Viết văn như là tắm rửa
Trong suốt lịch sử văn học, chỉ có vài người được như Ibssen Martha Fletcher
Thứ nhất: “Phần nào tôi đã lấy cảm hứng từ điều hiếm hoi vào những lúc đẹp nhất trong đời đã khuấy đảo tôi như một điều lớn lao và đẹp đẽ. Tôi đã được gợi hứng từ điều đó đến mức có thể nói đứng cao hơn bản thân mình thường ngày và tôi có hứng từ đó bởi vì tôi muốn chạm trán nó và biến nó thành một phần của chính tôi”. Tôi gọi đây là cảm hứng cao cả của Ibsen.
Một áp-phích quảng cáo kịch Nhà búp bê |
Thứ hai: “Nhưng tôi còn lấy hứng từ điều ngược lại, từ những cái có thể xem như những cặn lắng của bản chất con người. Trong trường hợp này viết văn đối với tôi giống như là tắm táp vậy, tắm xong tôi cảm thấy sạch sẽ hơn, khỏe khoắn hơn, sảng khoái hơn”1. Tôi gọi đây là cảm hứng bi kịch của Ibsen. (Hãy nhớ tới cái cathasis mà Aristotle đã nói từ thời cổ đại).
Như vậy, sống và ý thức cái sống cùng nhân dân mình trên hành trình vươn tới sự thanh sạch của con người – đấy là điều dẫn đạo ngòi bút viết kịch của Ibsen.
2. Cuộc đời sáng tạo của Ibsen có thể chia làm ba thời kỳ. Thời kỳ đầu kết thúc năm 1877 với sự xuất hiện thành công của vở Những cột trụ xã hội (The Pillars of Society); thời kỳ thứ hai bao trùm những năm ông viết hầu hết các vở kịch hiện thực chống lại hoàn cảnh xã hội như Ma quỷ (Ghosts), mười mấy vở kịch hiện thực thời kỳ này của Ibsen được coi là những thành tựu nghệ thuật quan trọng của kịch nghệ châu Âu và thế giới thế kỷ 19; và thời kỳ thứ ba đánh dấu bằng những vở kịch tượng trưng, Ông tổ xây dựng (The Master Buider) và Khi chúng ta chết đi sống lại (When We Death Awaken). Quãng thời gian mười năm (1867 – 1877) được giới nghiên cứu gọi là “tâm điểm chết” (“dead center”) trong sự nghiệp của Ibsen, đó là mười năm ông hầu như không viết vở mới nào, chỉ tập trung suy ngẫm để chuyển hướng kịch của mình. Sau mười năm chuẩn bị, ông bắt tay vào vở kịch mới Liên đoàn những người trẻ tuổi (The Young Men’s League) bằng văn xuôi nói về xã hội Na Uy thời hiện tại. Trước đó kịch của ông chủ yếu là kịch thơ, như các vở Brand, Hoàng đế và Galile và Peer Gynt, Ông đã nói ró ý đồ thay đổi của mình trong bức thư gửi người bạn là Edmund Gosse như sau: “Có một điểm tôi phải trao đổi với anh. Anh nghĩ vở kịch mới của tôi phải được viết bằng thơ và như vậy nó sẽ lại có lợi thế. Ở đây tôi ngược lại anh; vì vở kịch, như anh sẽ thấy, phát triển theo cách hiện thực đến hết mức có thể. Ảo ảnh tôi muốn đưa ra là chính sự thật; tôi muốn đưa lại cho độc giả ấn tượng rằng cái mà hắn đọc đang thật sự diễn ra trước hắn. Nếu tôi dùng thơ mà làm thế thì sẽ khiến ý đồ và mục tiêu tôi đặt ra trước mình bị mất hiệu lực. Sự đa dạng hàng ngày và các nhân vật phụ mà tôi định đưa vào vở kịch sẽ bị xóa đi và trộn lẫn vào nhau nếu tôi diễn tả chúng bằng những vần thơ nhịp điệu du dương… Vở kịch mới của tôi quả thực không phải là một vở bi kịch theo nghĩa cũ mèm của từ này, mà cái tôi cố gắng mô tả trong nó là những con người, và vì lý do này tôi không cho phép họ nói thứ tiếng của các thần linh!”2 Vở Liên đoàn những người trẻ tuổi là thử nghiệm bước đầu để Ibsen tiến tới tìm ra hình thức mới cho những vở kịch hiện thực của mình là chủ nghĩa tượng trưng. Đó không phải là kiểu tượng trưng quy ước thông thường như hoa huệ chỉ sự trinh trắng, chim ưng – là mạnh mẽ, màu đỏ – là đam mê. Đó cũng không phải kiểu tượng trưng qua nhân vật như Othello là ghen tuông, Macbeth là tham vọng. Tượng trưng của Ibsen vừa là cho nhân vật, vừa là cho cả ý nghĩa của vở kịch. “Một đối tượng hay một sự kiện được dùng làm đề tài hay motip trung tâm của vở. Hành động bề ngoài của vở là tiến tới tượng trưng đó, rồi từ đó lùi lại. Đối tượng hay sự kiện đó – giống như vũ điệu tarantelle xoay tròn tại chỗ – cũng đại diện cho nhân vật của vở trong khi tâm hồn của nhân vật là sàn diễn của hành động kịch thực sự; và như vậy tượng trưng rốt cuộc là đại diện cho chính vở kịch” 3.
3. Ibsen có mấy vở kịch được các nhà nghiên cứu gọi là nhóm kịch xã hội: Những cột trụ của xã hội, Nhà búp bê, Những bóng ma, Kẻ thù của nhân dân (chúng được viết trong khoảng thời gian 1867 – 1899). Lý tưởng xã hội của ông là một xã hội tự do, trung thực. Ông coi mọi thiết chế dựa trên sự dối trá là không thể chấp nhận được, đặc biệt là nhà nước thời hiện đại. Trong một bức thư gửi bạn ít lâu sau Công xã Paris, ông viết: “Nhà Nước là tai họa của cá nhân. Sức mạnh dân tộc của nước Phổ có được là vì sao? Vì nhấn chìm cá nhân vào cái khuôn chính trị và địa lý… Nhà Nước phải biến đi! Nếu không cách mạng sẽ tìm thấy tôi ở về phía nó. Làm xói mòn tư tưởng về Nhà Nước, thế vào chỗ nó hành động tự nhiên và tư tưởng cho rằng quan hệ tinh thần là điều duy nhất tạo nên sự thống nhất, thế là anh đã bắt đầu những yếu tố của tự do, nó sẽ là điều rất đáng bận tâm”4. Ông đả phá quyết liệt các thần tượng giả, các sự giả dối, đạo đức giả. “Trên hết ông trút sấm sét bản cáo trạng vào bốn tội lỗi cơ bản của xã hội hiện đại: sự Dối trá cố hữu của trật tự xã hội; sự Hy sinh và Bổn phận, tai họa sinh đôi xiềng xích tinh thần con người; tư duy thiển cận và tính nhỏ nhen của Chủ Nghĩa Tỉnh Lẻ bóp nghẹt mọi sự tăng trưởng, và sự Thiếu Niềm Vui và Mục Đích trong Công Việc biến cuộc sống thành cái bình khốn cùng và nước mắt”5.
Ibsen đề cao cá nhân. Một xã hội phát triển là một xã hội cá nhân được tôn trọng, được quyền bộc lộ mình, bất chấp số đông. Với ông, thiểu số luôn luôn đúng. Còn đa số thì không bao giờ đúng. Trong vở kịch “Kẻ thù của nhân dân” ông đã để cho một nhân vật phát ngôn: “Đa số không bao giờ đúng. Không bao giờ, tôi nói cho anh biết thế! Đấy là một trong những điều dối trá trong xã hội mà người tự do và thông minh không thể làm gì khác hơn là phải nổi lên chống lại. Những người chiếm tỷ lệ lớn nhất trong dân chúng là ai – những người thông minh hay những kẻ khùng?” Trong con người cá nhân này ông đặc biệt quan tâm đến phụ nữ mà nhân vật Nora trong Nhà búp bê là một điển hình. Thoát khỏi thân phận búp bê mà suốt cuộc đời làm vợ Helmer nàng đã phải cam chịu, Nora ý thức mình có những bổn phận khác cũng thiêng liêng không kém bổn phận đối với chồng con. Đó là bổn phận với chính mình. Đáp lại câu nói của Helmer đòi nàng trước hết phải là người vợ và người mẹ, Nora nói: “Tôi không tin thế nữa. Tôi nghĩ rằng trước hết tôi là một con người, y như anh vậy – hay ít ra, tôi sẽ cố gắng để trở thành một con người. Tôi biết phần đông mọi người đồng ý với anh Torvald ạ và trong sách báo cũng nói vậy. Nhưng từ nay trở đi tôi không thể bằng lòng với những điều mọi người nói và sách báo nói nữa. Tôi phải suy nghĩ mọi điều cho chính tôi và cố làm cho chúng sáng rõ ra…”. Lồng trong khung cảnh gia đình là những vấn đề xã hội. Một nhà nghiên cứu viết: “Khi Ibsen gõ vào bức tường thứ tư của căn phòng Helmer ở ông không nói với anh rằng tôi sẽ chỉ anh xem một bi kịch có thể xảy ra giữa một người chồng và một người vợ. Ông nói: Đây là một bi kịch đang hiện tồn, một bi kịch trong đó các cá nhân bị ngăn trở bởi một hệ thống bổn phận và trách nhiệm giả tạo. Tôi chỉ cho anh xem một người chồng vẻ ngoài rất đúng mực, một người vợ dường như biết tôn kính và vâng lời chồng theo đúng phép tắc hôn nhân. Giờ là việc chúng ta phải phân tích, từng bước một; ta phải vén tấm màn che lên để thấy được sự thật”6
Về mặt nghệ thuật, các vở kịch xã hội của Ibsen có nét chung: chúng đều bắt đầu từ đoạn kết của câu chuyện kịch. Phần lớn các sự kiện của chuyện kịch đã xảy ra từ trước, khi kịch mở màn là đi vào đoạn kết. Vở Những bóng ma là thế. Vở Nhà búp bê cũng thế vì mở màn ra khán giả chỉ thấy phần cuối của câu chuyện. Cốt lõi của vở kịch nằm ở nửa sau hồi cuối, trong cuộc nói chuyện giữa Nora và Helmer. Ibsen có lần đã nói rằng vở kịch được viết ra chỉ là vì cảnh này. Ba hồi đầu và nửa hồi bốn là sự chuẩn bị. Sự trình bày ở hồi một, sự hé mở câu chuyện trước đó của Nora là sự chuẩn bị phụ thêm. Tuy nhiên, khi cuộc nói chuyện quan trọng của hai nhân vật chính diễn ra, khán giả đã biết rõ các sự kiện chính trong cuộc đời các nhân vật.
Kịch Ibsen có nhiều thuộc tính của nghệ thuật kịch Hy Lạp. Chủ đề xã hội là một trong những thuộc tính đó. Ngoài ra, sự thống nhất về thời gian và địa điểm là những thuộc tính khác. Trong Những hồn ma, Nhà búp bê và Hedda Gabler hành động của toàn vở chỉ khuôn trong một căn phòng và không vở nào thoát ngoài cái thị trấn nhỏ mở ra trong kịch. Mỗi hồi kịch chỉ gói gọn trong một cảnh. Ở Những bóng ma hành động kịch giới hạn trong hai tư giờ, ở Nhà búp bê trong bốn tám giờ và thời gian kịch không quá hai hoặc ba ngày.
4. Trong sự nghiệp của Ibsen, có một vở kịch quan trọng ông viết lúc cuối đời. Đó là vở Khi chúng ta chết thức mà còn được Ibsen gọi tên là Hồi kết (An Epilogue). Hồi kết đây không chỉ là cho các vở kịch nói của ông, mà còn cho cả sự nghiệp cuộc đời ông. Tác phẩm này mang tính tự thuật, một sự khải huyền bí ẩn của con người và sự nghiệp của hắn, một thông điệp ngầm cuối cùng gửi thế giới. Ibsen một lần nữa, trong vở kịch này, muốn phơi bày tâm hồn mình ra với mọi người.Vậy nhưng, như một nhà nghiên cứu nước ngoài nhận xét, hình như không ai hiểu được điều đó.
Nhân vật chính của vở kịch là nhà điêu khắc Na Uy Rubek ấp ủ dựng một nhóm tượng với tên gọi “Ngày Phục Sinh”. Ông nói: “Tạc chân dung một phụ nữ thức dậy từ giấc ngủ của cái chết, tôi muốn thể hiện một phụ nữ thuần khiết như tôi thấy nàng thức dậy vào ngày phục sinh. Không gây kinh ngạc bằng bất cứ cái gì mới mẻ, chưa biết và phàm tục, mà đầy tràn niềm vui thần thánh khi tự thấy mình vẫn không thay đổi – nàng, người phụ nữ của trần gian – giữa một vùng cao hơn, tự do hơn, sung sướng hơn – sau một giấc ngủ dài say sưa như chết. Tôi tạo hình nàng như vậy… Ngày Phục Sinh, tôi nghĩ, sẽ phải được tạo dáng đẹp đẽ và thanh tú như một phụ nữ trẻ trong trắng – chưa hề có kinh nghiệm trường đời – thức dậy với ánh sáng và niềm vui mà không bắt buộc phải từ bỏ mọi thứ xấu xa và nhơ nhuốc nào của nàng”. Cô gái Irene được nhà điêu khắc lấy làm mẫu cho bức tượng. Tuy nhiên khi cô biết Rubek quan tâm đến cô không phải vì bản thân cô mà chỉ như là người mẫu cho nghệ thuật của ông thì cô đã bỏ đi. Cô biến mất khỏi mặt đất như đã chết, mặc nhà điêu khắc hoài công tìm kiếm. Irene là “Người Đàn Bà xa Lạ”, là nhân vật trung tâm của vở kịch, tuy không phải là nhân vật hoạt động nhất. Cái tên Irene nghĩa là “thanh bình” và Ibsen chọn tên nhân vật như vậy có lẽ vì những lý do tượng trưng. Trong vở kịch này cô gái tượng trưng cho sự thanh bình đến “sau khi chúng ta chết dậy”, nhưng sự thanh bình đó thật ra chỉ là ảo tưởng. Cô xuất hiện trên sân khấu gây ra nguy cơ như nguy cơ cát lún. Ibsen định giải quyết vấn đề gì ở đây? “Chúng ta chết” đây là ai? Là Rubek chết sau khi hoàn thành bức tượng, kiệt tác của đời mình. Là Maia, người vợ của Rubek chết vì lời hứa của ông chồng đưa nàng “lên đỉnh núi và chỉ cho nàng thấy toàn cảnh vinh quang của thế giới” chỉ là lời nói gió bay. Là Irene chết vì sự thờ ơ lãnh đạm của nhà điều khắc, tuy thể xác và tâm hồn nàng đã nhập vào bức tượng. Cả Rubek, Irene và Maia đều là “người chết” trong vở kịch và vì họ mà “hồi kết” này được viết ra. Viết ra như một di chúc nghệ thuật của Ibsen. Kết thúc vở kịch này là cảnh Rubek và Irene gặp lại nhau, nắm tay nhau đi lên đỉnh núi cao và bị vùi lấp trong một cơn bão tuyết bất thần nổi lên. Đấy có phải là biểu tượng nhà thơ và Sự Thật của hắn đã rời xa chúng ta. Cặp môi hắn đã im lặng. Chúng đã bị bịt kín vĩnh viễn. Và vĩnh viễn chúng ta đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, của sáng tạo. Làm sao chúng ta chết thức trong cuộc đời này? – không có câu trả lời cho vấn đề phi lý đó của vở kịch. Ibsen để cho mỗi người đọc người xem tự mình đi qua “rừng biểu tượng” của tác phẩm mà nhận biết và suy ngẫm.
5. Henrik Ibsen đã “viết văn như là tắm rửa” cho con người, cho cuộc đời. Cho ông. Và cho chúng ta. Xin kết lại bài viết nhỏ này bằng một lời đánh giá Henrik Ibsen: “Là nhà thơ có tầm quan trọng hàng đầu, là nhà tư tưởng độc đáo và có tính cách mạng về nhiều mặt, là một bậc thầy kịch nghệ và một nghệ sĩ, Ibsen đáng được coi là nhà viết kịch vĩ đại nhất trong các kịch tác gia hiện đại và là một trong mấy kịch tác gia của mọi thời” (Barrett H. Clark)7.
————-
Henrik Ibsen: “Speech to the Norwegian Students, September 10, 1874,” Speeches and New Letters, translated by Arne Kildal (Boston. Richard G. Badger, 1910), pp. 49-52.
2 Dẫn theo Jennette Lee. Ibsen’s Symbolism Defined, in The Ibsen Secret: A Key to the Prose Drama of Henrik Ibsen. New York: G.P. Putnam’s Sons, 1910. pp. 45-58.
3 Jennette Lee, Bđd
4 Dẫn theo: Emma Goldman, The Social Significance of the Modern Drama.. Boston: Richard G. Badger, 1914. pp. 11-12. (http://www.theatredatabase.com/19th_century/henrik_ibsen_008.html).
5 Emma Goldman, Bđd
6 Montrose J. Moses, Henrik Ibsen: The Man and His Plays. New York: Mitchell Kennerley, 1908. pp. 344-379. (http://www.imagi-nation.com/moonstruck/clsc5w8.html)
7 The Continental Drama of Today. Barrett H. Clark. New York: Henry Holt and Company, 1914. pp. 17-19.
(http://www.theatrehistory.com/misc/henrik_ibsen_001.html)