Vui chơi là bản năng sinh tồn
Mặc dù các nhà nghiên cứu đã chỉ ra vui chơi là bản năng của con người và liên quan đến sự phát triển và tồn vong của giống loài, xã hội hiện đại vẫn đẩy nó xuống hàng thứ cấp.
Vui chơi ở người lớn lâu nay thường bị coi thường – Trong tiếng Việt, chơi thường bị biểu đạt bằng những từ ngữ tai tiếng như “chơi bời”, “ăn chơi”, hay mang những hàm ý miệt thị chỉ sự lêu lổng, lười biếng, thậm chí ích kỷ và lãng phí. Chơi được khu biệt là đặc quyền của trẻ nhỏ, và khi con người bước vào tuổi trưởng thành, vui chơi bị đẩy sang thái cực đối lập với công việc và các trách nhiệm khác.
Nhưng khi các nhà nghiên cứu về vui chơi – một nghề nghiệp thú vị – bắt đầu tìm hiểu về vai trò của nó đối với người trưởng thành, họ nhận ra, “đối lập với chơi không phải là làm, mà là trầm cảm.” Vui chơi trong đời sống cũng thiết yếu như giấc ngủ ngon và bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, và thiếu chơi là một hiểm họa ăn mòn sức khỏe sâu rộng không chỉ với cá nhân, mà cả cộng đồng.
Con người – “dân chơi” suốt đời
Hành vi vui chơi xuất hiện ở nhiều loài động vật. Chó sói, tinh tinh, hải cẩu… chơi đùa trong những năm đầu đời có thể quyết định khả năng sống sót của chúng khi trưởng thành. Quá trình vui chơi đem lại mô hình thế giới phiên bản thu nhỏ và an toàn, cho phép con non thực hành, thử nghiệm, học hỏi các kỹ năng sinh tồn và giao tiếp, như săn bắt, đọc vị các hành vi, phân biệt bạn-thù, tăng cường niềm tin, kiềm chế bản thân…. Với loài người, vui chơi cũng định hình phát triển nhận thức, thể chất, xã hội và cảm xúc. Chơi đùa trang bị cho trẻ em các kỹ năng khám phá, sáng tạo, tưởng tượng, ứng biến, giao tiếp… Bước ra khỏi tuổi thơ với những trò chơi, các em được tập dượt cách làm chủ và thích nghi với các tình huống trong cuộc sống.
Những lợi ích này được hấp thu tốt nhất khi não phát triển nhanh nhất trong giai đoạn ấu thơ. Khi giai đoạn này kết thúc và đà phát triển chậm lại, đối với nhiều loài động vật trong thế giới tự nhiên, chơi trở thành hoạt động lãng phí năng lượng và thời gian, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Và khi chi phí bắt đầu lớn hơn lợi ích, chúng dần loại bỏ vui chơi ra khỏi đời sống.
Nhưng, nếu hầu hết các loài chỉ chơi đến độ tuổi nhất định, thì tạo hóa lại cho con người làm “dân chơi” suốt đời. Tiến sĩ Stuart Brown, chuyên gia tâm thần học, sáng lập Viện Quốc gia về Vui chơi của Mỹ, đưa ra các bản chụp quét não và phân tích hành vi con người để chứng minh rằng trong xã hội hiện đại, bộ não có thể tiếp tục phát triển lâu sau khi chúng ta đã qua tuổi vị thành niên, và vui chơi thúc đẩy sự phát triển đó. “Bộ não của chúng ta không ngừng phát triển sau tuổi đôi mươi. Với một cá nhân khỏe mạnh, vui chơi rất có thể tiếp tục thúc đẩy quá trình hình thành thần kinh mới (neurogenesis) trong suốt cuộc đời,” ông viết trong cuốn “Play: How it Shapes the Brain, Opens the Imagination, and Invigorates the Soul” (2009). Ví dụ, các nghiên cứu về chứng mất trí sớm cho thấy rằng vui chơi thể chất ngăn chặn tình trạng suy giảm tinh thần bằng cách kích thích các tế bào thần kinh mới ra đời. Ngay cả với những người trên 70 tuổi, các trò chơi như giải câu đố hay chơi cờ có liên quan đến khả năng chống sa sút trí tuệ, như một nghiên cứu gần đây cho thấy.
Khi được vui chơi, cơ thể con người kích hoạt giải phóng những hormone hạnh phúc tự nhiên có lợi cho cơ thể như dopamine và oxytocin, thúc đẩy cảm giác vui sướng và thậm chí có thể giảm đau và căng thẳng tạm thời. Vui chơi cũng kích hoạt các yếu tố tăng trưởng thần kinh mạnh mẽ giúp tăng khả năng học tập và tính linh hoạt của tinh thần.
Tất nhiên, vui chơi có mặt trái của nó. Chơi có thể bị lạm dụng quá đà. Theo tiến sĩ Brown, “những ai dùng trò chơi để thoát khỏi một số nỗi đau tinh thần khác sẽ không thể ngừng chơi. Nếu họ làm vậy, những đau đớn và lo âu của họ sẽ ùa về,” ông từng viết. Hưng phấn và khoái cảm từ lối thoát tạm thời này có thể gây nghiện, gây ra những hậu quả tai hại về thể chất, xã hội, cảm xúc và nhận thức.
Dẫu vậy, với “những người lớn khỏe mạnh và cân bằng về tâm lý”, theo ông, dù ham chơi đến đâu cũng sẽ đến lúc mệt mỏi và chuyển sang làm việc khác. Trải qua hàng thiên niên kỷ tiến hóa, niềm thôi thúc vui chơi vẫn tồn tại trong mỗi con người hẳn phải có lí do quan trọng đối với việc sinh tồn.
Vui chơi còn bảo vệ con người trong tình huống bất trắc. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng những người tiếp tục vui chơi ở tuổi trưởng thành ít căng thẳng thần kinh và giỏi giải quyết vấn đề hơn, bao gồm cả khi đại dịch COVID-19 bùng nổ. Họ là những người khéo thích nghi hơn và biết hỗ trợ, động viên người khác tốt hơn. Nói cách khác, chúng ta được thiết kế để trở thành những “dân chơi” trọn đời, và được hưởng lợi từ nó bất kể lứa tuổi.
Bạn còn có thể bị thương khi chơi. Cảm giác chìm đắm “hết mình” khi chơi có thể khiến những người tham gia lơ đãng khỏi những hiểm họa. Những xung đột, thậm chí đụng chân tay, có thể nảy sinh ở những giây phút đùa nghịch “quá đà”. Các nhà nghiên cứu lập luận rằng nhờ những lần bầm dập đó mà con người học về các ranh giới trong tương tác xã hội cũng như điều phối hành vi và cư xử. Kể cả đến khi trưởng thành, chơi đùa vẫn tiếp tục cho chúng ta không gian tương đối an toàn để lần dò các lằn ranh này. Bạn có thể không còn đấu vật hay đánh trận giả với bạn bè nữa, mà thay bằng trêu chọc hay đùa giỡn nhau. Những quan sát, phản ứng – đồng thuận hay phản đối – trong các màn đùa bỡn có thể là chỉ dấu để các bên xây dựng mối quan hệ lành mạnh.
Vui chơi, do đó, còn tạo chất keo gắn kết xã hội. Các nhà khoa học cho biết, hành vi vui chơi ở tuổi trưởng thành thường phổ biến ở các loài động vật mà sinh tồn phụ thuộc vào khả năng hợp tác. Chó sói đồng cỏ trưởng thành chơi để giảm bớt căng thẳng, tăng gắn kết, rèn luyện tinh thần đồng đội và xây dựng lòng tin và liên minh. Với con người, các nhà tâm lý học xã hội và các nhà nghiên cứu cũng tin rằng có mối liên hệ giữa những người lớn thích vui chơi với một loạt các phẩm chất tích cực ở nơi làm việc như liên kết nhóm, sáng tạo, tự cường, hài lòng và hiệu suất trong công việc. Ở cộng đồng, vui chơi ở người lớn được cho là giúp làm giảm mức độ bạo lực và tăng cường giao tiếp. Ví dụ, mọi người bất kể giàu nghèo hay khác biệt quan điểm đều có thể tìm thấy điểm chung khi bình luận về đội tuyển thể thao chẳng hạn.
Nhà sử học Hà Lan Johan Huizinga trong tác phẩm nổi tiếng “Người chơi: Nghiên cứu về yếu tố vui chơi trong văn hóa” (1938) thậm chí còn đi xa hơn, lập luận vui chơi là một trong những hoạt động then chốt nhất trong các xã hội hưng thịnh: nó là điều kiện cần để văn hoá ra đời. Trong dòng chảy của các nền văn minh, vui chơi được nâng tầm và thêu dệt vào cuộc sống, tạo nền tảng cho âm nhạc, kịch, chèo, tiểu thuyết, khiêu vũ, lễ hội… xuất hiện.
Nếu chúng ta ngừng chơi
Bất chấp bằng chứng con người có dây cót sinh học cho vui chơi thường xuyên và lâu dài, xã hội hiện đại đã đẩy nó xuống hàng thứ cấp. Không gian và thời gian chơi của trẻ nhỏ và cả người lớn đều bị thu hẹp cắt giảm, thay chỗ cho học và làm. Nhưng trái với quan niệm phổ thông, bỏ bớt vui chơi không đơn thuần là thêm một ngày công hay một buổi học thêm, mà nó có thể dẫn đến sa sút tinh thần nghiêm trọng tích tụ theo thời gian.
Thiếu chơi có thể định hình cuộc sống con người suốt những năm về sau. Ở mức độ cực đoan, nghiên cứu về tù nhân và tội phạm xả súng hàng loạt tại Mỹ cho thấy nạn thiếu chơi có thể gắn với nguy cơ phạm tội khi trưởng thành. Ở tầm phổ thông hơn, một con người ít được vui chơi thời thơ ấu có nguy cơ lớn lên thành người hay lo lắng và thậm chí trầm cảm. Các khảo sát nhiều thập kỷ tại Mỹ – quốc gia có nhiều nghiên cứu về chủ đề này – chỉ ra mối liên hệ giữa nạn thiếu chơi ở trẻ em và xu hướng gia tăng đáng kể về lo âu và trầm cảm của người trẻ sau này. Số học sinh và sinh viên đại học báo cáo mình bị trầm cảm hoặc lo âu nghiêm trọng cao gấp năm đến tám lần so với 50 năm trước. Ở thanh thiếu niên từ 15-25 tuổi, tỷ lệ muốn tự tử tăng gấp tăng gấp đôi từ năm 1950 đến năm 2005. Việt Nam cũng ghi nhận xu hướng sa sút tinh thần này. Nghiên cứu tổng hợp từ các công bố trong hơn hai thập kỷ qua về Việt Nam cho thấy tỷ lệ rối loạn tâm thần nói chung, gồm cả tự vẫn, tự làm hại bản thân, trầm cảm, rối loạn lo âu, phiền muộn ở học sinh cấp hai và cấp ba đều ở mức hai con số, là mức cao so với thế giới, và có xu hướng tăng lên theo thời gian.
Tình trạng tinh thần tụt dốc chung được chứng minh ít liên quan đến tình hình kinh tế hay chiến tranh loạn lạc. Ở Mỹ, trẻ em ngày nay trầm cảm hơn trẻ em thời Great Depression (Đại Khủng hoảng những năm 1930), và lo lắng hơn trẻ em thời Chiến tranh Lạnh, thời kỳ mà mối đe dọa hạt nhân và tận thế gần kề. Thủ phạm chính được xác định có thể là do nạn thiếu hụt vui chơi tự do từ thế kỷ 20. Các khảo sát với trẻ em và các bà mẹ đều cho thấy số giờ chơi tự do và tần suất chơi của các em đều giảm theo từng thập kỷ.
Tệ hơn, xu hướng tự luyến ở người trẻ cũng được ghi nhận gia tăng, trong khi khả năng sáng tạo và thấu cảm với người khác giảm theo thời gian. Các thế hệ thanh niên càng về sau càng cho biết họ mất cảm giác tự chủ cuộc đời chính mình, và càng tin rằng tất cả do số phận hay hoàn cảnh định đoạt. Các chuyên gia tin rằng đây là di chứng của tuổi thơ bị tước đi cơ hội chơi đùa tự do, khi những bài học thực tế đầu đời trong lúc vui chơi – thử nghiệm, sáng tạo, xây dựng thế giới theo ý mình, ứng biến với các thay đổi, tiếp xúc với những thế giới quan đa dạng… theo đó bị biến mất.
Tiến sĩ Stuart Brown, người đã làm việc với khoảng 6.000 cá nhân từ các xuất thân khác nhau, còn đề xuất việc con người thiếu thời gian chơi đùa có liên quan đến những cuộc “khủng hoảng tuổi” hai lăm, ba mươi hay bốn mươi xuất hiện càng nhiều, kể cả những người được coi là thành công. Bị cách ly khỏi vui chơi quá lâu và chỉ cắm đầu với công việc sẽ dễ khiến con người nản lòng, mất niềm tin, động lực sống, dù ở tuổi mười sáu hay tuổi sáu mươi. “Đối với những người chơi giỏi thì nó sẽ không xảy ra,” ông viết. “Khi chúng ta ngừng chơi, chúng ta ngừng phát triển…. Khi chúng ta ngừng chơi, chúng ta bắt đầu chết”.
Dữ liệu về các tác hại khi người lớn thiếu chơi còn hạn chế, nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến chủ đề này được chú ý hơn. Hai năm của dịch bệnh, sợ hãi và cách ly đã đẩy tình trạng cô đơn và cô lập trong xã hội đến mức nghiêm trọng, thậm chí gây chết người. Tuy nhiên, chính cú sốc tâm lý này đã buộc những người lớn xem xét lại tầm quan trọng của vui chơi không chỉ với trẻ em, mà còn với nhịp sống bào mòn của chính họ. Nhà thần kinh học và tâm lý học Kathy Hirsh-Pasek chỉ ra dấu hiệu cho thấy người trưởng thành đang dấn thân hơn vào thế giới vui chơi kể từ đại dịch: thị trường đồ chơi dành cho cả người lớn và trẻ em bùng nổ, gọi tắt là “Kidults”. Năm 2022, người lớn mua nhiều đồ chơi và trò chơi (game) hơn bao giờ hết, và kidults – gồm những sản phẩm như ghép hình, sách tô màu, Lego, búp bê và các nhân vật hành động… – đã tạo ra doanh thu 4,9 tỷ USD ở châu Âu, và 9 tỷ USD tại Mỹ, là động cơ tăng trưởng lớn nhất của toàn ngành công nghiệp. Kidults cũng là xu hướng nổi bật hậu đại dịch tại Đông Nam Á và thúc đẩy doanh số của ngành trong khu vực.
Dân chơi bẩm sinh?
Sau 2.500 chữ bạn phải đọc qua về những lợi ích của chơi và cả hiểm nguy nếu thiếu nó, rút cuộc, chơi là gì? Định nghĩa được nêu ở cuối bài, vì trên lý thuyết, chơi tự nhiên đến nỗi, bạn tự động hiểu và thực hiện nó mà không cần dùng đến một khuôn khổ tư duy phức tạp nào. Các nhà nghiên cứu về chơi tin rằng nó là thứ được lên lập trình sẵn trong cơ thể bạn từ lúc sinh ra, giống như tiêu hóa và ngủ. Nói cách khác, bạn là “dân chơi” bẩm sinh.
Nhưng nếu bạn sống trong nền văn hóa luôn miệt thị việc chơi, đến mức bị rèn luyện để quên lãng nó, hoặc bị đánh tráo thành những hoạt động vụ lợi nhất định, bạn có thể tham khảo lại một số khái niệm của những nhà nghiên cứu lâu năm.
Bản thân họ cũng thừa nhận rất khó để định nghĩa vui chơi chính xác. Huizinga đã cố gắng, khi ông chỉ ra những đặc trưng buộc phải có của chơi: sự tự do, vô tư và không nghiêm túc, không vụ lợi, tách người chơi khỏi đời sống thực “bình thường” để bước vào một lãnh địa tưởng tượng riêng biệt tạm thời (như ở những trò chơi nhập vai, trận giả, đồ hàng), theo những quy tắc cố định và có trật tự (luật chơi). Peter Gray, một nhà nghiên cứu và học giả tâm lý học người Mỹ, xác định đặc điểm cốt lõi của chơi là tự chọn và tự định hướng. Chơi có luật lệ, nhưng nó cũng chừa không gian cho sáng tạo; và dù bạn có hăng hái hay tập trung chơi đến đâu, bạn vẫn luôn cảm thấy tâm trí mình thả lỏng và dễ chịu. Stuart Brown cho rằng vui chơi là một trạng thái tinh thần hơn là một hoạt động, và trạng thái đó cần hội tụ bảy yếu tố: không mục đích (bạn “chơi” để kiếm tiền hay lấy lòng ai đó sẽ không được tính, rất tiếc), tự nguyện tham gia, tự hoạt động đó có sức thu hút với bạn, khiến người chơi quên thời gian, quên chính bản thân, cho phép sáng tạo và thoải mái ứng biến, và luôn khao khát được tiếp tục cuộc vui mà không biết chán.
Trong cuốn Play, ông và đồng tác giả Christopher Vaughan đã phân biệt tám cá tính chơi ở con người, và mỗi người có thể có nhiều hơn một cá tính: (1) người chơi qua các trò đùa, chọc ghẹo, (2) người vận động, (3) người khám phá: như đi du lịch, hay đọc sách, tìm hiểu tư tưởng mới, (4) người thích tổ chức, chỉ huy: tổ chức tiệc, đạo diễn các trò hoặc kịch, (5) người sưu tầm, (6) người thi đấu, cạnh tranh, (7) nghệ sĩ, người sáng tạo, (8) người kể chuyện: với trí tưởng tượng, họ có thể tìm thấy sự say sưa kể chuyện ở mọi sự việc.
Những khái niệm, phân loại và khoa học này có thể khiến vui chơi nghe có vẻ cầu kỳ; và những người trưởng thành có thể viện ra các hạn chế về thời gian, không gian, thậm chí thu nhập ngăn họ vui chơi. Nhưng trước các lợi ích lâu dài của nó, các nhà nghiên cứu vẫn khuyến khích người lớn vượt qua những rào cản tâm lý và văn hóa này, khởi động lại cỗ máy sinh học bị đóng bụi đơn giản bằng cách động đậy chân tay nhẹ nhàng như đi bộ. Vận động thể chất giúp người lớn phá vỡ “phòng thủ tinh thần”, cho phép họ bước đầu hòa mình và đắm chìm vào cuộc vui. Chơi với thú cưng hoặc với trẻ em cũng giúp người lớn vượt qua những thôi thúc phòng vệ và tự kiểm duyệt ngăn cản họ chơi đùa.
Mỗi cá nhân sẽ có công thức riêng, và theo nhà trị liệu, nhà khoa học Stuart Brown, để thực sự đưa vui chơi trở lại nhịp sống, bạn hãy hồi tưởng (và thường xuyên hình dung) trò chơi tuổi thơ từng khiến cho bạn vui vẻ, mê đắm đến mức quên thời gian và thế giới xung quanh. Nhớ cảm giác nó mang lại, và nhiệm vụ của bạn là tìm ra những hoạt động cho phép bạn tái tạo lại cảm giác đó. Ông gọi đó là “heart play” – vui chơi từ trái tim.
Vẻ đẹp của vui chơi đến từ việc trải nghiệm nó. Vui chơi là bản năng cả đời mà tạo hóa lập trình cho con người, để giữ chúng ta tỉnh táo và khỏe mạnh. Vui chơi không khó, (hãy thử hỏi những đứa trẻ xung quanh bạn, và nhất là đứa trẻ bên trong chính mình), cho phép bản thân được chơi có lẽ sẽ là một trong những cách hiệu quả nhất để hiện thực hóa những cầu mong an khang, hạnh phúc vào đầu năm mới.□
——–
Nguồn tham khảo
‘Người chơi’ – một chiều kích bản thể người – PGS. TS Đỗ Lai Thuý, Người Đô Thị.
Play: Its Role in Development and Evolution.
Do You Play Enough? Science Says It’s Critical to Your Health and Well-Being – Newsweek.
The Politics of Playtime: Reading Marx through Huizinga on the Desire to Escape from Ordinary Life.
The Pleasures of Play: Pharmacological Insights into Social Reward Mechanisms.
Bài đăng Tia Sáng số 4/2024