tả nụ hôn rất ý nhị, chóng vánh, bất đắc dĩ mới dùng đến. Nhưng điện ảnh gần đây, từ phim giải trí đến phim nghệ thuật, từ Thung lũng hoang vắng (2002) lấy bối cảnh vùng cao, cho đến Bi, đừng sợ (2009) chọn không gian phố thị, từ Dòng máu anh hùng (2006) chất ngất hào khí kháng Pháp đầu thế kỉ XX, đến Sống trong sợ hãi (2005) âm ỉ nỗi đau hậu chiến chống Mỹ, từ Cánh đồng bất tận (2010) trau chuốt hình ảnh kĩ càng cho đến Kiều (2021) vụng về kể chuyện, thì các đạo diễn, theo nhiều mức độ khác nhau, đã không còn giấu nhẹm cảnh tình ái, tình dục và lấy đó như một cách thức soi chiếu, phản ánh cuộc sống, số phận và tâm lí con người… Rõ ràng, trước những diễn biến sinh động và ngày càng đa dạng của sáng tạo điện ảnh, rất khó cho các nhà làm Luật Điện ảnh liệt kê cụ thể, lượng hóa chi tiết, đầy đủ các điều cấm. Và ngược lại, cũng không thể đòi hỏi các nhà làm phim tự động cài sẵn các điều cấm vốn dĩ chưa rõ ranh giới để rồi thực hiện chính xác tuyệt đối. Trong trường hợp đó, chúng ta không thể qui kết hoàn toàn cho nhà quản lí quá khắt khe, vô tâm và cũng chẳng nên coi các nhà làm phim là cố tình vi phạm, ương bướng, cứng đầu. Chúng ta chỉ nên giả định rằng giữa hai bên đều chịu những sức ép khác nhau và biện pháp xử lí (chỉnh sửa, cấm phát hành) đều gây tổn hại cho cả hai. Dĩ nhiên, với nhà sản xuất/nhà làm phim thì việc cấm trình chiếu, phát hành phim gây tổn thất kinh tế rất lớn, có thể khánh kiệt gia sản. Đây là “nỗi đau riêng” của giới làm phim mà các lĩnh vực nghệ thuật khác (ví dụ văn chương) ít chịu mức độ tương tự nếu bị cấm phát hành.


Bảng phân loại phim của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ.

Sự tồn tại các luật cấm mơ hồ nhưng khắc nghiệt không là một ngoại lệ đối với điện ảnh Việt Nam. Nhiều nền điện ảnh trên thế giới, với các điều luật và cách thức kiểm duyệt khác nhau, đều cho thấy những lí lẽ rất riêng mà không dễ gì cắt nghĩa. Với điện ảnh Iran, kể từ sau 1979, khi Bộ Văn hóa và hướng đạo Hồi giáo trực tiếp điều hành hoạt động điện ảnh thì các điều cấm và kiểm duyệt đều mang nặng tính chất Hồi giáo hóa (Islamicized). Ngoài chủ trương giáo huấn đạo Hồi, thuyết độc thần, và hạn chế lượng phim nước ngoài được trình chiếu, việc kiểm duyệt phim của chính quyền, đôi khi, chỉ nhắm vào nhân vật nữ trên màn hình. Các nhân vật nữ phải vận trang phục che thân từ đầu đến chân, những ứng xử trong gia đình và xã hội phải tuân theo đạo đức Hồi giáo, khi diễn viên nữ đóng vai phụ nữ phương Tây, họ vẫn phải mặc trang phục theo đạo Hồi, không được dùng đồ uống có cồn. Nếu nhà làm phim không thực hiện các qui định như vậy, bộ phim sẽ bị cấm chiếu trong nước. Nghiêm ngặt hơn, các cảnh phim không được phép diễn tả tiếp xúc cơ thể, “chúng tôi không thể quay đàn ông và phụ nữ chung giường, ngay cả khi họ được che phủ hoàn toàn và cách nhau một mét”, nếu một trong hai nhân vật ốm đau hoặc bị thương, “người còn lại không thể làm gì khác ngoài khóc”; thậm chí, ngoài đời dù diễn viên là vợ chồng thì trong phim, vào vai phu phụ, họ vẫn phải giữ khoảng cách, chẳng thể ôm ấp, vì “công chúng không biết”! Nhà làm phim muốn phản ánh hiện thực nào thì nguyên tắc trước nhất là không ma túy, không chất kích thích, các nhân vật giáo sĩ tuyệt đối phải hoàn hảo, thiên thần. Không chỉ kiểm duyệt phim trong nước, chính quyền Iran còn can thiệp để nhà làm phim Iran không được chiếu phim ở nước ngoài như trường hợp phim Delighted (2016) của Abdolreza Kahani. Chính sách cấm, kiểm duyệt của chính quyền Hồi giáo khiến các nhà làm phim Iran không ngừng phản ứng, đấu tranh. Mới đây nhất, tháng 10/2019, hơn 200 nhà làm phim Iran đã ra một tuyên bố mười điểm phản đối sự can thiệp, kiểm duyệt chặt chẽ của chính phủ đối với bộ phim The Paternal House (2012, Kianoush Ayari), hành vi khiến họ cảm thấy “bị tấn công và tổn hại trong nhiều năm” Nhưng nhìn chung, không có nhiều nhượng bộ, nới lỏng từ chính quyền, và vì thế, các nhà làm phim Iran vẫn phải đối mặt với “những rào cản giết người” như cách họ ví von khi tìm kiếm giấy phép để chiếu tác phẩm của mình. Còn trong điện ảnh Hollywood, Hàn Quốc hay Trung Quốc, những điều cấm và kiểm duyệt đều có một lịch sử khá dài, phức tạp, gay cấn và thường xuyên gây tranh cãi. Lí do chủ yếu, cũng gần giống với thực tế ở nước ta, là vì phần lớn các nhà làm phim không thể lường hết sự diễn giải, qui chiếu điều cấm trong quá trình kiểm duyệt.

Bởi vậy, dẫu ủng hộ kiến nghị xóa bỏ một số điều cấm trong Dự thảo LĐASĐ nhưng tôi e rằng rất khó xây dựng một qui định chi tiết, cụ thể cho các điều cấm. Ngay cả khi nó được chuyển sang bộ tiêu chí (có thể hiểu như qui tắc hành nghề) thì nhà làm luật vẫn chỉ ước lượng nó ở những điểm tương đối, chung chung. Trạng thái này, dù không dễ chấp nhận, vẫn sẽ tồn tại và nó đòi hỏi các nhà làm phim khả năng thích ứng thay vì phủ nhận, chối bỏ. Mặt khác, họ cũng cần chuẩn bị hành trình dài hơi cho sáng tạo riêng trước khi nghĩ rằng các điều luật đang gạt hết mọi nỗ lực sáng tạo, tình yêu điện ảnh của mình.

 

“Sống chung” với kiểm duyệt

    

Khi trải nghiệm công việc kiểm duyệt phim, không ít nhà làm phim Việt Nam cảm thấy khó hiểu với những đề nghị can thiệp, chỉnh sửa hoặc tệ hơn, bị cấm phát hành. Dự thảo LĐASĐ, một lần nữa, khiến họ lo lắng khi các điều cấm trở thành rào cản, ngăn trở công việc sáng tạo của họ. Cùng thời điểm với Dự thảo Luật, bộ phim Vị (2020) bị cấm phát hành ở Việt Nam, phim Ròm (2019) bị phạt hành chính vì “phát hành phim khi chưa được cấp phép” càng làm dấy lên những bức xúc, lo lắng. Nhiều đạo diễn cho biết họ phải điều chỉnh phong cách làm phim của mình, một số người thì lựa chọn làm phim giải trí, hài vui vẻ để không bị vạ lây. Ý kiến trên báo chí còn lo ngại, với cung cách kiểm duyệt bất ổn như vậy, điện ảnh Việt Nam khó lòng sáng tạo và phát triển, ganh đua với quốc tế.

Trải nghiệm kiểm duyệt, chỉnh sửa phim là mệt mỏi, nhọc nhằn và đôi khi cay đắng. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết, phim Bao giờ cho đến tháng Mười (1984) của ông “phải duyệt đi duyệt lại nhiều tầng nhiều nấc […]. Cứ mỗi nấc duyệt lại nảy sinh thêm những rắc rối mới”. Đạo diễn Trần Văn Thủy tiết lộ phim Hà Nội trong mắt ai (1982) bị cấm chiếu đến năm năm, gây tranh cãi và nổi tiếng vì “bị cấm, bị đưa lên thớt, bị qui thành vấn đề chính trị […] Chung qui nó nổi tiếng vì sự đa nghi thái quá, mẫn cán thái quá của một số người có chức quyền thời đó”. Các trường hợp như Xích lô (1999), Bụi đời chợ Lớn (2013) Đập cánh giữa không trung (2014),… chắc chắn đều thấm thía quyền uy kiểm duyệt. Nhưng nếu cho rằng kiểm duyệt đã và sẽ triệt tiêu sức sáng tạo thì dường như không thuyết phục hoàn toàn. Nên chăng, cần đặt ra câu hỏi liệu kiểm duyệt có khiến các nhà làm phim trổ hết tài năng thật sự của mình để “sống chung” và đạt thành tựu hay không?


Một công nhân gỡ bỏ áp phích của bộ phimThe Parental House sau khi bị chính quyền Iran cấm chiếu.

Vẫn có những đạo diễn, nền điện ảnh phát triển rực rỡ trong vòng kiểm duyệt. Điện ảnh Iran, bất chấp điều cấm và kiểm duyệt như đã nói ở trên, luôn có những giải thưởng quốc tế lớn, nhiều đạo diễn bậc thầy, các tài năng liên tục gối tiếp, từ Abbas Kiarostami, Mohsen Makhmalbaf, Majid Majidi, Jafar Panahi, Babak Payami cho đến Asghar Farhadi. Những bộ phim như Where is the friend’s home? (1987),Taste of Cherry (1997), The Silence (1998), Children of Heaven (1998), Blackboards (2000), The Circle (2000), Secret Ballot (2001), A Separation (2011), The Salesman (2016),… đều được xem là mẫu mực của điện ảnh thế giới. Tôi không thấy ở những bộ phim này bất kì cảnh sex nào, không bạo lực đâm chém máu me, cũng chẳng khỏa thân trần trụi, không chân dài miên man cũng chẳng khoe sáu múi cơ bắp! Nhưng tôi nghĩ, nhiều khán giả Việt có thể hiểu, yêu thích phim Iran hơn, không phải bởi họ chuộng ngoại hơn, mà bởi các bộ phim Iran, nhờ cách kể chuyện hấp dẫn, nhiều ẩn dụ, nhờ sức mạnh tự phản tư và không ngừng suy tư trước hiện thực xã hội, nhờ khả năng phát hiện và khai thác vẻ đẹp văn hóa Ba Tư vĩ đại, sẽ khiến họ dễ cảm nhận, đồng điệu hơn. Là khán giả tôn trọng cái mới, cố gắng tìm hiểu các thủ pháp cách tân, đổi mới ngôn ngữ điện ảnh, nhưng tôi cũng không tránh khỏi lúng túng, khó hiểu về một số tìm tòi, thử nghiệm của nhiều phim Việt tranh và đạt giải quốc tế gần đây. Những cảm giác này khiến tôi nghĩ rằng tài năng điện ảnh, oái oăm thay, là thứ khó học theo nhất dù cho, trong thực tế, chúng ta đang có xu hướng và phần nào thành công với tinh thần học theo mô hình vận hành của điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran.

Chúng ta không thể so sánh các điều cấm, kiểm duyệt giữa các quốc gia bởi bối cảnh chính trị, xã hội, văn hóa nghiễm nhiên khác nhau. Nhưng điện ảnh là một nghệ thuật có thể so sánh. Những bộ phim hay, được đánh giá cao và thừa nhận rộng rãi đều cho thấy tài năng của ê-kíp làm phim. Ngay cả với tác phẩm điển hình truân chuyên bị cấm, kiểm duyệt mà tôi chợt nhớ như Last Tango in Paris (1972), Salò, or the 120 Days of Sodom (1975), In the Realm of the Sense (1976), The Tin Drum (1979), The Last Temptation of Christ (1988),… thì tài năng của đạo diễn là điều không thể phủ nhận. Như thế, kiểm duyệt hay cấm đoán thường biểu đạt quyền lực nhà nước chứ không thể xóa hoàn toàn tài năng của nhà làm phim. Ngược lại, nếu nhà làm phim có tài năng thì dù sức sáng tạo của họ làm yếu đi bàn tay kiểm duyệt, kết cục, bộ phim của họ vẫn đến và được đánh giá bởi công chúng, các nhà nghiên cứu phê bình mà thôi.

 

Thay đổi cách thức thẩm định

 

Những thảo luận, phản ứng của giới làm phim đã chỉ ra sự bất ổn trong quan điểm và cách thức đánh giá của Hội đồng Trung ương thẩm định và tuyển chọn kịch bản phim truyện (trực thuộc Hội đồng Trung ương Thẩm định và phân loại phim). Dự thảo LĐASĐ cũng giữ nguyên điều luật về “hội đồng thẩm định và phân loại phim” (điều 31) với “trách nhiệm tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền trước khi khi cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng”.

Đảm nhận vai trò thẩm định, tư vấn để cấp giấy phép có thể khiến hội đồng này quá sức và lạm quyền (khi diễn giải theo các điều cấm) trong đánh giá, yêu cầu chỉnh sửa, can thiệp nội dung bộ phim. Không ít nhà làm phim hoài nghi năng lực chuyên môn của hội đồng thẩm định và họ đành miễn cưỡng chấp nhận các yêu cầu chỉnh sửa mà bản thân bất ngờ, khó hiểu, bực bội. Tổn thất tinh thần và kinh tế, của đau con xót, chỉ nhà làm phim/nhà sản xuất gánh chịu. Tình trạng căng thẳng, mâu thuẫn như vậy chỉ giảm thiểu phần nào khi có những thay đổi căn bản trong cách thức, chức năng và vai trò của hội đồng thẩm định. Thiết nghĩ, nên giới hạn chức năng hội đồng phân loại phim và đưa ra khuyến cáo dành cho khán giả và nhà phát hành. Đây cũng là xu hướng làm việc phổ biến của các hội đồng đạo đức hoặc phân loại phim trên thế giới. Chẳng hạn, ở Mỹ, sau một thời gian tồn tại khá dài và đầy quyền uy thì Bộ Quy tắc sản xuất phim ảnh (còn được gọi là Luật Hays, ra đời năm 1930, thực thi phổ biến trong Hollywood từ năm 1934 bởi Cơ quan Quản lý Quy tắc sản xuất – PCA) bắt đầu giảm vai trò vào thập niên 1950, và chính thức bị bãi bỏ hoàn toàn vào cuối thập niên 1960. Năm 1968, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPAA) thiết lập hệ thống xếp hạng phim MPPA, trực thuộc Cơ quan Quản lí phân loại và xếp hạng (CARA) nhằm đưa ra khuyến cáo phim phù hợp cho khán giả, giúp cha mẹ quyết định lựa chọn phim cho con cái (hiện có 5 hạng phim theo độ tuổi). Hệ thống xếp hạng này hoạt động tự nguyện, không thực thi bởi luật pháp, một số phim có thể được chiếu mà không có xếp hạng, những người không phải thành viên MPPA cũng có thể gửi phim để xếp hạng. Một khảo sát cho biết có đến 80% phụ huynh Mỹ nhận thấy hệ thống phân loại là chính xác.

Trong trường hợp chức năng, vai trò của hội đồng thẩm định vẫn tiếp tục như hiện hành thì các nhà sản xuất, các công ty điện ảnh hoặc Hội Điện ảnh có nên thiết lập một đơn vị thẩm định độc lập, tự nguyện để cùng đối thoại, trao đổi và đưa ra những quyết định công bằng, hợp lí hơn? Các nhà làm phim/sản xuất có nên xây dựng công cụ nào để đo lường phản ứng của khán giả như một cách đánh giá? Tôi nghĩ, đã đến lúc các thảo luận, kiến nghị giữa nhà làm luật, giới làm phim cần nhiều lí lẽ xác đáng dựa trên phân tích, thực chứng và điều tra xã hội để bớt dần cảm tính, chủ quan.□

—-

1 Toàn văn Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi được công bố trên website của Quốc hội, tại địa chỉ: https://duthaoonline.quochoi.vn/Pages/dsduthao/chitietduthao.aspx?id=7334

2 “Ai có ý kiến giơ tay lên”, cuộc tọa đàm do các nhà làm phim, đạo diễn, nhà sản xuất tổ chức trực tuyến vào chiều ngày 26/9/2021, đã đi đến một bản kiến nghị chung. Toàn bộ nội dung tọa đàm hiện lưu giữ trên Youtube theo địa chỉ: https://www.youtube.com/watch?v=aKi-x-BUon4

3 Đã từng có những bộ phim của Dariush Mehrjui như The Tenants (1986) và Hamoun (1990) có phần giữa và phần kết không nhất quán do phải thay đổi theo qui định kiểm duyệt. Xem thêm: A.A. Seyed-Gohrab & K. Talattof [eds] (2013), Conflict and Development in Iranian Film. Leiden University Press, tr.11.

4 Một chia sẻ những trải nghiệm về làm phim và đối đầu kiểm duyệt của các đạo diễn có phim bị cấm chiếu ở Iran. Xem chi tiết cuộc trao đổi tại: https://observers.france24.com/en/20170818-iranian-director-reveals-what-you-not-allowed-see-iranian-films-12

5 Chính quyền Iran đã can thiệp để bộ phim Delighted không được chiếu ở rạp phim độc lập của Canada, một động thái chưa có tiền lệ. Bộ phim bị cơ quan kiểm duyệt cho là “vô đạo đức”, “có vấn đề từ đầu đến cuối”. Bản thân đạo diễn Abdolreza Kahani cũng chấp nhận hủy buổi chiếu vì lo ngại rằng, bộ phim khác của mình, We love you Mrs Yaya (2018) vốn rất tốn kém chi phí, có thể tiếp tục bị cấm phát hành.

6 Radio Farda (2019), “Iranian Film Artists Protest Censorship, Lack of Protection and Suspicious Money”. Nguồn:

https://en.radiofarda.com/a/iranian-film-artists-protest-censorship-lack-of-protection-and-suspicious-money/30251002.html

7 Đặng Nhật Minh (2005), Hồi kí điện ảnh. Nxb Văn nghệ, tr.93.

8 Lê Thanh Dũng, Trần Văn Thủy (2013), Chuyện nghề của Thủy. Nxb Hội nhà văn, tr.177.

9 Khảo sát cũng cho thấy, đa số phụ huynh lo ngại các nội dung khiêu dâm, tính dục và cảnh khỏa thân trong phim hơn là bạo lực. Xem thêm: https://www.hollywoodreporter.com/movies/movie-news/movie-ratings-sex-remains-top-845507/

Tác giả

(Visited 53 times, 1 visits today)