Xuất bản: 2012: Ôn cố chưa hẳn tri tân

Ngày càng nhiều “sách xưa” được lấy ra in lại. Trên kệ sách 2012, giữa một rừng sách mới muôn hồng ngàn tía, thì các sách in lại từ báo chí cũ, tái bản những cuốn sách xưa vẫn có vị trí rất riêng, đáng trọng.

Những thời vang bóng

Xưa ở đây, đáng chú ý là hai thời điểm quan trọng làm nên sự độc lập và đa dạng trong kho “văn sản” Việt Nam: những năm 1930 ở miền Bắc và trước 1975 ở Sài Gòn. Cùng với đó, là những hội thảo, tọa đàm ghi nhận lại, biện hộ cho những giá trị bị chìm khuất dưới lớp bụi thời gian và sự dập vùi của các chủ trương duy ý chí một thời. Đặc biệt đóng góp của báo Phong Hóa, Ngày Nay (1932-1940) vào phong trào văn chương Tự lực văn đoàn và trào lưu Thơ mới được nhiều hội thảo, báo chí trong nước khơi gợi lại trong những ngày tháng 9/2012 (nhân kỷ niệm 80 năm Tự lực văn đoàn).

Nhiều văn nghệ sĩ trí thức đã lật lại bối cảnh của Phong Hóa và Tự lực văn đoàn trong đời sống sinh hoạt văn hóa, ngôn luận Việt Nam từ đầu thập niên 30 của thế kỷ trước – khi mà nhiều tờ báo chịu sự bảo hộ của những tên tuổi trí thức chính thống có vai vế trong xã hội, những trí thức đó lại chịu “ngồi làm báo” dưới chiếc lọng của chính phủ bảo hộ cho người Pháp lập ra. Trong bối cảnh người Nho học suy vi, người Tây học trở nên hãnh tiến và đôi khi dĩ hòa vi quý, xa rời thực tế đất nước và sự tự trọng dân tộc khiến những nghệ sĩ khắc khoải với trách nhiệm trí thức phải bằng mọi giá, tìm kiếm và mở rộng khung trời tự do của mình, thì sự có mặt của Phong Hóa (từ số 13, do Nhất Linh Nguyễn Trường Tam làm chủ bút) như một sự “giải trung tâm” báo chí chính thống thời bấy giờ, một sự thực hành ngôn luận của những trí thức, nghệ sĩ độc lập, một dấu ấn lớn của tư nhân trong lịch sử báo chí Việt Nam.

Phong Hóa, Ngày Nay của Nhất Linh và nhóm trí thức nghệ sĩ như một diễn ngôn mạnh mẽ có tính chất thức tỉnh xã hội, không để bị dẫn dắt, chi phối bởi những nhà học phiệt khệnh khạng nhưng mang tinh thần trí thức giáo điều, cơ hội và nhiều phẩm chất “trùm mền” đối với xã hội cũng như trong sáng tạo. Chọn vũ khí là tiếng cười gần với bình dân, Phong Hóa, Ngày Nay đã khuấy động tinh thần độc lập, chủ nghĩa cá nhân trong sáng tạo và thái độ trí thức trước thời cuộc. Tờ báo chính là “ngôn luận” của nhóm Tự lực văn đoàn, với những tên tuổi: Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, Hoàng Đạo, Xuân Diệu. Không khí tự do sáng tác này cũng đã góp phần thúc đẩy phong trào thơ Mới, với 45 chân dung thi nhân độc lập khác mà sau này Hoài Thanh, Hoài Chân đã làm một cuộc tập hợp quy mô và cần thiết. Dù ai cũng biết rằng, thành tựu của thi ca thời kỳ này đâu chỉ đóng khung ở Thơ Mới và phê bình sáng giá của thời kỳ này không chỉ dừng lại ở Hoài Thanh, Hoài Chân.

Trong bài tham luận có tên Thử định vị Tự lực văn đoàn, tại một Hội thảo khoa học năm 2008, GS Nguyễn Huệ Chi có nói một ý quan trọng khẳng định vị thế sáng tạo phải đi cùng trách nhiệm xã hội: “Tự lực văn đoàn là một đoàn thể văn học hoàn toàn mang tính chất tư nhân, không ve vãn, nhân nhượng bộ máy đương quyền và không hề phát ngôn cho quyền lực dù lâm vào tình huống o ép khó xử nhất.”

Vai trò của báo chí, xuất bản tư nhân thúc đẩy sự tự do trong sáng tạo, điều này một lần nữa được nhắc lại ở Sài Gòn trước 1975. Gần đây, việc một số NXB trong nước in lại các tác phẩm sử học của Tạ Chí Đại Trường, tác phẩm văn học của Võ Phiến (dưới bút hiệu Tràng Thiên), Vũ Khắc Khoan, Phạm Công Thiện, hồi ký Phạm Cao Củng hay các sách tiểu luận triết học, tôn giáo của Nguyễn Văn Trung, nghiên cứu triết học của Lê Tôn Nghiêm, Trần Thái Đỉnh… đã cho thấy, những giá trị tinh hoa từ ngày hôm qua vẫn còn đủ sức dẫn đạo cho tinh thần sáng tạo, tư tưởng của hôm nay, sau nửa thập kỷ. 

Nói thì có vẻ ngược đời, song nhiều người khi xem lại toàn bộ báo Phong Hóa, Ngày Nay (do một nhóm các nhà nghiên cứu số hóa và đưa lên mạng) hay đọc lại tùy bút văn hóa của Võ Phiến – Tràng Thiên (Quê hương tôi, NXB Thời đại cấp phép) hay cuốn Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ năm 1771 đến 1802 (in năm 1973, từng nhận giải thưởng văn chương toàn quốc cho bộ môn sử, 1970, NXB Dân trí vừa cấp phép) hay những câu chuyện làm nghề văn chương, báo chí trong Hồi ký Phạm Cao Củng được xuất bản trong năm qua, đã phải ngậm ngùi: chúng ta đang sống ở thời tương lai nhưng lại ao ước một khí hậu sáng tạo, sinh hoạt văn hóa, học thuật và ngôn luận nào đó ở trong… thì quá khứ. Khi quá khứ đã minh chứng sống động rằng, những thời mà, ngôn luận trí thức phát triển thì sẽ kéo theo điều kiện tốt để khai phóng, kích hoạt sức sáng tạo, làm mảnh đất màu mỡ nảy sinh những tác phẩm, trào lưu văn học nghệ thuật đóng góp, giàu có cho kho tài sản văn học của đất nước.

Hiện tại có “tri tân”?

Thoạt nghe, là tín hiệu khá tốt lành: trong phiên thảo luận sáng 27/10/2012 trước khi thông qua Luật Xuất bản sửa đổi, công khai tại Quốc hội, nhiều đại biểu đã chính thức đưa lên bàn khái niệm xuất bản tư nhân. Nên hay không nên có xuất bản tư nhân trong bối cảnh thực tế vài năm qua, khối tư nhân (các công ty sách) đã tham gia rất sâu vào quy trình xuất bản sách, quyết định quan trọng, thậm chí sống còn đối với diện mạo sách trên thị trường trong khi hệ thống xuất bản nhà nước chỉ đóng vai trò kiểm duyệt, độc quyền, kinh doanh giấy phép với nhiều biểu hiện quan liêu?

Nhưng những ý kiến về việc tạo cơ chế mới, “sổ lồng” cho nền xuất bản đã gặp phải sự phản ứng của nhà xuất bản, cơ quan quản lý xuất bản. Kết quả chung cuộc lại theo chiều hướng ngược lại: 92,37% số đại biểu bỏ phiếu tán thành Luật Xuất bản sửa đổi 2012 với những quy định siết chặt hơn, tăng cường sự kiểm soát chuyên môn: cấp thẻ hành nghề cho biên tập viên ở các nhà xuất bản, nếu sai phạm trong kiểm duyệt tùy theo cấp độ có thể bị phạt hoặc bị tịch thu thẻ; tăng cường quyền lực, hiệu lực giám sát xuất bản phẩm đối với các đơn vị quản lý văn hóa; thêm điều luật quản lý xuất bản sách số…

Những người lạc quan thì lấy việc ghi nhận lại một số giá trị văn chương học thuật trong quá khứ hay vấn đề xuất bản tư nhân được công khai bàn luận làm tín hiệu hy vọng. Song, hẳn những người đọc thực thụ và tỉnh táo sẽ không tránh khỏi cái nhìn băn khoăn trước đời sống xuất bản, ngôn luận lúng túng, chỉ biết “ôn cố” mà, vì nhiều lý, đã tự giới hạn khả năng “tri tân” và thay đổi.

Một nền xuất bản với cái nhìn đầy ngưỡng mộ hướng về quá khứ thì cũng có nghĩa là nó đang bước giật lùi vào tương lai, một tương lai vẫn được hô hào là “kỷ nguyên kinh tế tri thức”.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)