Vị thế và không gian (I): Luận về cội nguồn nghệ thuật
Ngay từ khi ra đời, bản năng đầu tiên của con người là xác nhận không gian xung quanh thông qua hơi thở, âm thanh, hình ảnh, những tiếp xúc va chạm. Tất cả những tín hiệu cơ bản tạo cơ sở để con người định vị bản thân mình, định vị không gian, và bắt đầu hướng tới một vị thế cân bằng. Và kể từ đó, quá trình này sẽ lại mỗi khi bước vào một không gian mới mẻ bất kỳ.
Trong thế giới tự nhiên vạn vật đều thường trực đi tìm vị thế của chúng.
Một vật vô tri như hòn đá cũng biết tự lăn từ trạng thái bất cân bằng sang vị thế cân bằng.
Những cá thể nào không tìm thấy tương quan cân bằng trong nội tại và với không gian quanh nó ắt sẽ bị loại bỏ, hay nói đúng hơn là buộc phải chuyển sang tồn tại ở một dạng khác. Trong môi trường nhiệt độ quá cao dưới lòng đất, cứng rắn như đá cũng bị tan chảy do không thể tự cân bằng trong nội tại.
Trong thế giới sinh vật, tất cả mọi cá thể cũng đều phải nỗ lực hết mình để tồn tại, duy trì một chỗ đứng trong bầy đàn và quần thể sinh thái. Vị thế ấy cũng phải cân bằng. Nếu không, sớm muộn cá thể ấy sẽ bị bầy đàn, kẻ thù, hoặc môi trường đào thải.
Không gian
Vị thế luôn gắn với không gian. Vị thế của một đối tượng bất kỳ là tương quan giữa đối tượng ấy với không gian chứa đựng nó.
Không gian là gì? Đối với con người, không gian là một khái niệm phức tạp đa nghĩa. Một khoảng không có thể được coi là không gian. Một khoảng không với đầy ắp các sự vật chứa trong nó cũng đồng thời là không gian, như không gian nhà trường hay không gian văn phòng cơ quan. Có cả những không gian trừu tượng như không gian trong ánh mắt, không gian hoài niệm, không gian xã hội, không gian văn hóa. Đa phần không gian trong tâm tưởng con người đều ít nhiều hàm chứa cả chiều thời gian.
Năng lượng và cảm xúc
Năng lượng nảy sinh từ vị thế bất cân bằng. Hòn đá bị xô nghiêng thì tiềm ẩn trong nó thế năng.
Tương tự như vậy, một sinh vật trong vị thế sắp bị tiêu diệt sẽ bùng phát ý chí cầu sinh. Cảm xúc là một dạng năng lượng trong tinh thần.
Cội nguồn cảm xúc của người
Khổng Tử xưa kia từng dùng âm nhạc để dạy học trò về Lễ. Tiếc rằng thứ nhạc Lễ ấy của Khổng Tử giờ không còn nữa. Giả dụ ngày nay còn được nghe loại nhạc này, hẳn bố cục các âm thanh của nó có thể đem lại cho chúng ta những trải nghiệm sâu sắc về vị thế trung dung của người quân tử trong thiên hạ. |
Ngay từ khi ra đời, bản năng đầu tiên của con người là xác nhận không gian xung quanh thông qua hơi thở, âm thanh, hình ảnh, những tiếp xúc va chạm. Tất cả những tín hiệu cơ bản tạo cơ sở để con người định vị bản thân mình, định vị không gian, và bắt đầu hướng tới một vị thế cân bằng. Và kể từ đó, quá trình này sẽ lại mỗi khi bước vào một không gian mới mẻ bất kỳ.
Cảm xúc của người xuất phát từ vị thế của người đó trong không gian.
Khi đang yên vị mà bất thần bị mất cân bằng, người ta sẽ hụt hẫng và hốt hoảng, thậm chí đau đớn.
Tiếng khóc đầu đời của con người vừa là một bản năng tự vệ – hơi thở đầu tiên của đứa trẻ sau lọt lòng mẹ – cũng đồng thời là phản ứng tự nhiên để tự cân bằng trong tinh thần của một sinh linh.
Khi trong xu hướng dần xa rời vị thế cân bằng, người ta buồn bã, rã rời.
Khi trong xu hướng đạt tới vị thế cân bằng, người ta dễ chịu, vui vẻ.
Khi bất thần cảm thấy mất cân bằng, nhưng nhận thấy mình sẽ lập tức trở về vị thế cân bằng, hoặc bỗng nhận ra mình vẫn đang ở vị thế cân bằng, người ta bật cười nắc nẻ.
Khi bị mất chủ động và lạc từ không gian này sang không gian khác, người ta nôn nao. Giống như cảm giác khi ai đó bước chân vào cửa một phòng họp với bài trình bày hệ trọng trước đám đông mà chưa chuẩn bị đủ lý lẽ.
Cảm xúc của người luôn phản ánh vị thế của người đó trong không gian, dù là không gian hiện hữu có thật hay không gian trong tâm tưởng.
Giải mã bí ẩn của nghệ thuật
Âm nhạc có từ cổ xưa nhưng không ai biết vì sao những âm thanh và giai điệu của chúng lại khuấy động thành cảm xúc. Vì sao âm nhạc dù không lời vẫn có thể khiến người ta mỉm cười hoặc bật khóc?
Bí ẩn ấy vốn thật đơn giản.
Bằng việc sắp xếp bố cục giai điệu âm thanh qua các nốt cao và thấp, tiết tấu nhanh và chậm, các nhạc sỹ đã gieo vào lòng người nghe những vị thế khác nhau của không gian trong tâm tưởng.
Nghe khởi đầu bản giao hưởng số 9 của Beethoven, thính giả cảm thấy choáng ngợp và nôn nao, đó là do âm nhạc của người nghệ sỹ đã tài tình sử dụng độ chênh giữa các nốt, và độ chênh giữa tiết tấu bản nhạc so với nhịp thở thông thường của con người, để lôi tuột chúng ta vào một vị thế chơi vơi trong tâm tưởng.
Sự sắp xếp bố cục các ấn tượng trong không gian một tác phẩm nghệ thuật, dù đó là âm nhạc, hội họa, kiến trúc, văn học, hay điện ảnh, tất thảy đều tạo thành cảm xúc được là nhờ những bố cục ấy gieo vào lòng người thưởng thức những vị thế khác nhau trong không gian. Cùng một câu chuyện, nhưng kể thế nào để người đọc cảm thấy gay cấn, hồi hộp, đó là cái tài của nhà văn sắp xếp luân chuyển các không gian sự vật, và biết cách thắt, mở một cách phù hợp.
Chúng sinh ngụp lặn trong không gian ảo
Đời sống khắc nghiệt luôn có những sức ép. Khi không chịu được sức ép, người ta tìm đến những không gian ảo, nơi có thể dễ dàng hơn trong việc đạt được một vị thế cân bằng. Không gian ảo dễ chịu hơn không gian thật nên chúng sinh, trong đó có con người, đều ngụp lặn trong không gian ảo.
Đâu dễ để phân biệt giữa không gian ảo, không gian thật, khi mà tất cả đều là do những tín hiệu của não bộ tạo thành sự hình dung trong tâm tưởng.
Càng khó hơn khi cái ảo quá phong phú, đa dạng. Một chén rượu, một liều thuốc kích thích, hay đơn giản chỉ là một suy nghĩ bay bổng. Nghệ thuật cũng góp phần đắc lực tạo ra những không gian ảo.
Chiều thời gian và đẳng cấp nghệ thuật
Con người luôn ít nhiều có thiên hướng tìm cái thật, bỏ cái ảo. Mức độ ít nhiều đó tùy thuộc vào khả năng cảm nhận chiều thời gian. Khi cảm thấy rõ rệt sự biến đổi mạnh mẽ của sự vật qua thời gian, người ta nhận ra sự mong manh của những gì giả tạm, và tìm đến những gì bền vững hơn. Thiên hướng ấy trong nhu cầu của con người, dù ít dù nhiều, là cơ sở để phân định đẳng cấp nghệ thuật. Bởi vì, một tác phẩm nghệ thuật đẳng cấp luôn mang đến những rung động phong phú và lâu bền cho người thưởng thức.
Nghệ sỹ bậc thầy
Từ khi đặt nét cọ đầu tiên trên toan trắng, họa sỹ đi tìm cho nó một vị thế, vị trí nhát cọ ở đâu, màu sắc như thế nào, độ đậm nhạt ra sao, là do cảm xúc của người nghệ sỹ và công phu tài năng quyết định.
Người nghệ sỹ bậc thầy cần sở hữu hai phẩm chất. Thứ nhất, người đó đạt đến trình độ “thân kiếm hợp nhất”, tức là có khả năng biểu đạt được xúc cảm một cách tinh tế, chính xác, và trọn vẹn ra tác phẩm. Thứ hai, cảm xúc của người đó đến từ những trải nghiệm sâu sắc qua vô vàn những không gian thật, ảo trong đời sống.
Được như vậy thì trên toan vẽ không chỉ đơn thuần là những nét cọ. Nó là vô vàn những rung động phong phú và phức tạp một cách sống động. Những rung động ấy gieo vào lòng người xem những cảm nhận mới mẻ về bản thân và các không gian của đời sống quanh mình, thậm chí thay đổi hoàn toàn cách nhìn của họ đối với thế giới.
Trong đó, có thể có những rung động mạnh mẽ, âm vang hơn tất thảy, đồng điệu với rung động trong nội tâm của nhiều người thưởng thức trong một thời đại, hay thậm chí nhiều thời đại.
Như vậy, người nghệ sỹ bậc thầy là kẻ cùng ngụp lặn giữa những không gian ảo trong tâm tưởng như mọi chúng sinh linh khác, tạo ra các tác phẩm là những không gian ảo như công việc của mọi nghệ sỹ bậc thầy khác, nhưng tác phẩm của một bậc thầy sẽ luôn thuyết phục được nhiều thế hệ người xem, bằng những luồng rung động vô tận.
(Đón xem phần 2: luận về cội nguồn tôn giáo và khoa học)