Vụ đốt kho đạn Sài Gòn 8/4/1946 và hình tượng “đuốc sống”

Hồi ký của nhà báo lão thành Nam Đình (Nguyễn Kỳ Nam) có những tư liệu liên quan đến vụ quân dân Nam Bộ đốt kho đạn Sài Gòn ngày 8/4/1946 nhưng dường như chưa được trích dẫn trong các cuộc tranh luận gần đây về hình tượng “Em bé đuốc sống Lê Văn Tám”.

NXB Văn học vừa ra mắt tác phẩm “Nam Đình – Nhà văn, nhà báo kì đặc” với phần chính (437/786 trang) là trích hầu hết cuốn “Hồi ký 1925-1964” tập II “1945 – 1954” của Nguyễn Kỳ Nam (tức Nam Đình).

Cuốn “Hồi ký” này đã được học giả, nhà văn hóa lớn, cụ Vương Hồng Sển đánh giá:

“Tôi khuyên độc giả nên tìm đọc quyển “Hồi ký 1925-1964” tập II “1945 – 1954” của ký giả lão thành Nam Đình (Nguyễn Kỳ Nam), không bán, và dành riêng, do nhựt báo “Dân Chủ Mới” xuất bản năm Giáp Thìn (1964). Tôi nhìn nhận quyển “Hồi ký” ông Nguyễn Kỳ Nam này mới thật là tập sử liệu quí giá viết đúng phương pháp hồi ký vô tư và khách quan.”

(“Hơn nửa đời hư”, Văn Nghệ, Cal., 1995, tr. 350 – phần in đậm là do người trích nhấn mạnh).

Cuốn “Hồi ký” chứa nhiều tư liệu quí giá về Cách mạng Tháng Tám 1945 và cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ nhưng ít được trích dẫn trong các công trình lịch sử đương đại. Đọc “Hồi ký”, chúng tôi nhớ đến cuộc trao đổi gần đây về hình tượng “Em bé đuốc sống Lê Văn Tám” và nhận thấy có thể cuốn “Hồi ký” này chưa từng được trích dẫn trong quá trình trao đổi. Để giúp bạn đọc thêm tư liệu, chúng tôi xin trích dẫn phần nói về vụ quân dân Nam Bộ đốt kho đạn Sài Gòn ngày 8/4/1946 từ “Hồi ký 1925-1964” tập II “1945 – 1954” của Kỳ Nam, tr. 305-307, được in lại trong “Nam Đình – Nhà văn, nhà báo kì đặc” tr. 493-496:

Đúng ngày kỳ hẹn – 20 tháng 3 năm 1946 – tại miếu Bà Cố, cách Biên-hòa mười cây số, hai bên hẹn gặp nhau.

Nguyễn-Bình [Khu trưởng Khu 7, chỉ huy quân sự cao nhất của chính phủ Việt Nam DCCH tại Nam Bộ] cử Phạm-ngọc-Thuần, Lê-đình-Chi và hai người nữa đến gặp phái-đoàn Pháp.

Đại-tá [Cédille, Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Đông Dương] đưa điều-kiện:
“Bên Việt-Nam phải giải-giới Dân-quân; nạp khí-giới cho Pháp. Pháp sẽ cho những người kháng-chiến về hợp-tác với Pháp.”

Điều-kiện hợp-tác như thế có nghĩa là đầu hàng không điều-kiện ! Hay là… bó tay nạp mình cho Pháp.

Phái-đoàn Phạm-ngọc-Thuần không cần thảo-luận gì nữa, liền trở về căn-cứ.

Pháp muốn biểu-dương lực-lượng hùng-hậu của mình, nên ngày sau, liền ra lịnh cho máy bay dội bom tan nát vùng Lạc-an [trung tâm Khu 7 Nam Bộ và chiến khu Đ sau này].

Cố nhiên là nhà cửa, trâu bò, mùa-màng bị thiệt-hại nặng.

Dân chúng khóc trước cảnh điêu-tàn, người chết, nhà cửa bị thiêu hủy dưới trận mưa đạn.

Nguyễn-Bình thề sống chết với Pháp.

Đốt kho đạn Saigon

Để trả lời trận tấn-công nầy. Dân-quân kháng-chiến quyết gây thiệt-hại cho Pháp gấp mười lần mới nghe.

Tổ-chức đốt kho đạn Saigon.

Nếu thành-công vụ nầy, sẽ có 4 điều lợi:

–    Một là, ủng-hộ Hội-nghị Đà-lạt Việt – Pháp sẽ mở vào ngày 14 tháng 4 năm 1946.

–    Hai là, trả lời đề-nghị của Cédille.

–    Ba là, trả lời cho tướng Leclerc [Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương] biết rằng: Nam-Bộ vẫn còn lực-lượng kháng-chiến, chớ không phải tan rã; như tướng Leclerc tuyên-bố đã bình-định xong.

–    Bốn, để đồng-bào khắp nơi biết lực-lượng kháng-chiến vẫn còn mạnh mẽ, nhứt là đồng bào về thành, để mưu sinh-kế.

Nhưng làm sao đốt kho đạn ?

Nguyễn-Bình có họa-đồ kho đạn Saigon rồi, nhưng làm sao tấn-công ?

Lúc đó dân-quân ở ngoại-ô Saigon tuyên-truyền rằng: có 2 cảm-tử-quân mình làm cây đuốc. Rồi tự đốt đuốc, chạy vào kho đạn…

Thật ra, việc phá-hủy kho đạn Saigon do một công-trình nghiên-cứu rất khoa-học của dân-quân tổ-chức lâu ngày. Hai cảm-tử-quân cùng với một sĩ-quan Nhựt đầu hàng dẫn đường.

Sĩ-quan Nhựt này trước kia có ở kho đạn, nên biết rõ địa-thế kho đạn.

Anh ta nói:

–    Pháp không giữ phía sau kho đạn tức là phía sông Thị-Nghè, có nghĩa là, họ để trống cửa hậu cho mình vào kho đạn rất dễ dàng. Tại đây, có 1 đường cống lớn, chun vào tận kho đạn. Một kho nổ tung, tức nhiên, bao nhiêu kho khác, sẽ cháy hết.

Bộ tham-mưu kháng-chiến liền xúc-tiến công việc.

Tối 8 tháng 4, viên sĩ quan Nhựt dắt 2 cảm-tử-quân ta, bọc theo mình những đồ nhạy lửa dây tim có thuốc súng, đốt cháy…, dẫn lửa vào hầm đạn.

Ba người lội sang sông Thị-Nghè; sĩ-quan Nhật chun vào lỗ cống, dẫn đường cho hai cảm-tử-quân ta.

Chất nhạy lửa đặt ngay hầm đạn, mối dây bắt lửa kéo trở ra miệng. Chừng lội trở ra, hai cảm-tử-quân cột một điếu thuốc ở đầu dây. Đốt điếu thuốc xong, cả ba lội qua sông Thị-Nghè, kiếm chỗ núp coi kết quả.

Điếu thuốc cháy tới dây dẫn lửa, tức thì dây dẫn lửa đem lửa vào tận hầm để đạn.

Tại đây, có sẵn chất nổ.

Một hầm đạn cháy, nhiều hầm khác nổ tung.

Sáng ngày 9 tháng 4, dân chúng Saigon nghe tiếng nổ liên tiếp, tưởng chừng kháng-chiến đã vào tận Saigon. Hai bên bắn nhau, nên mới gây tiếng súng long trời lở đất.

Những người ở gần kho đạn hay trước, nên bỏ nhà chạy… tản-cư về miệt Saigon.

Từ đây một đồn mười chẳng bao lâu cả Saigon đều hay tin kho đạn nổ.

Pháp định giấu không muốn thế-giới biết ai đốt kho đạn

Nhưng, tại sao… nổ ?

Cédille định giấu dân-chúng, nên đưa tin cho ký-giả ngoại-quốc và thông-tấn-xã A.F.P rằng: có một chiếc cam-nhông vào kho đạn, nhảy lên một cục gạch, đạn trên xe vùng nổ… Nên những kho đạn gần đó bị vạ lây.

Đạn nổ trọn ngày 9 tháng 4, rồi suốt cả đêm, suốt ngày 10, trọn đêm 10, suốt ngày 11 và trọn đêm 11; sáng 12, nổ lai-rai… đến tối lại mới dứt hẳn.

Nguy hiểm nhứt là ngày 10. Có tin của nhà chức-trách cho hay: “phải tản-cư thật xa, vì những trái phá lớn mà nổ, thì những vùng ở gần kho đạn sẽ sập hết. Dân-chúng nên chú-ý”.

Thông-cáo đăng trên các báo.

Tiếng nổ liền liền; khói đen lên cao một vùng. Ai mà không sợ ?

Nhiều gia-đình ngủ ở vườn bông, vườn sân Tao-Đàn những nơi công-cộng…

Nhà cửa gần kho đạn đều sập một phần. Nhiều nhà thì “la phông” đổ, hoặc sập một hai mái hiên ở ngoài…

Một tuần nhựt sau, mới biết bị dân-quân phá-hoại. Một vài báo xuất bản ngoài bưng lại đưa tin rằng:

“Có hai cảm-tử-quân quấn vải vào mình, rồi tẩm xăng đốt lên chạy vào kho đạn… Lính gác cửa thấy vậy sợ quá không dám bắn. Hai người liều chết đốt 4 ngàn tấn đạn dược của Pháp ”.

(Cách viết của bản gốc được giữ nguyên. Các chú thich trong [ ] là của người trích dẫn)

Như phần trích dẫn, tư liệu này mô tả khá toàn diện một chiến công của quân dân Nam Bộ: Lý do và thời điểm của trận đánh, những người thực hiện trận đánh, hậu quả của vụ nổ được thông báo bởi nhà binh Pháp cũng như thông tin trong dân chúng và thông tin của các hãng truyền thông nước ngoài.

Đối chiếu với các thông tin đã đưa ra khi tranh luận về “Em bé đuốc sống Lê Văn Tám”, còn nhiều câu hỏi sẽ tiếp tục cần giải đáp.

Tác giả

(Visited 68 times, 1 visits today)