Về quê
Làng quê tôi mỗi năm có mười người chết vì Sida, sốc bạch phiến. Trong vòng năm năm, cả làng vợi đi gần một phần tư số thanh niên. Chắc là trong năm năm nữa, con số này sẽ hơn gấp đôi như thế.
Tôi năm nay hai mươi hai tuổi, về quê lần này là lần thứ tư.
Về quê. Vào làng đi đâu cũng thấy trên tường nhà nào cũng kẻ vôi trắng đề khẩu hiệu: “KHÔNG DÙNG CHUNG BƠM KIM TIÊM”; “QUAN HỆ TÌNH DỤC PHẢI DÙNG BAO CAO SU”, tuyệt nhiên không thấy “MỖI GIA ĐÌNH CHỈ NÊN CÓ MỘT ĐẾN HAI CON”.
Mộ cụ tôi để dưới ruộng, mọi người bảo để thế cho mát mẻ. Đã đến quá rằm tháng giêng rồi mà vẫn chưa thấy ruộng nhà được tháo nước vào, đất khô cong.
Bố tôi sắp lễ. Bao giờ cũng thế, ra mộ cụ thì phải sắp lễ đầy đủ. Mấy ông thầy địa lý xem cho nhà thôi bảo phát về đằng mộ cụ. Biện lễ một con gà, khoanh giò, bánh chưng, mâm quả, mấy bông hoa; rượu trà và nến. Còn đồ mã thì nhiều: ngựa vàng, áo vàng, hài vàng, mũ vàng. Tôi nói đùa: “Đốt cho cụ mà cứ như thờ quan đệ tứ”. Bố tôi bảo: “Ông trước là chánh tổng ăn chơi có tiếng ở làng này. Anh em đều là tri huyện, tri phủ, đốt cho ông mở mày mở mặt với anh em ”. Bố lại bảo tiếp: “Đây là ông nội bố mày gọi bằng cụ. Ông có ba bà, đẻ được năm con trai. Ông nội là con bà ba là con út. Ông con trưởng đẻ con sớm nên mới có chuyện cháu lớn hơn tuổi chú. Con đích tôn đang ăn thừa tự ngôi nhà thờ tổ, tí nữa bố con mình vào đó cúng”.
Tôi ít về quê. Thú thực, tôi chẳng mặn mà gì với quê lắm nên cứ mỗi lần về là bố lại phải nhắc. Họ hàng nhà tôi thì đông, các cụ trước kia lấy lắm vợ nên ông nào là con ông nào tôi chẳng nhớ được. Về quê sướng mỗi chuyện đương tự nhiên có cụ già lụ khụ chống gậy đến trước mặt chào mình bằng ông xưng cháu.
Về nhà đến cổng ngõ, tôi gặp một bà cụ già lưng đã còng, thấy bố tôi bà đi vội ra cười nở răng hạt na, làm những vết rạn chân chim trên khuôn mặt chuyển động xô đẩy nhau theo một chiều sóng cứ dập dềnh. Ánh nắng dát vàng trên chiếc khăn nhung mỏ quạ. Bố tôi chạy nhanh đến hai tay chắp lại phía trước: “Chị Xót, tí chị vào nhà uống nước”. Chị Xót, nghe tên quen quen, và tự nhiên tôi có một cảm giác thật gần gũi với người đàn bà này, một cảm giác gần như là ký ức. Người đàn bà cười nói: “Chú đưa cháu về thanh minh à! Chú cứ vào nhà trước rồi tôi vào sau, hình như mọi người đi ra chợ hết rồi thì phải”.
Gần đến nhà, bố tôi bảo: “Nhà này là của ông nội nhưng vì làm ăn trên Hà Nội để lại bác Tâm trông, văn tự đất nhà mình vẫn cầm”. Gọi cửa chẳng ai thưa, cả nhà đi vắng hết. Thấy cổng tre lỏng lẻo, bố tôi nhấc ra khỏi bản lề để vào, nhà trống tuếch toác, xây gạch kiên cố nhưng để mộc chưa chát vữa quét vôi vì chưa đủ tiền hoàn thiện. Nhà tôi mấy lần gửi tiền về quê cho bác mua xi măng để trát nốt vách nhưng gửi đến đâu tiêu đến đấy. Phía trên cửa ra vào chỉ đắp một hàng vữa ghi con số 1990, mười lăm năm rồi căn nhà vẫn trần truồng như vậy.
Bố tôi bảo: “Bác có hai thằng con trai một thằng vừa chết vì sốc thuốc. Một thằng cũng đang nghiện thi thoảng về nhà khoắng ít đồ mang đi, không cho nó đánh. Cả hai đều làm ở Vàng Danh (tôi đi viết báo chẳng lạ lẫm với địa danh đó). Bác có hai đứa con gái, con em quanh năm suốt tháng ho hen kèn cử chưa lấy được chồng; con chị may lấy được một thằng tử tế có một con nhưng chưa khá giả, tí nữa chúng nó qua hết đây cho xem”.
Vào nhà, trên bàn thờ thấy có treo ảnh cụ ông cụ bà và một bó hương đã lên mốc. Bố tôi bảo: “ Tết chắc chẳng đứa nào chịu thắp hương”. Trên tường gạch treo ảnh ông bác mặc quân phục đeo huy chương đỏ chói, bố tôi bảo: “Bác mày trước là lính hải quân sau dính đạn nên được xuất ngũ lấy vợ về quê tham gia mặt trận tổ quốc”.
Ra ngoài sân, thấy có cả một cót rơm vàng, cây bưởi bắt đầu nở hoa thơm ngát su hào cũng đầy vườn cả rau dấp nữa. Bố tôi bảo: “Về quê sướng nhất là ăn cơm vùi rơm, tí nữa lên hái một ít hoa bưởi về ướp mía, xin một ít rau dấp cá về ăn canh cua. Rau dấp canh cua ngon hơn rau xà lách”. Lần nào về bố tôi cũng nói vậy. Tôi vẫn mải mê theo đuổi lại quá khứ để nhớ lại hình ảnh người đàn bà lưng còng ban nãy mà bố tôi gọi là chị Xót. Chị Xót nghe cái tên rất quen.
Tôi vốn không ưa mấy người nhà quê lắm; đã ở bẩn mà lên thành phố bạ gì cũng xin, trẻ con nào ở Hà Nội cũng vậy. Nhà tôi trước đây lại là trạm trung chuyển cho các loại khách từ quê ra nên tôi vẫn hãi.
Ngồi được vài phút thì một thằng thanh niên ở đâu chạy xộc về nhà thấy bố tôi mắt nó lừ lừ: “Chú về nhà”. Bố tôi hỏi: “Mày là thằng Quyết?”; nó bảo: “Quyết là anh cháu mới chết năm ngoái” Bố bảo: “Thế mày là thằng Chiến?” Bố lại bảo: “ Thế về hẳn nhà hay về tết?”. Nó ngáp vặt không nói đi vào bếp.
Ngồi thêm vài phút nữa thì ông bác về. Tôi nhìn thấy cái xe đạp của bố tôi đi hồi mươi mười lăm năm trước bây giờ được cải tiến thành xe thồ, hai gác tre gióng ra buộc vào hai bên để hàng. Bác tôi về hưu bán nước ngoài cửa đình. Bố tôi bảo: “Em vừa ra mộ ông, vẫn chưa thấy cho đưa nước vào đồng, nhà năm nay cấy muộn thế?”.
Bố con tôi về, ra đến cổng làng thì gặp bác Xót đi ngược trở lại. Một tay chống gậy, một tay ôm túi gạo nếp… (Trích Về Quê) |
Bác bảo: “Con Mai và thằng chồng nó đang cấy thuê cho nhà bà Tình ở đầu xóm. Từ tết đến giờ, chúng nó đi cấy thuê cho mấy nhà có con cháu chết. Chắc ruộng nhà phải chờ đến cuối cùng”. Bố tôi bảo: “nhưng cứ bảo chúng nó tháo nước vào ruộng cho ngấu chứ để đất khô thế thì biết đến bao giờ cấy được”. Bác chẳng nói gì nữa.
Thằng Chiến gọi tôi là anh xưng em, mặc dù nó năm nay ngoài bốn hai, mắt rắn ráo cứ gườm gườm nhìn bố tôi thi thoảng ngáp vặt. Ngồi thêm được một lát, có ông gần sáu mươi đến chào gọi bố bằng ông xưng con, tôi đoán chắc là họ hàng. Ngồi uống nước chưa đầy hớp, ông giở một cuốn sổ ra, hai tay chắp ra đằng trước nói: “Báo cáo với ông là ở làng thành lập hội người cao tuổi, cụ bà tuy là dâu làng mà năm sau lại sang tuổi 80, tức là tuổi được mặc áo đỏ. Thôi thì dâu con rể khách chúng cháu mạn phép đến xin các ông trên đó cho con cháu dưới này chứng tỏ thành ý của mình xin được mời cụ vào hội”. Bố tôi bảo: “Chúng tôi xin nghe theo ý của làng”, “Xin ông kí vào danh sách hội viên hộ bà cho cháu”. Bố tôi kí xong, “Xin ông đóng cho cụ cháu tiền sinh hoạt phí, hai mươi nghìn một năm, hội thành lập được hai năm, cả thảy là bốn mươi nghìn”. Bố tôi giật mình móc ví ra đóng. Tợp xong hụm nước ông đó xin phép ra về có mời bà tôi năm tới về làng để hội tổ chức thượng thọ.
Chén nước chưa nguội thì một ông khác đến vẫn gọi bố tôi bằng ông xưng cháu, người này cũng độ tầm sáu mươi, bố quay ra tôi bảo: “Đây là thằng Sâm hiện đang trông nhà thờ tổ, lát nữa bố con mình vào dâng hương”. Thằng Sâm theo vai vế phải gọi tôi bằng chú, nhưng tôi ngại vì người ta già cả nên gọi bằng anh xưng em. Tôi gật đầu chào, bố chưa kịp hỏi việc nhà thờ tổ như thế nào thằng Sâm đã đưa lời trước: “Báo cáo với ông là tháng năm vừa rồi tổ chức ngày tế tổ, các cụ đang dâng hương thì trời đổ mưa. Lúc ngồi ăn miếng giầu, mấy anh em chúng cháu mới đề xuất xin ý kiến các cụ, đứng ra kêu gọi con cháu dựng một nhà tiền tế. Hiện nhà đã xây được nửa chừng”. Bố tôi bảo: “Việc này tôi phản đối lúc đầu vì động đến chuyện thờ tự phải cẩn thận, chúng mày ở nhà bạ đâu cũng làm rồi lại động đến các cụ, phúc không có lại mắc tội. Nhưng đã làm rồi thì tao vẫn đóng nhà có hai suất đinh tao đóng hai trăm nghìn”. Thằng Sâm nói: “Lúc đầu con cũng đồng quan điểm với ông nhưng trên con còn các cụ, các cụ đã quyết rồi thì mình vẫn phải theo. Việc dựng nhà tiền tế chúng con không theo suất, mà theo đóng góp, của ít lòng nhiều ông đóng hai trăm con xin nhận có gì ghi vào đây để sau này tài chính công khai”.
Thằng Sâm vừa về lại có mấy ông nữa đến, tôi thấy trong nhà nhiều người quá nên lánh tạm ra vườn. Trời xế trưa, tiếng lợn kêu đòi ăn, tôi nhìn ra sau chuồng lợn có một vườn mía vẫn non, trong nhà vẫn đang thưa gửi.
Trong đầu vẫn lẩn vẩn hình ảnh của bà lão đứng trước ngõ, nhìn bà lão tôi thấy bình tâm lại. Vò dập một lá mía tôi bỗng nhớ ra người đàn bà ngoài cửa, người mà bố tôi gọi là chị Xót.
Đó là lần đầu tiên tôi về quê. Lúc đó, tôi mới lên bốn tuổi, đúng vào hôm trời mưa xuân lầy lội, quê tôi nghèo kinh khủng. Cái ám ảnh lúc bốn tuổi tạo thành một vết hằn lem luốc của tôi đối với quê hương. Qua phà Tân đệ, mua phải mớ táo chát không thể nào nuốt được, đi lên con đường đê thì xe chết máy rồi lại lạc đường, về đến nhà đói meo chính bác Xót là người chặt mía cho chị em tôi ăn. Mía không róc, không tiện, cứ thế dùng răng tự tước; chính bác Xót cũng là người cõng tôi ra mộ ông hồi đó tôi bé, bây giờ tôi lớn gấp đôi bác. Tôi vẫn nhớ hồi đó bác mặc chiếc áo nhung đen, chiếc áo dày nặng hơn cả người, nặng như những bước đi khó trên con đường mưa bết đất. Tôi nhớ về bác hồi đó chỉ là người đàn bà trung niên mà mọi người gọi là chị Xót thế mà giờ sau mười tám năm bác già xộp cả đi, thành một bà lão lưng còng. Về quê tôi cứ im lặng thế, trong đầu tôi bây giờ là một mớ hỗn độn về những chuyện từ thành phố theo về và những kỉ niệm lần đầu tiên về quê, được bác Xót cõng ra mộ ông.
Trong nhà khách khứa đã vãn gần hết, bố tôi đang sắp lễ để ra mộ cụ, mộ ông nội, mộ các cụ nằm sau trường học cấp ba cách nhà chừng hai cây. Bố con tôi hai tay hai làn đi bộ ra mộ, trên đường phải qua đình làng. Bố tôi chỉ tay bảo: “Đây là đình làng, trước đây nó to lắm, toàn gỗ lim bây giờ một phần là nhà kho hợp tác xã”. Trước đình là một cái hồ bán nguyệt giữa hồ người ta xây thêm một cái tượng đài Tổ quốc Ghi công. Bố tôi chỉ tay bảo: “Trước đây nó là nhà Thuỷ Tạ”. Đi một đoạn đến một chỗ, tôi khen cây đa đẹp quá. Bố tôi chỉ tay bảo: “Trước đây còn có cái cổng làng”.
Tôi nhìn quanh chẳng thấy cổng làng đâu, qua cây đa là đến cây gạo chỗ bãi tha ma. Bây giờ ít người đi qua chỗ này, hầu hết mọi người đều đi từ cuối làng để vào. Đường quốc lộ làm ở đấy, đi tiện hơn. Có mấy bà lão ngồi gốc đa chia nhau khẩu trầu tôi nhìn trong đấy để tìm bác Xót. Bố tôi bảo: “Làng mình là làng cổ”.
Tôi bảo: “Chẳng thấy cổ gì cả, còn lâu mới được như Đình Bảng” (Tôi vẫn đi Bắc Ninh để nghe Quan họ). Bố tôi bảo: “Bị phá hết rồi còn đâu”, bố lại bảo: “Cách đây một trăm năm làng mình vẫn đẹp, từ đời cụ trở đi đều theo khoa cử, có đỗ đạt cả. Thế hệ ông mày thì đi ra các vùng khác kiếm sống, ai ở làng thì chết gần hết đợt năm Ất Dậu; bằng tuổi tao các bác trong nhà đi bộ đội chiến đấu nhiệt tình, giờ thanh niên từ ba mươi trở xuống thì đi lang bạt kiếm sống nào Quảng Ninh đào than, Nghệ An đào vàng rồi mang bệnh về làng”. Tôi hỏi: “Sao không ở làng mà kiếm sống?”, bố tôi bảo: “Làm sao mà sống được, phá hết rồi lấy đâu mà sống”.
Thái Bình là đất chèo, làng tôi hát karaoke…
Tôi ra mộ ông bước hai chân khập khễnh như một người què. Bước chân run run như một người bị liệt, tiết Thanh minh mà bãi tha ma lạnh hương. Tự nhiên tôi muốn đốt thật nhiều hương để cho khói ngút lên. Gió đồng thổi mạnh tạt tàn bay theo gió.
Trong khi chờ hết tuần hương tôi đi lòng vòng chạy về phía con mương sang phía bên kia cánh đồng. Hai bên bờ con mương bắc nhau qua một phiến đá xanh. đá xanh Thanh Hóa. Tôi cúi xuống xem thấy vẫn còn mờ mờ hoa văn hình hoả châu. Hoả châu phun ra những tia lửa gãy gãy. Hoa văn thời nhà Mạc, đích thị đây là một tấm bia đá nhưng giờ chỉ còn là một hòn đá, đám trẻ chăn trâu vẫn ra đây ngồi xổm để ỉa xuống mương, trước đây mọi người vẫn kê nó lên để mài nông cụ. Tôi vào đình làng có con rùa đá vất vưởng ngồi một mình. Làng tôi thờ Khổng Minh Không, chỉ còn gian tiền tế, hậu cung dùng làm nhà kho hợp tác xã.
Tôi về nhà, bố tôi hỏi vẫn không thấy bác Xót đến. Mọi người đang chờ đồ cúng bố tôi đem từ mộ về để sắp cơm, mâm bát va nhau rộn rã. Khách khứa lại đến. Vẫn không thấy bác Xót. Tôi vào trong bếp định xem có khoai lang sống để vùi bếp rơm, nhưng chỉ thấy củi mục. Ngẩng đầu lên bỗng va phải tấm gỗ gác xà, bồ hóng đã bám đen kịt tấm gỗ vuông vắn. Chỗ tôi va vào trơ ra một mảng thấp thoáng màu vàng son. Nhìn kỹ ra thấy đây là một tấm hoành đề bốn chữ “Thánh cung vạn tuế”. Hồi bác tôi là chủ tịch xã, xã tôi đi đầu trong phong trào hợp tác xã. Quê hương bốn phẩy chín tấn, tôi vẫn nói đùa như vậy. Kém mười cân thì bằng hợp tác xã Đại Phong. Dù sao cùng đồng hương Thái Bình. Tôi nói với bố tôi chuyện tấm hoành, bố tôi bảo: “từ từ hẵng tính”.
Tôi chạy ra vườn hái hoa bưởi về để ướp mía bác gái Tâm ngăn lại bảo: “Cháu hái ít thôi để cây còn đậu quả” Tự nhiên tôi chẳng thiết gì đến món canh cua rau dấp của bố tôi nữa.
Tôi vẫn chờ bác Xót vào, tôi muốn biếu bác ít tiền ăn quà. Ở quê, ngoài bác ra tôi chẳng nhớ được ai cả. Bố tôi chạy ra ghé vào tai tôi: “Mày còn cầm tiền chứ”, tôi bảo: “Còn một trăm”, bố bảo: “Đủ tiền đi xe rồi, con cháu đông quá”.
Bố con tôi về, ra đến cổng làng thì gặp bác Xót đi ngược trở lại. Một tay chống gậy, một tay ôm túi gạo nếp. Bố tôi chạy ra, bác dúi vào tay túi gạo bảo: “Gạo mới đấy, chú về bảo thím nấu cơm nếp cho các cháu”.
Chiếc xe ôm phóng nhanh dọc thân đê, băng qua những ổ gà ổ trâu. Bên kia là bờ sông có những máy hút cát xây dựng chạy bên bờ. Bên này là xóm làng với những biển vôi trắng kẻ mấy dòng khẩu hiệu “Không nên dùng chung bơm kim tiêm”, “Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục”, … Gió xuân thốc từ sông vào mặt, phả cả hương nếp mới. Gạo trắng qúa. Thơm quá.
Đi một đoạn, anh xe ôm dừng lại chạy biến vào bụi tre ven sông, tôi cũng chạy xuống nhìn qua bên kia là Hưng Yên, quê nhãn lồng, mùa này nhãn mới đâm hoa, tôi nhổ một bãi nước bọt xuống dòng sông, sóng vỗ oàm oạp vào mạn bờ chốc chỉ còn là đám bọt ly ti bám vào mép cỏ. Gió sông thổi lồng lộng đem theo khói của mấy nhà máy bờ bên kia phả sang bên này.