Vườn cổ tích (Một mẩu chuyện dành cho mùa xuân)
Khi tôi vừa chào đời, khu vườn ấy đã có từ lâu, bà tôi kể, nó còn có trước bà cả mấy đời nữa thê, kể từ cụ tổ cao sơ đời trước, khi bà bước chân vào cổng ngày nạp dâu, vườn đã có nhiều cây cổ thụ hơn trăm tuổi che kín cả không gian vừa rộng vừa dài sâu hút vào tận xóm trong, nằm trên dốc đồi Hà Khê, bên cạnh bờ sông Hương, cách chùa Linh Mụ không xa….
Đối với một tiểu thư khuê các, chỉ biết chốn phòng khuê, quanh quẩn học hành thêu thùa bên mẹ, kín cổng cao tường, giữa chốn kinh thành, phố thị, đám cưới bà tôi còn đi bộ từ trong thành nội, kiệu ra cửa Thượng Tứ, đến bến đò Văn Lâu, rồi dùng thuyền rước dâu ngược dòng Hương Giang về bến làng Xuân Hòa đối diện với bên kia đồi Long Thọ, “chiếc thuyền có kết hoa vạn thọ như trong chuyện thần tiên…chiếc thuyền hoa đi trên dòng sông Hương, bầu trời xanh, chim hót và pháo nổ”… Bước vào ngõ sâu trong khu vườn rộng mênh mông, bà tôi nhiều lần về sau thường ngâm mấy câu thơ Kiều Nguyệt Nga, như cảm khái lần đầu tiên bước chân vào chốn ấy: …“đến miền Hà Khê…trải qua dấu thỏ đàng dê. Chim kêu vượn hú bốn bề nước non…”.
Thuở ấy khu vườn đã hiện ra trước mắt như cõi Thiên thai của thời tiền sử, lơ lửng giữa trời và nước, lãng đãng trong mây bay đùa theo những cơn sóng lục thuý ngọt lành, sông Hương bàng bạc lao xao trước ngõ, núi Kim Phụng xanh um bên kia bờ vọng nguyệt, và tiếng chuông Linh Mụ ngân nga theo với canh gà Thọ Xương… Không biết bao lần bước ra ngôi vườn hoang dã, nhà quê, nữ nhân ấy đã giật mình vì tiếng chim chuyền nhanh qua bóng nắng hay tăm cá quẫy bóng núi lặng lờ dưới đáy sông? Hoa lá, cây trái trong vườn hầu như miên man không dứt, khỏa xanh cả những ngày mưa u ám, huyền ảo trong mù sương. Thức thức bóng lồng những đêm trăng, ngạt ngào hương hoa như bất tận…
Bà tôi, cô tiểu thư tôn nữ mảnh mai nhỏ bé, gánh trên vai chức vị dâu trưởng của một đại gia đình, đến khi sanh đứa con đầu tiên, đã thuộc lòng hết những gốc cây, hoa cỏ trong vườn, có lẽ một phần bên cạnh bổn phận chăm sóc, cây cỏ bỗng thành bạn tâm giao. Đứa con thứ nhất được lấy tên từ cây cổ thụ ở trước bình phong, rồi kế tiếp những đứa sau, đào lý cao sang, rồi cháu chắt tùng bách với ước nguyện nối dõi lâu dài và những lan những huệ những hồng những hoa thơm trong vườn…đều được thổi vào bằng những tiếng cười, tiếng khóc, bằng bóng dáng khi thì ngộ nghĩnh buồn cười dễ thương khi thì đẹp đẽ thanh cao đến dễ ghét!
Bà tôi hay kể chuyện cây trái trong vườn xen lẫn với chuyện của từng người sống trên mảnh vườn ấy, từ chuyện ông Cố tôi cỡi ngựa trắng mỗi chiều đi dạo trên bờ sông Hương, con ngựa đẹp đến nỗi hồi còn hoàng tử một vị vua triều Nguyễn đâm mê, chiều nào cũng đón ông để ngắm bạch mã, và mê luôn cả bà cô có vẻ đẹp chim sa cá lặng, một lần tình cờ ra bến nhà rửa chân. Vua nhớ đến nỗi phải leo tường nhìn trộm qua vườn…đánh mất chiếc giày phải cậy ông Lãnh binh ngự lâm quân đến tìm… về sau ông Lãnh lại trở thành ông ngoại… Chuyện bốn cây vải được trồng chung với nhau, trở nên bốn anh chị em liền cành liền cánh, gốc to bằng bằng ba người ôm không hết, những trái vải ngọt lành đến nỗi có thể chữa căn bệnh cho một hoàng phi, và cô tôi được bà đưa về làm công chúa, kén được phò mã….Kia cây thị ở cuối vườn, trái thị thơm ngào ngạt khuấy động cả bầu trời Tấm Cám ngày trước nhưng cũng có cả những đứa cháu trai nghịch ngợm hái trộm thị ban đêm bị ma thu ở xó vườn, cho đến khi bà tôi giả dạng bà lão ăn mày ra giải cứu “hu thị thị rớt bị ăn mày”, rồi giáng châu với cô tiên giáng trần ngày đêm khóc sướt mướt vì nhớ trời, nước mắt của nàng tưới cây giáng châu, trong trẻo đến nỗi múi giáng châu trinh bạch như ngọc minh châu, ngọt thanh nhất vùng Kim Long…
Nằm trong lòng của bà, nghe giọng kể trầm trầm ấm áp, mưa trên lá chuối nhịp theo lời kể, hoa trở thành người người biến thành cây, mộng thực đan chen với nhau, khu vườn đối với tôi đã trở nên một vũ trụ không còn giới hạn, ngăn cách, người và vạn vật chuyền nhau hơi thở, lắng nghe và cảm nhận, thân thiết và mơ hồ, lặng lẽ mà đầy tiếng vang âm điệu… Trong cảm thức non nớt, những hình ảnh chập chờn một thứ âm vang cổ tích. Như khi ta ngửi một mùi hương trong buổi sớm mai, mùi hương đọng lại thành chiều buông quá khứ, như khi ta nếm một vị chát vừa hái xuống, lưu luyến trên đầu lưỡi thành nỗi nhớ về bóng dáng cây hồng quân chìm khuất trong bóng tối um tùm, như khi nghe tiếng hót ban mai của loài chim lạ ta nhớ về một nỗi lìa xa nhói tim, như khi… và câu chuyện nào mới kể cũng thành xưa… mới đó mà như xưa… Tưởng như mỗi bông hoa vừa mới nhúm nụ đã vấn vương giữa ở và đi, tưởng như cây vừa đơm trái đã thấy ngọt đậm vị quá khứ, một thứ quá khứ biết sẽ ngọt bùi trong tương lai. Câu chuyện ngày trước hóa thành hôm nay và câu chuyện hôm nay trở thành quá khứ nơi ngày sau…Cũng như bà tôi, đã thành người thiên cổ trong khu vườn, người nhiều thế hệ lần lượt trở về cát bụi, khu vườn bà tôi cũng đã trải qua bao thăng trầm tàn phá.
Ngày trở về của tôi không giống như ngày bà bước chân lên thềm đất mới làm dâu, bà đến để xây tương lai, còn tôi tìm về chốn cũ, mang tâm trạng của người đi tìm thời gian đã mất, tìm về lối cũ, dốc Hà Khê nay đã bị mòn, đến ngõ, vườn xưa tan hoang, nỗi ngần ngừ không dám đưa tay sờ một gương mặt cũ đá nát vàng phai che mờ cả cảnh vật, đang như một thân xác vô hồn, trốc rễ. Những câu chuyện ngày xưa như những mảnh vờ quá khứ đổ nát chất chứa tâm hồn.
Kho tàng Cổ tích của tôi tưởng chừng như cạn kiệt. Dạo ấy tôi viết trong vô vọng Khu vườn câm nín không có lối vào…và thờ ơ không buồn lên tiếng…Đã tưởng sẽ bỏ đi vĩnh viễn.
…Nếu không có hương mộc thơm ở cuối vườn đưa tôi về lối cũ”. Trong đống tro tàn của dĩ vãng, bông hoa nhỏ bé nhất trong khu vườn đã nhúm lại ngọn lửa quá khứ níu chân và… bắt chước bà, nhưng làm khác hơn, tôi không đi đếm cây trong vườn, mà trồng lại cây, vun xới dĩ vãng bằng hoài niệm…tôi trồng lại “cổ tích”. Ví như người bại trận mà chưa đầu hàng, tôi bắt đầu đi nhặt mảnh vỡ để chắp nối lại. Công việc bỗng nhiều, và bỗng xôn xao không kém ngày trước, mỗi mảnh vỡ là một câu chuyện, mỗi lá mỗi hoa là mỗi thì thầm, mỗi mùi hương là mỗi nhắc nhở. Và bỗng nhiên tôi được vạn ức chuyện trò, nghe được cả tiếng cười của mẹ, của chị, của anh, gặp được từng người trong hương thơm hoa lá, thấy được bóng dáng của bà vào ra ung dung nơi khung cửa, cảm nhận được giao thoa của hai bờ bên ni bên tê, một cuộc tương phùng không giới hạn giữa bóng và hình, thấu hiểu được đàng sau cánh cửa của tử sinh biền biệt là sức sống của mỗi chủ thể vô ngã. Con đường đến đó là con đường dệt bằng chuyện cũ, với cổ tích, ta có thể chạm được vô biên, và bỗng nhiên thoát ngộ, cố tích không lùi vào bóng tối của thời gian, cổ tích chính là quá khứ của tương lai, là một cuộc khởi đầu câu chuyện tương lai, mới lạ trên một nền rất cũ…Cổ tích mở cánh cửa vào tương lai, mùa xuân Di lặc.
Có thể bạn chưa tin, còn nghi hoặc. Thì đây, cổ tích Vườn Cổ Tích: Hoa trong vườn bà tôi có điều rất lạ, mỗi lần có khách phương xa chưa kịp báo, hoa đã nở để báo tin người, đã bao lần như thế, bất chợt hoa quỳnh, bất chợt mai, bỗng nhiên lan gót hài, bỗng nhiên hải đường, ngọc lan,… đều dính líu đến hơi thở con người, hơi ấm của người, làm nên câu chuyện: Chuyện kể về hoa nở có thể bắt đầu từ nơi mỗi lá mỗi hoa, nhiều vô số kể, làm nên lịch sử tương lai. Trong khu vườn ấy, cổ tích có thể bắt đầu…như một tin mùa xuân dang tới, có người đến chơi… Cùng lúc đóa mai đầu tiên lóng lánh ánh xuân sang.