VĂN HỌC 2007- Nhộn nhịp, sôi động và sẵn sàng cho cuộc khai phóng

Tình trạng phân hóa của hệ mĩ học và quan niệm sáng tác xảy ra từ mươi năm trước, ngày càng rõ nét. Mỗi năm, vô số sáng tác đăng báo, được in thành sách hay bắn lên mạng. Tự nhận quán xuyến tất cả sáng tác phẩm khác lạ và cả khác nhau ấy, là thái độ hợm hĩnh. Nhận định chỉ dựa trên nỗi thiếu hụt đó thì càng phiến diện hơn. Nên, một nhà phê bình chỉ có thể chọn một quan điểm thẩm mĩ nhất quán, để làm phê bình. Tôi là ngươi theo dõi khá sát sao sáng tác xu hướng cách tân [là chính] thời gian qua, nhất là thơ. Không phân biệt vùng miền, dân tộc thiểu số/đa số, trong nước/hải ngoại, nam hay nữ,... Nhìn văn học qua con mắt của kẻ cư trú trên đường biên/không đường biên. Theo hướng động, mở và khai phóng. Không bên lề không trung tâm tôi trú trên đường biên Không ngoài luồng không chánh lưu sống như thể không đường biên Cũng chẳng có gì trầm trọng cả! mỗi các ông cứ dựng chòi mỗi các ông cứ có mặt như một biên giới. (Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức, NXB Hội Nhà văn, 2006)

Nhộn nhịp từ nhóm hội…
Có lẽ không năm nào văn học Việt Nam có nhiều hội nghị, hội thảo… hơn. Từ lớn đến vừa và nhỏ, từ chính lưu đến ngoại vi, cá nhân hay tập thể, trong nước hay “có yếu tố nước ngoài”… Trong đó Hội thảo quốc tế: Văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế vào cuối năm 2006 tại Hà Nội, đã để lại dư âm nhất định.
Như thông lệ, mở đầu là Ngày hội thơ Nguyên tiêu hằng năm nở rộ khắp nơi; đặc biệt TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên xuất quân khá “hoành tráng”. Sau đó là Kỉ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Rồi là Hội nghị nhà văn ba nước Đông Dương tại Hà Nội vào trung tuần tháng 9, là sự kiện đáng nhớ trong đời sống văn học. Hội nghị đánh giá thành tựu văn học cách mạng giải phóng dân tộc, qua đó thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, thúc đẩy và giao lưu hợp tác văn học giữa các nhà văn ba nước trong khu vực. Rồi Cuối cùng là Hội nghị văn học giữa nhiệm kỳ của Hội Nhà văn Việt Nam tháng 10.2007 với cái nhìn ngoảnh lại của Bản báo cáo: “khẳng định những đóng góp mới của đội ngũ nhà văn tiếp tục mở rộng đường biên văn học đổi mới tư duy nghệ thuật, phương pháp sáng tác; hăng hái thâm nhập đời sống, phát hiện bồi dưỡng đội ngũ kế cận của văn học”.
 

Xen kẽ giữa các hội to là bao nhiêu hội nhỏ, chuyên sâu mở ra cấp tập. Tại Kontum, Hội thảo Văn học Dân tộc thiểu số Tây nguyên và Miền Trung Nam bộ, 20-21.06.2007, không ít tham luận cũ được mang đọc lại. Tại TP Hồ Chí Minh: Hội thảo Lí luận – phê bình “Mấy vấn đề Lí luận – phê bình văn học Thành phố hiện nay”, Hội thảo văn học thiếu nhi, Hội thảo thảo văn học trẻ. Ba hội nghị này làm nên tập đại thành Hội thảo khoa học Đời sống Văn học – Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh thời kì hội nhập, ngày 16.10.2007 trong đó bộ môn văn học và nhà văn chiếm số lượng áp đảo. Nhưng nhìn lướt qua cả tập Kỉ yếu, ta thấy gì? Ngoài các báo cáo mang tính tổng kết của trưởng cơ quan ban ngành, tham luận của hơn mươi nhà văn không xứng với tên gọi “tham luận khoa học”. Chúng chỉ là ghi chép rời hay vài cảm nhận đầy cảm tính như thể các bài báo viết vội (đa phần chúng cũng đã đăng báo). Điều này nói lên nỗi thiếu trách nhiệm của nhà văn và cả sự chưa chu đáo của ban tổ chức bài vở.
Nhưng có lẽ nhộn nhịp và đều đặn hơn cả là chương trình Bàn tròn văn chương (BTVC) của Ban công tác nhà văn trẻ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, tại TP Hồ Chí Minh. Mỗi tháng một lần, bảy kì Bàn tròn văn chương chòm nhóm phiêu lãng nhưng không thiếu chất chuyên nghiệp. Tiếc rằng, sau kì thứ bảy, BTVC đã tắc mạch.
Cuối kì bảy, tôi đã làm cái sơ kết: Bàn tròn văn chương đạt ba cái “được” nhỏ, và một cái “chưa được” to. BTVC thu hút được đa thành phần: nhà văn nhà thơ có thẻ hay chưa có thẻ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà nghiên cứu, nhà báo, cả các nhà chưa rõ chất nhà; đa lứa tuổi, đa khu vực: từ Bình Dương, Vũng Tàu, Hà Nội, Sài Gòn… và nhất là đa xu hướng sáng tác, đã chịu ngồi lại với nhau, tự do thảo luận về vấn đề văn học, là điểm son đầu tiên đáng ghi nhận. Thứ hai, các nhà văn chịu đọc tác phẩm của nhau. Cuối cùng, họ có trách nhiệm khi đưa ra nhận định của mình (chúng được đưa vào Biên bản). Nhưng khi đặt Biên bản của bảy kì BTVC bên cạnh Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo của những năm sáu mươi, ta thấy độ chệnh về chất là khá lớn. Chứng cớ rành rành về nỗi lạc hậu của văn chương hôm nay!

Qua kết nạp hội viên, Giải thưởng và Website của Hội Nhà văn
 
Quyết khép bớt cánh cửa [để nâng cao chất lượng hội viên?], Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp 24 hội viên, con số chỉ hơn phân nửa so với năm ngoái (45 người). Tưởng vậy là yên, nhưng dư luận vẫn cứ ì xèo. Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Tùng, Thanh Thảo, Khôi Vũ… nhất loạt lên tiếng. Theo nhìn nhận chung: bao nhiêu tên tuổi sáng giá bị bỏ rơi oan uổng. Một vị ở Hội đồng thơ tuyên “các Hội đồng nên giải tán là vừa” bởi tiếng nói của mình không được Ban chấp hành Hội Nhà văn lắng nghe. Vài vị khác nhấn vào khía cạnh [nghi ngờ có] tiêu cực trong việc xét kết nạp. Vẫn chuyện từ mấy năm cũ, nhắc lại thêm phiền!

Gây chú ý hơn cả vẫn là giải thưởng. Trước hết, Giải thưởng Văn học sông Mê Kông lần thứ I trao cho mười hai nhà văn của ba nước. Dù biết đấy chỉ là giải hữu nghị, nhưng nó làm nên sự kiện vì lần đầu tiên nhà văn Đông dương có giải riêng. Trong khi giải thưởng Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh – một cho tập thơ Trong bóng người xưa của Lê Thiếu Nhơn và một cho tập truyện ngắn Mỹ nhân ngư của Liêm Trinh – bị kéo xuống thành tặng thưởng, không lấy được phản hồi nào từ dư luận thì ngược lại, giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2007, đã gây không ít xôn xao. Nhất là tập thơ của một tác giả từng nổi tiếng với thể loại truyện ngắn: Gửi VB của Phan Thị Vàng Anh. Sau rốt, giải được chờ đợi hơn cả: giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Như phản ứng lại với dư luận không lấy gì làm êm xuôi của vài năm gần đây, Hội bó gọn giải thưởng năm 2007 bằng hai tác phẩm: Và khi tro bụi tiểu thuyết của Đoàn Minh Phượng đang sống ở Đức và bản dịch của Hữu Việt tập thơ Khúc hát trái tim của J. T. Stepanek – thần đồng thi ca Mỹ. Nghĩa là ở đó, “có yếu tố nước ngoài” như là thể hiện tinh thần hậu hiện đại: sự phi tâm hóa. Thế là ổn! Ngoài ra – dù chưa tuyên bố – có lẽ Giải thưởng thơ nữ Lá Trầu do “Quỹ Lời vàng EVA” đã gây không ít tò mò, do cách làm, mục đích lẫn danh sách Ban giám tuyển của nó.
Nói đến giải thưởng, không thể không nhắc đến các cuộc thi văn chương. Cuộc thi thơ tình của báo Văn nghệ có đến mười chín người được giải. Cạnh đó là cuộc thi truyện ngắn cũng trên báo này với giải nhất thuộc về Ngô Phan Lưu và Hồ Thị Ngọc Hoài. Cả hai đều chưa để lại ấn tượng đặc biệt, ngoài việc chúng ta biết đó là cây bút mới.
Nhiều cuộc thi, nhiều hay ít giải thưởng; nhiều đơn xin, nhiều hay ít nhà văn được trúng tuyển hội viên… Tất cả tạo sự nhộn nhịp muôn thuở của sinh hoạt văn chương Việt Nam. Tuy nhiên, ở đó người ta hiếm khi chờ đợi sự đột phá. Thế rồi, thật bất ngờ vào tháng cuối năm, sự vụ Website của Hội Nhà văn được tung lên mạng. Và tạo xôn xao đáng kể! Bùng nổ thông tin, Website văn học với Evan.vnexpress.net (giai đoạn 2004-2005), Vannghesongcuulong.org (sau đổi thành vanchuongviet.org)… ra đời; rồi là Website cá nhân hay Blog của nhà văn cấp tập xuất hiện, nhưng Hội Nhà văn Việt Nam và cả Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh vẫn án binh bất động, mặc bao thúc giục từ những nhà văn nóng lòng hội nhập. Bởi vậy khi sự vụ xảy ra, nhiều nhà văn chưa nắm tình hình, đã tỏ thái độ “bức xúc” thiếu kiềm chế. Thế là lời qua tiếng lại. Cũng vẫn tận đẩu đâu trên… mạng, chứ báo Văn nghệ vẫn không động tĩnh gì!

Đến các sự kiện và sự cố
Nếu hàng loạt tác giả “có vấn đề” – sau Dương Nghiễm Mậu là Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi… – xuất hiện trở lại, là sự kiện đáng quan tâm thì, 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX do Trung tâm Văn hóa Doanh nhân và NXB Giáo dục ấn hành, là sự cố lớn nhất. Nó bị phản ứng gay gắt, từ dư luận người đọc trong lẫn ngoài nước. Cả vài vị nằm ở ban tuyển. Mới lạ! Thế nhưng các ý kiến chỉ mới dừng lại ở cảm tính, hay sự cả tin vào đánh giá chủ quan của mình mà chưa đi đến tận cùng của phân tích.
Chúng ta đã từng làm tuyển theo đủ tiêu chí: vùng miền, dân tộc, giới tính, tên tuổi to/bé, thâm niên làm thơ, là hay chưa là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam… trong lúc rất ít tuyển dựa vào tiêu chí quan trọng nhất là: thẩm mĩ. Từ đó gây cho độc giả bao nhiêu ái ngại khi cầm trên tay tuyển. Nên, khi người làm tuyển quyết chỉ chọn thơ hay thì vấn đề cốt lõi đặt ra: thế nào là hay?
Hành trình phát triển đầy biến động của thơ Việt kéo dài suốt trăm năm, nhiều trào lưu mới ra đời làm lung lay hay sụp đổ mọi quan điểm mĩ học về thơ từng thống ngự trước đó. Cái hay của thơ Đường luật ở đầu thế kỉ khác cái hay của Thơ Mới với không dưới bốn trường phái có quan điểm sáng tạo đối nghịch, Thơ Mới khác xa thơ tự do qua vài khuynh hướng sáng tác khác nhau, rồi thơ Miền Nam, thơ thời đổi mới hay cả thơ người Việt ở hải ngoại nữa… Không thể vin vào gu thưởng thức nghệ thuật chủ quan để biện minh cho sự thiên lệch hay chưa bao quát, quán xuyến vấn đề. Người tuyển cần đặt bài thơ được tuyển trong tiến trình của thơ ca cả thế kỉ. Rằng nó đứng ở đâu trên hành lịch đó? Nó góp công gì vào phát triển thi pháp?
Người làm tuyển 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX đã không trả lời nổi mấy câu hỏi đó. Thất bại là điều khó tránh!
Cùng thời điểm, sự cố xung quanh vụ Phan Huyền Thư “đạo văn” vừa đáng buồn và mắc… cười! Việc trích dẫn mà không ghi nguồn là “truyền thống” lâu nay của không hiếm nhà ta, ngay từ thời còn ngồi ghế giảng đường. Vài ông thầy đã làm thế, trong luận án lẫn giáo trình giảng dạy, truyền tụng lâu dài. Thì nhà thơ này mượn tạm của anh chị trưng lên cho người thiên hạ xem chưa trọn ngày, đâu có đáng làm to chuyện. Vậy mà xúm vào cãi cọ, rồi đi lạc đề khá là xa. Dẫu sao, thuốc đắng dã tật: một kinh nghiệm quý báu cần rút làm bài học cho thế hệ mai sau.
Tiếp đến, hai năm khi giải thể Trường viết văn Nguyễn Du với tên gọi mới: Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du tái xuất giang hồ, nhưng chỉ sau khóa đầu tiên (từ tháng 5-8.2007), Ban giám đốc gồm ba vị Phan Hồng Giang, Ma Văn Kháng và Vũ Quần Phương đồng loạt đưa đơn từ chức! Là sự cố, bên cạnh việc I am đàn bà của Y ban bị thu hồi, sau đó bị rút giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ, với lí do phạm quy. Đã tạo nên sự xao động đáng kể của văn chương trong năm.

Nhưng điều làm nên sôi động văn đàn đúng nghĩa chính là tác phẩm
Tự đóng cửa là tự hại mình”, Bùi Văn Nam Sơn – dịch giả quan trọng thời gian qua, mạnh dạn phát biểu thế. Thế là ông, Phạm Viêm Phương, Nguyễn Bản, Dương Tường, Trần Tiến Cao Đăng… đã làm được nhiều việc đáng kể, trong nỗ lực đưa văn chương thế giới vào Việt Nam với các tác phẩm giá trị như: Kafka bên bờ biển của Murakami,  Những kẻ thiên tậm – Jonathan Littell, Tên tôi là đỏ – Orhan Pamuk, Người đua diều – Khaled Hosseini, Mùi hương – Patrick Suskind… được cho ra đời.
Về thơ, cái lạ là thơ năm nay, cây viết nữ có vẻ nổi trội. Giải Lá Trầu vừa mở mắt chào đời, đã trình làng vài tập thơ đáng đọc: Cơn ngạt thở tình cờ của Trần Lê Sơn Ý, Áo lá sen của Trương Thị Kim Dung hay Phía bên kia cây cầu của Đinh Thị Như Thúy. Nhưng tất cả hầu như chỉ ở lại trong khuôn viên thi pháp cũ. Phải đợi đến Chữ cái của Từ Huy, người đọc mới nhận thấy có nỗ lực phá cách. Riêng Gửi VB, Phan Thị Vàng Anh biết đưa ngôn ngữ thường ngày khai mở quan hệ tế vi giữa người và vật, những sự vật thân thuộc xung quanh mà trong cuộc sống thường nhật ta đã bỏ rơi. Đây là lối đi mới, sẵn sàng mở ra dòng sáng tác khác lạ. Tiếc là nhà thơ này mới “tập làm thơ” nên khả tính đó chưa thể xảy ra ở đó.
Cánh quý ông, thơ ít sôi động hơn. Trường ca Ngày đang mở sáng của Trần Anh Thái dù chưa khai phá lối viết mới, nhưng nhà thơ chuyên trị trường ca này đã đẩy suy tư dấn sâu hơn vào cuộc [và hậu] chiến vừa qua, có lối nhìn mở sự thể bằng con mắt cảm thông với phận người, qua đó trường ca bật lên nhiều điểm sáng đáng quý. Phía khác, tuyển Có gì dùng gì, có nấy dùng nấy tập hợp sáng tác 47 nhà thơ, cùng tập thơ hậu hiện đại Lĩnh đinh chích quái của Đinh Linh, đã làm đa dạng thêm giọng điệu thơ Việt năm qua.
Về văn xuôi, từ Truyện ngắn 8X gây xôn xao năm 2006 đến Vũ điệu thân gầy của năm 2007, đa số nhà văn nữ trẻ đã đằm lại. Và họ dừng lại đó. Ta vẫn cứ phải chờ đợi và hi vọng. Gút lại, giữa bạt ngàn tác phẩm văn xuôi ra đời, trên giá sách năm ngoái còn lại những gì? Ngồi của Nguyễn Bình Phương, Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái, Nguyễn Vĩnh Nguyên có Khu vườn lưu lạc, Trần Nhã Thụy và Sự trở lại của vết xước, Chuyện tình thời tạp kĩ của Lê Anh Hoài và sau cùng: Luận ngữ tân thư của Phạm Lưu Vũ. Tất cả được viết trong cảm thức hậu hiện đại và ít/nhiều sử dụng thủ pháp hậu hiện đại trong tác phẩm của mình. Mỗi người mỗi vẻ, có thể nói các tên tuổi này góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển văn xuôi Việt, ngày mai.
Nhưng có lẽ văn chương mạng đã tạo cho không khí văn học năm qua sôi động hơn cả. Bao nhiêu là tên tuổi: Đặng Thân, Tạ Thành Vinh, Đặng Hải Yến…
Lynh Bacardi, một “con” Ngựa Trời tách đàn, viết trên mạng, đọc mạng và… đoạt giải thưởng cũng ở mạng. Với Lê Vĩnh Tài, có vẻ văn chương giấy không thỏa mãn nhà thơ đất Tây Nguyên đậm tinh thần cách tân này và, anh quyết chuyển hướng. Thờ ơ thơ xuất bản tại Thunguyetvn.com và Phongdiep.net có nhiều biến chuyển về bút pháp so với ba tập trước của anh. Trang Hạ là chủ nhân blog tiếng Việt nóng nhất với 2,7 triệu lượt truy cập (tính đến 20.9.2007). Văn của Trang Hạ ngồn ngộn và bề bộn hiện thực của cuộc sống hôm nay. Những cảm nhận, tâm trạng, suy tưởng được cập nhật liên tục, nóng hôi hổi. Tập truyện ngắn Những đống lửa trên vịnh Tây Tử đang ăn khách là một minh chứng.

Tạm kết
Bàn tròn văn chương, Văn chương mạng trào lưu hậu hiện đại, thơ văn nữ sáng tác theo xu hướng nữ quyền luận,… nở rộ. Với không ít tác phẩm mang tính khai phá nhiều thủ pháp, cách diễn đạt mới lạ. Và không phải là không giá trị. Chính chúng lôi kéo công chúng chú ý đến văn chương nói chung. Chỉ tiếc là, chưa có nhà phê bình, một phê bình dám nhập cuộc vào dòng chảy của văn chương đang xảy ra. Lạ! Mãi đến hôm nay, chúng ta vẫn cứ mặc cảm hay dị ứng với cái khác lạ. Cho dù chúng chưa có thành tựu lớn như độc giả đòi hỏi, nhưng các nỗ lực cùng những thành quả đáng trân trọng trong năm 2007 đã mang luồng khí mới mẻ, dũng mãnh thổi vào khí hậu văn học Việt Nam hôm nay. Sẵn sàng cho cuộc khai phóng.

-anh2:
-anh3: Cuốn “Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp (1922 – 1932)” của Phạm Quỳnh mới được xuất bản.

Inrasara

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)