Văn xuôi trẻ 2007 có gì lạ?

Không có gì lạ. Đó là ấn tượng trước tiên của tôi về văn xuôi trẻ Việt Nam năm 2007 (chỉ xét đến văn xuôi nghệ thuật – truyện ngắn, tiểu thuyết – và chỉ của những cây bút ở độ tuổi dưới 35). Sự không có gì lạ này, về bề nổi, có thể đo được qua mức độ quan tâm của dư luận nói chung. Dễ nhận thấy là khác hẳn với những năm trước, văn xuôi trẻ 2007 không xuất hiện một Bóng đè (Đỗ Hoàng Diệu), một Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư), hoặc một Chuyện của thiên tài (Nguyễn Thế Hoàng Linh), những tác phẩm dù chưa cần bàn rốt ráo đến chuyện hay/ dở, mới /cũ thì cũng đã kịp khiến cho văn đàn phải xôn xao vì những sự vụ... ngoài văn chương! (Ví như chuyện “đáo công môn” của Cánh đồng bất tận, hay chuyện “phê bình về sự phê bình” đối với Bóng đè). Mừng, vì chừng như bạn đọc đã biết bình tĩnh hơn, bớt sốt sắng theo những cách không cần thiết trước tác phẩm của các cây bút văn xuôi trẻ (dù sao, đây cũng chỉ là một giả định, tôi sẽ còn trở lại với vấn đề này). Nhưng lại thấy tiềm ẩn một nỗi lo: biết đâu đấy, văn xuôi trẻ 2007 thực chất là không có gì đáng nói?

Có lẽ không hẳn như vậy. Văn xuôi trẻ 2007, về truyện ngắn, có tập Vũ điệu thân gầy của 12 tác giả nữ, tập Giày đỏ của Dương Bình Nguyên, tập Tầng thứ nhất của Di Li, tập Khu vườn lưu lạc của Nguyễn Vĩnh Nguyên. Về tiểu thuyết, văn xuôi trẻ 2007 ghi nhận sự xuất hiện lần đầu tiên của những cây bút vốn chỉ được biết đến ở thể loại truyện ngắn: Trần Nhã Thụy với Sự trở lại của vết xước, Vũ Đình Giang với Song song, Nguyễn Quỳnh Trang với 1981. (Dĩ nhiên là văn xuôi trẻ 2007 không chỉ bao gồm những tác phẩm  vừa nêu trên, nhưng với cá nhân tôi, đó là những tác phẩm cần phải được kể đến nếu muốn “tính sổ” – chữ mà nhà phê bình văn học Lê Thanh quen dùng trước 1945 – văn xuôi trẻ năm vừa qua). Và ngay ở đây, ở khu vực tiểu thuyết, ít ra thì cũng đã có dấu hiệu về sự chuyển mình của những cây bút văn xuôi trẻ xuất thân truyện ngắn. Tôi hoàn toàn không định làm một sự phân biệt cao/ thấp giữa hai thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn, nhưng với các tác giả trẻ, đi từ truyện ngắn sang tiểu thuyết rất thường khi là biểu hiện của một cơn sốt vỡ da: sự trải nghiệm đời sống, sự nung nấu tư tưởng đã đến độ họ không còn thấy bằng lòng trong cái khuôn khổ chật hẹp của truyện ngắn. Cần phải tìm đến một chiếc áo phù hợp với cơ thể đã lớn. Tất yếu, đó là tiểu thuyết. (Có những trường hợp “đốt cháy giai đoạn”, đến thẳng tiểu thuyết mà không qua truyện ngắn – như Nguyễn Danh Lam với hai tiểu thuyết trình làng cách đây ít năm, là Bến vô thường và Giữa vòng vây trần gian, chẳng hạn – nhưng những trường hợp như vậy vốn không nhiều).
Bấy nhiêu đó liệu đã đủ để nói về sự “lạ” của văn xuôi trẻ 2007?
 

Hãy xét đến truyện ngắn trước tiên. Vũ điệu thân gầy, “vũ điệu văn chương” – theo cách nói bóng bẩy của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên –  cho thấy có một độ vênh nhất định giữa một bên là những tuyên ngôn khá ồn ào của ít nhiều… “vũ nữ”, và một bên là cảm nhận về sự quen mòn bày ra từ tác phẩm của họ. Trong tập truyện ngắn này, ngoài một Lynh Bacardi tỉnh táo đến sắc lạnh khi mổ xẻ những quan hệ đời thường trần trụi, một Nguyễn Quỳnh Trang biết tạo ra sự mờ nhoè, sự xâm thực lẫn nhau giữa thế giới của người bình thường và thế giới của người điên, một Phạm Ngọc Lương gây ấn tượng bởi cách lựa chọn điểm nhìn trần thuật để từ đó làm một đối lập giữa các không gian cao/ thấp (dù rằng truyện của chị ít nhiều vương vất giọng văn Nguyễn Huy Thiệp), thì nói chung, vẫn còn lâu mới là đủ để nói về sự lạ của nó. Giày đỏ của Dương Bình Nguyên cũng vậy. Đọc 13 truyện trong tập sách này, không khó để nhận thấy cái cảm thức “lạc chốn thị thành” hiện ra lồ lộ ở đây. Cảm thức này vốn đã là không mới trong văn chương Việt Nam từ lâu rồi. Mặt khác, dấu vết tiểu sử mà tác giả để lại trong Giày đỏ khá đậm nét, và với tôi, đây chính là “vấn đề”. Người đọc có thể chia sẻ phần nào đó với người viết qua cách kể chuyện mang nhiều cảm hứng tự thuật và một lối văn chương giàu cảm xúc. Người đọc có thể đồng cảm với những day dứt của nhân vật khi anh ta vừa bị hút vào vòng quay xô bồ đến chóng mặt của đời sống đô thị trong hiện tại, lại vừa không nguôi nhớ tiếc những người cũ việc cũ nơi miền rừng heo hút mà từ đó anh ta ra đi. Nhưng khi gần hết 13 truyện trong tập đều khuôn theo motif như thế, muốn hay không, một câu hỏi bật ra: phải chăng tác giả vẫn đang trong giai đoạn viết chỉ bằng những trải nghiệm thực có của mình với đời sống, “mài mình ra mà viết” như ai đó từng nói? Và như vậy, anh (cũng như khá đông người viết trẻ khác) có thể tiếp tục viết, tiếp tục “mài mình” trong bao lâu nữa? Tôi không phải tác giả để trả lời câu hỏi này, chỉ xin có một “bị chú” nho nhỏ: lộ trình sáng tạo của nhiều nhà văn thành danh cho thấy, giai đoạn tập sự của họ chỉ chấm dứt khi họ đã biết chiếm lĩnh “cái ngoài mình” bằng tưởng tượng, viết về “cái ngoài mình” như thể nó là cái họ thực sự trải nghiệm. Và chỉ có như vậy, người viết mới có thể đi được dài.


Về Nguyễn Vĩnh Nguyên, ngay ở tập truyện ngắn đầu tay Năm, mười, mười lăm, hai mươi (2005) của anh, người đọc đã bắt gặp khá nhiều truyện có thể được xếp vào loại văn xuôi huyễn tưởng, (và đây chính là một trong những dấu hiệu cho thấy tác giả trẻ này đã vượt qua giai đoạn tập sự). Đến tập Khu vườn lưu lạc, Nguyên lại tự thể hiện mình thêm ở một vài nét khác. Bản thân tôi đã từng viết về tập sách này: “Sự thủ tiêu cốt truyện, sự rời rạc cố y trong các mối liên kết của văn bản ở truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên, những kĩ thuật này có lẽ đã ít nhiều khiến chúng ta phải nghĩ đến một sản phẩm của tư duy văn xuôi hậu hiện đại, được đặc trưng bởi tính phân mảnh. ấn tượng này được khắc sâu thêm khi, trên bề mặt văn bản, người đọc bắt gặp một giọng văn đầy bỡn cợt, giễu nhại, bất kính, phạm thượng, phi giáo điều”. (Kiên trì trên một cách viết. Hoài Nam. Văn nghệ Trẻ, … 2007). Hai truyện hay nhất trong tập này,  Toilet cổ trong ngôi nhà cổ, ngôi nhà cổ trong phố cổMột chuyến ra đời, là hai truyện phản ánh rất rõ đặc điểm vừa nói. Mà thực ra đây không đơn giản chỉ là đặc điểm của kĩ thuật tự sự. Tôi nghĩ, nó là một tâm thế, một trăn trở thực sự của người viết trẻ, trước vấn đề con người hôm nay và áp lực dội về từ quá khứ (Toilet cổ trong ngôi nhà cổ...) trước những thần tượng tưởng như không bao giờ có thể bị đụng chạm trong đời sống tinh thần của xã hội (Một chuyến ra đời). Viết như vậy trong bối cảnh một nền văn xuôi vẫn chủ yếu đi theo quán tính của việc kể chuyện, điều đó có thể coi là “lạ”?
Tập Tầng thứ nhất của Di Li cho tôi một tín hiệu để hi vọng về sự khởi phát của truyện ma (có thể khái niệm này vẫn chưa được chính xác cho lắm) trong văn xuôi nghệ thuật Việt Nam đương đại. Những Thánh Tông di thảo của vua Lê Thánh Tông, Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, Truyền kì tân phả của Đoàn Thị Điểm, rồi Trại Bồ Tùng Linh của Thế Lữ, Ai hát giữa rừng khuya của Tchya Đái Đức Tuấn, Bóng ma nhà mệ Hoát của Vũ Bằng v.v… đã là chuyện quá khứ, từ lâu lắm rồi chúng ta không có một tác giả thực sự ở dòng văn xuôi này. Ai đó có viết thì cũng chỉ giống như vui chân ghé qua một lát, rồi sau lại quay trở về với đường đi quen thuộc của mình. Nhưng ở tập sách của Di Li, có 14 truyện thì đã chiếm tới phân nửa là những truyện mang yếu tố huyễn tưởng, kinh dị. Điều đó cho thấy một hứng thú thực sự của người viết đối với khu vực văn chương ít nhiều vẫn bị coi là… phi chính thống này. Nhưng phải thú thực, đọc truyện ma của Di Li, hấp dẫn thì có hấp dẫn, song khi đọc xong tôi cứ lẩn quẩn với cảm giác gặp người quen ở đâu đó. Truyện Hoa mộc trắng khiến tôi nhớ tới không khí liêu trai của những mối tình giữa người và cây cỏ hóa thân trong sách của Bồ Tùng Linh, truyện Canh bạc ma làm liên tưởng tới Con đầm pích của Puskin, truyện Bức tranh và ngôi nhà cổ thì chứa đầy những tình huống thót tim vã mồ hôi như ở một vài tác phẩm kinh điển của Edgar Alan Poe… Không có gì khó hiểu nếu trong cái viết của Di Li có dấu vết của những “đại gia” đã nổi danh toàn thế giới về truyện ma, truyện kinh dị. Vì thế, có lẽ vẫn nên ghi nhận Tầng thứ nhất như là một cố gắng rất đáng khích lệ của việc tạo ra cái riêng (tôi chưa nói đến cái lạ) trong văn xuôi trẻ của chúng ta hiện nay.
 

Ngẫu nhiên chăng khi hai trong số ba tiểu thuyết mà tôi kể trên – 1981 của Nguyễn Quỳnh Trang và Song song của Vũ Đình Giang – lại ít nhiều có liên quan tới một điểm nhạy cảm trong đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam và chắc chắn luôn thu hút được dư luận hiếu sự: quan hệ đồng tính (cả đồng tính nam và đồng tính nữ)? Rất có thể đây sẽ là một sự “lạ”, nếu xét từ giác độ cái được phản ánh của văn chương (ở ta, đương nhiên). Nhưng nếu chỉ là như vậy thì có lẽ người đọc cần đến những phóng sự điều tra (kiểu Một thế giới không có đàn bà) hơn là đọc tiểu thuyết. Vì thế, mừng là hai cuốn sách này đã không rơi vào sự kí sinh trên tính tò mò của độc giả. Bên cạnh, hay ở đằng sau chuyện đồng tính vẫn có một cái gì đó đáng để suy ngẫm hơn. Tôi muốn nói riêng về tiểu thuyết 1981. Bản thân cái tên tác phẩm đã có thể cho phép ta nghĩ đến ở đây một sự phơi bày, một sự  tự thú, một sự giải thích về thế hệ mà lâu nay ta vẫn quen gọi là 8x, thế hệ mà tác giả của cuốn sách chính là một thành viên. Dưới lớp vỏ văn chương ở nhiều chỗ còn thơm mùi mực học trò, qua những chuyện kể về quan hệ thầy trò, bạn bè, chuyện công việc, chuyện yêu đương v.v.., nỗi bất an của một thế hệ đã hiện hình trong 1981. Thế hệ này trưởng thành trong một thế giới mà mọi ảo tưởng đã bị gột rửa sạch sẽ, họ hết chỗ bấu víu. Bất hạnh, nhưng cũng là may mắn cho họ. Không còn những hệ đo lường có sẵn để giúp họ nhận diện mình, họ phải tự làm lấy việc đó trong tư cách Người Sáng Tạo (chữ của Nietzches) với tất cả lòng can đảm và sự phập phồng chờ đợi điều sẽ xảy ra ở phía cuối con đường. E là đã suy diễn quá xa ngoài văn bản, nhưng ở việc cậu trai trẻ quyết định chuyển đổi giới tính – dù đây không phải topic chủ yếu của 1981 – tôi không nghĩ đó là sự biểu dương cho thành tựu của y học hiện đại hay là sự cổ vũ cho một lối sống thời thượng, mà tôi nghĩ, đó là sự  muốn là chính mình và dám là chính mình của thế hệ này, bất chấp mọi tabou và những cái giá phải trả. Từ 1981 của Nguyễn Quỳnh Trang, theo tôi, hứa hẹn sẽ có những “điều tra văn học” sâu hơn nữa về tình thế hiện sinh của những người trẻ hôm nay. Điều đó cần, và là cần không chỉ cho những người trẻ.(1)
Để khép lại bài viết nhỏ này, tôi muốn được trở lại với giả định đã đặt ra ở phần đầu: sự lắng xuống của dư luận trước văn xuôi trẻ năm 2007 (so với vài năm trước đó), phải chăng, là biểu hiện cho thấy bạn đọc đã biết bình tĩnh hơn, bớt sốt sắng theo những cách không cần thiết đối với tác phẩm của các cây bút văn xuôi trẻ? Có lẽ là như vậy, nếu văn xuôi trẻ 2007 không có gì mới hơn, khác hơn văn xuôi trẻ tiền 2007. Nhưng, từ những phân tích lướt qua ở trên, tôi cho rằng trong sự lắng xuống này của dư luận bạn đọc có cái tâm thế cẩn trọng của con chim một lần bị trúng tên nên cứ nhìn thấy cành cong là chột dạ. Nói “bạn đọc” có thể còn khá chung chung, gọi đích danh thì đó chính là giới phê bình. Từng “bé cái nhầm” với những cái tưởng là mới, hoặc từng tung hô to tát với những cái mới nho nhỏ, thì nay, họ chọn thái độ dè dặt trước những cái có thể là cái mới, cho… an toàn? Theo tôi, cả hai thái độ, hai cách ứng xử nói trên đều ít nhiều mang màu sắc cực đoan và đều không có lợi cho sự sáng tạo tiếp tục của các cây bút văn xuôi trẻ. Các giá trị không được nhìn nhận đúng với những gì nó thực có, cái mới không được tiếp nhận theo cách để từ đó nó có thể khuếch tán bền vững trong đời sống. Câu chuyện về văn xuôi trẻ 2007, một lần nữa, đặt ra vấn đề “con mắt xanh” của các nhà phê bình. Và rộng hơn, nó chạm tới một trong những câu hỏi gay cấn nhất mà chúng ta buộc phải tìm ra lời giải – càng sớm càng tốt – khi nền văn hóa Việt Nam đang hướng tới sự phát triển bền vững trong hội nhập quốc tế. Đó là: bằng cách nào để nhìn ra cái mới đích thực là cái mới, và phải ứng xử ra sao để cái mới ấy không bị chết yểu trong đời sống?
————–     
Chú thích: Về tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước của Trần Nhã Thụy, bạn đọc có thể tìm hiểu qua các bài viết của Inrasara, Mai Sơn, Nguyễn Danh Lam và một vài tác giả khác, đăng tải trên trang www.bungbinhsaigon.net

Hoài Nam

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)