Vienna Philharmonic và hòa nhạc Chào năm mới
Kể từ năm 1939 đến nay, Vienna Philharmonic – một trong những dàn nhạc hàng đầu thế giới, luôn duy trì việc tổ chức buổi hòa nhạc truyền thống Chào năm mới (New Year’s Concert) vào ngày 1/1 hằng năm. Năm nay, khi bước qua tuổi 175, Vienna Philharmonic còn mở rộng hơn nữa phạm vi ảnh hưởng của mình: buổi hòa nhạc “bước ra” khỏi thính phòng lộng lẫy Golden Hall trong nhà hát Musikverein để đến với khoảng 50 triệu khán giả ở 90 quốc gia trên khắp thế giới.
Buổi hòa nhạc Chào năm mới 2018 của Vienna Philharmonic do nhạc trưởng Ricardo Muti chỉ huy.
Thật khó hình dung về lịch sử của buổi hòa nhạc Chào năm mới, một trong những sự kiện âm nhạc cổ điển được chờ đón bậc nhất thế giới, lại được hình thành trong giai đoạn đen tối của Vienna Philharmonic, khi phát xít nắm quyền ở Áo, và chỉ phục vụ cho một số người. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, nó đã thuộc về tất cả những người yêu âm nhạc cổ điển. Thậm chí, nhiều dàn nhạc ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng “học tập” Vienna Philharmonic tổ chức những buổi hòa nhạc tương tự, ví dụ năm nay Vancouver Symphony Orchestra, dàn nhạc giao hưởng lớn thứ ba Canada, đã mời nhạc trưởng Christoph Campestrini của Vienna Philharmonic, Vienna Boys Choir, Vienna State Opera tới dàn dựng “Salute to Vienna New Year’s Concert” cũng vào ngày 1/1/2018 với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ opera châu Âu và đoàn ballet Kiev (Ukraine).
Cựu giám đốc truyền thông của Hiệp hội Phát thanh Truyền hình châu Âu (European Broadcasting Union EBU), bà Annika Nyberg Frankenhauser đã miêu tả sức lôi cuốn của hòa nhạc Chào năm mới như “một buổi hòa nhạc với chương trình biểu diễn vừa tràn trề sinh lực, vừa phảng phất tinh thần hoài cổ. Nó đem lại cho mỗi người cơ hội nhìn lại một năm đã qua và bước vào năm mới với động lực mới”.
Điệu waltz Vienna truyền thống
Auguste Graf de La Garde (1783-1853), chính trị gia và người tham gia tổ chức Đại hội Vienna1 đã từng viết: “Người ta khó có thể chống lại sức hút của điệu waltz. Từ những ô nhịp đầu tiên, khuôn mặt của mọi người đã hớn hở, những cặp mắt long lanh, tất thảy đều bị cuốn theo niềm vui sướng [mà âm nhạc đem đến]”.
Waltz đi vào tâm điểm của đời sống văn hóa Vienna vào giữa thế kỷ 18 với những đóng góp của gia đình Strauss. Tình yêu dành cho waltz của họ được thắp lên bởi Johann Strauss I – người được nhà soạn nhạc Đức Richard Wagner miêu tả là “đầy chất nhạc bậc nhất châu Âu”, còn Strauss II, người được cho là ngôi sao nhạc pop đầu tiên trong lịch sử âm nhạc, đã lưu diễn khắp lục địa già với những điệu nhảy được viết cho dàn nhạc và sáng tạo ra những giai điệu khiến người ta nhớ mãi, như tác phẩm waltz “Danube xanh” (Blue Danube). Sự nổi tiếng của điệu waltz này lúc đó cũng khiến một nhà soạn nhạc Đức khác là Johannes Brahms, người cùng thời với Strauss II, phải thốt lên: “Thật đáng tiếc, tôi không phải là người sáng tác nó”. Có lẽ vì thế, trong buổi hòa nhạc Chào năm mới hằng năm, người ta vẫn thấy các bản waltz của nhà Strauss vang lên tại Golden Hall.
Bí mật thành công của Vienna Philharmonic
Dàn nhạc Vienna Phiharmonic cũng có quá khứ đáng tự hào, gắn liền với tên tuổi những nhà soạn nhạc lẫy lừng trong quá khứ. Từ cuối thế kỷ 18, khi Wolfgang Amadeus Mozart và dàn nhạc Vienna Court Theater cùng biểu diễn sáu buổi hòa nhạc (năm 1785). Ludwig van Beethoven cũng từng cho ra mắt bản giao hưởng số 1 của ông với dàn nhạc này vào ngày 2/4/1800. Và ngày 24/5/1824, dàn nhạc mang tên Gesellschaft der Musikfreunde (Tổ chức Những người bạn của âm nhạc) và dàn nhạc cung đình Vienna đã cùng hợp nhất cho buổi công diễn đầu tiên của bản giao hưởng số 9. Tuy nhiên, phải sau nhiều thăng trầm, với nỗ lực của nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng Otto Nikolai, các nghệ sỹ mới được tập hợp trong một tổ chức hoàn chỉnh như Vienna Phiharmonic mà ta biết đến ngày nay. Ngay từ ngày đầu trở thành nhạc trưởng, Otto Nikolai đã thực hiện những nguyên tắc bất di bất dịch mà ông lấy ý tưởng từ những người tiền nhiệm, và cho đến ngày nay vẫn còn được áp dụng: chỉ có nhạc công chơi cho Viena State opera orchestra (nguyên là dàn nhạc opera cung đình) mới có thể trở thành thành viên của Vienna Phiharmonic; dàn nhạc tự chủ về nghệ thuật, tổ chức và tài chính, và tất cả các quyết định đều được thông qua trên cơ sở dân chủ trong phiên họp toàn thể với sự tham gia của các thành viên; việc quản lý do một ủy ban điều hành được bầu chọn một cách dân chủ đảm trách.
Trong hơn 170 năm tồn tại, Vienna Philharmonic đã tổ chức hơn 7.000 buổi hòa nhạc, nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng đã hợp tác với nó và họ đều dành những lời ca ngợi: Richard Wagner coi dàn nhạc này là “một trong những dàn nhạc xuất sắc nhất thế giới”, Anton Bruckner gọi là “tổ chức nghệ thuật đỉnh cao của âm nhạc”, Johannes Brahms gọi Vienna Philharmonic là “người bạn và người bảo vệ của tôi”, Gustav Mahler thì cảm thấy sự ràng buộc với dàn nhạc “thông qua mối gắn kết nghệ thuật”. Còn Richard Strauss thì tán dương bằng một câu nói hay được trích dẫn khi nói về dàn nhạc này: “Ngợi ca Vienna Philharmonic khác nào mang các cây đàn violin tới Vienna”.
Thời kỳ đen tối của dàn nhạc
Sau sự sáp nhập của Áo vào nước Đức Quốc xã năm 1938, nhà cầm quyền đã hủy bỏ cấu trúc tự trị của dàn nhạc và chỉ đến khi nhạc trưởng Wilhelm Furtwängler can thiệp thì tình thế mới được đảo ngược. Thật khó để cho rằng đây là kỷ nguyên vàng của dàn nhạc bởi tất cả các nhạc công Do Thái đều bị sa thải, năm người chết trong các trại tập trung, hai người chết trong cuộc thanh trừng ở Vienna, chín người phải trốn ra nước ngoài, 11 người kết hôn với người Do Thái hoặc bị coi là có “một nửa dòng máu Do Thái” sống trong nỗi lo sợ bị mất đi “quyền đặc biệt”. Thậm chí mọi việc còn tồi tệ hơn, vào năm 1942, 60 trong số 123 thành viên năng nổ nhất của Vienna Philharmonic gia nhập Đức Quốc xã, chiếm tỷ lệ khá cao so với các tổ chức âm nhạc khác thời bấy giờ.
Nhắc đến giai đoạn lịch sử gắn liền với di sản phát xít này của nước Áo, nhà lịch sử Thụy Sỹ Fritz Trümpi nói với hãng thông tấn DW, “Áp lực công khai về quá khứ đen tối của dàn nhạc trở nên mạnh tới mức [họ] buộc phải mở cửa các kho lưu trữ của mình”. Một bản tổng kết đầy đủ về thời kỳ này, trong đó có cả những nguồn tư liệu gốc cùng những câu chuyện về hầu hết các thành viên, đã được công khai trên trang web của dàn nhạc kể từ năm 2013.
Bước vào thời kỳ hiện đại
Những câu chuyện trong quá khứ đã ảnh hưởng không nhỏ đến giai đoạn vàng son hậu chiến tranh của dàn nhạc. Tuy nhiên cũng như những đồng nghiệp Đức, họ biết cách vượt qua khó khăn và tiếp tục làm việc với những nhạc trưởng hàng đầu thế giới: Herbert von Karajan và sau đó là Leonard Bernstein, người sẽ trở thành thành viên danh dự của dàn nhạc. Vienna Philharmonic trình diễn tại Festival Salzburg hằng năm, kể từ năm 1922, và chương trình “Vienna Philharmonic Weeks” được tổ chức tại New York, Nhật Bản, lần lượt kể từ năm 1989 và 1993.
Cùng với chương trình hòa nhạc Chào năm mới, vào năm 2004, Vienna Philharmonic còn thiết lập một “thương hiệu” tương tự, đó là chương trình hòa nhạc Đêm mùa hè Schönbrunn (Summer Night Concert Schönbrunn) tại công viên Schönbrünn để chúc mừng sự mở rộng ra phía Đông của Liên minh châu Âu. Được tổ chức ngoài trời, buổi hòa nhạc này thu hút 100.000 khán giả theo dõi trực tiếp và phát sóng tới hơn 80 quốc gia trên thế giới, không quá thua kém về mức độ phủ sóng so với hòa nhạc Chào năm mới. “Buổi hòa nhạc này không thu hút khán giả như theo cách các buổi hòa nhạc cổ điển thông thường khác. Do hòa nhạc Chào năm mới chỉ dành cho một lượng khán giả nhất định, giá vé thì rất đắt đỏ nên với buổi hòa nhạc này, chúng tôi cố gắng làm theo hướng ngược lại”, Andreas Grossbauer, chủ tịch điều hành kiêm nghệ sỹ violin thứ nhất của dàn nhạc cho biết.
Năm 2005, các nghệ sỹ của dàn nhạc được mang danh hiệu “Đại sứ thiện chí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)”. Năm 2014, thậm chí dàn nhạc còn được đón nhận hai phần thưởng lớn: Birgit Nilsson Prize – giải thưởng mang tên nữ nghệ sỹ soprano huyền thoại người Thụy Điển trị giá 1 triệu đô la, cao nhất trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển được trao ba năm một lần cho những thành tựu xuất sắc và những đóng góp lớn của các nghệ sỹ âm nhạc, các tổ chức âm nhạc cổ điển; giải Herbert von Karajan – giải thưởng được trao tại gala concert ở Baden-Baden vào tháng 12 hằng năm, kể từ năm 2003, trị giá 50.000 euro, dành cho những nghệ sỹ và tổ chức âm nhạc cổ điển xuất sắc. Cùng với Berlin Philharmonic vào năm 2004, Vienna Philharmonic là tổ chức âm nhạc thứ hai vinh dự nhận phần thưởng này.
Anh Vũ tổng hợp từ DW, NYT, Vienna Philharmonic, Japan Times, Hollywoodsoapbox
—-
1.Hội nghị Vienna (Wiener Kongress) là một phiên họp với sự tham gia của các đại sứ châu Âu do chính khách Áo, Klemens von Metternich chủ trì, và diễn ra tại Vienna từ 11/1814 đến tháng 6/1815 để thiết lập nền hòa bình lâu dài trở lại cho châu Âu bằng việc giải quyết những vấn đề của những cuộc chiến tranh Pháp (1792 – 1802) và các cuộc chiến tranh của Napoleon(1803–1815).