Văn Ngọc – Một người Hà Nội rất Hà Nội

(Nhân đọc Hồi ức tuổi thơ - Văn Ngọc, Nxb Đà Nẵng 2007)

Tôi biết Hà Nội đã từ hơn nửa thế kỷ, và gần như là tất yếu vậy, vừa biết đã phải lòng. Tất nhiên Hà Nội ngày ấy khác bây giờ lắm. Hà Nội ngày ấy “Hà Nội” hơn bây giờ nhiều. Thuở ấy còn rất trẻ, chưa vướng víu lôi thôi vợ con gì, hoàn toàn tự do và độc lập. Tôi rất thích lang thang những đêm khuya, thả bộ trên các đường phố Hà Nội, thật khuya, thật khuya, khi các phố đã vắng tanh vắng ngắt, trong ánh sáng đã trở nên mờ ảo của những ngọn đèn đường đỏ cạch, chỉ còn phố với mình, mình với phố, với Hà Nội, thảng hoặc lắm mới gặp một bóng người, cũng cô độc, cũng thẫn thờ vô định lang thang như mình, chắc cũng vì mê và say Hà Nội khuya, cũng biết được cái bí quyết như mình, đi để nghe, để thở một Hà Nội không thể nào tìm được ban ngày. Ban ngày không thể biết có một Hà Nội như vậy. Xe cộ, và người, người, hối hả, ồn ào, chen lấn, Hà Nội chìm mất trong cái mớ hỗn độn hỗn hào ấy, ngày càng hỗn hào. Chỉ về đêm, thật khuya, Hà Nội mới lắng lại và thức dậy cho ta, một Hà Nội thực là Hà Nội.
 

Và đến lúc ấy ta mới biết ông họa sĩ tài danh Bùi Xuân Phái cực giỏi đến cỡ nào, nhẹ như không, như chỉ thoáng hờ hững một cái phẩy tay thôi, mà sao tinh tế, thâm thúy đến vậy. Những mái ngói cổ trập trùng trong tranh ông đấy, bây giờ mới hiện ra, lô xô, trong một thứ trật tự rất vô trật tự kỳ diệu, như biết nói bằng một ngôn ngữ chỉ có Hà Nội biết và nói được, cả những ngôi nhà xiêu vẹo lạ lùng kia, như vừa ở trong tranh Phái được lau sạch lớp bụi bặm của ban ngày xô bồ mà lộ ra, sống động lạ thường. Và những căn gác xếp nhỏ xíu, xinh xắn, còn le lói ánh đèn sau cánh cửa sổ khép hờ trong khi bên dưới tất cả các cửa lớn đã đóng im ỉm, và thật tinh tai dường như sau cánh cửa nhỏ ấy có thể nghe bước chân rất nhẹ của một cô gái Hà Thành, vốn nổi tiếng thanh nhã như không nơi nào thanh nhã cho bằng… Vâng, thật khuya, thật khuya, mới thức dậy một Hà Nội Phái. Đúng như ông họa sĩ đại tài ấy đã mãi mãi ghi lại cho ta. Thật khuya, và, buồn thay, cũng là những đêm khuya của một thời đã khá xa, nay hầu như đã mất hẳn đi rồi, bất chấp tất cả các nỗ lực e cũng sẽ hoài công thôi của những công cuộc gọi là phục hồi phố cổ Hà Nội tốn kém và đang đầy tranh cãi. Có lẽ rồi cũng có thể phục chế một số ngôi nhà cổ giả cổ nào đó, tổ chức một số phiên chợ đêm giả chợ đêm, một số phố đi bộ chỉ để mà chen lấn nào đó… nhưng chắc tất cả cũng sẽ chỉ là diễn thôi. Làm sao tìm lại được cái hồn Hà Nội rất Hà Nội một thời ấy?… Biết làm sao được, quy luật khắc nghiệt của cuộc sống mà. Muốn tìm lại ư? Hẳn chỉ còn có thể đến bảo tàng mỹ thuật, để trầm ngâm đứng trước một bức tranh Phái thực. Có lẽ còn phải nói thêm chút nữa về tranh của ông họa sĩ đặc biệt Hà Nội này. Ông ấy rất ít vẽ người, tranh của ông thường chỉ có nhà, đôi con phố rất vắng, vài cây cột đèn xiêu vẹo, thỉnh thoảng một chiếc xích – lô bỏ không…, vậy mà hình như không ở đâu ta lại có thể nhận ra người Hà Nội, dáng và cả hồn người Hà Nội hơn ở những bức tranh ấy. Biết tìm lại ở đâu được những cái đã mất mãi ấy giữa đời bây giờ?…
 

Tôi cảm ơn cái duyên đã cho tôi được gặp và quen với anh Văn Ngọc, người từng sống đến hơn nửa đời giữa kinh thành hoa lệ đệ nhất hành tinh, một người rất Paris và rất Hà Nội. Và lần này nữa, tôi đặc biệt cảm ơn anh đã gửi cho tôi bản thảo tập hồi ký giản dị, khiêm nhường mà đậm đà này của anh. Cuốn sách chẳng mấy dày dặn bạn đang cầm trong tay đây có thể trả lời được cho ta phần nào câu hỏi ấy.
Anh Văn Ngọc nói về tuổi thơ của anh, như một tâm sự nhỏ nhẹ mình tự nói với mình, vậy mà bằng những lời chân tình và giản dị. Tôi nghĩ anh giúp ta hiểu không hề ít đâu về Hà Nội, thực chất Hà Nội, vì sao Hà Nội lại là Hà Nội như ta vẫn mong muốn tìm hiểu.
Vâng, Hà Nội là như vậy đấy. Nói cho cùng, làm gì có người thật sự gọi là “Hà Nội gốc”. Hà Nội là Ba mươi sáu phố phường. Không phải chỉ có ba mươi sáu đâu, ba mươi sáu là một cách ước lệ để nói số nhiều, tôi đã đếm thử rồi, có đến gần trăm phố phường. Mà “phố phường” là gì? Hà Nội đã thành Hà Nội như thế nào? Quá trình đô thị hóa của Hà Nội là một quá trình rất đặc biệt: Hà Nội đã trở thành Hà Nội do từ hàng trăm làng nghề hội tụ lên Kẻ Chợ sinh sống làm ăn, mỗi làng thành một phường, một thứ phố làng, một thứ làng phố. Một người vốn là nông dân ở một làng quê nào đó, có tài năng và ý chí, đã tìm đường lên đây lập nghiệp, bằng cái nghề mà mình có khiếu hơn cả, kéo theo có lẽ trước hết là họ hàng thân thuộc, rồi dần dần đến cả xóm giềng quê hương của mình. Một người tiên phong ra đi, một số người đi theo, rồi cả làng đi theo, người tiên phong trở thành chủ, người làng trở thành thợ, chủ thợ mà vẫn tình làng nghĩa xóm, nương tựa nhau mà sống và làm ăn. Họ lên Kẻ Chợ mang theo nghề độc đáo của quê hương mình, khiến cho Kẻ Chợ trở thành một cái chợ nghề ngày càng phong phú, đa dạng, phồn thịnh… Họ không chỉ mang theo nghề, còn quan trọng hơn rất nhiều: họ mang theo cả văn hóa của quê hương mình nữa. Cho nên, Kẻ Chợ, Thăng Long, rồi Hà Nội, trở thành nơi hội tụ văn hóa của toàn Bắc Hà. Và không chỉ hội tụ. Như ta đều biết, những gì đã được mang đi xa, thì tất phải là những gì đã được chắt lọc cho đến thành tinh túy. Thăng Long, Hà Nội không chỉ hội tụ văn hóa Bắc Hà, còn hội tụ những gì chắt lọc tinh túy nhất của tất cả văn hóa ấy… Hóa ra con đường đi của gia đình anh Văn Ngọc đúng nguyên là con đường ấy. Cho nên không lạ khi những trang hồi ký tuổi thơ của anh, một người rất Hà Nội, lại cũng đậm đà nhiều khi đến da diết những kỉ niệm làng quê, một kiểu làng quê Bắc Bộ thật điển hình, mà ngay cả những xao động của chiến tranh vẫn không xóa, không làm phai đi được cái vẻ đẹp sâu xa nghìn đời của nó…
Người dân quê lên lập thành các phường nghề ở Hà Nội còn có nét đặc biệt khác nữa: họ là người quê đã trở thành người phố, họ vẫn còn cái gốc rễ rất sâu ở quê, nhưng lại vừa đã được thoát ra khỏi cái chật hẹp của làng quê. Họ đã thành người buôn bán, người kinh doanh, người thợ, người trí thức, nghĩa là kiểu người mới, kiểu người mở, đồng thời trong họ vẫn tiềm ẩn có thể kín đáo nhưng rất sâu đậm cái khả năng tinh lọc văn hóa từng trải của người Việt, ở cái vùng vốn là cái nôi lâu đời nhất của văn hóa Việt. Cho nên cũng chính ở Hà Nội văn hóa tân tiến đến từ phương Tây đã được tiếp nhận hay nhất, thành công và Việt hóa giỏi nhất. Người Hà Nội rất Tây, lịch lãm văn minh Tây mà lại đằm thắm ta. Tôi không biết anh Văn Ngọc có cố ý không, nhưng quả thật những trang hồi ký trông thật hồn nhiên của anh, mặt khác, cũng lại cho ta nhận ra cái nét tinh tế và thú vị ấy của con người Hà Nội, ít ra là người Hà Nội một thời, thời ấy, thời thế hệ anh. Đặc biệt những trang anh viết về Hà Nội, người Hà Nội những ngày đầu kháng chiến toàn quốc đánh Pháp thật hết sức sinh động, độc đáo và thú vị; người Hà Nội đánh Pháp rất anh hùng, đương nhiên rồi, mà cũng rất “Tây”, rất tài hoa, rất tài tử nữa, theo kiểu có lẽ cũng chỉ có Hà Nội mới có được… Quả thật cuốn sách này, theo riêng của nó, đã vẽ được cho ta một chân dung người Hà Nội, Hà Nội gốc, Hà Nội thật là Hà Nội, như ít tác phẩm nào vẽ được chân thật như vậy. So sánh nào cũng khập khiễng, nhưng riêng tôi, dường như tôi gặp một điều gì đó như tranh Phái khi đọc những trang này, tất nhiên là một kiểu Phái khác, một góc nhìn khác về phố và người Hà Nội.


Hồi ức tuổi thơ, cái tên thật hiền lành. Nhưng trong công cuộc đô thị hóa rầm rộ đang diễn ra trên cả nước, và riêng ở Hà Nội, đầy hứa hẹn mà cũng đầy thách thức, trong đó quả thật có những thách thức rất gay gắt hiện nay, những trang sách này, đọc kỹ, tôi tin vậy, rất có thể gợi cho ta nhiều suy nghĩ chẳng hề nhỏ, và cũng đầy tính cập nhật.
Nhớ lại, để mà nghĩ lại, nghĩ tới. Cho hôm nay, và cho cả ngày đến.

Nguyên Ngọc

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)