Vẻ đẹp ban đầu

Họa sỹ Đỗ Sơn sinh năm 1943 tại Bắc Ninh, năm 1965-1975 tham gia bộ đội. Năm 1987 tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật. Đoạt giải bạc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980 và giải vàng về đề tài chiến tranh năm 1984. Đã có tranh trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Việt Nam và Singapore.

Đỗ Sơn đặt tên cho triển lãm lần này của mình là Bảng Màu Nguyên. Đúng mà cũng chưa hẳn đúng. Tôi nghĩ toàn bộ cái không khí hội họa trong tranh Sơn là nguyên, là nguyên sơ, là ban đầu. Chả cứ bảng màu, hình, bút pháp…cũng vậy. Tất cả đều nguyên sơ, nguyên thủy, sơ khai, ngây thơ. Đỏ, xanh, vàng là màu nguyên, thỉnh thoảng xen vào đôi ba màu cơ bản và bổ túc nữa. Không pha phách theo nghĩa đen. Các màu nguyên đặt cạnh nhau, chúng tự hòa với nhau, tự pha lấy. Cách tạo hình ít nhiều kiểu trẻ con cũng là một kiểu nhìn đầu tiên. Bút pháp cũng vậy, những vệt, quệt ngang dọc, những nhát bút ngắn dài xanh đỏ rất tự nhiên, dường như không cố tình gì cả. Phóng túng, tự do, tung tẩy không phân biệt hình và nền, không cần biết đến đúng sai. Chỉ thỏa mãn đẹp. Bất chấp.

Về hình và nhất là màu trong tranh Đỗ Sơn có một cách bình khác rất duyên của nhà báo Trịnh Tú. Khi tôi hỏi, Trịnh Tú không trả lời thẳng, anh nói vòng vo một hồi, đại ý, thỉnh thoảng về quê, khi ta đang dạo bước trên con đường làng trong một buổi chiều muộn nào đó, bỗng (phảng phất) ngửi thấy mùi cơm khê. Khê, sống nhưng vẫn thân quen, vẫn thấy gần gũi, ấm cúng. Lời bình này hơi điệu nhưng đúng, tranh Đỗ Sơn là vậy.

Thế mạnh của Đỗ Sơn là đề tài phụ nữ khỏa thân. Vẫn biết đề tài thuộc nội dung, đề tài  không tạo ra tác giả nhưng rõ ràng mỗi tác giả thường có một đề tài ruột. Đề tài ruột có thể hiểu chính là khoảng hiện thực mà họa sĩ say mê nhất. Lại thấy nude cũng chính là nguyên sơ, là vẻ đẹp ban đầu và cũng là muôn thuở. Sơn đặc biệt thành công với những bức vẽ phụ nữ khỏa thân, hoặc bán khỏa thân, những người đàn bà trên bãi biển, cô gái đang tắm, những thiếu phụ mình trần đang chải đầu, vấn tóc, đang thay quần áo… các thế đứng, nằm, ngồi, vạm vỡ, hưng phấn, tràn trề sinh lực và đầy mỹ cảm của nhục cảm. Có cảm giác khi vẽ phụ nữ khỏa thân thì bút lực của Sơn mới được bộc lộ hết, mới khỏe hơn, mạnh hơn, trẻ hơn và đàn ông hơn.

Người mẫu và mẫu người đẹp của Đỗ Sơn là những người đàn bà của đời sống hàng ngày. Sơn mê đắm vẻ đẹp của những con người bình thường, dung dị mà ai ai cũng thường gặp trong đời. Không phải là cái đẹp của các cô nàng người mẫu gầy gò, lênh khênh, diêm dúa, kiêu sa trên sàn diễn. Tuy cả hai vẻ đẹp này đều có thật nhưng dẫu sao tôi vẫn muốn tin những vẻ đẹp bình thường là thật hơn, thật thà hơn, lành hơn. Ấy thế mà ít khi người ta thấy. Chỉ đến lúc mọi sự đã tan đi thì…tuy nhiên muộn màng cũng đồng nghĩa với câu hỏi muôn đời giống như bí tích: liệu xấu đẹp có quan trọng gì cho một đời sống quá ngắn ngủi trong khi điều an ủi giản dị nhất ta cần đến lại chính là nỗi niềm khao khát yêu thương và được thương yêu mà trên hết là sự bình yên?

Là một kiểu hiếm của Mỹ thuật Việt Nam. Tranh của Đỗ Sơn không có bệnh khôn khéo, yểu điệu, lãng mạn, đèm đẹp của hầu hết những người ở thành thị. Sơn cũng không có bệnh “tỉnh lẻ” vì Sơn là một người nhà quê ở tỉnh, một người Thổ Hà trong lòng Hà Nội, cái đẹp trong tranh của Đỗ Sơn là cái đẹp của gân guốc, thô nhám, hồn nhiên, mộc mạc. Từ hình, màu đến bố cục, tất cả đều ào ạt, khỏe khoắn, mạnh mẽ, dứt khoát. Tất cả đều rực rỡ, chín mọng, hứng khởi, hoan lạc và đầy ắp vẻ đẹp của ban đầu.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)