Wilhelm Kempff: Hậu duệ cuối cùng của Beethoven
Có lẽ để nói về cuộc đời của nghệ sĩ piano Wilhelm Kempff, không có gì phù hợp hơn câu ông tự chiêm nghiệm “Trong quá trình hoạt động nghệ thuật của mình, tôi đã trải qua nhiều khủng hoảng. Tuy nhiên khủng hoảng cũng cần thiết bởi nó dẫn đến trưởng thành và trưởng thành là điều tốt nhất mà chúng ta có thể mong ước”.
Wilhelm Kempff là một trong những tài năng nổi bật nhất của thế kỷ 20. Sự nghiệp kéo dài hơn 60 năm của ông đã góp phần to lớn trong việc định hình và phát triển trường phái piano Đức-Áo với phong cách biểu diễn đầy trí tuệ và cảm xúc cho phép những khoảng lặng giữa các nốt nhạc cũng được vang lên. Ông hiếm khi chệch hướng ra khỏi những tác phẩm Đức-Áo, trong đó ông đã nỗ lực biểu diễn tác phẩm của nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven nhiều nhất. Bên cạnh đó là âm nhạc của Wolfgang Amadeus Mozart, Franz Schubert, Robert Schumann và Johannes Brahms, những tên tuổi lừng lẫy của trường phái Đức-Áo. Rất hâm mộ Johann Sebastian Bach, Kempff cũng chuyển soạn nhiều tác phẩm dành cho organ của Bach sang piano và biểu diễn chúng trong suốt cuộc đời mình.
Sinh ra trong âm nhạc
Wilhelm Walter Friedrich Kempff sinh ngày 25/11/1895 tại Jüterbog, Brandenburg trong một gia đình theo đạo Tin lành. Cha của cậu, cũng tên Wilhelm là giám đốc âm nhạc và nghệ sĩ organ của nhà thờ St. Nicolai, Posdam, nơi mà cả gia đình chuyển tới sinh sống khi Wilhelm, được bốn tuổi. Ông nội của cậu cũng là một nghệ sĩ organ, anh trai Georg, lớn hơn hai tuổi sau này trở thành giám đốc của viện Âm nhạc Tôn giáo thuộc Đại học Friedrich-Alexander, Erlangen-Nuremberg. Có thể nói, Wilhelm sinh ra trong âm nhạc. Cha cậu chính là người thầy giáo đầu tiên của Wilhelm khi cậu lên bốn tuổi. Ông dạy con trai mình ca hát, chơi violin và organ. Một năm sau, Wilhelm bắt đầu học piano với Ida Schmidt-Schlesicke, một cộng tác viên của cha mình.chín tuổi, Wilhelm đã thuộc lòng toàn bộ 2 tập Well-Tempered Clavier (Bình quân luật) của Bach, cậu có thể chơi một fugue hay prelude bất kỳ ở bất cứ giọng điệu nào. Sau đó, nổi danh là một thần đồng, dưới sự giới thiệu của Georg Schumann, giám đốc Berlin Singakademie, năm 1904, Wilhelm theo học tại Berlin Hochschule für Musik với Robert Kahn (sáng tác), người từng là học trò của Brahms và Karl Heinrich Barth (piano). Barth là một sư phạm nổi tiếng, ông từng là học trò của Franz Liszt và Karl Tausig đồng thời là thầy giáo của Arthur Rubinstein và Henrich Neuhaus.
Kempff có một phong cách biểu diễn quý phái, nhấn mạnh tính trữ tình và sự ngẫu hứng trong âm nhạc và tỏ ra đặc biệt hiệu quả trong những đoạn nhạc đòi hỏi sự suy tư sâu sắc.
Năm 12 tuổi, Wilhelm Kempff lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng tại ngoại ô Postdam. Năm 14 tuổi, sau một lần chứng kiến tài năng của cậu bé, Ferruccio Busoni đã coi đây là một “hiện tượng”. Từ năm 1914, Wilhelm chuyển sang học văn hóa tại trường trung học Postdam trước khi trở về Berlin để hoàn tất việc học của mình tại Hochschule für Musik vào năm 1917 mà không cần bài thi tốt nghiệp. Sau đó, Wilhelm tiếp tục nghiên cứu âm nhạc và triết học tại Universität der Künste Berlin.
Năm 1917, Kempff thực hiện buổi biểu diễn độc tấu đầu tiên với tư cách nghệ sĩ chuyên nghiệp, trong chương trình có piano sonata số 29 Hammerklavier của Beethoven và Biến tấu trên chủ để Paganini của Brahms tại Sing-Akademie zu Berlin. Trong số khán giả có hoàng đế Đức Wilhelm II. Thán phục trước tài năng của chàng trẻ, Kempff đã được nhà vua đặc cách cho miễn nghĩa vụ quân sự. Cũng trong năm này, anh được trao giải thưởng Felix Mendelssohn nhằm tôn vinh các nhạc sĩ trẻ có triển vọng để giúp họ tiếp tục phát triển. Năm 1918, anh khởi đầu một sự hợp tác kéo dài và hiệu quả trong suốt nhiều năm sau đó với Berlin Philharmonic trong piano concerto số 4 của Beethoven (một tác phẩm gắn liền với tên tuổi của ông) dưới sự chỉ huy của Arthur Nikisch. Song song với sự nghiệp biểu diễn piano, khác biệt với rất nhiều nghệ sĩ khác, Kempff gắn bó với công việc dạy học từ khi còn rất trẻ. Năm 1924, Kempff kế nhiệm Max von Pauer trở thành giảng viên tại Württembergischen Musikhochschule, Stuttgart, một trong những nhạc viện lâu đời nhất nước Đức. Năm 1926, anh kết hôn với Helene Freiin Hiller von Gaertringen, sinh viên piano của mình. Họ có với nhau năm người con, hai trai, ba gái.
Từ bỏ công việc tại Stuggart vào năm 1929, Kempff quay trở về Postdam, cùng gia đình sinh sống tại Marmorpalais, công viên Sanssouci và là hàng xóm của Wilhelm Furtwängler. Cùng với Max von Schillings, Edwin Fischer, Eduard Erdmann, Walter Gieseking, Georg Kulenkampff và một số người khác, ông đã sáng lập và đào tạo các khóa học âm nhạc mùa hè tại Postdam. Cùng với việc biểu diễn và giảng dạy, giai đoạn này Kempff cũng sáng tác khá nhiều tác phẩm trong nhiều thể loại khác nhau với 4 vở opera, 2 giao hưởng, 2 violin concerto, 2 tứ tấu dàn dây, nhạc thính phòng và nhiều bản nhạc dành cho piano, nổi tiếng nhất là Piano sonata giọng Son thứ, Op. 47. Rất nhiều tác phẩm của Kempff đã được Furtwängler chỉ huy lần đầu tiên. Năm 1934, vở opera Familie Gozzi của ông lấy bối cảnh ở Ý vào thế kỷ 18 được dành tặng cho nhà độc tài người Ý Benito Mussolini đã làm dấy lên những cáo buộc về mối quan hệ thân thiết giữa Kempff và chế độ phát xít sau đó. Chính vì lý do này mà hầu hết các sáng tác của Kempff rất ít được biểu diễn sau cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Khi cuộc chiến tranh nổ ra, Kempff đã ký hợp đồng ghi âm với Deustche Grammophon, được ông duy trì cho đến cuối cuộc đời. Tại đây, ông đã lưu trữ toàn bộ di sản quý báu của mình trong khoảng 80 đĩa nhạc. Năm 1940, sự hợp tác của Kempff với Herbert von Karajan bắt đầu khi họ biểu diễn cùng nhau trong piano concerto số 20 của Mozart tại Aachen. Là một người theo đạo Tin lành, Kempff có đức tin của riêng mình. Với ông, những người chịu sự giày vò của cuộc chiến tranh cần được cứu rỗi và vì vậy, Kempff không ngần ngại biểu diễn trên khắp nước Đức cũng như những nơi quân đội Đức chiếm đóng và âm nhạc của Bach, cũng là một người theo đạo Tin lành đã được Kempff biểu diễn rất nhiều trong thời gian này. Năm 1943, Kempff cùng Alfred Cortot, Ginette Neveu và nhạc trưởng Hermann Abendroth tham gia một lễ hội Beethoven tại Paris. Tháng 9/1944, Kempff được Adolf Hitler đưa vào danh sách Gottbegnadeten, trở thành một trong những cái tên quan trọng đối với nền văn hóa Đức quốc xã, là “bảo vật quốc gia” và được miễn trừ các nghĩa vụ quân sự. Cuối năm 1944, ông bị đưa vào Volkssturm, lực lượng dân quân quốc gia do Đức quốc Xã thành lập.
Cuộc chiến tranh kết thúc, như nhiều nghệ sĩ khác, tên của Kempff đã bị đưa vào danh sách bị kiểm duyệt do một ủy ban của quân đội Mỹ tra xét. Tuy nhiên, cuối cùng không có một lời cáo buộc nào được đưa ra. Mặc dù vậy, những buổi biểu diễn của Kempff trong vùng bị nước Đức tạm chiếm trước đó theo lệnh của Đức Quốc xã cũng làm dấy lên nhiều lời gièm pha mà phải mất một khoảng thời gian khá lâu mới bị quên lãng. Kempff chủ yếu tập trung vào công việc biểu diễn, nhanh chóng thực hiện nhiều buổi hòa nhạc trên khắp châu Âu, cũng như thực hiện các chuyến lưu diễn tới Nam Mỹ và Nhật Bản, đất nước mà Kempff tỏ ra đặc biệt yêu quý khi ông còn quay trở lại đây rất nhiều lần. Để tri ân Kempff, một hòn đảo nhỏ ở Nhật Bản đã được đặt tên là Kenpu-san.
Đối với Kempff, sự xuất sắc trong việc biểu diễn nằm ngoài tổng phổ mà nó đến từ một nguồn tri thức được nuôi dưỡng bằng văn học.
Âm nhạc tràn ngập cảm hứng và tính nhân văn
Danh mục biểu diễn của Kempff không rộng lớn, ông chủ yếu chỉ giới hạn trong các nhà soạn nhạc Đức-Áo, với một ngoại lệ khá thú vị đối với những nghệ sĩ piano của trường phái này là Frédéric Chopin. Là một nghệ sĩ biểu diễn, Kempff có một phong cách biểu diễn quý phái, nhấn mạnh tính trữ tình và sự ngẫu hứng trong âm nhạc và tỏ ra đặc biệt hiệu quả trong những đoạn nhạc đòi hỏi sự suy tư sâu sắc. Ông luôn có xu hướng thực hiện những đường legato mềm mại như hát lên, thấm đẫm sự dịu dàng. Chưa bao giờ Kempff cố gắng chơi với tốc độ nhanh, tạo ra những nốt nhạc với cường độ forte nhằm tạo sự kịch tính và thể hiện bản thân vì những kỹ thuật phù phiếm. Ví dụ như trong Goldberg variations của Bach, ông biểu diễn mà bỏ qua toàn bộ các nốt nhạc trang trí. Nghe Kempff chơi đàn, chúng ta không hề cảm thấy sự khô khan và quá lý trí về mặt cảm xúc mà ngược lại, ở Kempff có sự ngẫu hứng nhất định, như Alfred Brendel đã nhận xét: “ông chơi với cảm hứng của mình… phụ thuộc vào những làn gió nhẹ phù hợp, như một cây đàn aeolian harp (harp gió, có thể phát ra âm thanh khi gió thổi qua), có thể thổi qua hay không. Sau đó, bạn có thể mang một thứ gì đó về nhà mà bạn chưa bao giờ nghe thấy ở bất cứ đâu khác”. Brendel đánh giá Kempff là nghệ sĩ có nhịp điệu nhất trong số những đồng nghiệp của ông.
Được coi là một trong những nghệ sĩ diễn giải Beethoven vĩ đại nhất mọi thời đại, Kempff đã hai lần thu âm trọn bộ các bản piano sonata của nhà soạn nhạc: một bộ với âm thanh mono từ năm 1951-1956 và một bộ stereo vào năm 1964-1965. Kempff cũng thu âm trọn bộ 5 piano concerto của Beethoven hai lần, tất cả đều cùng với Berlin Philharmonic, lần đầu với nhạc trưởng Paul van Kempen và sau đó là sự cộng tác với Ferdinand Leitner. Cùng với Yehudi Menuhin và Wolfgang Schneiderhan, Kempff đã hai lần thu âm trọn bộ violin sonata của Beethoven và với các cello sonata của nhà soạn nhạc với nghệ sĩ piano Pierre Fournier. Chúng đều được thực hiện với Deutsche Grammophon và là những bản thu âm có giá trị nghệ thuật rất cao. Năm 1957, Kempff ghé thăm Jean Sibelius tại Phần Lan trước khi nhà soạn nhạc qua đời, ông đã chơi Hammerklavier. Sau khi nghe chương chậm của tác phẩm, Sibelius đã thốt lên: “Anh chơi không như một nghệ sĩ piano mà như một con người”!
Là bậc thầy đối với âm nhạc piano cuối thời kỳ Cổ điển và đầu Lãng mạn, ngoài Beethoven, Kempff còn được biết đến như là người đầu tiên thu âm trọn bộ các piano sonata hoàn chỉnh của Schubert. Và chúng cũng là những đỉnh cao mà hiếm một nghệ sĩ piano nào sau này có thể đạt tới. Trong một chuyến đi lưu diễn, Kempff đã say mê vẻ đẹp của vùng đất Positano, một thị trấn nhỏ trên bở biển vịnh Salerno, cách Naples hơn 40 km. Ông đã coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình và đi về giữa nơi đây và ngôi nhà thứ nhất tại Ammerland trên hồ Starnberg, Bavaria. Năm 1957, Kempff thành lập Fondazione Orfeo (ngày nay là Quỹ Văn hóa Wilhelm Kempff) tại Positano nhằm đào tạo âm nhạc của Beethoven các nghệ sĩ piano trẻ triển vọng. Ông cho biết mục đích của các khóa học là “truyền lại cho các nghệ sĩ piano trẻ phong cách của Beethoven”. Những tài năng nổi tiếng như İdil Biret, Gerhard Oppitz, Jörg Demus, Mitsuko Uchida và nhiều tên tuổi khác đều từng là học trò của Kempff. Phương tiện ở đây khá thô sơ nhưng nó còn hơn cả một trường học, đó còn là nơi để các nghệ sĩ gặp gỡ và giao lưu với nhau. Đối với Kempff, sự xuất sắc trong việc biểu diễn nằm ngoài tổng phổ mà nó đến từ một nguồn tri thức được nuôi dưỡng bằng văn học. Ông giảng dạy dựa trên việc tìm kiếm nguồn cảm hứng và quên đi những khía cạnh về kỹ thuật. Kempff muốn truyền tải thông điệp của mình về sự tinh tế, thơ mộng và chủ nghĩa nhân văn. Sau khi Kempff không thể tiếp tục công việc giảng dạy, trường học này vẫn được những người học trò của ông như Oppitz và John O’Conor duy trì.
Mặc dù rất nổi tiếng ở châu Âu nhưng phải đến tháng 8/1959, khi ở tuổi 63, Kempff mới lần đầu ra mắt khán giả Bắc Mỹ khi ông biểu diễn tại liên hoan Montreal. Và vào ngày 13/10/1964, Kempff lần đầu ra mắt khán giả Mỹ khi có một chương trình độc tấu tại Carnegie Hall. Tuy nhiên, Harold C. Schonberg tỏ ra không hào hứng với Kempff khi nhận xét trên New York Times: “Ông luôn điềm tĩnh trong âm nhạc và luôn có nhiều ý tưởng độc đáo, dù đã chơi tác phẩm này hàng trăm lần trước đó. Tuy nhiên đối với một nghệ sĩ piano với danh tiếng ở tầm cỡ của ông thì có thể thấy Kempff không phải là một người có kỹ thuật quá xuất sắc”. Mặc dù vậy, Schonberg cũng nhận thấy những phẩm chất tuyệt vời của Kempff khi biểu diễn piano sonata số 30 của Beethoven: “Khi âm nhạc hoàn hảo ở trong tay của ông, Kempff có thể là một thông dịch viên thuyết phục và thậm chí quý phái. Chỉ một nghệ sĩ giỏi mới có thể phác thảo chủ đề và biến tấu đầu tiên sau đó của Beethoven, Op. 109 với sự đơn giản như vậy”. Rõ ràng, phong cách biểu diễn điềm đạm, kiềm chế cảm xúc của Kempff không phải lúc nào cũng gây ấn tượng với khán giả, đặc biệt khi thưởng thức lần đầu tiên. Trong những năm tháng sau này, Kempff thường xuyên biểu diễn cùng Leonard Bernstein, tình bạn của họ được phát triển kể từ sau cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Bernstein đã ca ngợi Kempff: “Ông ấy là một trong những nhân cách thú vị nhất mà tôi từng gặp trong đời”.
Phong cách biểu diễn của Kempff, đặc biệt trong những tác phẩm của Beethoven gần như đã biến mất khỏi thế giới âm nhạc ngày nay, đúng như những gì mà Kempff đã từng nhận xét rằng ông chính là người hậu duệ cuối cùng của Beethoven.
Buổi biểu diễn cuối cùng của Kempff diễn ra tại Salle Pleyel, Paris vào ngày 18/3/1981. Ông buộc phải chia tay sân khấu vì căn bệnh Parkinson. Kempff qua đời tại Positano trong giấc ngủ vào ngày 23/5/1991 ở tuổi 93. Di hài ông được đưa về chôn cất tại nghĩa trang Künßberg, gần lâu đài Wernstein vùng thượng Franconia, Đức.
Không chạy theo những gì hào nhoáng, phô trương, âm nhạc của Kempff là sự tĩnh tại và điềm đạm một cách lạ kỳ. Những cảm xúc mà ông mang tới luôn lắng đọng và thư thái. Phong cách biểu diễn của Kempff, đặc biệt trong những tác phẩm của Beethoven gần như đã biến mất khỏi thế giới âm nhạc ngày nay, đúng như những gì mà Kempff đã từng nhận xét rằng ông chính là người hậu duệ cuối cùng của Beethoven. Nghệ thuật của ông đơn giản là không thể bắt chước bởi nó được hun đúc không từ những kỹ thuật biểu diễn cao siêu mà được thẩm thấu qua triết học và văn học, một tư duy logic tràn đầy tính nhân văn sâu sắc. Trong số những nghệ sĩ piano vĩ đại của thế kỷ 20, không thể không nhắc đến cái tên Wilhelm Kempff. □
—–
Tài liệu tham khảo:
https://www.upi.com/Archives/1991/05/24/Famous-German-pianist-Wilhelm-Kempff-dies-at-95/9044675057600/
https://www.washingtonpost.com/archive/local/1991/05/25/wilhelm-kempff-dies/887996ac-0840-4649-976b-848d302d60e6/