Xác nhận bức tự họa của Van Gogh ở gallery Oslo là “đồ xịn”

Sau hàng thập kỷ nghi ngờ, một bức chân dung tự họa mang màu sắc ảm đạm đã được xác nhận là do chính họa sĩ Vincent van Gogh vẽ và là bức duy nhất được vẽ trong khi ông đang mắc chứng rối loạn tâm thần.

Tự họa (1889) thuộc về bộ sưu tập quốc gia của Nauy kể từ năm 1910 nhưng câu hỏi về việc nó có phải do danh họa Hà Lan này vẽ hay không đã được đặt ra từ năm 1970. Mới đây, bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam loan báo bức họa này thực sự “đáng tin cậy”.

Trong bức chân dung, ghi mốc hoàn thành là tháng 8/1889, họa sĩ trông không còn sinh khí, gương mặt ông trông hết sức ảm đạm với gam màu hơi lục ngả nâu. “Bức tự họa ở Oslo khắc họa một người đang mắc bệnh tâm thần. Có thể thấy một cách dễ dàng ánh mắt ông nhìn sang ngang sợ hãi, vốn thường được thấy ở những bệnh nhân phải chịu đựng chứng trầm cảm và rối loạn tâm thần”, bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam nhận xét.

Van Gogh đã được nhận vào một dưỡng trí viện nhỏ ở Saint-Rémy, Pháp vào tháng 5/1889 và bị ngã quỵ bởi chứng rối loạn tâm thần vào tháng 7 năm đó.

Người ta có thể kết nối bức họa này với một bức thư mà họa sĩ đã viết cho em trai Theo của mình vào tháng 9, trong đó có nêu một bức tự họa như “cố gắng từ khi anh mắc bệnh”.

Louis van Tilborgh, một nhà nghiên cứu có kinh nghiệm tại bảo tàng Van Gogh và là giáo sư lịch sử nghệ thuật của trường đại học Amsterdam, cho biết Van Gogh đã hoảng sợ khi thấy ông đã ở trạng thái tương tự như những bệnh nhân khác của dưỡng trí viện. “Có lẽ ông ấy đã vẽ bức chân dung để cho tương thích bản thân mình với những gì mà ông thấy trong gương: một con người mà ông không mong đợi, nhưng rút cục lại trở thành như vậy. Đây là một phần của những gì khiến bức tranh này trở nên khác thường, thậm chí có tác dụng trị liệu. Cho đến bây giờ thì đây là tác phẩm duy nhất mà Van Gogh sáng tạo nên trong khi ông đang chịu đựng căn bệnh rối loạn tâm thần”, ông nói.

Bảo tàng quốc gia ở Oslo đã có được bức tranh này vào năm 1910, và về lý thuyết bộ sưu tập công đầu tiên có bức tự họa của Van Gogh. Nhưng bởi vì chưa chứng minh được lai lich và còn nhiều vấn đề chưa được giải đáp về phong cách và việc sử dụng màu sắc, một số chuyên gia vẫn còn nghi ngờ về khả năng nó là của danh họa Hà Lan.

Do đó, bảo tàng quốc gia ở Oslo đã đề nghị Bảo tàng Van Gogh thực hiện một đánh giá toàn diện về phong cách, kỹ thuật, chất liệu và lai lịch bức tranh vào năm 2014, và đây là kết quả của của việc đánh giá đó.

Mai Britt Guleng, một giám tuyển của Bảo tàng quốc gia ở Oslo, cho biết bảo tàng đã vững tin vào việc bức họa thực sự của Van Gogh.

“Khi chúng tôi giao bức họa cho họ vào năm 2014, họ đã cảnh báo chúng tôi và nói ‘anh có thể không thích kết quả’, có thể chúng tôi không bao giờ xác định được lai lịch bức tranh. Vì thế chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi nhận được thông báo của họ.”

Một nguyên nhân dẫn đến nghi ngờ trước đây về khả năng “chính chủ” của Van Gogh là hiếm khi họa sĩ sử dụng một con dao pha màu để làm mịn các phần của bức họa. “Cách nghĩ như vậy là không đúng,” Van Tilborgh nói. “Ông vẫn sử dụng nó thường xuyên và ông đã dùng nó để rút cạn sinh khí trên bề mặt bức tranh, chỉ có điều là là ông đã dùng cách này để miêu tả gương mặt mình.”

Van Tilborgh tin tưởng, họa sĩ đã cố gắng “rút” sự sống khỏi bức chân dung và phản chiếu tình trạng bệnh tình của mình. “Ông đã gắn nhiều giá trị hơn vào bức tranh khi tập trung miêu tả biểu hiện bên trong,” ông nói.

“Đây không phải là bức họa xuất sắc nhất mà Van Gogh đã sáng tạo nên nhưng tôi đã hiểu rất nhiều khi tìm hiểu về nó. Sau khi vẽ bức họa này, ông đã từng nói ở nơi nào đó là các bức họa của ông biểu lộ tiếng khóc của nỗi đau. Nó thuộc về một nhóm nhỏ các bức họa cho thấy cái gì đó về vấn đề sức khỏe tâm thần của ông và cách ông chấp nhận hoặc cố gắng chấp nhận nó.”

Van Gogh có thể đã nhìn vào gương khi ông vẽ vì cái tai trong tranh là tai phải của ông  chứ không phải cái tai nổi tiếng mà ông đã tự cắt với một lưỡi dao vào tháng 12/1888. Cái tai trong bức họa ở Oslo được vẽ một cách mơ hồ.

Van Gogh đã viết  vào ngày 22/8/1889 là dù vẫn thấy “bị nhiễu loạn” nhưng ông vẫn cảm thấy còn khả năng vẽ thêm nữa. Bức chân dung được xác định là do chính ông vẽ trong ba tuần tiếp theo là hai bức nổi tiếng và có nhiều lay động tâm can, hiện ở Bảo tàng nghệ thuật quốc gia ở Washington DC và Bảo tàng d’Orsay ở Paris.

Khi đặt cạnh nhau, những bức chân dung này cho thấy một con người đang dần dần hồi phục, dù trên thực tế thì tín hiệu đó không kéo dài. Trong vòng một năm, ông qua đời ở tuổi 37, sau khi tự bắn vào chính mình.

Bức họa này đang được trưng bày tại Bảo tàng Van Gogh, một phần của một cuộc triển lãm mang tên “In the Picture”, khai trương vào ngày 21/1/2020. Nó sẽ trở về Oslo và được trưng bày vĩnh viễn ở đó khi tòa nhà mới được mở vào mùa xuân 2021.

Tô Vân dịch

Nguồnhttps://www.theguardian.com/artanddesign/2020/jan/20/van-gogh-self-portrait-authentic-psychosis

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)