Văn học Việt về cyborg (người-máy): Hoa cúc xanh trên đầm lầy
Những dấu vết đầu tiên của văn học viễn tưởng về đề tài người – máy (cyborg) trong văn học Việt Nam có thể được tìm thấy từ khoảng năm 1988 với vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy của Lưu Quang Vũ. Trong vở kịch này, sự tự tin tuyệt đối vào tri thức và trí tuệ như một độc quyền của riêng con người được đẩy lên ở mức cao nhất. Tuy nhiên, niềm tin truyền thống về việc chế tạo và sử dụng công nghệ nhằm chinh phục tự nhiên và cải thiện đời sống nhân loại cũng bị đặt câu hỏi.
Nếu thế kỉ 21 đánh dấu sự lên ngôi của kĩ thuật số, là điểm mốc cho một thời đại khi đời sống con người có những chuyển dịch nền tảng và gốc rễ do chính những phát minh của loài người mang lại, đồng thời cũng là thời điểm màu mỡ để ươm mầm cho các tác phẩm khoa học viễn tưởng mà Việt Nam đương nhiên không (đúng hơn là không thể) nằm ngoài vòng xoáy công nghệ toàn cầu ấy; tác phẩm của Lưu Quang Vũ, được viết từ thập niên 80 của thế kỉ trước, cho thấy những suy tư, âu lo và dự cảm trước giới hạn của chính con người (không những về trí nhớ, trí tuệ, ngôn ngữ, khả năng chăm sóc và thậm chí cả tình dục mà còn về lý tưởng và lòng trắc ẩn) khi đối mặt với sự hiện diện của “kẻ khác” khó định danh – một khả thể tồn tại vượt ra và dỡ bỏ mọi đường biên giữa sinh học/cơ giới, nhân loại/phi nhân, tự nhiên/máy móc, sinh thể sống/phi sự sống.
Ra đời vào khoảng cuối thế kỉ 20, Hoa cúc xanh trên đầm lầy dường như một lời hồi đáp tức thời với lời kêu gọi của các nhà khoa học xã hội và nhân văn về việc hướng những mối quan tâm đến một khả năng mới cho tương lai. Tính tức thời này, thực chất, được truyền cảm hứng và gợi mở ý tưởng từ một vở kịch mang tính tiên tri và đặt nền móng cho tiểu loại truyện viễn tưởng về cyborg: R.U.R (Những robots toàn năng của giáo sư Rossum) đã được viết từ tận năm 1920 của Karel Kapek. R.U.R, kết hợp với tứ truyện đẹp đẽ về “hoa cúc xanh” cũng của Kapek, đã làm nên một Hoa cúc xanh trên đầm lầy vừa đầy chất thơ, vừa mang tinh thần chất vấn quyền năng công nghệ đặc trưng của thể loại viễn tưởng. Dù vậy, không thể không đặt tác phẩm của Lưu Quang Vũ vào bối cảnh ra đời của chính nó – xã hội Việt Nam hậu chiến vừa bước qua cơn chuyển mình của Đổi mới 1986. Những trăn trở thời đại này, bởi vậy, cũng sẽ được bàn đến dưới đây.
Trong dòng mạch hậu nhân văn
Chủ nghĩa hậu nhân văn (post – humanism) được xác định là có sự bắt đầu từ những tư tưởng mang tính tiên báo của các nhà lý thuyết ngay từ những năm 60-70 thế kỉ 20, mà một trong những văn bản mang tính then chốt là The Medium is the Message: An Inventory of Effects (Phương tiện chính là thông điệp: Một bản tóm tắt hiệu lực) của Marshall McLuhan (xuất bản năm 1967)1. Xuất phát từ cái nhìn về các bộ phận giả đang được làm mỗi lúc một giống và khó phân biệt hơn để cấy ghép và thay thế cho các bộ phận cơ thể người mang tính tự nhiên, McLuhan đặt ra những mối băn khoăn về đường ranh giới tưởng chừng bất biến giữa nhân loại và phi nhân, giữa thân thể và ngoài thân thể, giữa những gì vốn được mặc định là thuộc về con người với những gì được cho là “giả”, là cấu thành từ “hợp chất” và “nhân tạo”. Những ranh giới trên ngày càng trở nên “nhòe mờ”, đến mức chúng ta buộc phải suy ngẫm lại và định nghĩa lại việc mình là ai và đang tồn tại như thế nào: “Phương tiện, hay phương thức vận hành, của thời đại chúng ta – được chi phối chủ yếu bởi ngành công nghệ điện tử – là những mô thức đang trong quá trình tái định hình và đang liên tục tái cấu trúc các quan hệ xã hội cũng như mọi khía cạnh khác trong đời sống cá nhân của mỗi chúng ta. Nó buộc chúng ta phải xem xét và định giá lại từng nghĩ suy, hành động, và từng định chế vốn trước đó vẫn được coi là nghiễm nhiên”. Khả năng mờ hóa này còn được đẩy lên đến cực điểm khi khoa học công nghệ không chỉ tạo ra các bộ phận lẻ một cách đơn lập mà thay vào đó, một người-máy (cyborg) giống hệt những con người bằng-xương-bằng-thịt, có trí tuệ, có khả năng giao tiếp, và tham vọng hơn nữa: có cảm giác và cảm xúc.
Bắt vào dòng mạch tư duy này, khoa học viễn tưởng đặt ra và đẩy các giả định về sự hiện diện của người-máy tới ngưỡng tối đa nhất trong tưởng tượng và tham vọng của nhân loại, để đặt ra những câu hỏi về nhân tính, về một cơn khủng hoảng hậu-nhân văn có thể xảy tới hay những khả năng tồn tại mới có thể mở ra cho chính con người.
Thiết lập giả định về sự hiện diện của người-máy có trí tuệ, xúc cảm, và lý tưởng trong trường liên tưởng của chủ nghĩa hậu nhân văn, mượn hình thức của một giấc mơ, Lưu Quang Vũ đặt ra một hình dung viễn tưởng về sự hiện diện của những người-máy giống hệt như con người do chính con người làm ra, và những câu hỏi đạo đức mà con người phải đối mặt trong tình huống ấy.
Vở kịch bắt đầu từ tài năng và ước vọng của nhà khoa học tên Hoàng, một chuyên gia ngành điều khiển học được tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất trong cuộc giao lưu với “nước bạn”. Hoàng đem lòng yêu Liên (cô giáo), một người bạn gái từ thuở ấu thơ nhưng Liên lại yêu Vân (họa sĩ), cũng là một người bạn từ thuở nhỏ, ở chung làng, học chung trường. Cả Vân, Liên, và Hoàng đều từng là những người bạn thân thiết, đều cùng chia sẻ những kí ức tuổi thơ êm đềm nơi làng quê bình dị, và đều lưu giữ mãi trong lòng hình ảnh bông cúc xanh tuyệt đẹp giữa đầm lầy tuổi nhỏ. Bị Liên từ chối, và cay đắng trước đám cưới của Liên với Vân, Hoàng lao vào chế tạo một cặp cyborg Liên B và Vân B giống hệt bản mẫu, được lưu trữ cùng một bộ nhớ, được cấy ghép những cảm xúc, đam mê, năng lực và lý tưởng không khác gì bản mẫu. Chỉ có điều, Liên B và Vân B bị giam cầm trong căn nhà của Hoàng, Liên B bị biến thành một phụ nữ tuân phục Hoàng, đáp ứng mọi nhu cầu tình cảm của Hoàng; trong khi Vân B bị giam dưới tầng hầm chỉ để vẽ tranh cho Hoàng ngắm. Nhưng rồi Liên B và Vân B không thể chịu đựng được sự tù túng ấy, đặc biệt là khi hằng ngày chứng kiến Hoàng – một con người bình thường đầy những toan tính nhỏ nhen vụn vặt nhưng luôn dùng thái độ trịch thượng và đòi hỏi họ phục dịch, cả hai trốn đi, tìm gặp những phiên bản mẫu của chính mình, rồi quay trở về ngôi làng trong kí ức, lao về phía bông hoa cúc xanh giữa đầm lầy. Nhưng họ không phải là những cô bé cậu bé bé nhỏ như trong trí nhớ nữa, đầm lầy qua thời gian cũng lan rộng và lún sâu hơn, cuối cùng Vân B và Liên B bị chìm sâu dần xuống bùn khi đang cố hái bông cúc xanh, “chết” trên con đường theo đuổi ước mộng và lý tưởng của chính mình.
Từ R.U.R và “Hoa cúc xanh” đến Hoa cúc xanh trên đầm lầy
Chịu ảnh hưởng từ truyện ngắn “Hoa cúc xanh” và vở kịch R.U.R của Karel Capek, lần đầu tiên, Lưu Quang Vũ đã đưa những vấn đề về người máy, trí tuệ nhân tạo, đi kèm với đó là phép thử nhân tính và tham vọng dùng công nghệ hòng đoạt quyền tối thượng của Chúa vào văn chương Việt.
Trước hết, cần lưu ý rằng, với tác phẩm R.U.R, Capek được xác định là người đầu tiên đặt ra thuật ngữ “robot” (trong nguyên bản tiếng Séc là “robota”, mang nghĩa là ‘kiếp trâu ngựa’, ‘lao động phục dịch khổ sai’; hay ‘servitude’ – sự nô lệ, tình trạng nô lệ, sự quy phục). Bản thân nguồn gốc của cách gọi tên này đã tiết lộ một thái độ “bề trên” và mục đích thực dụng của con người khi dùng công nghệ để chế tạo ra những vật phẩm ấy. Mục tiêu của con người khi chế tạo robot hay cyborg, không nghi ngờ gì, trước tiên là để phục vụ cho đời sống và tiện nghi của chính mình. Các robot/cyborg trong R.U.R hay Hoa cúc xanh trên đầm lầy, đương nhiên, không nằm ngoài mục đích ấy. Norbert Weiner (1894-1964), triết gia-nhà khoa học-giáo sư Viện Công nghệ Massachusetts, người mở đường cho trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học nhận thức, và tâm lí học thần kinh, đồng thời cũng là người đã đặt ra thuật ngữ ‘cybernetics’ (điều khiển học) vào năm 1948, từng phát biểu thẳng thừng rằng, “nếu sự tự động hóa được phát triển và mở rộng hơn nữa qua việc phát minh ra ngành điều khiển học, thì nó hoàn toàn có khả năng giải phóng con người khỏi những công việc hay nhiệm vụ nguy hiểm hoặc lặp đi lặp lại, để con người có thể dùng thời gian nghỉ ngơi rảnh rỗi cho việc hoàn thiện hơn nữa những năng lực của mình” (The Human Use of Human Beings). Cũng bởi thế, ông kiên quyết duy trì một đường phân giới cùng hệ thống phân cấp rõ ràng giữa nhân tính và máy móc.
Không khó nhận ra, các robot lao động trong kịch của Kapek hay “Robot vệ sĩ” và “robot bác học” trong kịch của Lưu Quang Vũ, tất cả đều là những nhân vật đậm tính chức năng như thế. Sự tạo thành và vận hành chúng tưởng chừng chỉ vì lợi ích, nhu cầu và đòi hỏi từ phía con người. Nói đúng hơn, những chi tiết đầu tiên của hai tác phẩm khiến người đọc tưởng như cả hai vở kịch này đều tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc Asimov từng đặt ra khi ông nói về việc tạo hình robot trong truyện viễn tưởng: (1) Robot không gây thương tích cho con người, hoặc, thụ động cho phép con người làm hại; (2) Robot phải tuân theo mệnh lệnh của con người đưa ra trừ trường hợp những mệnh lệnh ấy trái với Luật tắc; (3) Robot phải bảo vệ sự tồn tại của chính nó miễn là việc bảo vệ đó không xung đột với Luật tắc (1) và (2)2. “Ba luật tắc về robotics” này của Asimow đã làm nền tảng cho đạo đức cho sự mô tả về người máy. Các robot của Asimov là những cỗ máy cực kì tuân thủ các quy tắc đạo đức này, với khao khát và ham muốn bảo vệ, hỗ trợ cho đời sống của con người. Vì mệnh lệnh đạo đức nằm ở trung tâm ý thức của họ, robot của Asimov là những sáng tạo hấp dẫn và được nhân văn hóa (humanised).
Dù vậy, vượt lên trên biểu đạt về vị thế “chủ nhân ông” của con người và đạo đức phục tùng của người máy, R.U.R là một ngụ ngôn khéo léo về sự bóc lột, trong đó những người máy cuối cùng đã vùng lên chống lại những kẻ thống trị/áp bức. Karel Kapek bắt chúng ta phải đối mặt với những câu hỏi mang tính đạo đức khi ý thức lại việc chính chúng ta đã khiến robot (hay cyborg) trở nên ngày một giống với mình (từ nhân hình cho đến trí tuệ) nhưng đồng thời lại cũng “nô lệ hóa” họ, bóc lột họ như bóc lột một giống người mạt hạng và không tiếng nói. Cách đặt vấn đề này của Kapek khởi đầu cho những chất vấn về tính cao cả của cái gọi là “chủ nghĩa nhân văn”, ngay khi xem xét lại mối quan hệ của con người với người máy.
Chủ đề này được Lưu Quang Vũ nối tiếp khi ông để chính những cyborg trong tác phẩm đứng lên đặt câu hỏi về sự giam cầm, về việc bị tước đoạt tự do và cảnh sống phục tùng họ phải chịu. Đó là Vân B – một họa sĩ-người máy được kĩ sư Hoàng tạo ra chỉ để lao động nghệ thuật và cống hiến những thành tựu ấy cho sự thưởng ngoạn vị kỉ của con người: “Tù nhốt chúng ta? Đúng rồi, các cánh cửa đã đóng kín… (nhìn quanh gian hầm). Không phải xưởng vẽ mà là một phòng giam… Tôi yêu quý Hoàng nhưng còn yêu quý tự do, lẽ phải và nghệ thuật của tôi hơn… ánh sáng, tôi cần ánh sáng”3. Hay như Liên B, một cyborg được làm theo hình mẫu của Liên A chỉ để chăm sóc và phục vụ nhu cầu tình cảm cho Hoàng – kẻ say đắm nhưng không thể có được trái tim của Liên A (người thật). Người-máy Liên B ấy, sau những phục tùng ban đầu, cũng lên tiếng đòi phải có một tình yêu thực sự thay vì bị sở hữu và phục tùng toàn bộ ý chí của kẻ khác. Đường phân giới giữa người và máy bị mờ nhòe tới hạn khi bất chấp những khẳng định quyền lực của Hoàng về việc đã “tạo” ra họ bằng những công nghệ tiên tiến do chính mình sở đắc, Vân B và Liên B liên tục cất lời khẳng định giá trị tồn tại và vị thế làm người của chính mình.
Một nghịch lí đậm tính hiện đại là trong khi robot/cyborg càng ngày càng tiến dần tới việc giống như con người, thì chính con người cũng đang càng ngày càng trở nên cơ giới hóa, máy móc hóa. Lưu Quang Vũ đã tạo nên tình huống gây cười cho vở kịch của mình từ chính nghịch lí này, khi xây dựng tình huống Liên B và Vân B bỏ trốn khỏi sự tù hãm của nhà bác học Hoàng, rồi bị phát lệnh truy nã, chính những con người “thực” tự tìm đến các cơ quan chức năng để báo cáo vì nghi ngờ những người mình quen biết, thậm chí chung sống suốt bao lâu, là người máy. Vị thế thống trị và phẩm tính siêu việt của con người cũng bị tước bỏ khi được đặt dưới chính cái nhìn của hai người máy “bản sao” trong vở kịch. Trong con mắt của những tồn tại thuần khiết về lý tưởng, kiên định về ý chí, và đứng bên ngoài mọi lo âu vật chất tầm thường này, đời sống con người hiện lên hết vẻ tằn tiện, nhếch nhác, tính toán bon chen, trong khi chính con người cũng bị phơi lộ hết vẻ yếu đuối bất toàn. Như khi Liên B và Vân B – hai người-máy bản sao tìm cách gặp lại khuôn mẫu thực được dùng để tạo ra chính mình, để đáp lại câu nói của Liên B: “Họ có một gian nhà để ở, họ được chấp nhận trong cuộc đời này, còn chúng ta, chúng ta không có chỗ ở. Họ là người thực”, Vân B khẳng định: “Không đâu. Chúng ta mới là người thực. Họ không phải. Họ chỉ là cái bóng mờ nhạt. Giống như mọi người ta gặp ít hôm nay, họ có bao cái tầm thường. Chúng ta mới là phần cao quý đẹp đẽ của con người”. Nhiều nhà phê bình cho rằng có lẽ nên nhìn cyborg như một chủng tộc mới (a new race of beings), hay đúng hơn, thừa nhận họ trong tư cách một “chủng người”. “Chủng người” này, trong những hình dung viễn tưởng, đã từng phải gánh chịu đầy rẫy bất công, từng bị nô dịch về lao động, từng bị gạt ra bên lề, từng bị “vô thừa nhận”, bị đẩy vào câm tiếng, nhưng rồi đã tự cất lên tiếng nói cho sự tồn tại, cho khát vọng làm người, cho quyền hiện diện và được công nhận của chính mình. Hai cyborg trong vở kịch của Lưu Quang Vũ cuối cùng chết cho lí tưởng của riêng mình (chỉ nguyên ý niệm về cái chết khi viết về người-máy đã là một góc nhìn rất mới), nhưng cũng chỉ họ mới nhìn lại được bông hoa cúc xanh – một biểu tượng liên văn bản từ truyện ngắn lẻ cùng tên của Kapeck, kể về một “con bé điên điên câm điếc” Klára bị người đời hắt hủi nhưng lại là người duy nhất hái được những bông cúc “xanh như mơ” phía sau hàng rào. Vân B và Liên B, những người máy nhân bản trong vở kịch, vì sự ngây thơ khi va chạm với đời, cũng đã bị không biết bao người gọi là “kẻ điên”, nhưng chính họ lại lưu dấu những gì đẹp nhất của phần nhân tính mà con người liên tục lãng quên đi.
Cuối cùng, dù những đường biên nhân tính cũng bị cật vấn, nhưng Lưu Quang Vũ dùng cyborg để nói về tình yêu con người, với tất cả những sự yếu đuối mong manh và bất toàn của chính chúng ta. Tác phẩm của Lưu Quang Vũ gắn với bối cảnh Việt Nam hậu chiến, gắn với cả những đòi hỏi về văn chương trong việc nhìn nhận lại con người, khước từ cái nhìn phiến diện một chiều chỉ chú trọng đến cái đẹp và phẩm tính anh hùng trước đó. Vở kịch kết lại trong niềm tin tưởng vào phần đẹp đẽ ở mỗi con người, bằng sự hướng thiện và phần trong trẻo không dễ bị dập vùi mà hình ảnh “hoa cúc xanh” là biểu tượng: “Chúc các bạn hạnh phúc! Tự các bạn sẽ làm cho nhau hạnh phúc, không phải tạo ra một ai khác cả, không phải tìm về đâu cả. Chỉ có chúng ta, chỉ có cuộc đời thực này thôi. Trong mỗi các bạn đều có một con người kì diệu, đừng để chúng đi, hãy để chính ta được sống ở trong ta!…”.
Nếu như những ước mơ thuần khiết về tuổi thơ, về sự trong sáng vô ngần và lý tưởng đẹp đẽ trong tác phẩm của Lưu Quang Vũ từng khiến Xuân Quỳnh viết những câu thơ: “Hoa cúc xanh có hay là không có/ Trong đầm lầy tuổi nhỏ của anh xưa…”, thì cảm thức hậu nhân văn cùng niềm tin vào con người trong vở kịch này đã là nguồn cảm hứng trực tiếp cho vở Ai đã lấp cái đầm lầy mãi mãi của Nguyễn Hoàng Điệp, ra mắt lần đầu năm 2022. Không thể phủ nhận, những vấn đề Lưu Quang Vũ đặt ra không những gắn riêng với thời ông sống, mà vẫn tiếp tục gợi mở cho chúng ta rất nhiều suy tư về đời sống hiện thời. □
—–
“Cyborg” và khả năng xuất hiện cũng như phổ biến của “cyborg”, đương nhiên, không chỉ là một tham vọng từ góc nhìn khoa học công nghệ. Đó còn là một giả định được các nhà văn khoa học viễn tưởng đặc biệt hứng thú và đã tạo thành một nhánh riêng của thể loại này. Trong mắt các học giả ngành xã hội nhân văn như Donna Haraway4, nó mở ra những cánh cửa tưởng chừng vô tiền khoáng hậu trong tư duy về chính con người: “Người-máy (cyborg) là một sinh vật điều khiển học (cybernetic organism), một sự lai ghép giữa máy móc và cơ thể sinh học, vừa là một sinh thể xã hội vừa nằm ngoài xã hội. Khoa học viễn tưởng đương đại đầy rẫy máy móc, những tồn tại vừa là máy móc vừa là động vật, những kẻ cư trú trên thế giới trong sự mơ hồ giữa tự nhiên và nhân tạo”. Và với một tinh thần cách mạng nữ quyền mạnh mẽ, bà đưa vào tiểu luận của mình những luận điểm ấn tượng khi cho rằng “cyborg” hứa hẹn sẽ mở ra một lịch sử tính dục mới, hoàn toàn tách biệt khỏi “sinh sản hữu cơ”; hơn thế, cyborg “gắn với hình dung về một thế giới phi giới tính, không có Sáng thế nhưng cũng không có Tận thế: “Hiện thân người-máy nằm ngoài lịch sử cứu rỗi”, “Người máy không mơ về cộng đồng theo mô hình gia đình hữu cơ”, “Người máy không biết Vườn địa đàng là cái gì, họ không được nặn từ bùn đất và cũng không mơ tới việc trở về cát bụi””… Nói khác đi, một tương lai hậu nhân văn mà cyborg mở ra, hứa hẹn niềm vui trong sự kết nối của con người với các dạng thức sống khác (other living creatures), nhưng cũng là nơi văn hóa bị nghi ngờ nhiều hơn và con người buộc phải đối diện với đòi hỏi về việc định hình lại, hay hình dung lại, cái gọi là “bộ khung nhân tính”.
——————–
Chú thích
1 Xin xem: Peter Barry, Beginning Theory: An Introduction to Literary and Cultural Theory, Manchester University Press, 2002.
2 Ba nguyên tắc này được tuyên bố trong truyện ngắn “Runaround” được viết vào năm 1942 của chính Issac Assimov.
3 Dẫn theo bản thảo chưa xuất bản vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy của Lưu Quang Vũ.
4 Một bản tuyên ngôn về người-máy: Khoa học, Công nghệ, và Nữ quyền xã hội chủ ngĩa cuối thế kỉ 20 (A Cyborg Manifesto: Science, Technology, and Socialist Feminism in the Late Twentieth Century). In trong: Simians, Cyborgs and Women: The Reinvention of Nature (New York; Routledge, 1991), pp.149-181.