Văn hóa bản địa là chìa khóa cho kiến trúc xanh hiện đại
Theo KTS Hoàng Thúc Hào, hiện rất nhiều kiến trúc sư trẻ làm công trình cộng đồng theo xu thế kiến trúc xanh và ông nhận định văn hóa bản địa chính là chìa khóa phát triển kiến trúc xanh hiện đại Việt Nam
PV: 2014 là năm gặt hái nhiều thành công của Văn phòng kiến trúc 1+1>2 khi liên tiếp được vinh danh với các tác phẩm kiến trúc cộng đồng. Ông có thể tóm tắt nét chính về những tác phẩm đó của ông và đồng nghiệp?
KTS Hoàng Thúc Hào: Mỗi công trình đều có điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội đặc thù. Chẳng hạn Nhà cộng đồng Tả Phìn (Sa Pa) lấy cảm hứng từ nhịp điệu núi đồi và hình ảnh chiếc khăn đỏ của phụ nữ Dao. Hình thái nhà thấp, kín, tránh gió tốc, có lò sưởi ở trung tâm và nhiều mảng kính lấy sáng thích hợp với điều kiện sương mù dày đặc,… Công trình đã đạt giải Arcasia của Hội KTS châu Á, giải Green Good Design (Mỹ – Châu Âu),…
Chung cư Mỏng là công trình khá đặc biệt, tuy giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, tạo hình ảnh mới cho thành phố trẻ, năng động Bắc Giang. Trong khi đó, ở tác phẩm Nhà vỏ chai, chúng tôi lại đề cao tính giáo dục, những vật liệu tái chế – rác thải.
Hoặc như Trung tâm cộng đồng Cẩm Thanh – Hội An, ngoài việc sử dụng vật liệu địa phương đặc trưng như gỗ kiền kiền, lá dừa nước, cùng với thiết kế mái hình phễu giúp hóa giải sức bão, tránh gây tốc mái, thu nước mưa, tái sử dụng.
Các tác phẩm trên cũng đã nhận được một số giải kiến trúc xanh trong và ngoài nước.
Ông nhìn thấy triển vọng gì ở kiến trúc cộng đồng Việt Nam hiện nay, thưa ông?
Một thực tế đáng mừng là hiện tại rất nhiều kiến trúc sư trẻ làm công trình cộng đồng: nhà văn hóa, trường học, sân chơi trẻ em, nhà chống lũ,.. làm dấy lên phong trào kiến trúc vì cộng đồng theo xu thế kiến trúc xanh. Con đường này không chỉ giúp các kiến trúc sư trẻ thấu hiểu và chia sẻ trách nhiệm xã hội, mà còn là tín hiệu tích cực cho quá trình hội nhập quốc tế của kiến trúc Việt Nam.
Những công trình được thế giới ghi nhận đều theo xu hướng bền vững, phát huy những yếu tố văn hóa, đổi mới không gian, cách tân phương thức sử dụng vật liệu địa phương. Có thể nói văn hóa bản địa chính là chìa khóa phát triển kiến trúc xanh hiện đại Việt Nam. Đây thực sự là những điểm sáng, thu hút giới nghề và cả xã hội. Trong tương lai không xa, chúng ta có quyền hy vọng vào một “ngữ pháp” kiến trúc xanh hiện đại của riêng Việt Nam, đóng góp vào ngôn ngữ kiến trúc thế giới!
Ông có thể chia sẻ về những kế hoạch của ông cho năm 2015?
Năm 2015, chúng tôi sẽ hoàn thành một số dự án bản lề và tiếp tục những thử nghiệm mới. Có thể kể đến Trung tâm cộng đồng Cẩm Thanh (Hội An); Trung tâm hạnh phúc quốc gia Bhutan; Nhà ở homestay – sinh hoạt văn hóa ở Quản Bạ (Hà Giang) sử dụng chất liệu đất và gỗ; Trường học vùng cao Lũng Luông (Thái Nguyên); Trụ sở quận Hồng Bàng (Hải Phòng) – trụ sở cơ quan Nhà nước theo xu hướng xanh, thí điểm mô hình tiết kiệm năng lượng, và một số dự án nhà ở tư nhân thú vị khác.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện! Chúc ông thành công với nhiều công trình mới trong năm 2015!
Nguyễn Thị Minh Thủy (thực hiện)