Với sự hỗ trợ của lidar: Truy tìm những thành phố đã mất ở Amazon

Một cuộc truy tìm bí mật trong quá khứ của Amazon, với sự hỗ trợ của lidar, đã góp phần vẽ lại lịch sử vùng đất này.

Amazon là một trong những khu vực thiên nhiên hoang dã lớn bậc nhất thế giới. Những huyền thoại còn lưu truyền qua nhiều thế kỷ kể rằng có các thành phố đã mất nhưng thực ra giờ vẫn còn tồn tại đâu đó dưới tán rừng. El Dorado, đô thị cổ được cho là toàn bằng vàng, đã thúc đẩy rất nhiều nhà thám hiểm Tây Ban Nha cất công đi tìm nó và một vài người trong số này đã không bao giờ trở về. Vào đầu thế kỷ 20, nhà thám hiểm người Anh Percy Fawcett (nguyên mẫu của nhân vật Indiana Jones của điện ảnh Holllywood) đã dẫn đầu một đoàn tìm kiếm thành cổ Z, nơi mà ông cho là đại diện một nền văn minh cổ đại đã mất. Thật không may là giống như một số nhà thám hiểm xấu số khác, ông đã hoàn toàn bị “địa ngục xanh” Amazon nuốt chửng và ghi tên mình vào chương chưa kết thúc của huyền thoại từ 600 năm trước.

Tuy nhiên, việc tìm ra những đô thị cổ của Amazon vẫn là ước mơ của các nhà thám hiểm thời hiện đại. Hơn 20 năm trước, TS. Heiko Prümers (Viện Khảo cổ Đức) và giáo sư Carla Jaimes Betancourt (ĐH Bonn), khi còn là sinh viên đã có những cuộc khai quật khảo cổ ở hai “gò đất” gần làng Casarabe, Bolivia. Đồng bằng Llanos de Mojos nằm ở phía Tây Nam khu vực Amazon. Ngay cả khi nghĩ đến đồng bằng savannah – một dạng thảm thực vật nhiệt đới với tầng ưu thế sinh thái là tầng cỏ – có nhiều tháng bị ngập trong mùa mưa nên không phù hợp với việc định cư lâu dài, nhưng họ đã nhận thấy vẫn có dấu hiệu chứng tỏ ở đây có sự định cư của con người vào thời điểm trước khi người Tây Ban Nha đến vào thế kỷ 16.

Có một điểm khác biệt của Heiko Prümers và Carla Jaimes Betancourt so với những bậc tiền bối là họ được trang bị rất nhiều thiết bị và công nghệ tiên tiến giúp cho có thể phát hiện ra những tàn tích đô thị cổ đại dưới chân những thảm thực vật nhiệt đới um tùm và trải dài trên một diện tích quá lớn. Nó đã đem lại thành công cho họ: phát hiện ra một khu định cư thuộc nền văn hóa Casarabe từ khoảng 1.500 năm trước với các kim tự tháp bằng đất cao 22 mét và được bao bọc hàng ki lô mét đường đất đắp. Nghiên cứu chỉ dấu rằng Amazon – vẫn được cho là trước khi người châu Âu tới vẫn là vùng đất hoang dã nguyên sơ – đã là mái nhà của những xã hội tiên tiến và được tổ chức tốt. Kết quả nghiên cứu được công bố trên Nature “Lidar reveals pre-Hispanic low-density urbanism in the Bolivian Amazon” (Lidar khám phá sự đô thị hóa ở mật độ thấp thời kỳ trước người Tây Ban Nha xâm chiếm).

Tàn tích đô thị cổ dưới mắt công nghệ

Cuộc đi tìm những đô thị cổ ở Amazon không phải sự tìm kiếm trong vô vọng, trái lại, các nhà khảo cổ có những vật liệu ban đầu. Trong những nghiên cứu trước đây, họ đã biết rằng nền văn hóa Casarabe, tồn tại giữa năm 500 và 1400 sau Công nguyên, và trải rộng trên một diện tích vào khoảng 16.000km2. Các “gò đất” thực ra là nền móng của kim tự tháp bằng đất và nền móng của các công trình kiến trúc đã bị xói mòn theo thời gian. Các nhà khảo cổ đã truy dấu theo những con kênh và những con đường đất đắp kéo dài hàng ki lô mét xuyên qua các trảng cỏ. “Nó cho thấy có một điểm định cư rất lớn ở thời kỳ tiền Tây Ban Nha. Mục tiêu của chúng tôi là tìm về các khu định cư và đời sống ở đó”, Heiko Prümers nói trên trang web của ĐH Bonn.

Vào những năm 2000, dẫu vậy, đã bắt đầu thay đổi quan điểm về khảo cổ bởi một số nhà nghiên cứu đã tìm ra mật độ cao một cách bất thường của các loài thực vật đã được thuần dưỡng, dọc theo những vùng đất đai giàu dinh dưỡng, có thể do con người cải tạo. Điều này gợi ý là những người Amazon cổ đại thậm chí đã tái định hình cả môi trường mình sống.

Ước lượng được không gian mình tìm kiếm, Heiko Prümers và Carla Jaimes Betancourt nhận thấy cần phải có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, điều mà nhiều đồng nghiệp khôn ngoan của mình đã áp dụng thành công. Do đó, họ đã thuê một chiếc trực thăng có thể bay ở độ cao 198,1m và sử dụng công nghệ cảm biến từ xa dựa trên ánh sáng (lidar) để “phát quang” thảm thực vật bằng kỹ thuật số và nhận diện những tàn tích cổ đại của cả một khu đô thị rộng lớn quanh Llanos de Mojos. Tuy nhiên trên thực tế thì quả là thách thức để phát hiện ra những gì có dưới mặt đất, ngay cả khi có được một vị trí quan sát đủ bao quát từ trên không trung. “Không có cách nào để biết những gì bên dưới cho đến khi đặt chân lên đó và ngay cả khi tới được đó thì anh phải cố gắng tìm ra địa điểm mình đã định hướng”, Prümers nói với Smithsonian Magazine.

Là một kỹ thuật dùng laser để tạo ra hình ảnh 3 D của mặt đất, lidar được các nhà khảo cổ đón nhận từ những năm 2010, nhất là sau khi một khảo sát bằng lidar ở thung lũng tại Honduras vào năm 2012 đã giúp tái khám phá một đô thị cổ thời Tiền Colombo. Do đó, kể từ năm 2019, nhóm nghiên cứu của Prümers đã sử dụng kỹ thuật lập bản đồ bằng lidar trên sáu khu vực khác nhau, trải rộng trên một phạm vi khoảng 10,36 đến 12,94km2, nhìn toàn cảnh tâm điểm của nền văn hóa Casarabe ở Bolivia. Từ trên không trung, một hệ thống lidar rọi xuống mặt đất một khung lưới các chùm tia hồng ngoại với tần suất hàng trăm nghìn tia mỗi giây và mỗi chùm tia rọi vào những vật thể trên bề mặt đất rồi nảy lại với một số đo khoảng cách. Phương pháp này đã đem lại một lượng điểm dữ liệu khổng lồ để các nhà khoa học có thể đưa vào các phần mềm máy tính để tạo ra những hình ảnh có độ phân giải cao, yếu tố quan trọng để họ có thể “phát quang” thảm thực vật Amazon về mặt số hóa. Theo cách đó, các tấm bản đồ đã tiết lộ gần như đầy đủ bề mặt đất và các đặc điểm của các kiến trúc cổ có trên đó. Các nhà khoa học đã có được những bức ảnh về 26 địa điểm, trong đó có 11 điểm chưa từng được biết đến trước đây.

Giữa 26 địa điểm trên đất Bolivia có hai trung tâm đô thị lớn, Landivar và Cotoca. Mặc dù người ta đã biết về chúng nhưng bản đồ mới đã tiết lộ một cách chi tiết độ phức tạp và quy mô rộng lớn (3,1 và 1,29km2). Mỗi trung tâm đô thị này đều được bao quanh bằng hào nước và chiến lũy bảo vệ liên tiếp theo hình tròn. Các điểm này đều có những bậc thang nhân tạo, những công trình đất đắp lớn và những kim tự tháp hình nón cao 21,3m. Tất cả những công trình mang tính nghi lễ tôn giáo và sinh hoạt đời thường đầy ấn tượng đó đều hướng về phía Tây Tây Bắc, vốn được các nhà khoa học tin là phản ánh một cái nhìn về vũ trụ như mọi địa điểm cổ đại khác ở vùng Amazon.

Bức ảnh vệ tinh cho thấy quy mô và thông tin chi tiết khác về một khu đô thị thuộc nền văn hóa Casarabe. Nguồn: Nature

Cái nhìn từ không trung cho thấy về mặt chi tiết, một sự nối kết chặt chẽ của một nền văn hóa có sự phân tầng xã hội với các đô thị trung tâm được xây dựng trên một nền móng lớn và kiến trúc kim tự tháp. Tất cả các địa điểm này đều nằm ở trung tâm một mạng lưới các khu định cư của vùng và được kết nối bằng vô số kênh nước. Những tuyến đường hành lang đó tỏa ra ngoài các trung tâm như những nan hoa trên một bánh xe, trải dài hàng dặm, không chỉ xâu chuỗi vùng ngoại vi với trung tâm mà còn đóng vai trò như một hệ thống thủy lợi dẫn nước từ các con sông lớn trong vùng và hồ Laguna San José cho Cotoca. Michael Heckenberger, một nhà nhân học ở ĐH Florida nghiên cứu về vùng Xingu ở Brazil nhiều thập kỷ, lưu ý, nền văn hóa đô thị mật độ thấp với vùng trung tâm và cụm vùng ngoại ô này đã phát triển trên chính vùng đất mà Percey Fawcett biến mất khi tìm kiếm thành cổ Z.

Lật lại quan điểm

Không tìm thấy thành phố bằng vàng khối nào như lời đồn đại nhưng những gì họ tìm thấy xứng đáng vàng ròng bởi nó đem lại “một mẫu hình làm đảo ngược tất cả mọi quan điểm trước đây”, Carla James Betancourt nói về kết quả nghiên cứu, không phải không thỏa mãn.

Các đồng nghiệp khảo cổ trên khắp thế giới đánh giá cao về phát hiện mới. “Về cơ bản, chủ nhân của nền văn hóa này đã tái định hình cảnh quan theo quan niệm vũ trụ của mình, nó làm tôi sững sờ”, Chris Fisher, một chuyên gia về Trung Mỹ cổ đại ở Đại học bang Colorado, nhận xét. Những phát hiện này đã phản bác quan điểm người Amazon bản địa là những con người thụ động trước khi người châu Âu tới. “Những người sống ở đây đã làm thay đổi cảnh quan mãi mãi,” Eduardo Neves, một nhà khảo cổ ở ĐH São Paulo Brazil, nói.

Nền văn hóa Casarabe đã làm tăng thêm bằng chứng về việc Amazon không phải là vùng đất hoang dã chưa có bàn tay người chạm đến, nó vẫn còn lưu lại dấu tích ngay cả dưới tán rừng thời hiện đại.

Con người đã sống ở lưu vực sông Amazon – một mạng lưới chằng chịt sông ngòi tỏa ra cả một vùng rộng lớn có kích thước bằng cả nước Mỹ – trong vòng khoảng 10.000 năm. Các nhà nghiên cứu đều nghĩ rằng trước khi người châu Âu đến vào thế kỷ 16, tất cả những người sống ở Amazon đều quần tụ theo hình thức bộ lạc nhỏ, du canh du cư và ít có tác động đến thế giới xung quanh mình. Và dẫu cho những vị khách châu Âu đầu tiên đã miêu tả một cảnh quan sống động với những thị trấn và làng mạc nhưng những người khám phá sau họ lại không khám phá ra được những địa điểm đó.

Vào thế kỷ 20, các nhà khảo cổ đều thừa nhận lời đồn đại này và đồng ý với nhau là tình trạng đất đai nghèo dinh dưỡng ở Amazon không thể giúp con người canh tác nông nghiệp ở quy mô lớn, và đó có thể là nguyên nhân khiến không thể tạo ra những nền văn minh nhiệt đới – tương tự như những gì tìm thấy ở Trung Mỹ và Đông Nam Á – ở Amazon. Dẫn một câu tục ngữ cổ Tây Ban Nha ngụ ý không ai mù quáng hơn những người không muốn thấy sự thật, Heiko Prümers cho rằng “Đó là chuyện hoang đường về một vùng rừng rậm huyền bí không dấu chân người qua do những người châu Âu tạo ra. Vậy mà có quá nhiều người không muốn thấy những gì cái di chỉ khảo cổ học mách bảo”.

Vào những năm 2000, dẫu vậy, đã bắt đầu thay đổi quan điểm về khảo cổ bởi một số nhà nghiên cứu đã tìm ra mật độ cao một cách bất thường của các loài thực vật đã được thuần dưỡng, dọc theo những vùng đất đai giàu dinh dưỡng, có thể do con người cải tạo. Điều này gợi ý là những người Amazon cổ đại thậm chí đã tái định hình cả môi trường mình sống.

Giả thuyết này đã được bồi đắp thêm khi vào năm 2018, do tình trạng phá rừng mưa nhiệt đới ở Nam Amazon mà các nhà khảo cổ phát hiện ba gò đất lớn có hình dáng phi tự nhiên. Các cấu trúc này gợi ý, chủ nhân của nó có thể là những xã hội có tổ chức và thịnh vượng từng sống ở đó trong nhiều năm – nhưng vẫn còn thiếu bằng chứng trực tiếp về các khu định cư.

Vào năm 1999, Prümers bắt đầu nghiên cứu một loạt các gò đất lớn ở lưu vực Amazon trên phần đất của Bolivia và bên ngoài các cánh rừng nhiệt đới. Ở đó có vô số những cây cối mọc bao phủ các gò đất này cũng như ôm lấy cả vùng đất thấp ngập nước trong suốt mùa mưa. Các cuộc khai quật sau đó tiết lộ những “ốc đảo rừng” đó có dấu vết định cư của người, bao gồm cả những tàn tích của nền văn hóa Casarabe bí ẩn từng xuất hiện từ năm 500 sau công nguyên. Trong một đợt khai quật, Prümers và đồng nghiệp nhận thấy họ tìm ra một tàn tích giống như bức tường, yếu tố gợi ý về một nơi chốn định cư lâu dài ở nơi này, rồi họ tìm thấy các nấm mộ, các nền móng và những chỉ dấu khác về một xã hội đã phân tầng. Nhưng mật độ của cây cối khiến họ khó hình dung ra bức tranh tổng thể, ngay cả khi áp dụng các phương pháp khảo cổ thông thường. Vì vậy, họ đã phải nhờ cậy đến sự hỗ trợ của lidar.

Dẫu vậy thì Prümers chưa thể ước tính được số người sống ở đây. Thông tin ban đầu thì “các lớp kiến trúc của khu định cư tự nó nói lên rằng đã có những người lên kế hoạch và rất nhiều người tham gia vào làm việc ở đây”, ông nói. Những biến đổi ở khu định cư, ví dụ như sự mở rộng của hệ thống thành lũy và hào nước, cho thấy sự gia tăng có thể về dân số. Các nghiên cứu cổ khí hậu học cho thấy, một phần năm diện tích Amazon là đồng cỏ savannah trước khi người châu Âu tới, tạo điều kiện cho việc cải tạo đất và tăng bằng chứng về việc người Amazon có thể định cư và tạo ra một xã hội phân tầng ở mức độ cao.

Phát hiện mới về văn hóa Casarabe khiến người ta không khỏi đặt thêm nhiều câu hỏi bởi đến nay, những gì phát hiện ra mới cho thấy chủ nhân của nền văn hóa này sống bằng săn bắt, nuôi cá và trồng trọt các vụ mùa bền vững như ngô. Họ có giao lưu với nền văn hóa khác? Trên thực tế, văn hóa Andes, Maya được biết đến rất nhiều và đặc biệt, văn hóa Andes – nơi có những nền tảng đền đài, gò đống kỳ vĩ lại không xa về mặt địa lý. Nhưng điểm đáng chú ý là không hề có ảnh hưởng của người Andes lên các khu đô thị Casarabe, Prümers nói. “Văn hóa Andes đã được nghiên cứu rất tốt và anh không thể tìm thấy bất kỳ nơi nào trong vùng Andes có đặc điểm giống như thế này, vì vậy chúng tôi có thể khẳng định khu đô thị này hoàn toàn của người Amazon”.

Nhưng nguyên nhân tại sao các khu định cư của người Amazon lại bị bỏ hoang sau 900 năm tồn tại vẫn còn là bí ẩn. Theo phương pháp định tuổi carbon-14 thì nền văn hóa Casarabe đã hoàn toàn biến mất vào năm 1400. Có thể là do nguyên nhân môi trường? Trong lịch sử loài người không hiếm chuyện đó. “Tất nhiên, chúng tôi không biết là liệu đó là hệ thống cung cấp nước sinh hoạt hay để nuôi cá hay rùa nhưng việc biết về nó cũng thú vị”, Prümers trao đổi với Smithsonian Magazine. “Chúng tôi biết là từng xuất hiện nhiều đợt hạn hán khủng khiếp trong vùng Amazon qua nhiều thời kỳ lịch sử. Nó có thể xảy ra với nền văn hóa này. Chỉ cần một hoặc hai năm mất mùa là người ta có thể bỏ đi”.

Dẫu còn đối mặt với điều chưa biết thì nền văn hóa Casarabe đã làm tăng thêm bằng chứng về việc Amazon không phải là vùng đất hoang dã chưa có bàn tay người chạm đến, nó vẫn còn lưu lại dấu tích ngay cả dưới tán rừng thời hiện đại. “Tôi cá là trong vòng 10 đến 20 năm sau, chúng ta sẽ còn thấy nhiều thành phố nữa, và nhiều nơi trong đó còn lớn hơn cả nơi chúng tôi trình bày trong nghiên cứu này”, ông nói với Nature.

Phát hiện mới thêm phần chứng tỏ, lidar có thể thúc đẩy nhanh công việc của khảo cổ học. “Lidar làm thay đổi khảo cổ học,” Chris Fisher nói. “Các nhà nghiên cứu có thể thấy các mẫu hình không chỉ hiện hữu trên mặt đất mà còn chỉ dấu sự tồn tại một cách rõ ràng của các khu định cư, các mạng lưới liên kết ở quy mô một xã hội phân tầng phức tạp. Thật vô cùng đáng kinh ngạc!”.

Đến thời điểm này, cuộc khám phá ra những xã hội đã mất tích hàng thế kỷ ở Amazon “đã làm thay đổi quan điểm chung của mọi người về khảo cổ học Amazon”, theo Eduardo Neves. Việc đốn rừng và trồng trọt ở lưu vực Amazon hiện đã phá hủy các di chỉ khảo cổ mới được phát hiện nhưng ông cho rằng mối quan tâm ngày một lớn về khảo cổ Amazon có thể dẫn đến khả năng bảo vệ những nơi này.

Rồi đây có thể Amazon sẽ không còn là “địa ngục xanh” nữa. Rừng cây đang dần nhường chỗ cho đồng ruộng, khu chăn nuôi gia súc, điện mặt trời, đường xá và đập nước. Nhiều vùng đất còn cất giữ trong lòng nó hồ sơ về những nền văn hóa đã qua sẽ khó lòng yên ổn. “Không còn thời gian nữa bởi chúng ta đang mất dần Amazon”, Chris Fisher nói. “Chúng ta đang mất đi những điều mà thậm chí là chúng ta còn chưa biết có nó ở đó. Với tôi, đó là một thảm kịch thật sự”. □

Anh Vũ tổng hợp

Nguồn: https://www.smithsonianmag.com/science-nature/lost-cities-of-the-amazon-discovered-from-the-air-180980142/

https://www.nature.com/articles/d41586-022-01458-9

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)