“Vội vàng như chẳng kịp”

Giải thưởng văn học của các hội đoàn ở Việt Nam, nhìn chung, chỉ rộ lên vào ngày trao giải, còn giai đoạn “tiền trao giải”, khoảng thời gian đủ kịch tính nếu biết nâng tầm quan trọng của sự kiện, hầu như luôn bị bỏ qua.

Không thể đòi hỏi một hội đồng xét giải thưởng văn học của hội đoàn nào đó, vốn chỉ có mấy người, có thể đọc hết tất thảy những gì đã có trước khi tác phẩm được chọn để xét giải nằm gọn trên tay. Cùng lắm, họ chỉ có thể đọc tác phẩm này trong sự đối sánh với các tác phẩm cùng đề tài, cùng thể loại, được xuất bản gần đó, đương nhiên cũng đã có tiếng tăm. Chưa kể, hội đồng xét giải thưởng, dù là chuyên gia, vẫn cứ là những cá nhân với tất thảy cảm xúc, quan điểm thẩm mĩ rất riêng, cùng những hạn chế cả về tư liệu lẫn tri kiến trước biển cả văn chương kim cổ mênh mông. Trừ phi hội đồng giải thưởng là những cái máy có dữ liệu và sức làm việc khủng khiếp thì mới kiểm tra, phát hiện sự trùng lặp tinh vi giữa các tác phẩm. Vì thế, điều duy nhất mà cái hội đồng vừa có “mắt xanh” của người đẹp lẫn “mắt xếch” của nhà phê bình ấy lấy làm “của tin” lại là sự trung thực của tác giả. Một tác giả văn học, dù không nói ra nhưng đã luôn được mặc định, phải là người ý thức rất cao danh dự, phẩm chất và mức độ chuyên nghiệp trong công việc của mình. Khi họ đã công bố tác phẩm thì cũng đồng nghĩa họ đã ngầm cam đoan rằng tác phẩm đó là sáng tạo riêng, mọi trích dẫn đã được hiển thị công khai, mọi vay mượn đã được chỉ nguồn… Nhưng trong trường hợp tác giả quên hoặc vi phạm nguyên tắc này thì sao?

Rất nhọc công nhưng tôi nghĩ các hội đồng xét giải thưởng văn học nên công khai danh sách các tác phẩm được chọn xét giải trước khi công bố kết quả cuối cùng. Việc đưa ra danh sách này và sau đó, lần lượt đưa ra danh sách rút gọn để rộng đường dư luận không chỉ tạo hiệu ứng truyền thông cho giải thưởng mà còn là kênh thông tin để hội đồng xét giải kiểm tra thêm chất lượng của mỗi tác phẩm. Lá phiếu của hội đồng xét giải là quyết định nhưng “tai mắt quần chúng” cũng rất đáng tham khảo. Giải thưởng văn học của các hội đoàn ở Việt Nam, nhìn chung, chỉ rộ lên vào ngày trao giải còn giai đoạn “tiền trao giải”, khoảng thời gian đủ kịch tính nếu biết nâng tầm quan trọng của sự kiện, hầu như luôn bị bỏ qua. Chúng ta không lạ lùng gì chuyện cá cược, dự đoán rất sôi nổi và thú vị xung quanh các giải thưởng Nobel Văn học. Nhưng ở ta, giải thưởng văn chương của các hội đoàn rất ít khi được đính kèm với một website, thậm chí là fanpage chính thức để minh bạch hóa mọi thứ. Một thông cáo báo chí, một vài bức ảnh, dăm ba diễn từ khi có khi không…, sẽ chẳng đủ tạo ra “lịch sử” của giải thưởng. Cảm giác tất cả đều “vội vàng như chẳng kịp”!

Ngoài công khai sớm danh sách tác phẩm được xét, các hội đồng cũng có thể “đặt hàng” thẩm định với các cơ quan chuyên môn, các nhà nghiên cứu phê bình khác. Tôi cảm phục nhiều hội đồng xét giải rất công tâm khách quan. Nhưng tôi cũng nghĩ họ không gây ảnh hưởng quá lớn đến lựa chọn đọc của cá nhân mình. Tôi không sợ giải thưởng bị hớ bởi lí do khách quan bất khả chế ngự mà bị hớ vì chính người trong cuộc tự xem nhẹ giải thưởng do chính mình xét, quyết định và đón nhận1.

Nói đưa ra biện pháp để khắc phục những sự cố trong giải thưởng văn học, theo tôi, là việc cực chẳng đã. Sẽ chẳng có biện pháp nào tối ưu nếu cả sinh hoạt văn chương lẫn học thuật nhân văn (như tôi biết) chưa đủ trưởng thành tối thiểu trong các yêu cầu về cái gọi là chính danh, về ý niệm giá trị lao động sáng tạo. Trong tình trạng khó “gạn đục khơi trong” hiện giờ thì sự hỗ trợ đáng kể có lẽ vẫn là năng lực vào cuộc, lên tiếng của báo chí, mạng xã hội như thời gian vừa qua.

1 Trường hợp Giải thưởng Sách Hay 2014 trao cho cuốn Văn hóa tộc người Việt Nam (NXB Thời Đại & Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, H. 2013) được tái bản cẩu thả, có thể coi là một “tổn thương” với những ai yêu mến, đọc, nghiên cứu các công trình của nhà dân tộc học Từ Chi. Hội đồng xét giải đã phải lên tiếng về sự cố này. Chi tiết xin xem thêm: http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/giai-sach-hay-xin-loi-vi-vinh-danh-cuon-sach-tai-ban-cau-tha-3080383.html

Đọc thêm:

Giải thưởng văn học: Sự kiện hay giá trị?
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=9159

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)