Văn hóa bao cấp hay phi chính phủ: không phải chuyện tiền

Chính phủ muốn nhưng Hội không chịu Đã mấy năm nay việc lấn cấn của các Hội Văn hóa nghệ thuật là chuyện nhà nước cắt kinh phí. Một quan chức cấp Vụ bảo tôi: Ông bán được tranh chứ văn thơ... bán cho ai. Cắt bầu sữa là "chết"! Tôi đọc báo thấy một diễn viên bao năm không có vai diễn như ý nhưng đã mười lần mua nhà xây nhà. Nhà thơ nhà văn, kiến trúc sư, nghệ sĩ múa, nhiếp ảnh gia... đều sung túc cả.

Đấy là báo chí đưa như vậy và họ nói như vậy. Mà quả thật ra Hà Nội thấy văn nghệ sĩ đi ô tô riêng đã là chuyện quá thường. Hội nào cũng kêu và trách nhà nước nuôi văn nghệ sĩ quá “bèo”. Các ban chấp hành mới đều hứa sẽ giỏi xin hơn để trên cho nhiều hơn. Ngân sách cấp cho các hội trung ương vài tỷ, hội địa phương vài chục tới vài trăm triệu. Nhiều hội kêu ca nhưng cũng có hội vùng hẻo lánh chẳng biết dùng tiền làm gì. Ta tự hỏi có ai nộp thuế cho Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều hay Tú Xương làm thơ không? Và ở nước ngoài ai nộp thuế cho Market hay G. Grass viết văn? Hay chính họ nộp thuế cho nhà nước khi bán sách. Cả nước đòi bỏ cơ chế xin cho chỉ riêng các anh văn nghệ ở các hội quyết giữ cho bằng được. Đó là cái sự vô lý trong xã hội. Thứ nữa cái tiền mà các hội (nhân danh văn nghệ sĩ ) đòi cũng chỉ là ảo vì bao nhiêu cũng không đủ, không trúng người, không trúng việc. Một số cố bám lấy cơ cấu hội và các cấp quản lý văn nghệ để với Đảng thì là nghệ sĩ, với nghệ sĩ thì lại là Đảng, nắm lấy quyền tổ chức các hoạt động và “xưng danh hão” để có tiếng có tiền. Chẳng hạn như Bộ Văn hóa – thông tin,

 
 Cảnh trong “Chuyện của Pao”- Phim do Nhà nước trực tiếp đặt hàng

Vụ Mỹ thuật có quyền duyệt, có tác giả sáng tác, có xưởng mỹ thuật thi công thì độc quyền tượng đài từ đầu tới cuối; hư hỏng, xấu xí, quay cóp cũng chẳng sao. Năm qua tranh luận nhiều về Luật điện ảnh, Luật mỹ thuật, Luật bản quyền, cổ phần hóa tư nhân hóa các hãng phim… Điều đó chứng tỏ ta bắt đầu có ý thức quản trị một nền văn nghệ theo pháp luật. Nhưng nếu còn duy trì các cơ cấu bao cấp như hiện nay thì ngay khi có luật cũng sẽ diễn ra sự bất bình đẳng giữa cơ cấu bao cấp và cơ cấu thị trường, nghệ sĩ bao cấp và nghệ sĩ độc lập. Tôi không nghĩ các cơ chế cơ cấu ảnh hưởng trực tiếp tới các thiên tài hay những người xuất chúng, thời nào họ cũng rất hiếm và tự vượt ra mọi thứ đó. Song chuyện này lại quyết định chất lượng đời sống văn nghệ, hưởng thụ văn hóa của toàn dân.

Tham nhũng chất lượng và danh nghĩa có hại lâu dài
Chuyện cứ lặp lại dài dài năm này qua năm khác: Phim không bán được vé nhưng đạo diễn là đạo diễn xuất sắc nhất. Kịch diễn vài buổi hội diễn nhưng thêm được vô số NSND, NSƯT. Các trường nghệ thuật tiêu chuẩn hóa nên rất đông GS, PGS. ThS. TS tự diễn, tự phong. Chưa bao giờ ta kêu về chất lượng văn nghệ như bây giờ mà cũng chưa bao giờ ta lạm phát chức danh, văn bằng, giải thưởng cho văn nghệ như bây giờ. Ta cứ dần dần chính danh hóa những cái hư, cái kém. Cùng với chủ nghĩa quan liêu thì chính danh hóa cái hư, cái kém là cách dọn đường nhanh nhất cho tham nhũng.
Ta tự hỏi có ở đâu người người làm đơn tự lập hồ sơ xin giải thưởng của Chủ tịch nước không? Rất nhiều người đáng được không làm đơn xin, nhà nước không biết và những kẻ cơ hội đã “thắng”. Vàng thau lẫn lộn. Song cái hại không ở chỗ một anh chủ tịch hội không có tác phẩm vẫn được giải thưởng, mà ở chỗ nhà nước sẽ mất uy tín, người dân sẽ mất niềm tin ở trên. (Tự lực văn đoàn-do vài người cho- và giải thưởng này-với vài người nhận- có lẽ vẫn là thuyết phục nhất trong lịch sử văn học cận đại.)
Cần phải nhìn nhận sự tha hóa này của văn nghệ như một sự tham nhũng mà cả nước chúng ta đang đối đầu quyết liệt.Tham nhũng về chất lượng và danh nghĩa có hại lâu dài từ đạo đức xã hội tới hưởng thụ văn nghệ.

Thiếu thị trường nội địa – Doanh nghiệp chưa vào cuộc

 
 Đồng bằng Cửu Long  của C.T. Chong  Hàn Quốc tại Trại điêu khắc Quốc tế An Giang 2005.

Cuối năm 2005 Miếu Bà ở Châu Đốc cho 8 tỷ để làm trại điêu khắc quốc tế với 62 tác giả từ 20 nước. Sẽ làm một vườn tượng bổ sung phần hiện đại cho quần thể di tích cổ, tạo một điểm đến mới cho du lịch An Giang. Một doanh nhân trẻ đồng tài trợ nói: rẻ mà đẹp thế này thì lần sau em làm tài trợ chính. Vài tỷ thì bọn em lo nổi. Tình hình chung là, những nghệ sĩ độc lập muốn đi ra kinh tế thị trường, còn người bảo thủ thì cố bám bao cấp xin cho. Thị trường nội địa chưa đủ mạnh đối với hầu hết các ngành. Đó là do “sức mua” văn nghệ của dân còn thấp. Tại chất lượng là đầu tiên. Nhưng cũng tại các doanh nghiệp, cột trụ tài trợ và tiêu thụ văn nghệ trong kinh tế thị trường chưa vào cuộc. Mới tham gia xã hội hóa bóng đá thôi mà đã “biêu đầu” thì ai dám vương vào mấy bác văn nghệ phiền hà, còm cõi. Đó là vì không có luật, vì không có chiến lược đẩy các doanh nghiệp thành nhà tài trợ chính cho văn nghệ và chưa có  môn quản trị nghệ thuật trong kinh tế thị trường.
Tình hình chưa mấy sáng nhưng đang chuyển động mạnh hơn. Văn nghệ sẽ bình thường hóa, lành mạnh trong kinh tế thị trường khi mẫu văn nghệ sĩ độc lập hình thành đầy đủ, quán xuyến toàn xã hội. Có anh bạn đùa bảo tôi: Bác viển vông, cứ làm đơn xin cái giải gì đó rồi về quê ăn tết một cái cho xóm làng mát mặt. Đợi những thứ như bác nói  có mà 30 năm nữa chưa xong. Tôi không bi quan đến vậy.

Đan Phi 
Nguồn tin: Tia Sáng

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)