VOICE OF A MURDERER- Đối mặt cùng hiểm họa đương đại

Một trong những vụ trọng án “bắt cóc- giết người” dã man khiến dân chúng Hàn quốc chú tâm nhất trong thời gian gần đây, có lẽ phải kể đến vụ bắt cóc cậu bé Park, 8 tuổi, vào Chủ nhật ngày 11/03/2007. Thủ phạm Lee Wednesday, 29 tuổi, (đã bị bắt sau đó 3 ngày) gọi điện cho cha mẹ cậu bé Park 16 cuộc gọi trong vòng 4 ngày, cho họ nghe tiếng con mình do hắn thu âm để uy hiếp và đòi số tiền chuộc 130 triệu won (gần 130.000 USD). Cảnh sát tìm thấy thi thể của nạn nhân xấu số chìm dưới một bể nước, trong bao tải bị cột chặt. Điều nhạy cảm hơn và gây tranh cãi, là diễn tiến hành động của kẻ bắt cóc gần như không khác gì những tình tiết hiện diện trong bộ phim Voice of a murderer (Giọng nói của kẻ sát nhân) được trình chiếu tại Hàn quốc vào đầu năm 2007.

Vào lúc gia đình nhỏ của biên tập viên Han Kyung-bae (cũng là người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của một đài truyền hình Hàn Quốc), cô vợ Oh Ji-sun và đứa con trai 9 tuổi Hang Sang-wo vẫn đang dõi mắt theo bản tin truyền hình về tuyên bố cuộc chiến chống lại tội phạm và bạo lực trong đời sống xã hội Hàn Quốc, họ không hề biết rằng hiểm họa ấy rồi  cũng sẽ “thò” bàn-tay-đen khuấy động mái nhà yên ấm của họ!
Sau một buổi đi học, cậu bé Hang Sang-wo đã không trở về nhà theo giờ giấc thường lệ, trong sự trông chờ đầy âu lo của cha mẹ cậu. Trước đó, người xem cũng đã được dịp quan sát tường tận cách thức người mẹ trẻ chăm sóc đúng mực cho đứa con trai bị bệnh béo phì (căn bệnh thời đại) của mình; qua việc dẫn con đi châm cứu, nhảy dây tập thể dục, ăn các thức ăn chọn lọc… Sự thương yêu ấy chừng như nhấn mạnh thêm về nỗi đau của người mẹ khi tai ương bên ngoài bất ngờ đổ ập đến.


Tiếp nhận cuộc điện thoại đầu tiên mà âm hưởng của giọng nói hoàn toàn không có sắc thái đến vô cảm, từ kẻ bắt cóc; cả hai vợ chồng Han Kyung-bae và Oh Ji-sun bàng hoàng tuân thủ mọi điều kiện bị đặt để, cho việc thương lượng chuộc con. Những tưởng mọi sự sẽ được giải quyết ổn thỏa và nhanh chóng, khi Han Kyung-bae chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ số tiền chuộc nhằm đáp ứng đòi hỏi duy nhất- mục đích thiết yếu của tên bắt cóc này. Nhưng rồi từng cuộc hẹn giữa gia đình nạn nhân và thủ phạm lại đều là từng lần vờn đuổi, dời đổi liên tục dưới sự điều động của kẻ thủ ác. Từng ngày trôi qua trong bức bối, sự “nóng lòng sốt ruột” của gia đình nạn nhân càng trở nên nhức nhối hơn. Hình ảnh người cha trong tâm trạng tuyệt vọng sau cuộc hẹn bất thành với tên bắt cóc, ngồi thụp xuống một góc hẻm phố về khuya, với góc máy từ trên phủ chụp xuống (Top-Shot) xuyên len lỏi qua những đường dây điện giăng ngang dọc; góc nhìn này khiến người xem có cảm giác chứng nhân từ trời cao cũng bất lực trước tình cảnh của nạn nhân. Hình ảnh người mẹ trẻ đến điểm hẹn với gương mặt thất thần như một con-bệnh-nhiệt-đới trong đường hầm ngột ngạt, rồi vội vã lao ra khỏi xe taxi theo tiếng gọi từ trái tim của một người mẹ mất con, chấp chới trong ánh sáng chói lóa đầu đường hầm; thủ pháp mờ dần sang trắng (Fade White) ở cảnh phim tạo nên một sự mất-tích-thân-thể của nhân vật trong ngữ cảnh thật độc đáo đến lạ lùng! Nó cũng là thủ pháp gián cách để nhắc lại với người xem về tình huống nan giải mà nhân vật đang vướng vào. Hay như với đoạn cả hai vợ chồng cùng đến điểm hẹn là một tháp treo, hối hả chen vào dòng người đi ngược chiều để rồi phát hiện ra giữa mình và tên bắt cóc bao giờ cũng luôn bị ngăn cách bởi không gian trên/dưới và trong/ngoài khác nhau; sự trôi chậm đến lờ lửng của cabin tháp treo nơi lưng chừng vách núi tạo nên một không gian hững hờ, là thủ pháp tương phản mạnh với lòng người đang “như thiêu như đốt” trong nghịch cảnh!
Sự nhập cuộc của biệt đội phòng chống tội phạm, hợp lực cùng chuyên gia ngữ âm học, rồi cả hệ thống máy nhận dạng qua giọng nói… vẫn không thay đổi được tình thế! Thủ phạm vẫn nhởn nhơ với các cuộc hẹn lần lựa, như một trò “trêu ngươi” mà số phận đã dành sẵn cho các nạn nhân vô tội của mình. Cả cha và mẹ đứa-bé-trai-bị-bắt-cóc cũng dần trở nên rối loạn và suy sụp tâm lý nghiêm trọng. Một “Hội chứng con tin” theo kiểu liên-thông-tình-cảm giữa các thành viên trong gia đình nạn nhân hình như được vô tình thiết lập, song hành và đan xen chồng chéo giữa hy vọng với tuyệt vọng; trong sự phát lộ đa chiều kích của xúc cảm thương đau. Tuy nhiên, điều trớ trêu là nhân dạng tên bắt cóc mãi mãi là một ẩn số, với những người liên quan. Với cách kể này, người làm phim đã tạo nên một ức thuyết đầy bí ẩn về kẻ tình nghi, để không làm biến dạng tính cách này của nhân vật phản diện (vốn là kẻ thủ ác có thật ngoài đời!). Điều này một mặt giữ được kịch tính xuyên suốt nhịp điệu/tiết tấu của phim, mặt khác cũng là cách tránh đi tình trạng suy diễn theo kiểu áp đặt chủ quan của người kể chuyện.

Giải thưởng đạt được:

Đề cử Giải Đại Chung/Hàn quốc (Grand Bell Awards, South Korea) 2007, hạng mục Nam diễn viên Xuất sắc nhất (Kyung-gu Sol)

Câu chuyện phim kết thúc như sự thật nghiệt ngã của cuộc sống, khi thi thể cậu bé trai Hang Sang-wo (ngoài đời thật là Lee Hyung-ho), 9 tuổi, cuối cùng được tìm thấy bên bờ sông Hàn, sau 44 ngày mất tích, dù 100.000 USD đã được gia đình nạn nhân chi trả cho kẻ bắt cóc- sát nhân. Và cho đến tận năm 2007 này, tên tội phạm vẫn còn sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, dù đã có tới 87 cuộc gọi đàm phán và nhiều bản viết tay của kẻ sát nhân đã được nhiều cơ quan có thẩm quyền phân tích cặn kẽ, 420 người tình nghi đã bị bắt.
Nỗi đau của vợ chồng Han Kyung-bae và Oh Ji-sun ở đoạn kết phim, khi nhận ra mình sẽ chẳng thể nào dễ dàng làm lại từ đầu, bởi quá khứ đã là một phần không thể từ bỏ của hiện tại và tương lai bất giác khiến người ta liên tưởng đến thân-phận-trong- cuộc, của 19 con tin Hàn Quốc (trong tổng số 21) vừa được phe Taliban (ở Afghanistan) phóng thích vào 30/08/2007 vừa qua, sau gần 45 ngày bị cầm giữ. Xã hội Hàn Quốc đã bị khủng hoảng và chia rẽ sâu sắc, sau ngày trở về của các con tin, những người đã vô tình trở thành “con tin thời đại”, những nạn nhân vô tội (kiểu công-dân-thời-chiến) của những cuộc tranh chấp quyền lực giữa các thế lực, các quốc gia trên thế giới.
Thế nên, dù nhìn ở bất kỳ giác độ nào, Voice of a murderer  vẫn phải được nhìn nhận đây vừa là một tác phẩm điện ảnh Hàn quốc đương đại, hiện diện đầy đủ giá trị nội tại và tự thân về ngôn ngữ nghệ thuật mà nó chuyên chở; đồng thời cũng là một trong những tiếng nói lương tri nhất của những người làm nghề- những nghệ sĩ mới của thời đại.

Châu Quang Phước

Tác giả

(Visited 49 times, 1 visits today)