Vương Vũ Giai và nghệ thuật trình diễn
Được xem là một thần đồng piano từ năm sáu tuổi, giờ đây ở tuổi 30, Vương Vũ Giai vẫn nổi tiếng khắp thế giới nhờ nghệ thuật biểu diễn chói sáng và cả những bộ trang phục cực kỳ gợi cảm. Nhưng không phải cô không có những hoài nghi và hoang mang về con đường của bản thân.
Vũ Giai biết rất rõ rằng, cô được ngắm cũng nhiều như cô được nghe.
Khán giả nghĩ gì khi nữ nghệ sĩ piano tài năng Vương Vũ Giai (Yuja Wang) xuất hiện trên sân khấu mỗi lần cô trình diễn, với những chiếc váy bó sát cực ngắn, đến mức mỗi khi có tay nào rảnh, cô lại phải dùng nó để kéo váy, và với những đôi giày gót cao hơn chục phân? Đã có nhà phê bình khuyến cáo không nên bán vé các buổi hòa nhạc của cô cho những khán giả dưới 18 tuổi nếu không có người lớn đi kèm, còn báo chí bình luận về trang phục của cô là “ngắn hơn cả ngắn” hay “như của vũ nữ thoát y”… Chưa bao giờ mối liên hệ giữa thứ chúng ta thấy và thứ chúng ta nghe tại buổi hòa nhạc lại bị soi kỹ đến vậy như trong trường hợp của Vũ Giai.
Trong buổi biểu diễn độc tấu tại Carnegie Hall hồi tháng 5/2016, Vũ Giai mặc một chiếc đầm vàng dài truyền thống ở phần đầu chương trình khi cô chơi hai bản Ballade của Brahms cùng tác phẩm Kreisleriana của Schumann. Sang phần hai, Vũ Giai trình diễn Piano Sonata số 29 giọng Si giáng trưởng siêu dài và khó của Beethoven, tác phẩm còn được biết tới với cái tên Hammerklavier. Lúc này, cô đã thay một chiếc váy hở lưng gợi cảm và đầy khiêu khích với đường xẻ bên đùi rất cao.
Tối hôm đó, Vũ Giai không hoàn toàn chơi với tốc độ như chỉ định của Beethoven – ngày nay, chỉ còn ít nghệ sĩ chơi như vậy, trừ Andras Schiff [nghệ sĩ piano gốc Hungary], nhưng cảm nhận của tôi không giống như khi nghe các bản thu xuất sắc của Mauriozo Pollini hay Mitsuko Uchida. Tôi vẫn không thấy bản nhạc êm tai hơn, nhưng lần này như có luồng điện chạy qua. Bản sonata dài từ 45 đến 50 phút, tùy theo người chơi, dường như trở nên quá ngắn.
Vì sao một bản nhạc khó nghe và khó chơi lại có thể mang lại sự thích thú qua lối chơi của Vũ Giai – điều vô lý này đã được một số nghệ sĩ piano và nhà phê bình khác lý giải. Nghệ sĩ piano người Israel Shai Wosner nói, lối chơi dường như không đòi hỏi bất cứ nỗ lực nào của cô đã làm nổi bật cấu trúc bản nhạc, biến nó từ một tượng đài bằng đá trở thành một tượng đài bằng thủy tinh có thể phản chiếu ánh sáng. Nhà phê bình âm nhạc Mark Swed thì nhận xét, ngón tay cô lấp lóa trên phím đàn, phóng những luồng điện vào người nghe, khiến bản nhạc của Beethoven có sắc thái của âm nhạc hiện đại thế kỷ 21.
Nhà phê bình âm nhạc Anthony Tommasini viết trong bài báo trên tạp chí Times về buổi độc tấu của Vũ Giai tại Carnegie Hall rằng khán giả phát cuồng sau khi Vũ Giai trình diễn các tiểu phẩm cuối màn chào khán giả, nhưng ông than phiền, những tiểu phẩm này làm cho cảm xúc về Hammerklavier bị loãng đi. Tôi phải nói rằng tôi hoàn toàn đồng ý với Tommasini. Những tiểu phẩm chia tay khán giả tối hôm đó được cô chơi theo quán tính. Lần đầu tôi nghe cô chơi chúng, tôi cũng sướng phát cuồng. Nhưng lần này, tôi ước gì cô đã để cho chúng tôi ở lại lâu hơn với những cảm xúc về Hammerklavier. Tiếng hò reo sau khi cô trình diễn các tiểu phẩm vang dội hơn so với khi cô kết thúc Hammerklavier. Điều này dường như có gì đó sai sai. Nhưng từ cách cô chơi các tác phẩm hòa nhạc chính với các tiểu phẩm biểu diễn thêm, ta có thể nhìn ra mâu thuẫn trong con người Vũ Giai: một tài năng âm nhạc tự tin và một phụ nữ trẻ không khỏi hoang mang khi phải tìm đường qua mê cung thị trường đầy những xảo thuật.
Vũ Giai sinh ra ở Bắc Kinh, có mẹ là nghệ sĩ múa và bố là nghệ sĩ chơi bộ gõ. Cô chỉ nhớ mơ hồ về việc mình nổi lên thành thần đồng như thế nào nhưng cô thích kể đi kể lại trong các cuộc phỏng vấn rằng mẹ cô từng muốn cô theo nghề múa nhưng do cô quá lười nên chọn chơi đàn piano để được ngồi. Vũ Giai bắt đầu trình diễn trước công chúng khi lên 6, và từ đó cô liên tiếp chiến thắng tại nhiều cuộc thi. Năm Vũ Giai lên 9, bố mẹ đăng ký cho cô vào học ở Nhạc viện Bắc Kinh, và khi cô 14 tuổi, họ gửi cô sang một nhạc viện ở Calgary, Canada. Từ đây cô đã tìm đường tới Nhạc viện Curtis ở Philadelphia, nơi cô được nghệ sĩ piano Gary Graffman, cũng là giám đốc Nhạc viện, người chỉ nhận dạy những sinh viên tài năng nhất, chẳng hạn như Lang Lang, nhận làm học trò. Vũ Giai không còn về sống ở Trung Quốc từ đó. Cô đi khắp thế giới; biểu diễn ở những phòng hòa nhạc hàng đầu, độc tấu, hoặc chơi cùng những dàn nhạc danh tiếng nhất, dưới sự chỉ huy của những nhạc trưởng tài ba nhất – Claudio Abbado, Valery Gergiev, Charles Dutoit…, và mỗi năm cô chỉ có vài tuần để về sống trong căn hộ riêng của mình ở New York .
Vũ Giai nói tiếng Anh rất thạo, cô hay cười với hàm ý rằng mọi người không nên quá nghiêm túc với những gì cô nói. Nhưng cô cũng là người rất chân thật, không phải kiểu tự cao thích khoa trương.
“Phải, tôi thực sự là thần đồng,” cô nói. “Họ vẫn gọi tôi là wunderkind [tức thần đồng trong tiếng Đức]. Tôi nhớ khi mình tới nhạc viện lần đầu tiên. Những đứa trẻ khác đều nhìn tôi kiểu như tôi là siêu sao nhí, như thể tôi là sinh vật lạ trong vườn thú.”
Cô nhớ lại buổi biểu diễn 12 biến tấu cung Đô trưởng của Mozart (“Twinkle, Twinkle, Little Star”) khi cô lần đầu trải nghiệm nỗi sợ sân khấu. Năm đó cô khoảng tám hoặc chín tuổi. “Tôi luôn rất yên lặng trước mỗi buổi biểu diễn, trong khi các bạn khác thì bồn chồn. Họ nói nhiều, một số rất ồn ào. Tôi không hiểu. Tại sao họ hồi hộp vậy? Cho tới lần đầu trình tấu Mozart. Trước khi bước lên sân khấu, tôi vẫn rất bình tĩnh. Thế rồi tôi cảm giác như mình đang ở một không gian khác, thời gian khác. Các ngón tay của tôi tự động chơi nhạc. Và lần đầu tiên tôi hiểu rằng có sự khác nhau giữa việc luyện tập ở nhà với trình diễn trên sân khấu. Có lẽ một cách trực giác, tôi bị xúc động bởi vẻ đẹp, sự hài hòa tự thân của âm nhạc Mozart. Trước đó, tôi thấy Mozart rất buồn tẻ,” Vũ Giai kể.
Khi tôi nói với cô, tôi thấy những nghệ sĩ biểu diễn hòa nhạc chẳng khác nào siêu nhân, thì cô nói, với cô “điều đó hết sức bình thường, giống như trò chuyện thôi mà”. Ngược lại, cô cho rằng, viết sách mới là đáng kể. Từ tuổi teen, cô đã rất chăm đọc. Trong số những cuốn sách cô đọc gần đây có “The Waves” [Những đợt sóng] của Virginia Woolf và “Phê phán lý tính thuần túy” của Immanuel Kant.
Tháng Hai năm nay, tại Geffen Hall [Lincoln Center, New York] cô có bốn tối biểu diễn liên tiếp bản Piano Concerto số 9 cung Mi giáng trưởng “Jeunnehomme” [Người đàn ông trẻ] mà Mozart sáng tác khi mới 21 tuổi và được coi là kiệt tác đầu tiên của ông – cùng với New York Philhamonic, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Thụy Sĩ Charles Dutoit. Trước đó, sự nghiệp của cô được tạo dựng bởi việc chơi tác phẩm của các nhà soạn nhạc Lãng mạn Nga, những người “máu đỏ”, “máu nóng” theo cách nói của cô: Tchaikovsky, Rachmaninoff, Prokofiev, và cô thường dành những bộ váy màu đỏ rực cho những tác phẩm “đam mê, giàu cảm xúc” của họ. Thói quen hủy chương trình biểu diễn vào phút chót của Martha Argerich, người vợ thứ hai trong số bốn người vợ của Charles Dutoit, đã mang đến cho Vũ Giai những cơ hội đột phá từ rất sớm. Vũ Giai được biểu diễn thế cho Argerich từ khi cô còn là sinh viên ở Nhạc viện Curtis. (“Với Martha thì là kiểu, ‘Tôi bị mệt… em có muốn thay tôi biểu diễn với Boston Symphony không?” Vũ Giai từng kể trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Limelight của Úc). Ngoài ra, cô còn biểu diễn thế cho những tên tuổi khác như Radu Lupu, Yefim Bronfman, Evgeny Kissin, và Murray Perahia.
“Ai có thể chơi Mozart theo kiểu của con bé? Hết sức tự nhiên và phong cách. Con bé không phải gồng mình lên. Nó cứ chơi tự nhiên như thế thôi,” Graffman nhận xét sau loạt tối biểu diễn của Vũ Giai ở Geffen Hall. Nhà báo Nordlinger thì viết trên New Criterion rằng có lúc ông đã suýt cười phá lên khi nghe cô chơi Mozart hôm đó. “Cô ấy thật vui nhộn, [âm nhạc của] Mozart cũng thật vui nhộn”.
Vũ Giai hẳn là rất thích khi đọc điều này. Cô từng có lần mô tả Mozart là người “thích tiệc tùng. Tôi thấy tôi chơi nhạc Mozart hay hơn khi hơi ngà ngà say.” Nhưng cùng lúc, cô cho rằng âm nhạc của Mozart có gì đó “cao quý, bi thương, như một vở kịch Hy Lạp vĩ đại”.
Song cũng bản Piano Concerto này khi cô biểu diễn tại Munich và Paris cùng Vienna Philharmonic dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Valery Gergiev, cô chỉ nhận được phản ứng vừa phải. Một nhận xét trên một blog về buổi hòa nhạc của cô ở Paris, rằng “Vương Vũ Giai gây thất vọng”, khiến cô trăn trở mãi. Cô diễn nôm nhận xét đó thành: “ ‘Cô ấy không có đủ cảm xúc. Cô ấy chưa đủ trưởng thành để chơi Mozart,’ ” rồi nói tiếp: “Với Rachmaninoff, Prokofiev, Tchaikovsky, tôi có thể khiến họ phải thốt lên ‘Thật tuyệt vời, thật ấn tượng!’ Nhưng tôi muốn gây bất ngờ. Tôi tự hỏi bản thân, mình đang chơi vì tiếng vỗ tay, để khán giả phải đứng lên tán thưởng, hay mình chơi một tác phẩm chỉ vì mình thích nó và muốn chơi nó mà thôi?”
Vũ Giai cũng nói về cuộc sống riêng của cô với giọng buồn buồn như vậy. Cô kể về vô số người cô gặp mỗi lần đi lưu diễn. “Ai là bạn thực sự của tôi chứ? Tôi quý mến và kết bạn với họ một cách tự nhiên, nhưng khi chuyến lưu diễn kết thúc thì họ có còn là bạn tôi nữa không? Chỉ có âm nhạc là luôn ở lại. Những người khác cứ đến rồi đi, trừ bố mẹ tôi. Và thầy Gary.”
Gary Graffman, giờ đã 87 tuổi và nghỉ hưu. Ông cùng với vợ là Naomi, 88 tuổi, là bạn thân nhất của Vũ Giai ở New York và có lẽ là cả trên đời. Hai vợ chồng ông coi Vũ Giai như cháu gái và hết sức tự hào về cô. Ông mô tả Vũ Giai là “sinh viên nổi bật nhất trong số các sinh viên nổi bật. Con bé không chơi nhạc như thần đồng mà như một nghệ sĩ đã trưởng thành.”
Vũ Giai nổi danh là thần đồng từ năm lên sáu, giờ đây ở tuổi 29, cô trải qua khủng hoảng như bao người khác khi họ đã đi được nửa cuộc đời. “Tôi đã biểu diễn hơn hai chục năm. Liệu tôi có muốn tiếp tục như vậy nữa không, hay có gì đó khác đang đợi tôi?” Cô nói về cảm giác xa lạ với những người không cùng giới nghệ sĩ, cảm giác của người ngoài cuộc, thậm chí là “Tôi không muốn nói thế nhưng sự thực là cứ như là bị đọa vậy. Tôi chưa bao giờ thấy thoải mái khi rảnh rỗi.” Những hôm đẹp trời, cô rất muốn hòa vào dòng người đi dạo trong công viên. Nhưng tới khi cô xong nghĩa vụ với nghệ thuật thì đã là nửa đêm và chẳng còn ai để cùng cô đi dạo trong công viên nữa.
“Cứ nghĩ như vậy lại thấy buồn. Chỉ toàn là lưu diễn và chơi nhạc, cùng những bản nhạc đó hay những bản nhạc khác. Nhưng xã hội không cho phép ta được buồn bã hay chán nản. Như thể đó là điều xấu xa. Thế nên tôi ngại giao du. Ai cũng có lúc cảm thấy buồn bã hay chán nản. Các nghệ sĩ còn cảm nhận điều này mãnh liệt hơn. Nhưng xã hội muốn tôi phải vui vẻ. Bố mẹ tôi thì không can thiệp. ‘Con làm gì cũng được, chỉ cần con vui’,” cô cười lớn.
Vũ Giai đã có những quyết định nhằm thay đổi sự nghiệp của mình, dù không chắc chúng có hóa giải được những nỗi hồ nghi và hoang mang của cô hay không. “Tôi thấy hạnh phúc được chơi Hammerklavier hơn là chơi Piano Concerto số 3 của Rach thêm hai chục lần. Tôi từng thấy thoải mái và phong độ khi chơi nhạc của Rachmaninoff, Prokofiev, Tchaikovsky. Giờ đây tôi đặt mục tiêu vào những tác phẩm không làm tôi cảm thấy dễ chịu. Đây là cách duy nhất để tôi khám phá các giới hạn của mình và tiếp tục học hỏi,” cô nói.
Nemo lược dịch
Nguồn:https://www.newyorker.com/magazine/2016/09/05/yuja-wang-and-the-art-of-performance