“Viết bởi Phu nhân Bach”?

Martin Jarvis, giáo sư âm nhạc người Wales hiện đang giảng dạy tại ĐH Charles Darwin, Úc, vừa đưa ra một số bằng chứng cho rằng người vợ thứ hai của Bach, Anna Magdalena, mới chính là tác giả thực sự của một số tác phẩm lớn của ông, bao gồm cả bộ tác phẩm Cello Suites kinh điển.  

GS. Jarvis từng công bố giả thuyết của mình lần đầu tiên vào năm 2006 trong cuốn sách “Viết bởi Phu nhân Bach” (Written by Mrs Bach), và từ đó đến nay, ông đi thu thập chứng cứ, nghiên cứu tỉ mẩn các bản thảo và bản viết tay các tác phẩm của Bach. Cùng với Heidi Harralson, một nhà khoa học pháp y người Mỹ, GS. Jarvis đã phân tích từ loại mực dùng cho đến chữ viết tay, chữ ký v.v. trên bản thảo các tác phẩm nổi tiếng của Bach để chứng minh rằng Anna Magdalena không chỉ giúp Bach ghi chép các sáng tác của mình mà còn đóng góp nhiều hơn thế.

Anna Magdalena Bach – vợ thứ hai của Johann Sebastian Bach, sinh năm 1701 và là một giọng ca soprano tài năng. Năm 1721, ở tuổi 20, bà bỏ dở sự nghiệp ca hát để kết hôn với Bach – hơn bà 17 tuổi, và sau đó sinh cho ông 13 người con, trong đó chỉ có sáu người sống sót đến tuổi trưởng thành. Anna Magdalena chắc chắn có ảnh hưởng đến sự nghiệp âm nhạc thời kỳ sau của Bach, bởi bà chính là người chép nhạc cho ông [các nhạc sỹ thời xưa thường cần một người chuyên sao chép những bản thảo mà họ viết vội trong lúc sáng tác thành một phiên bản chỉnh tề để có thể lưu và xuất bản]. Nhà âm nhạc học Yo Tomita từng chỉ ra rằng, trong một số bản thảo, chữ viết của hai vợ chồng Bach trộn lẫn, xen kẽ nhau, chứng tỏ họ chắc chắn đã phải thảo luận và cùng viết ra những bản nhạc này.

Tuy vậy, không hề có bằng chứng nào cho thấy Anna Magdalena đã tự sáng tác nhạc hay biết chơi một loại nhạc cụ dây nào cả. Vậy thì dựa vào đâu mà GS. Jarvis lại tin rằng bà có thể viết toàn bộ tác phẩm Cello Suites nổi tiếng?

GS. Jarvis cho biết, ngay từ hồi học chơi tác phẩm này khi còn trẻ, ông đã có một cảm nhận đeo đẳng rằng âm nhạc này có nét gì đó riêng biệt, không giống những tác phẩm khác của Bach. Sau này, ông phát hiện ra một dòng chữ ở góc phía dưới bên phải trên trang tiêu đề của bản thảo tập suites mà Anna Magdalena sao chép – một trong hai bản thảo nguyên gốc chính của tập Cello Suites được sử dụng cho đến ngày nay. Dòng chữ viết “Ecrite par Madame Bachen, Son Epouse,” dịch nguyên văn là “Viết bởi Bà Bach, vợ của ông”. Đây chính là khởi nguồn cho công cuộc tìm tòi, nghiên cứu của GS. Jarvis, mặc dù sau đó, dòng chữ này được phát hiện có ý nghĩa chỉ người chép nhạc chứ không phải viết.

Sau khi nghiên cứu tỉ mỉ chữ viết trong một số bản thảo của Bach, GS. Jarvis và Harralson thấy rằng, một số tác phẩm do Anna Magdalena sao chép không có dấu hiệu phong cách chữ viết của một người đang sao chép lại: chữ viết không đủ “thận trọng” và “nặng” mà trái lại, nó là kiểu chữ viết láu và không chắc chắn của một người vừa nghĩ vừa sáng tác trong lúc viết. Các bản thảo cũng có rất nhiều chỗ được tẩy xoá, sửa chữa, cho thấy có vẻ như Anna vừa sáng tác vừa ghi lại chứ không chỉ sao chép đơn thuần. Họ kết luận rằng chính Anna Magdalena mới là tác giả thực sự của một số tác phẩm nổi tiếng của Bach, bao gồm bộ tác phẩm Cello Suites, điệu hát (aria) trong Khúc biến tấu Goldberg (Goldberg Variations), và thậm chí cả bản prelude đầu tiên trong Bình quân luật tập I (Well-tempered Clavier: Book I) nữa.

Toàn bộ nghiên cứu này được trình bày trong bộ phim tài liệu cùng tên “Viết bởi Phu nhân Bach”, với sự góp mặt của nhà soạn nhạc người Anh Sally Beamish trong vai người dẫn chuyện. Ra mắt vào cuối năm 2014, bộ phim được miêu tả là “thuyết phục, vừa là câu chuyện tình yêu, vừa là câu chuyện trinh thám về một bí ẩn 300 năm tuổi”.

Vẫn chỉ là giả thuyết

Đây thực sự là một hé lộ đáng kinh ngạc, nhưng liệu sự thật có như vậy không?

Chỉ dựa vào phân tích đặc điểm phong cách của chữ viết tay thì có vẻ không mấy vững chắc để kết luận rằng một số tác phẩm quen thuộc nhất của Bach không phải do ông viết. Chúng ta cần những bằng chứng rõ ràng và thuyết phục hơn, mà điều này thì không dễ tìm chút nào.

Ta biết Anna Magdalena chơi đàn harpsichord, bằng chứng rõ ràng nhất là Bach đã viết một chùm tác phẩm dễ chơi nổi tiếng mang tên “Cuốn sổ nhỏ” (“Little Notebook”), dành riêng cho Anna Magdalena. Ta cũng biết bà rất am hiểu về âm nhạc, bởi bà chính là người chép nhạc cho Bach. Nhưng không hề có dấu hiệu nào trong những tài liệu còn lưu lại về gia đình nhà Bach cho thấy khả năng Anna Magdalena đã từng sáng tác nhạc. Nhiều người cũng hồ nghi rằng, với vai trò phải quán xuyến và lo toan cho một gia đình lớn, bà lấy đâu thời gian để viết nhạc. Hơn nữa, vào thời bấy giờ, định kiến về phụ nữ vẫn còn rất nặng nề. Xã hội không tin rằng phụ nữ có thể làm những công việc đòi hỏi tính sáng tạo.

Tuy vậy, nhà phê bình Ivan Hewett của tờ Telegraph cho rằng cũng có một cách khác để lý giải những chứng cứ mà GS. Jarvis đưa ra. Vào thời kỳ bấy giờ, sự tách biệt giữa biểu diễn, chơi nhạc ngẫu hứng, và sáng tác không quá rõ rệt. Việc sáng tác thường phát triển tự nhiên từ chơi nhạc ngẫu hứng, và việc chơi nhạc ngẫu hứng là một bài luyện tập thường xuyên của bất cứ nhạc công nào. Vì vậy, trong những lúc rảnh rỗi, có thời gian để chơi nhạc, Anna Magdalena có thể đã ngẫu hứng sáng tác một số bài và thậm chí là ghi chép lại. Lý do mà không ai trong gia đình hay bạn bè bà đề cập đến việc này là bởi việc sáng tác được coi là không phù hợp với phụ nữ. Là một người phụ nữ Leipzig được giáo dục theo kiểu truyền thống, bản thân Anna Magdalena chắc cũng không muốn đi ngược lại quy tắc của xã hội bấy giờ. Các nhà sử học cũng thừa nhận rằng, vào thời xưa, các nhà viết văn hoặc soạn nhạc nữ thường lấy tên người thân là nam giới làm nghệ danh cho mình. Nhưng tất nhiên, đây cũng chỉ là một phỏng đoán.

Nếu như giả thuyết này chỉ cho rằng vài ba bản nhạc của Bach là do vợ ông viết thì có lẽ dư luận đã không lấy làm ngạc nhiên. Nhưng điều gây xôn xao dư luận và tạo ra phản ứng mạnh mẽ từ giới nhạc cổ điển là ý tưởng cho rằng người vợ thứ hai của Bach không những là một nhà soạn nhạc tài năng không kém ông mà còn sáng tạo ra được thứ âm nhạc “tinh khiết, cao siêu” mà xưa nay chỉ được gắn với cái tên Bach.

Với bộ phim tài liệu và những bằng chứng trong đó, GS. Jarvis tuyên bố ông muốn lật đổ tư duy trọng nam khinh nữ cố hữu trong nền nhạc cổ điển xưa nay vẫn thường chỉ công nhận các nhà soạn nhạc nam giới.

Tuy vẫn chưa tìm ra được lời giải cho bí ẩn này, nhiều nhà bình luận cho rằng, dù đúng hay không, giả thuyết này của GS. Jarvis đã đặt ra nhiều câu hỏi quan trọng về vai trò và vị trí của các nhà soạn nhạc nữ trong lịch sử, và có ý nghĩa lớn trong việc khích lệ các tác giả nữ trẻ ngày nay theo đuổi sự nghiệp sáng tác.

Khánh Minh tổng hợp

 

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)