Viên cảnh sát thứ ba: Trò chơi ảo giác của triết học 

“Một hành trình là một ảo giác”, đó là câu viết của De Selby, nhà vật lý kiêm triết gia tưởng tượng, người đã hình dung Trái đất có hình dạng một chiếc xúc xích trong The Third Policeman (Viên cảnh sát thứ ba - bản dịch của Nguyễn Thị Thanh Trúc) và The Dalkey Archive của Flann O’Brien - một nhà văn Ireland vĩ đại, “người đàn ông vui tính nhất Dublin”, một cây viết “sáng tạo gần như ngang Joyce và Beckett, nhưng dí dỏm gấp mấy lần”.

Cuốn “Viên cảnh sát thứ ba” (bản dịch của Nguyễn Thị Thanh Trúc), Phanbook và NXB Phụ Nữ ấn hành. Nguồn: Phanbook

Nó có lẽ cũng xác quyết trải nghiệm đọc Viên cảnh sát thứ ba: một hành trình ảo giác. Nhân vật kể truyện xưng “tôi” – người thừa kế một tửu quán, người độc giả say mê của De Selby – bị lôi kéo vào một vụ giết người để cướp hộp tiền. Để rồi, khi anh ta đột nhập vào nhà của người mình giết, anh gặp lại chính ông ta – không nhận ra mình đã chết nhưng cũng không đảm bảo mình còn sống. Một cuộc trò chuyện siêu hình diễn ra, một lần nữa, người kể chuyện không tên lại bị cuốn hút vào việc đi tìm một đồn cảnh sát với những viên cảnh sát đã ở đó hàng trăm năm, với hy vọng tìm ra chiếc hộp đựng tiền đang mất dấu. 

Có một chương trong Viên cảnh sát thứ ba, khi một viên cảnh sát cho “tôi” xem công trình tinh xảo là một chiếc rương đựng một chiếc rương khác y hệt nhưng nhỏ hơn, chiếc rương ấy lại lồng một chiếc rương khác, cứ mãi thế, cho đến những chiếc rương nhỏ nhất cuối cùng — những chiếc rương chưa ai từng nhìn thấy, vô hình. Cấu trúc của chiếc rương ấy đâu đó cũng là cấu trúc của cuốn tiểu thuyết này, “tôi” đi vào một huyễn ảnh, rồi huyễn ảnh ấy lại đẩy “tôi” vào một huyễn ảnh khác, những huyễn ảnh không ngừng nhân bội lên. Người đọc dần rơi vào cái hố thỏ, rơi mãi rơi mãi, nếu như chương đầu tiên là miền thôn quê Ireland không có vẻ gì là giả dối, thì càng rơi vào những chương tiếp theo, độ phi lý càng đậm đặc.

Giống như đối với thế giới Kafka-esque, thế giới O’Brien-esque vừa có vẻ như ám chỉ về tất cả, nhưng đồng thời lại có thể chẳng nói về gì cả. 

Đồn cảnh sát đồ sộ nhưng dường như chỉ có hai chiều, bên trong là những viên cảnh sát khổng lồ trong Viên cảnh sát thứ ba liệu có phải là một sự chọc giễu với hệ thống an ninh và pháp luật? Những cuộc hội thoại hài hước quái đản diễn ra ở chương 4 và chương 6 cuốn tiểu thuyết, khi viên cảnh sát khẳng định rằng biểu hiện tội ác xuống cấp và đê hèn ở vùng này là việc những chiếc ống bơm xe đạp bị mất cắp. Dường như với họ, không có gì đáng lưu ý hơn những vụ trộm xe đạp. Họ nằng nặc phản đối khi người đến báo án thông báo mất chiếc đồng hồ. Phải mất xe đạp chứ! “Đời tôi chưa từng nghe nói có người ăn trộm cái gì khác ngoài xe đẹp khi hắn ta hoàn toàn tỉnh táo cả, trừ ống bơm, vòng kẹp ống quần, đèn và những thứ tương tự. Chẳng nhẽ giờ này cậu bảo với tôi rằng thế giới đang thay đổi ư?”

Những viên cảnh sát với logic ngoan cố không thể hiểu nổi, điều hành một thứ luật pháp cũng khó hiểu không kém, duy trì một trật tự càng khó hiểu hơn, bị đè nén trong những nỗi lo lắng cũng khó hiểu nốt — sợ biến thành chiếc xe đạp, sợ chính mình bị xì lốp từ từ, sợ chiếc xe đạp bỏ trốn mất nên nhốt nó trong phòng biệt giam. Họ đi xuống chốn vĩnh cửu nơi thời gian không trôi qua với nỗi mong muốn râu sẽ không lún phún mọc trên cằm và uống whiskey không bao giờ say. Cảnh sát trong cuốn tiểu thuyết của Flann O’Brien là một sự tồn tại quái đản, và bất chấp sự vô nghĩa trong những lý lẽ họ bày ra, nhân vật “tôi” không khỏi bị cuốn vào câu chuyện của họ, cho họ ngự trị tâm trí mình và cuối cùng là khuất phục trước “tính chất cảnh sát rõ mồn một” của họ.

Giống như đối với thế giới Kafka-esque, thế giới O’Brien-esque vừa có vẻ như ám chỉ về tất cả, nhưng đồng thời lại có thể chẳng nói về gì cả. 

Mặc dù thế, sẽ là nực cười nếu cho rằng đó chỉ là các hình tượng mang ý nghĩa châm chọc xã hội. Flann O’Brien đã thổi phồng những nhân vật này vào những bong bóng hư không, những hình dạng vô định, biến những gì ông viết nhiều khi không thể hình dung bằng hình ảnh mà chỉ tồn tại như một trò chơi ngôn từ: như cái mũi mác với sự sắc nhọn chạy vào bên trong, hay những chiếc áo bào chuyển màu đen tuyền vào ngày chủ nhân của nó qua đời, hay những vật thể không có những đặc tính cơ bản của mọi vật thể trên đời – không trắng cũng chẳng đen hay có màu gì, không tròn cũng chẳng vuông hay méo,  một chiếc hộp chứa đầy tiếng ồn của thế gian. Ở trung tâm văn bản của O’Brien là một trò đùa mang tính bản thể, một trò chơi lượng tử ngôn từ không thể nắm bắt hay diễn dịch. Nỗ lực giải đáp ý nghĩa của nó chỉ khiến ta sập vào cái bẫy lớn hơn của mê cung trò đùa.

Có người so sánh thế giới mà Flann O’Brien sáng tạo ra có điểm tương đồng với cõi địa ngục của Jean Paul Sartre trong vở Huis Clois (Không lối thoát). Ba người nghĩ rằng mình sắp bị đày vào địa ngục, cuối cùng lại thấy mình đứng trong một căn phòng trống, chẳng có kẻ tra tấn nào cả, tự họ tra tấn lẫn nhau. Sau rốt có vẻ như hành trình của “tôi” cũng là hành trình trôi nổi trong địa ngục, bởi ở chương cuối người tòng phạm giết người của anh ta tiết lộ rằng anh ta đã chết ngay từ chương mở đầu. Hành trình của anh ta không giống với ảo giác mà chính là một ảo giác.

Nhưng “chết” dường như cũng là từ không rõ nghĩa trong tác phẩm của O’Brien. Hơn một lần vị tiểu thuyết gia bày trò với ngữ nghĩa của cái chết, khi thì để một viên cảnh sát tuyên bố với phạm nhân rằng “chúng tôi có thể bắt cậu và treo cổ cậu mà cậu vẫn không hề bị treo cổ […] cái chết chỉ là một cảnh trừu tượng mất vệ sinh ở sân sau mà thôi”, khi thì một kẻ đã bị đập vỡ mặt bằng cái thuổng vẫn hiện ra trong ngôi nhà của mình, không nhận rằng đã chết, mà chỉ so sánh tuổi đời với số áo bào mà ta choàng lên người, và nhiều lần khác nữa. 

Cuốn sách của Flann O’Brien một mặt giống như một văn bản triết học không thể công phá, với những suy tư về tương quan giữa vũ trụ và vận vật, sự vĩnh cửu, tính liên tục trá hình của sự sống, thuyết nguyên tử cấu thành con người và những món vật quay quanh nó, bản chất của sự tồn tại và cái chết. Nhưng mặt khác, nó giống như một sự trêu đùa không hơn không kém. Hai mặt ấy không trái ngược nhau. Đúng hơn, trò đùa chính là thứ nghiêm túc nhất trong vũ trụ. Trò đùa là công cụ duy nhất để có thể trình bày được tính phức tạp của thế giới này. Trò đùa là điều gây kinh sợ nhất.

Được sáng tác vào khoảng năm 1939-1940, nhưng khi cuốn tiểu thuyết này được Flann O’Brien gửi tới nhà xuất bản nơi đã cho in At Swim-Two-Birds, tiểu thuyết đầu tay của ông theo lời đề xuất từ Graham Greene, nó đã bị từ chối thẳng thừng. Lý do có thể là vì At Swim-Two-Birds là một thất bại xuất bản, chỉ bán được 240 bản duy nhất trước khi nhà xuất bản Longman ở London bị một trận bom trong Thế Chiến II tàn phá, thiêu cháy toàn bộ số bản in còn lại, dù không rõ nếu không có sự kiện ấy thì cuốn sách có thể bán chạy hơn không. 

Có lẽ điều đó không gây phiền lòng mấy cho Flann O’Brien, vì sau đó ông cũng không nỗ lực để phát hành cuốn sách thêm nữa, nói với bạn bè rằng nó đã bị gió thổi bay từng trang một trong khi vẫn lưu giữ nó tại nhà. Trong bài viết mang tên My Hero (Người hùng của tôi) do nhà văn Ireland từng đoạt giải Booker là John Banville viết để tưởng nhớ O’Brien, có đoạn: 

“Đất nước Ireland yêu, hoặc vờ như yêu, những người hùng văn học của mình, đến mức chúng tôi đưa những câu trích dẫn của Ulysses lên những bảng đồng nhỏ và đóng đinh chúng trên vỉa hè để khách du lịch cũng như người dân Dublin bước qua, chúng tôi đặt cho pháo hạm cái tên của người Ireland mến chuộng hòa bình nhất —, Samuel Beckett, trong khi Oscar Wilde được thể hiện bằng một bức tượng gớm ghiếc nằm ngả ngốn trên một tảng đá phía sau hàng rào đối diện nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Dễ dàng đoán ra phản ứng của Flann O’Brien, hay Myles na Gopaleen, hay Cruiskeen Lawn1 (tiếng Ireland có nghĩa là “cái ly đầy”) hay Brian O’Nolan – ít nhiều là tên thật của ông – đối với trò đãi bôi hào hứng mà chúng ta dành cho những nhà văn quá cố của mình (ông mất cách đây 50 năm vào ngày 1 tháng 4): một cái nhún vai mỉa mai, rồi quay ngoắt về phía quầy bar để gọi một ly bia lúa mạch khác.”

Flann O’Brien không cần những tràng pháo tay hoan hô từ người đọc. Cách ông chiến đấu cho quyền sống của bản thảo mình viết ra chẳng giống như cách nhân vật tôi chống lại án tử cho mình: “Tôi sẽ kháng cự và kháng cự đến chết và đấu tranh cho sự sống của mình ngay cả nếu tôi mất mạng để làm điều đó.” Flann O’Brien không kháng cự quyết liệt cho cuốn sách. Ông bằng lòng để nó nằm gọn trong chiếc tủ đựng đồ trong phòng ăn của mình. Cuối cùng thì cuốn sách cũng ra đời, một năm sau khi ông chết. Cuốn sách về một người chết có lẽ cũng chỉ có thể được in khi tác giả của nó không còn. Những năm 2000, riêng ở Mỹ cuốn sách bán hết 15.000 bản trong ba tuần nhờ xuất hiện trong một chương trình truyền hình được yêu thích. Một số phận kỳ lạ. Cả hành trình của cuốn sách này hình như cũng là một ảo giác. □

—–

1 Các bút danh khác của Flann O’Brien.

Tác giả

(Visited 27 times, 1 visits today)