Với Thái Tuấn, nghệ thuật là khởi thủy của hiện sinh

Những mấy lần bác sĩ Thân Trọng Minh1 bảo tôi xuống xe, mỗi lần anh vất vả kéo đầu xe Honda chếch ngang, rồi mới lê bánh xe sau ngược lại, vì đường hẻm quá chật. Không ngờ sau con đường Lý Chính Thắng to lớn, các ngõ hẻm mang những con số “sur“ con số lại chồng chéo nhau như thiên la địa võng.

Anh Minh đã đến nhà của họa sĩ Thái Tuấn săn sóc nhiều lần từ khi ông ngã bệnh, vậy mà còn nhầm lui nhầm tới. Ngõ nào cũng na ná giống nhau, bề ngang chưa đầy một thước, người ngồi bên thềm nhà này có thể phà khói thuốc vào mặt người bên kia, hay đụng đầu nhau nếu cả hai cùng vội bước xuống thềm, nhiều ngõ hẻm cụt ngẵn bất ngờ khiến xe có thể xốc vào tận nhà trong. Cảm giác như đang lạc vào trong mê hồn trận bàn cờ, len lõi vào trong một cõi khác tựa cõi âm, ở đó chìm xuống nếp sống lẳng lặng thường dân, bình dị, rất Nam, khác hẳn với sự náo nhiệt sôi nổi quái dị trên đường chính cách đó không xa…
 

Nếu không có một sự tình cờ tôi đang ở Việt Nam và anh Đặng Tiến nhờ cậy liên lạc với anh Minh để giúp phương tiện đưa ông vào bệnh viện, và bây giờ đi trao thêm món quà gửi muộn, có lẽ tôi không có dịp chạm mặt với không gian Thái Tuấn riêng tư trong con ngõ hẹp ấy, mà chỉ biết tên ông qua nhóm Sáng tạo và một đôi lần xem tranh Thái Tuấn.
Khi xe dừng trước số nhà 150/31/5 cảm giác ngỡ ngàng còn hơn: khung lưới nhôm ô vuông trên tường bụi bám gần đặc kín nếu không có gió thổi qua, vừa đủ cho vài tia nắng hắt vào nhà rất kiệm, một chút trắng của vôi tường bạc thếch nơi khung cửa, màu xám thềm xi măng nhiều vết khoen nhớp nháp, ý chừng do nước đái của chú chó vừa đứng lên sủa khi thấy có người lạ lao xao, mấy cái xe Honda chình ình trước ngõ và trong sân con là hiện vật văn minh đồ sộ nhất, choáng gần hết lối vào nhà, phải len chân bước. Chừng ấy ấn tượng cũng đủ cho một bức họa lập thể hậu hiện đại…
Vừa may, hai anh Thái và Kỳ đã đón chúng tôi vào nhà, ra lệnh mấy chú chó đứng yên. Nghe nói chú chó lớn nằm suốt mấy ngày dưới quan tài, một phần, chắc chắn nó luyến chủ, người chủ vừa “Về nguồn“ trở lại căn nhà cũ xuýt xoát hai năm lẻ (từ 2005 ông giã từ Paris trở về Việt Nam), nhưng có lẽ phần lớn vì không còn chỗ nào khác hơn trong căn phòng mặt tiền ấy cho nó. Quả nhiên mấy chúng tôi, cả người lẫn vật đang đứng trên chỗ hôm trước đặt quan tài của ông, chen nhau đứng, nơi duy nhất còn trống, vì đồ vật trong phòng chiếm hết chỗ, chỉ nhường cho cái bàn thờ con cỡ 30 x 60 cm một khoảng sát bức tường ngăn phòng sau, trên đó vừa đủ chưng di ảnh người vừa mất, bát nhang, thánh giá, bình hoa và  quả bồng trái cây. 
 

Khi chủ nhân vắng mặt, thường đồ vật trong nhà trở thành mắt, môi hé tiếng, và khách đến thăm chỉ còn nương vào chúng như chứng tích hơi hướm bắt nhịp đến gần với người chưa quen. Cảnh tượng ngổn ngang đồ vật trong phòng đập vào mắt không thể tránh. Bên phải trên bàn đôi ba máy vi tính xem ra đã quá đát đứng lộn xộn, đôi chiếc ghế nhựa lỏng chỏng gàn quải lối đi, bên trái tủ đứng với nhiều thứ tinh linh, thùng carton, bao ni lông, lọ, hộp và 1 cây đàn guitare, cầu thang xoáy lên gác. Nơi trú ẩn những ngày cuối của ông là đây! Quả nhiên rất khác với điều tôi đã tưởng khi ngắm tranh Thái Tuấn trong quá khứ.
Tất cả hầu như đầy bụi bặm, trừ ba bức tranh trên hai tường trái và phải lơ lửng giữa không gian, rất là Thái Tuấn với màu trắng, xanh lơ, xanh non và đường nét lập thể ngây thơ. Sự tương phản lồ lộ giữa cảnh đồ vật hỗn độn trong phòng và nét tinh khôi đơn giản của những bức tranh trên tường dễ cám dỗ người nhìn nảy ra phán đoán về những cặp tương quan mâu thuẫn như điều kiện hiện sinh của một đời người, một bên là tác phẩm, một bên là đời thường, thói quen: trần thế và thiên đường, hỗn mang và trật tự, giữa níu xuống và bay lên, giữa ràng buộc và giải phóng, giữa thực tại và mộng ước… làm chìa khóa lý giải nghệ thuật hội họa Thái Tuấn. Phải chăng mỗi cảm hứng nghệ thuật đều đến từ phủ định hiện thực? hay nghệ thuật Thái Tuấn đến từ sự quằn quại trong tương phản ấy?
Nhưng chính ngay lúc bước vào khung cửa hẹp, đụng chạm với đồ vật trong phòng, trao đổi vài câu chia xẻ với các anh Thái, Kỳ, bỗng dưng nỗi ngạc nhiên lạc vào một thế giới khác hơn mình tưởng đã ngăn tôi chọn sự giải thích dễ dàng ấy, sự giải thích có tính duy nhất, loại trừ, chỉ chọn một trong hai, hoặc là sự an lành, thanh khiết trong tranh, vẻ đẹp thoát trần nữ tính, như những tín hiệu từ chối hiện thực trần tục chung quanh, hay là cảnh đời thường đang trải ra trong gian phòng chật chội u tối ấy. Nụ cười hồn nhiên của vị lão gia Thái Tuấn trong di ảnh như muốn nhắn cùng tôi – hay chính sự tưởng tượng mới nhất vừa nảy ra – rằng cuộc sống nghệ thuật trước hết không chọn hơn thua, đánh giá cái này hơn cái kia, cái xấu thua cái đẹp, giàu sang hơn nghèo nàn, không đánh đố hoặc là cái này hoặc là cái kia, mà chính là sự cùng chung, cái này với cái kia, bóng tối và ánh sáng, cấu và tịnh, sinh và diệc, tăng và giảm là nguồn suối của sáng tạo, khởi thủy của hiện sinh, của sự sống. Từ đó tôi chợt hiểu Thái Tuấn suốt 90 năm đã thích như thế (như anh Đặng Tiến cũng xác nhận, Thái Tuấn ghét sự ngăn nắp), đã chuyển động trong không gian ấy để hướng đến nghệ thuật của cái nhìn hòa nhập màu sắc. Ông đã thích sự hỗn độn như một thói quen sống và thích vẽ tranh không hiện thực như một cảm hứng sáng tạo giữa dòng hỗn mang… Có nghĩa là ông đã hạnh phúc, vì đã không phải chọn lựa giữa cái này và cái kia. Tín hiệu về hạnh phúc hun đúc tác phẩm của ông như những đám mây trắng chen giữa núi đồi thung lũng suối khe, giữa thấp và cao, giữa mênh mông trống vắng và chật chội chen chúc, la đà giữa mộng và thực.
 

Gần 20 phút (đáng lẽ là 30 nhưng đi lạc đường mất 10 phút!) dừng lại trong căn nhà Thái Tuấn, lắng nghe màu sắc trong tranh, xúc tác với hiện vật trong phòng, đốt nhang tưởng niệm, nhìn thủ bút cuối cùng trên giường bệnh của người họa sĩ, mọi ý hướng thiên về đánh giá để ca ngợi hay phê phán đều tắt phụt, không cần thiết, chỉ còn cảm giác đến gần hơn một con người như khi lần theo vết sáng của một ngôi sao vừa tắt. Cảm giác “gần hơn“ ấy dừng lại ở sự va chạm (the touch) vào hiện hữu hiện sinh mà không cần khái niệm để nắm bắt, xác định, quả quyết, êm nhẹ tựa màu xanh lá cây non chảy xuống cây đàn cũ, màu trắng thong thả rớt xuống nền xi măng nhớp nháp ướt lạnh, không lời.
Dòng chảy ấy hình như khởi đầu sau phút cuối cùng và có lẽ sẽ chấm dứt nơi phút chưa sinh, bởi vì mỗi sáng tạo nghệ thuật là sự trở thành, là bước đang đi, tiến đến gần tuyệt đối nhưng chưa đủ gần, chưa bao giờ gần chính bởi vì nó là sáng tạo không dừng như Paul Klee (1879 – 1940)2, một trong 4 họa sĩ tiên phong trứ danh “Die Blauen Vier“ (Paul Klee, Lyonel Feininger, Wassily Kandinsky und Alexej von Jawlensky) của trường phái Ấn tượng Đức đã ghi trong nhật ký phác thảo con đường nghệ thuật của ông năm 1920 lúc sự nghiệp hội họa bắt đầu nở rộ
Bên cõi đời này chẳng ai có thể nhận ra tôi
Bởi vì tôi đang cư ngụ bên người chết
Cũng hệt như đang ở bên kẻ chưa sinh
Một chút gần kề trái tim sáng tạo hơn thói thường
Và còn lâu vẫn chưa gần đủ.

Diesseitig bin ich gar nicht faßbar
Denn ich wohne grad so gut bei den Toten
Wie bei den Ungeborenen
Etwas noher dem Herzen der Schopfung als üblich
Und noch lange nicht nahe genug.
(Paul Klee, Tagebucheintrag 1920)

Xin lấy lời ghi này làm một nhánh hoa – chứ không so sánh bởi lẽ không thể so sánh – đến trễ viếng Thái Tuấn, vì đã vội vàng hôm ấy đến tay không…

Muechen mùa thu 2007

1 Thân Trọng Minh vừa là bác sĩ, họa sĩ và nhà văn với bút hiệu Lữ Kiều, từ trước 1975.
2 Paul Klee đã học hội họa tai Muenchen đồng thời với W. Kandinsky,  cư ngụ tại Muenchen từ năm 1896 đến khoảng 1920. Nhóm nghệ sĩ nổi tiếng Der Blaue Reiter (Kỵ mã áo xanh) do W. Kandinsky và F. Marc và nhóm Die Blauen Vier (Bốn  Xanh) do Paul Klee thành lập tại Muenchen là diễn đàn hội họa thuộc trường phái Biểu Tượng (Expressionismus)  miền Nam Đức.     

Thái Kim Lan

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)