Xứ Cát – Đấng tối cao cảm thấy điều gì?

Florence, thành phố ven biển của bang Oregon, nước Mỹ, vào những năm đầu thế kỷ 20, đang bị cát ăn. Những đụn cát lớn theo gió nuốt chửng nhà cửa, đường cao tốc, đường xe lửa, sông ngòi, hồ nước. Năm 1957, một nhà báo tới đây với dự định viết một bài phóng sự về cuộc chiến giữa tự nhiên và con người. Trong một lá thư, ông viết: “Những con sóng này có thể gây thiệt hại tới tài sản như sóng thủy triều”.


Ấn bản “Xứ Cát” của nhà văn Frank Herbert, Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Nhà xuất bản: Hội nhà văn và công ty Nhã Nam phối hợp xuất bản. Nguồn: tiki

Bài báo của ông không bao giờ được xuất bản, nhưng nó là khởi nguồn của một thứ khác, dài lâu hơn nhiều, đồ sộ hơn nhiều, choáng ngợp hơn nhiều, và gây mê hơn nhiều: hành tinh Arrakis, Xứ Cát, “một vùng đất cằn cỗi choáng ngợp. Người xứ khác có thể cho rằng tại nơi đây, không thứ gì có thể sống hay mọc ngoài trời, rằng đây quả thực là chốn hoang địa chưa bao giờ và sẽ không bao giờ màu mỡ”, nhưng cũng là nơi duy nhất chứa Hương Dược quý giá giúp kéo dài sự sống khiến mọi gia tộc đều khát khao có được. 

Vị nhà báo ấy, không ai khác, là Frank Herbert, tác giả của đại sử thi Dune, một vũ trụ giả tưởng kéo dài 100 thế kỷ từ thời đại Thánh chiến Butler, một cuộc thập tự chinh trong đó những con người tự do cuối cùng khởi nghĩa chống lại trí tuệ nhân tạo và cuối cùng đã hủy diệt Trái đất khi ấy đang bị một siêu máy tính có tri giác thống trị. 

Khi cuốn Xứ Cát, tập đầu tiên trong bộ saga Xứ Cát, vừa được tái bản ở Việt Nam nhân dịp bộ phim điện ảnh chuyển thể đã được mong chờ bấy lâu của đạo diễn Denis Villeneuve và “hoàng tử trái đào” Timothée Chalamet trong vai Paul Atreides ra rạp, một số độc giả mê phim và văn chương nhắn nhủ tôi sớm viết về bộ tiểu thuyết này. Thành thực, lời đề nghị ấy chẳng khác gì bảo: “Này, hãy viết một bài review về toàn bộ vũ trụ mà ta đang sống đi!”. Nhưng làm sao tôi, hay bất cứ ai, một con người nhỏ bé trên một tinh cầu tỉnh lẻ vô danh, có thể “review” cả vũ trụ được?

Vậy thì, nên viết gì về Xứ Cát đây, viết gì về một cuốn sách mà điều tốt nhất ta nên làm với nó là im lặng thưởng thức, như một khách bộ hành lạc giữa sa mạc Atacama tốt nhất chỉ nên im lặng ngước nhìn bầu trời Nam bán cầu và ngắm cách những cụm thiên hà, tinh vân, cả đám mây Magellan Lớn tồn tại – thật tráng lệ, thật diễm áp, thật vô song, để hiểu tại sao nhân vật Lệnh bà Jessica, một Bene Gesserit siêu phàm và sau này là Mẹ Chí tôn với quyền năng tâm trí vượt ngưỡng con người, cũng phải kính cẩn trước sa mạc? Thôi thì nhân một nguồn cảm hứng khi gần đây đọc được một bài phỏng vấn với nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo Việt Nam GS.TS Đỗ Quang Hưng có nhan đề “Điều đáng ngại nhất là con người vẫn muốn trở thành Chúa trời”, trong bài viết này, ta hãy nhìn vào hành trình Paul Atreides trở thành Paul Muad’Dib, từ một cậu thiếu niên 15 tuổi với ngoại hình nhỏ nhắn so với tuổi trở thành Đấng tối cao, một Kwisatz Haderach theo ngôn ngữ truyện, nghĩa là người có đủ năng lực tâm linh nội tại để hiện thân ở nhiều nơi chốn cùng một lúc.

\Khi nói về Paul, câu hỏi vẫn gây tranh cãi nhất: cậu ta là anh hùng hay phản anh hùng? Paul là con trai của Công tước Atreides và Lệnh bà Jessica. Năm 15 tuổi, cha cậu được Hoàng đế giao phó cho hành tinh cát Arrakis, vốn trong một thời gian dài do gia tộc của Nam tước Harkonnen cai quản, khai thác và kiếm lợi nhuận khổng lồ. Không phải món quà nào cũng thực sự là một món quà. Và quyền trị vì Arrakis thực chất là một âm mưu nhằm tiêu diệt thế lực nhà Atreides đang trỗi dậy. Gia tộc Atreides theo tiết lộ ở những cuốn sau là hậu duệ của Gia tộc vua Atreus trong thần thoại Hy Lạp, một gia tộc mà, bạn biết đấy, vĩ đại kinh khủng và cũng bi kịch thảm khốc. Từ tổ tiên Tantalus mà nay cái tên đã mang nghĩa “tra tấn” (tantalyze), đến vua Atreus bị cháu hạ sát, rồi con trai là người anh hùng Agamemnon bị người vợ đâm chết, con gái của Agamemnon lại bị cha mình dâng lên tế thần. Một dòng họ rắc rối, bạn có thể nói vậy cũng được. Đứa cháu chắt chút chít mấy ngàn đời của Agamemnon, Paul Atreides, cũng không thoát khỏi dòng máu nghịch phận đó.

Ngược lại với giấc mơ tạo nên một đấng toàn tri dữ liệu, đấng toàn tri thuật toán mà con người thế kỷ 21 đang mê muội, trong Xứ Cát, khi mà nhân loại thậm chí đã biết di chuyển liên hành tinh, nhưng giấc mơ của thế lực tôn giáo Bene Gesserit lại là tạo nên một đấng toàn tri đâu đó gần với những vị thánh thần có phép thần thông hay những nhà tiên tri với tâm trí bao la thời tiền khoa học công nghệ. Khác biệt có chăng nằm ở chỗ, thánh thần thời tiền khoa học đến từ trời hoặc từ trong hư không, gia phả cội rễ của Ngài không có giá trị gì vì Ngài là do Chúa tạo nên, còn Kwisatz Haderach là sản phẩm của một chương trình chọn giống qua nhiều thế hệ, nhào trộn với tâm thuật bí nhiệm và sự reo rắc mê tín dị đoan một cách bài bản vào bộ tộc Fremen du mục trên sa mạc. Paul vì thế quả nhiên đã đạt tới thân phận siêu nhân, nhưng cậu là một thánh thần được tạo ra, được cài cắm vào thế giới, với mục tiêu tối thượng là dẫn dắt một cuộc Thánh chiến khôi phục lại hệ gene người đang dần suy thoái. Thấy trước thị kiến về cuộc Thánh chiến khốc liệt ấy và biết rằng sẽ có những kẻ tử đạo nhân danh cái tên Paul Muad’Dib, nhưng Paul không thể chối bỏ vai trò của mình, bởi cậu còn cả một mối thù gia tộc phải trả.

Tiểu thuyết “Xứ Cát” đã truyền cảm hứng cho đạo diễn Denis Villeneuve làm bộ phim “Hành tinh cát” vào năm 2021. 

Paul Atreides chính là hình dung về một con người khi anh ta sánh ngang với Chúa, những thế lực tự nhiên lần lượt quy phục cậu, đầu tiên là cơn bão không thể giết cậu, rồi đến Ngài Tạo – loài Sâu cát bá chủ sa mạc – vô thức để cho cậu cưỡi, dòng chảy quá khứ – hiện tại – tương lai đều chảy qua cậu, song cũng chính là lúc ấy, nghĩa vụ làm người và nghĩa vụ làm nhà tiên tri lại khó bề tách bạch. Cuộc đời Paul-con-người đi trả hận cho cha diễn tiến theo trình tự chuẩn mực trong thuyết “hành trình của người hùng” (monomyth) của Joseph Cambell, cũng đi theo tiếng gọi lên đường, được sự phù trợ siêu nhiên, rồi được phong thần, được nhận ân huệ tối thượng, sau đó từ cõi chết trở về và làm chủ hai thế giới (trở thành Hoàng Đế và cùng lúc là người lãnh đạo Fremen – thống nhất thế giới chính thống và thế giới bên lề).

Nhưng cuộc đời Paul-thần-thánh lại phản anh hùng, vì để làm một Messiah Vị cứu tinh, phàm nhân phải vượt qua những giới hạn vốn chỉ dành cho phàm nhân. Chỉ cần nhìn vào chi tiết ở cái kết, khi Paul kết hôn với công chúa để đường đường chính chính lên ngôi Hoàng đế và thống trị toàn bộ vũ trụ. Cái kết này sẽ không khác gì những câu chuyện thần thoại và cổ tích quen thuộc, nếu như không phải Paul không yêu công chúa. Cậu lấy cô để hàn gắn hòa bình, nhưng thề “không có đứa con nào, không đụng chạm, không liếc mắt tình tứ, không phút giây khao khát”, cậu thề như vậy với Chani, người mà cậu yêu thực sự. Điều này quả thật tàn nhẫn với công chúa, người đã không làm gì có tội để phải gánh chịu sự trừng phạt ấy. Nhưng ta không được quyền phán xét về sự tàn nhẫn của thánh thần, đó là quyền và cũng là nghĩa vụ của thánh thần, chỉ thánh thần mới hiểu rằng “không có ai vô tội”. Với một hành động như vậy, Paul phủi bỏ mọi công thức anh hùng. Anh hùng chỉ dành cho con người mà thôi, còn cậu ta đã tiến hóa rất cao so với con người.

Nếu là một vị anh hùng theo nghĩa cơ bản nhất, Paul sẽ như Harry Potter, trả lại cây Đũa phép Cơm Nguội vô địch về với hầm mộ của cụ Dumbledore (hoặc một cách quyết liệt hơn, bẻ gãy nó và ném đi như trong phim chuyển thể), nhưng ở đây, Paul tiếp nhận vai trò người chỉ huy tối cao của vũ trụ với quyền năng mạnh nhất, tức là Paul không giống như Harry. Nhưng còn kiểu anh hùng theo nghĩa như Agamemnon, tổ tiên của cậu, thì sao? Paul liệu có thuộc về kiểu người hùng như thế? Cũng như Paul, Agamemnon không đại diện cho một tính thiện tuyệt đối như Harry Potter, chàng cũng phạm lỗi (đem hiến tế cô con gái, nàng Iphigenia, để đoàn quân Troy vượt biển bình an) và bị trả giá (bị vợ dùng cây rìu hạ sát). Song, Agamemnon hành động trong “điểm mù” của một con người, dù là anh hùng người. Còn Paul, không có bao biện nào cho Paul bởi cậu đã thấy hết, đã biết hết, ngay cả khi đả bại chiến binh Jamis hay khi ngỏ lời cầu hôn nàng công chúa mà chàng không yêu – những điều tàn nhẫn mà Paul thực hiện đều là trong tư thế của thánh thần.

Chỉ là, Paul là một kẻ bị bẫy làm thánh thần và trong nội tâm luôn có sự kháng cự để không phải làm thánh thần. Tình huống này là một trong những điều thú vị nhất trong Xứ Cát. Bởi có bao giờ bạn tự hỏi sẽ ra sao nếu như vị khâm sai của Thượng đế trong Hồi giáo là Muhammad khi thấy thiên thần Gabriel xuất hiện trong núi Nur, ông liền phản đối, từ chối nhận thiên chức được trao gửi? Hay sẽ ra sao nếu Jesus không nhận Chúa làm cha? Truyền thống tôn giáo luôn đặt những vị thánh vào sự đã rồi và không bao giờ nói về cảm giác rối bời của họ khi nhận lãnh những chỉ thị trên trời rơi xuống ấy. Họ chấp nhận như lẽ tất nhiên. Nhưng Paul không thế. Cậu là bóng tối và ánh sáng, cậu kính yêu Jessica và có khi lại cay đắng coi bà như kẻ thù vì đã tạo ra mình thành một “kẻ được chọn”.  Trong Xứ Cát, cái ta được chứng kiến không phải là vị thánh đạt được quyền lực gì – như trong thần thoại hay kinh sách, mà là vị thánh đạt được quyền lực như thế nào, ta được chứng kiến cả những giằng xé ngay trong phút giây mặc khải nhuốm màu huyền bí. Đến cái tên Muad’Dib mà Paul lựa chọn khi trở thành nhà lãnh đạo tộc người Fremen cũng nói lên sự chống đối sâu xa của cậu với số phận. Muad’Dib là loài chuột bé nhỏ sống trên sa mạc. Chuột và đấng tiên tri, còn sự ghép đôi nào hoài nghi hơn thế?

Cuốn sách này rộng lớn như thế, nó không chỉ là một thứ để đánh giá hay chấm điểm, không vừa văn bất cứ một khuôn khổ cảm nhận hay phê bình nào. Nhưng chính khi nghĩ về điều đó, tôi mới nhận ra tầm vóc của Frank Herbert, bởi một con người tưởng cũng không khác gì chúng ta, lại có thể tưởng tượng nên một thế giới kỳ vĩ trong Xứ Cát – với một hệ sinh thái, hệ tôn giáo, hệ chính trị, hệ tư tưởng, hệ giao thông, hệ quyền lực, hệ ngôn ngữ của riêng nó.

Có quá nhiều lý do để người ta vẫn phải đọc đi đọc lại Xứ Cát. Ta đọc nó như một tiền climate fiction (tiểu thuyết sinh thái) hàng thập kỷ trước khi phong trào môi trường bùng nổ toàn cầu; ta đọc nó như một viễn tưởng về một thế giới hậu trí tuệ nhân tạo, thế giới ấy liệu có khá khẩm hơn không khi đã tiễu trừ được robot, thứ đã gây hấn ngay từ lần đầu xuất hiện trong vở kịch R.U.R của Karel Čapek đúng 100 năm trước, và máy tính, thứ ngày càng gây áp lực lên nhân tính; ta đọc nó như một sử thi ẩn dụ cho cuộc chiến sống còn vì dầu mỏ nơi Vùng Vịnh vẫn chưa bao giờ thôi nóng bỏng; ta đọc nó như dự báo trước cho cuộc chiến vì những mỏ quặng ngoài hành tinh mà các nhà thiên văn học ngày nay đã phát hiện ra; ta đọc nó như một tiến hóa luận về sự ra đời của một tôn giáo hậu tôn giáo. Nhưng đọc theo cách nào, ta cũng thấy cả sự vô luân nhưng cũng hết mực tuyệt luân của con người. Ta không biết chắc rằng khi Paul lên trị vì thì có tốt hơn là Hoàng đế hay không, với cuộc Thánh chiến mà, vì vinh quang của cậu, nhất định sẽ phải nổ ra.

Lại so sánh với Harry Potter, nếu như ở Harry Potter, ta biết chắc chẳn rằng một thế giới không Chúa tể Hắc Ám và có Harry Potter là một thế giới đáng để mong chờ, thì ở đây không như vậy. Paul đã cùng lúc chiến đấu cho những điều tốt đẹp hơn nhưng đồng thời lại không thể lảng tránh những tác dụng phụ rồi sẽ từ đó nảy sinh. Nhưng, cậu có thể làm gì khác ngoài cái mà hiện tại cần, và làm mà không sợ hãi?

Bởi, hiện tại là tất cả. Bởi, “bí ẩn của cuộc sống không phải một bài toán để giải quyết, mà là một thực tại để cảm nghiệm”.□

Tác giả

(Visited 135 times, 1 visits today)