Vì sao bảo tàng thiếu sức sống?
Cho đến nay mặc dù nước ta đã có trên 100 bảo tàng nhưng số bảo tàng lôi cuốn được công chúng còn rất ít. Có nhiều nguyên nhân mà một trong những nguyên nhân chính là các cấp, các ngành liên quan chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức việc đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học để tổ chức nội dung và trưng bày.
Trong khoảng mươi năm, nhất là 5 năm gần đây, nhiều dự án bảo tàng đã được triển khai. Có những bảo tàng được đầu tư rất lớn, như Bảo tàng Hà Nội riêng phần tòa nhà đã trên 2.000 tỷ đồng, hay dự toán ban đầu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia là 2.961 tỷ đồng (bao gồm cả công trình, nội thất và trưng bày, theo đề án trình Chính phủ năm 2007)… Quy mô đầu tư cho các bảo tàng tỉnh và thành phố cũng khác trước nhiều, tăng lên tới hàng chục tỷ, trăm tỷ, trong đó có một số đã đi vào hoạt động như các bảo tàng Quảng Trị (45 tỷ), Hùng Vương, Phú Thọ (chưa quyết toán, dự tính 100 tỷ), Đà Nẵng (65 tỷ)…; và nhiều bảo tàng đang xây dựng như Bảo tàng Phú Yên (97 tỷ), tòa nhà Đông Nam Á của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (trên 80 tỷ)…
Dù đã nhận được đầu tư lớn, đôi khi quá lớn, song phần lớn các bảo tàng vẫn không làm mới được chính mình, một số vấn đề vẫn tồn tại dai dẳng: nội dung bảo tàng không cập nhật được với cuộc sống, di sản nằm im trong kho, trưng bày bảo tàng ít thay đổi, buồn tẻ, kỹ thuật lạc hậu và luôn luôn vắng khách thăm quan.
Trong bài viết này chúng tôi xin trình bày ba nguyên nhân chính đang làm cho hầu hết bảo tàng ở Việt Nam bị thiếu sức sống.
Lo vỏ rồi mới lo ruột
Năm 2005, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 đặt trong yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động, đa dạng về loại hình và hình thức sở hữu, vận dụng thành tựu tiến bộ của bảo tàng quốc tế vào Việt Nam để các bảo tàng không lạc hậu so với khu vực và thế giới. |
Gần đây, ở nước ta có một “căn bệnh” mới là cứ xây dựng và khánh thành tòa nhà trước, rồi vài năm sau mới khánh thành trưng bày, như các bảo tàng Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Quảng Bình, Nghệ An, Kon Tum, Côn Đảo, Văn học Việt Nam… Điều này xảy ra ngày càng thường xuyên, hậu quả ngày càng trầm trọng, chủ yếu do không có kế hoạch đồng bộ vừa xây dựng tòa nhà vừa chuẩn bị nội dung trưng bày mà chỉ lo chạy theo thành tích, gắn với các ngày kỷ niệm hay với các nhiệm kỳ của các vị lãnh đạo có liên quan.
Bảo tàng là một thiết chế văn hóa và khoa học đặc thù, có tiêu chuẩn rất rõ ràng, không phải tùy tiện làm thế nào cũng được, muốn bày gì cũng được. Vào những năm cuối thế kỷ XX chúng ta đã xây dựng hai bảo tàng lớn là Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, với sự tư vấn và hỗ trợ của chuyên gia quốc tế. Với hai bảo tàng này, việc xây nhà và tổ chức trưng bày được thực hiện song song trong vòng 10 năm. Khánh thành công trình là mở cửa trưng bày hoàn chỉnh, như thế sẽ không lãng phí, hoàn toàn hợp với quy trình thông thường là xây nhà xong thì được sử dụng ngay (làm nơi ở hay văn phòng…).
Nghiên cứu các bảo tàng mới xây hay đang xây dựng ở Việt Nam thì thấy có một bất cập rất lớn, đó là do cơ chế quản lý, hầu hết các dự án bảo tàng đều do cơ quan xây dựng hay cơ quan cấp trên như Bộ, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh/thành phố làm chủ đầu tư mà không phải bảo tàng làm chủ; bảo tàng được xây dựng và bàn giao theo kiểu “chìa khóa trao tay”. Cách làm này tách rời công việc chuyên môn của những người làm bảo tàng với tòa nhà, tách nội dung (những yêu cầu về trưng bày, bảo quản hiện vật…) với công năng xây dựng. Cho nên nhiều bảo tàng mắc vô vàn sai lầm như quá nhiều cửa sổ, cửa kính, cửa ra vào; chưa biết trưng bày nội thất sử dụng ánh sáng thế nào mà nhà thầu đã lắp hệ thống đèn chiếu sáng như kiểu hội trường, đã lát nền sàn theo thiết kế được duyệt; hệ thống kho thì trần quá thấp, ẩm thấp, ống kỹ thuật chạy giữa nhà; lộ trình trưng bày không rõ nên có cầu thang mà lại không thể sử dụng được, thành “cầu thang chết”…
Ngoài vấn đề cơ chế còn có vấn đề năng lực của các kiến trúc sư. Hầu hết họ thiếu sự hiểu biết, kinh nghiệm thiết kế bảo tàng và điều cơ bản là thiếu sự tham vấn đóng góp của người có chuyên môn bảo tàng.
Cơ chế nghịch
Công tác tổ chức trưng bày trong bảo tàng càng bất cập hơn về cơ chế. Hiện nay ở hầu hết các bảo tàng, người làm nội dung trưng bày phải ký hợp đồng để nhận lại một phần việc của chính mình với các công ty tư vấn thiết kế trưng bày.
Chúng tôi nhận thấy sai lầm chính là ở chỗ này: cán bộ bảo tàng lại không phải là chủ thể (sáng) tạo ra trưng bày mà lại phải đi làm thuê cho những người được chọn thầu/chỉ định thầu ở ngoài bảo tàng, không có chuyên môn về nội dung trưng bày. Giám đốc bảo tàng không được ký hợp đồng với nhân viên của mình để hoàn thành các công việc chuyên môn/khoa học. Điều đó thực sự đã cản trở sự phát triển ngành bảo tàng, không có trưng bày tốt và tổ chức trưng bày không theo kịp, không đáp ứng tiến độ của công trình xây dựng tòa nhà.
Ngày nay cơ chế tài chính của nhà nước đã dần đổi mới, thông thoáng, rõ ràng với các ngành để người lao động thực sự hưởng lợi và khuyến khích sáng tạo. Các kiến trúc sư có tư cách pháp nhân để thiết kế công trình và họ được chi trả thích đáng; họa sĩ, nhà văn có cơ chế nhuận bút riêng; bác sĩ phẫu thuật được trả thù lao trực tiếp khi hành nghề; giáo viên được thanh toán theo chế độ dạy ngoài giờ hay dạy vượt chỉ tiêu về thời lượng đứng lớp; các nhà khoa học thì có cơ chế chi tiêu theo các đề tài khoa học… Riêng ngành bảo tàng vẫn không có cơ chế chi trả cho các hoạt động khoa học của mình như làm trưng bày (từ xây dựng ý tưởng, nội dung, tổ chức hiện vật trưng bày, …) cho đến các hoạt động khác (nghiên cứu kiểm kê, tư liệu hóa, giáo dục, đào tạo…). Trong khi đó công việc chuyên môn của bảo tàng là một công việc khoa học vừa nghiên cứu vừa thực hành.
Vẫn làm theo lối tuyên truyền
Đã đành, về phần xây dựng bảo tàng có nhiều bất cập như chủ đầu tư – những người quản lý bảo tàng – đặt đầu bài/nhiệm vụ thiết kế sai hay không rõ ràng cho các công năng của bảo tàng tương lai, không biết đọc thiết kế để góp ý kiến. Nhưng quan trọng hơn là các bảo tàng mới/đang xây dựng không chuẩn bị đội ngũ nhân viên bảo tàng (về mọi khía cạnh) để đáp ứng kịp với yêu cầu đổi mới hoạt động. Tư duy làm bảo tàng hết sức cứng nhắc – duy ý chí cái gì cũng theo tiến trình lịch sử một cách đơn giản, máy móc, muốn “toàn diện”, “hoành tráng”, mà lực thì không đủ. Làm bảo tàng mà như viết sách giáo khoa hay triển lãm kiểu tuyên truyền. Chỗ nào thiếu hiện vật thì copy, phục chế, tái tạo, trích dẫn sách vở, lập bảng biểu thống kê hay thay thế bằng sáng tác các loại phù điêu. Chỗ nào sẵn hiện vật thì bày la liệt, thiếu trọng tâm trọng điểm, thiếu thông tin dẫn dắt và cách kể chuyện.
Bảo tàng phải dựa vào và bám sát hiện vật như tiêu chuẩn đầu tiên của trưng bày. Phải trực tiếp kiểm kê và đánh giá từng hiện vật đang có, và thiết kế định hướng trưng bày (còn gọi là đề cương chính trị hay đề cương tổng quát) cũng như nội dung trưng bày cần dựa trên những hiện vật đó, chứ không phải tư duy trưng bày chỉ căn cứ vào kiến thức lịch sử nhằm mục tiêu tuyên truyền mà không căn cứ vào hiện vật.
Lập luận rằng cứ xây dựng đề cương trưng bày, rồi đi bổ sung hiện vật, hoặc xây dựng đề cương chính trị một cách trừu tượng mà không dựa vào hiện vật là quy trình hoàn toàn không phù hợp, vậy mà nó lại đang tồn tại ở hầu hết các bảo tàng đang xây dựng hay chuẩn bị xây dựng hiện nay ở nước ta. Có thể bổ sung hiện vật, nhưng hãn hữu thôi, còn trước hết và quan trọng nhất là phải tổ chức trưng bày trên những hiện vật đang có ở bảo tàng, không thể khác được.
Cách làm bảo tàng phổ biến hiện nay cũng thiên về một chiều, áp đặt, hầu như không nghiên cứu khách tham quan, không đánh giá điều tra nhu cầu công chúng và rất ít các chương trình giáo dục liên kết với trường học, với cộng đồng.
***
Để chấm dứt những căn bệnh dai dẳng kể trên, đã đến lúc các bảo tàng phải chủ động đòi quyền cho mình: quyền tham gia góp ý thiết kế nhà bảo tàng, thiết kế trưng bày; quyền nghiên cứu và tổ chức nội dung trưng bày.
Làm bảo tàng là dựa vào sức mình là chính và tranh thủ tối đa tư vấn của chuyên gia bởi vậy phải có kế hoạch đào tạo nhân lực thường xuyên và lâu dài, từ đào tạo tại chỗ đến đào tạo ở nước ngoài, nhất là các nước như Úc, Mỹ, Pháp hay Bắc Âu; đồng thời mỗi bảo tàng phải chủ động tích cực mở rộng quan hệ quốc tế và trong nước để học hỏi kinh nghiệm.
Các bảo tàng thực sự đang có cơ hội đổi mới nhưng cũng đang gặp rất nhiều thách thức và bất cập. Quan trọng nhất là phải nhận thức ra những sai lầm trong quan niệm về chỉ đạo tổ chức xây dựng bảo tàng. Nếu chưa thấy mình sai thì không bao giờ sửa được và sẽ để lỡ mất cơ hội.
Các bảo tàng trong tương lai muốn hấp dẫn phải chú ý nhiều hơn đến khía cạnh đương đại của cuộc sống. Chẳng hạn, Bảo tàng Mỹ thuật không chỉ trưng bày về lịch sử mỹ thuật mà cả trưng bày về mỹ thuật đương đại, về tác giả hay nhóm tác giả đại diện cho một trường phái hay xu thế nào đó. Đối với Bảo tàng Lịch sử Quân sự trong tương lai, các trưng bày phải phản ánh được lịch sử chiến tranh từ nhiều góc nhìn. Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đang xây dựng cũng vậy, vừa chú ý đến lịch sử tự nhiên vừa chú trọng những vấn đề môi trường, thiên nhiên trong mối quan hệ với con người như quá trình đô thị hóa, nạn phá rừng, hay thảm trạng ô nhiễm, thiên tai, … Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong tương lai cũng cần quán triệt sâu sắc việc trình bày lịch sử theo cách tiếp cận đa tuyến, đồng thời đặc biệt chú trọng lịch sử văn hóa-xã hội, tức lịch sử về con người, mà từ trước đến nay vẫn là điểm yếu kém của hệ thống bảo tàng lịch sử ở nước ta. |