Viết – một tưởng tượng về bản sắc (Tiếp theo và hết)

Với một cá nhân, viết, và kết quả của sự viết, là các tác phẩm, phải chăng chỉ là một cuộc đi vô định tạo ra những phiên bản tưởng tượng bất tận về bản sắc?

Tôi có một lưỡng lự: những sự phơi bày, thường được nói là “theo tiếng gọi của bản thân” trong văn chương, khá phổ biến khi một người bắt đầu cầm bút, là xuất phát từ nhu cầu/mục đích tìm kiếm sự thật về bản thân, hay là nhu cầu/mục đích tự xóa bỏ? Những câu hỏi được đặt ra là để trả lời hay chỉ đơn giản là để tẩy xóa dần đi chính những câu hỏi đó, xóa dần đi nhu cầu phải trả lời? Trong những trường hợp cụ thể, khi kí ức trở nên một gánh nặng, thì sự xóa bỏ đôi khi có vẻ thật sự cần kíp. Cách thức xóa bỏ mình hay nhất phải chăng là viết đến cạn kiệt về nó? Có một thời gian dài, tôi rơi vào khoảng trống rỗng, không thể viết, cũng như mất khả năng cảm nhận. Trạng thái này tất nhiên đã nhiều lần xảy ra, và tôi biết sẽ còn phải đối mặt với nó nhiều. Tôi cũng sợ hãi việc trình ra những bài thơ mới, vì cảm giác về sự vô nghĩa. Tôi nhận được một gợi ý: tôi đang viết để làm ra từng bài thơ, hay để hướng tới một cách nghĩ/làm khác về thơ? Nhưng ý hướng đưa ra một cách làm thơ khác, một quan niệm khác về thơ có thể được thực hóa không, nếu không qua từng bài thơ? Một cách an ủi cho cảm giác thất bại của mình, hay là bảo vệ cho ảo tưởng của mình về tiềm năng sáng tạo, tôi đã thấm thía, trong một phát biểu gần đây: “Bài thơ vừa ráo bàn phím sẽ luôn là bài thơ hay nhất, với tôi, vì nó nằm giữa một quá khứ đang trôi tuột đi vào hư rỗng và cái khoảnh khắc hiện tại ngắn ngủi mà người viết còn đang cảm thấy. Ngoài giây phút ấy là sự chết”. Những quan niệm, cách nói về phản thơ, phi thơ, hay thậm chí trạng thái không còn thơ nữa, chẳng có gì mới mẻ. Nhưng đó là cảm giác khi tôi viết xong bài thơ này, không phải là một giây phút tự mãn, mà là giây phút tôi tìm thấy sự yên ủi tuyệt vọng trong một cơn say nôn nao mà tôi chỉ còn nếm trải được hương vị tỏa lan của nó:

dù chúng mình đều biết rồi những từ ngữ ấy cũng bồng bềnh rã đám và bay đi không
báo trước

dù chúng mình ai cũng tan hoang những chữ nói ra nụ hôn đã hôn mối giao cảm đã vỡ
tan kho báu đã mất mọi bài thơ đã ra đời

chỉ là phác thảo của chiều tà đang tan rữa, bạo liệt và nhẫn nại
cơn say này của cô ấy
chúng mình đã quan sát thấy nhiều lần…
mỗi giây phút màu sắc âm u của buổi chiều nơi góc phố ấy xuống thấp dần và nỗi buồn co rút lại
vào sâu hơn
chẳng để làm gì, ngoài việc nó lại xuyên thấu vào sâu hơn nữa, và lại vào sâu hơn nữa
những lớp đất trần và thẫm nâu
để tới nơi không gì nữa

Nhu cầu tự xóa bỏ này, với tôi càng ngày càng mạnh mẽ, cần kíp, và sự thiết yếu hết sức cá nhân đó đòi hỏi nơi tôi một sự kiên nhẫn cần thiết trong việc viết.

Nhưng tôi còn một câu hỏi khác cho mình: đã đến lúc cần/phải nói về một thế hệ mới trong văn chương Việt hôm nay? Từ “new generation” dẫu sao cũng có một cái gì kích thích, ngay trong vẻ khái quát hời hợt có màu sắc quảng cáo của nó, như trong cách xây dựng thương hiệu của Pepsi với slogan “sự lựa chọn của thế hệ mới”. Mỗi thế hệ đều có thể bắt đầu bằng một ảo tưởng khổng lồ về cái mới, về sự khác biệt hoàn toàn, và lớn dần lên với sự nhận ra tình thế ảo tưởng ấy. Thực sự tôi cảm thấy có một nhu cầu mới của văn chương, nhu cầu của những người viết mới và nhu cầu của những người đọc, chúng ta vẫn nói với nhau như vậy. Nếu tính gọn gàng10 năm cho một thế hệ, thì từ sau 1975, thời điểm kết thúc chiến tranh ở Việt Nam và hai miền Nam Bắc chung một thể chế, đến nay tôi thuộc vào thế hệ thứ tư, xuất hiện sau những năm 2005. Không có một đường phân giới thực sự nào giữa các thế hệ, nhưng mối quan tâm về các chủ đề viết tất nhiên là khác nhau. Không muốn bị ám ảnh bởi chiến tranh, không kì vọng hay thất vọng vào cơ chế, nỗ lực tìm kiếm bút pháp trong sự tiếp nhận văn chương thế giới để tìm một con đường nhỏ trong một thế giới đang phân rã đòi hỏi mỗi người viết ở Việt Nam dường như phải luôn trau dồi và nỗ lực gấp nhiều lần với một sự đeo đuổi kiên nhẫn. Tôi chưa biết/chưa có những hình dung rõ rệt nào về thế hệ của mình. Tôi nghĩ, nếu có thể nói tới một “bản sắc” của thế hệ, của nhóm, của cộng đồng, thì đó cũng phải là sự kết nối của những cuộc đi tìm hoàn toàn cá nhân. Nhưng đó không phải là sự rút lui vào cái cá nhân chủ nghĩa, cái hư vô, hay là một sự từ chối tham dự trong cộng đồng.

Trong mối quan hệ với cộng đồng, với thời đại, có lẽ một người viết sẽ trải nghiệm các biến cố xã hội, cũng như các trào lưu, xu hướng theo lựa chọn mà chỉ cá nhân họ biết được các giới hạn và ưu thế của nó. Tôi không muốn hình dung xa hơn, rằng trong mười năm tới, thế hệ của chúng tôi sẽ lại tiếp tục nói về mình như những thế hệ mất mát và đổ vỡ, thất vọng. Dẫu rằng, bây giờ có nói về sự khởi đầu, thì cũng là một sự khởi đầu trôi nổi, của một thế hệ trôi nổi, trong bối cảnh không còn các diễn đàn chung, không còn niềm kì vọng vào “lý tưởng”, không còn các mẫu anh hùng, trong cơn lốc của thị trường và toàn cầu hóa, và sự bất tín sâu sắc vào chính ý nghĩa của tồn tại.

***

Một câu hỏi nữa được đặt ra, có phải sự tìm kiếm bút pháp là cái tách rời với nỗ lực tra vấn về bản sắc? Chủ nghĩa siêu thực, nếu không nhìn ở sự hình thành nó như một phản ứng mang tính chất chính trị trong bối cảnh phương Tây hậu chiến, mà như sự còn lại của một bút pháp, một tinh thần, một cách nhìn với hiện thực, thì sức khơi mở của nó vẫn đáng kể, dù người ta nói đâu đó nó đã hết vai trò và kiểu văn chương hiện thực thần kì đã lỗi mốt. Tôi vẫn còn tìm được ở Dalí, ở Frida Kahlo, ở Marx Ernst, ở Réne Magritte, ở văn chương “phi thực” của Kafka, G.Market, Borges, hay ở Kinh Phật, ở huyền thoại Ấn Độ, ở Lão Trang những tiềm năng tương thông với các thế giới, các thế giới con người và thế giới tạo vật. Một câu hỏi có vẻ lỗi thời rằng, điều gì đáng bận tâm hơn với một người viết, sự học tập các thao tác, chẳng hạn lối viết tự động, sự lắp ghép những hình dung, những tưởng tượng phi lí, quái đản của chủ nghĩa siêu thực hay là nghe nhìn và va chạm, khơi lại những nguồn từ tâm cảm mình? Thực tế, sự kiếm tìm các giấc mơ, viết lại các giấc mơ hay khai thác nó như một nguồn cảm hứng, một nguồn chất liệu, với tôi vừa là một khởi phát từ nhu cầu nội tâm, vừa là một cách “học” về bút pháp. Đôi khi tôi viết bằng cách chép lại nguyên vẹn một giấc mơ, đôi khi tôi viết từ nỗi ám ảnh về nó, đôi khi là một sự suy tư vượt xa hơn nó, đôi khi tôi chỉ giữ lấy sự đứt đoạn của nó. Sự quan tâm đặc biệt của cá nhân tôi với những người đã khuất, những kỉ niệm tưởng đã lùi xa, những kí ức chen nhau sống tới tức thở trong da thịt,… tất nhiên, là một mối quan tâm riêng lẻ của cá nhân, nhưng cũng là cách giao tiếp với tạo vật mà từ đó, tôi tìm được sự thông cảm, tìm được lý giải cho tồn tại của cá thể giữa cộng đồng. Chủ đề kí ức, những biến dạng xa lạ trong nội giới trong tác phẩm của tôi có lẽ đã xuất phát từ cảm giác về một bản sắc gốc bị thời gian ăn mòn, bị che phủ, tưởng chừng đã hoàn toàn biến mất. Khơi lại thế giới tưởng đã biến mất ấy, tìm kiếm cái xa lạ trở thành một nguồn sống của tôi, thành một dạng thức như thể một tình yêu trong mơ tưởng, trong kìm nén, trong nín lặng, trong chịu đựng xa cách, trong nỗi khắc khoải đơn độc, trong cảm giác bất an vì những khiếm khuyết của thân thể và sự bất toàn của lý tưởng, như cách khơi lại cảm giác đau đớn của da thịt trước khi là vết sẹo, như tìm cảm giác đứng trên mảnh đất xưa kia là vùng biển, nỗi hoài nhớ da diết của trang giấy về cây rừng… Cuộc truy tìm đó, không phải với ảo tưởng về chiều sâu của ý nghĩa, mà là cách cưỡng lại sự thống trị của những cái bề mặt.

Phát kiến về giấc mơ của Freud, những suy tư giải cấu trúc về vô thức của Lacan và những người sau ông đem lại cho người viết một “nguồn lợi” để lý giải về cõi tâm thần. Vô thức không phải chỉ được cấu trúc như một ngôn ngữ, nó còn là sản phẩm của ngôn ngữ. Giấc mơ không phải cái gì khác hiện thực, giấc mơ không phải là một sự trốn chạy đời sống, giấc mơ không phải là nơi chốn để tôi trú ngụ và ăn bám, giấc mơ không phải là vật thế của tiếng gọi của ẩn ức hay là một ngụy biện hời hợt cho sự thiếu trải nghiệm, thiếu “vốn sống”. Tôi không cho rằng một người có thể chỉ viết đi từ kí ức cá nhân, cho dù họ có thể mãi truy vấn đề tài đó. Có một mối quan hệ phức tạp của cá nhân và cộng đồng, của cá nhân và lịch sử, cá nhân và vũ trụ sống khơi gợi cảm hứng tìm kiếm cho mỗi người viết. Trong khi chống lại cách hiểu đơn giản về “vốn sống” như là những xúc tiếp hời hợt với thế giới bên ngoài, tôi cũng muốn chống lại việc ăn bám vào kí ức cá nhân. Mọi tồn tại, có thể có tính lý do hoặc ngẫu nhiên, nhưng đều là những điều đáng nghẫm nghĩ.

Những kĩ thuật mới lạ đã được phát hiện ra, tất nhiên, kẻ đi sau có thể tận dụng thực hành nó. Nhưng sẽ là không thỏa đáng nếu cho rằng sự thẩm thấu, hưởng thụ các thành quả “kĩ thuật văn chương” của nhân loại chỉ là một sự bắt chước. Nó tùy thuộc vào cách mỗi chúng ta nhìn và ứng xử với nó như thế nào, như một vật dụng lỗi thời chỉ để trưng bày hay như một “sự sống” mà ta có thể giao tiếp với nó.

Cao vọng của mọi người viết có thể luôn là cái hình thức không hình thức, cái hình thức tự bản thân nó làm tan rữa mọi nhận định áp đặt về hình thức, để thành một sự sống. Và như thế, sự tra vấn về bút pháp cũng sẽ là một tra vấn về bản sắc.

***

Tôi đã bắt đầu bằng việc tự đặt ra cho mình các câu hỏi, để gắng đi theo một mạch lập luận. Tin rằng mỗi cá thể là một cấu trúc đa nhân cách, mỗi một con người là vô số con người đang phân rã, cùng với sự bất tín về huyền thoại của một thứ bản sắc cố định tự xác định mình là trung tâm, tôi hiểu rằng sẽ không thể có một cái gọi là bản sắc có sẵn và đông cứng, rắn kết để ta tìm kiếm. Nhưng tôi cũng cho rằng, hành trình nội tâm của một con người, và hành trình của một người viết, hay động lực của sự viết mang chứa nỗ lực đi tìm một thứ bản sắc nào đó, dẫu chỉ là một bản sắc bất ổn, tạm thời, để nương bám. Bản sắc đó sẽ sinh ra từ cuộc đối mặt của chủ thể viết với những kinh nghiệm cá nhân, cách mà chủ thể viết tái tạo, khơi mở và sử dụng những kinh nghiệm đó để kiến tạo/phá hủy một hình dung về bản sắc của mình. Vậy thì kẻ viết, và cả sự viết, một gợi ý từ Derrida, phải là “một yếu tố chơi tự do” (free play element), kẻ luôn ở bên ngoài các trung tâm, kẻ luôn mang tiềm năng làm bất ổn. Và, sự truy lùng gốc rễ, vừa là quá trình tìm kiếm sự thật vừa là quá trình tẩy xóa, vừa là quá trình tạo ra sự thật, vừa làm khơi dậy hi vọng về khả năng tìm thấy sự thật, vừa chối bỏ nó, lại vừa phản tỉnh bởi không thể xác tín vào cái gọi là sự thật. Và do đó, với một cá nhân, viết, và kết quả của sự viết, là các tác phẩm, phải chăng chỉ là một cuộc đi vô định tạo ra những phiên bản tưởng tượng bất tận về bản sắc? Chính ở tham vọng truy nguyên ấy, và ở nhận thức về sự bất khả truy nguyên ấy, viết – như một phương thức, một gợi ý đi ra từ Borges, đó là để đa bội hóa những bản sắc của tồn tại. Những phiên bản tưởng tượng đó, trong cái đích mơ hồ đẹp đẽ của nó, mang ý hướng giải phóng để đạt tới cảm giác tự do tan loãng trong vũ trụ.

Bởi dường như mọi thực tại đều đang trượt vào thực tại. Và cuộc đi của văn chương có thể chẳng bao giờ đến đâu cả. Nó chỉ đến nơi không gì tồn tại.

11/2011

 

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)